Trung Cộng củng cố chế độ cai trị bằng mật vụ
Kane Zhang và Lynn Xu
Theo các nhà quan sát chính trị, trong hai năm qua, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình vẫn đang cố gắng phỏng theo hình thức cai trị theo kiểu KGB của Liên Xô [nói cách khác là cai trị bằng mật vụ]. Điều này được thể hiện qua chiến dịch thanh trừng không ngừng đối với giới lãnh đạo cao cấp thuộc Bộ Công an và Bộ An ninh Quốc gia [gọi tắt là Bộ Quốc An].
Theo thông báo của Bộ Quốc An trên Weibo, một nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc, ông Trình Lập Phong (Cheng Lifeng) – ủy viên Ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương lần thứ 20 kể từ năm 2022 – đã xuất hiện tại một hội nghị video trực tuyến hôm 18/02 với tư cách là Trưởng ban Giám sát và Kiểm tra Kỷ luật của Bộ Quốc An.
Đây là lần xuất hiện công khai đầu tiên của ông Trình Lập Phong với chức vụ mới trong bộ máy giám sát của cơ quan tình báo mật của Trung Cộng.
Thông tin công khai cho thấy ông Trình sinh tháng 04/1964 tại Vũ Hán – một thành phố trực thuộc tỉnh Hà Bắc. Từ năm 2000 đến năm 2022, ông giữ chức Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Hắc Long Giang và Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường của Đại hội Đại biểu Nhân dân lần thứ 13.
Tuy nhiên, cũng như số phận của những nhân vật quan trọng khác trong hệ thống của Trung Cộng – chẳng hạn như Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đột nhiên biến mất và bị cách chức – người tiền nhiệm của ông Trình là ông Lưu Ngạn Bình (Liu Yenping) cũng phải đối mặt với án tù chung thân.
Cựu Trưởng ban Giám sát của Bộ Quốc An
Ông Lưu Ngạn Bình – nguyên Trưởng ban Giám sát và Kiểm tra Kỷ luật thuộc Bộ Quốc An – bị điều tra vào ngày 12/03/2022. Tháng Chín cùng năm, ông Lưu bị khai trừ ra khỏi đảng và cách chức. Vào ngày 10/01/2023, ông bị kết án tử hình nhưng được tạm hoãn thi hành hai năm về tội nhận hối lộ, đồng thời bị tước quyền chính trị suốt đời và bị tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân.
Các cáo buộc chống lại ông Lưu được cho là bao gồm “tham gia vào băng nhóm chính trị của Tôn Lập Quân, tùy tiện chà đạp lên kỷ cương pháp luật, lạm dụng quyền lực của lực lượng công an, tham gia vào các hoạt động mê tín kéo dài, cũng như chống đối hoạt động điều tra.” Ông cũng bị buộc tội nhận bất hợp pháp số lượng tài sản khổng lồ lên tới hơn 234 triệu Nhân dân tệ, tương đương 32.5 triệu USD.
Người đàn ông 68 tuổi này quê quán ở Phong Nam, tỉnh Hà Bắc. Ông làm việc cho Cục Công an thành phố Bắc Kinh. Năm 2009, ông được điều về Bộ Công an, giữ chức Cục trưởng Cục Cảnh sát và An ninh, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Đảng ủy. Tháng 05/2015, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Ủy ban Kỷ luật và sau đó là Trưởng ban Kiểm tra, Giám sát Kỷ luật của Bộ Quốc An.
Theo ông Gia Cát Minh Dương – nhà văn độc lập và cộng tác viên của The Epoch Times – “Bộ Quốc An và Bộ Công an là hai cơ quan chấp pháp có vũ trang, từ lâu đã nằm trong tay bè nhóm của cựu lãnh đạo Trung Cộng Giang Trạch Dân và tay sai của ông ta là Tăng Khánh Hồng – họ cũng là những đối thủ chính trị đáng lo ngại nhất đối với vị đương kim lãnh đạo đảng.”
Ông Gia Cát cho rằng “ông Tập Cận Bình sẽ nắm chắc hai cỗ máy này để áp dụng cách cai trị theo kiểu KBG ở trong nước; do đó, Bộ Quốc An và Bộ Công an sẽ liên tục bị thanh trừng trong bối cảnh tranh đấu nội bộ gay gắt để giành lấy quyền lực nòng cốt của Trung Cộng.”
Văn phòng An ninh Quốc gia của Đại lục tại Hồng Kông
Tháng 07/2023, ông Đổng Kinh Vĩ (Dong Jingwei), cựu Thứ trưởng Bộ Quốc An, được bổ nhiệm làm Giám đốc Văn phòng Bảo vệ An ninh Quốc gia của Chính quyền Trung ương tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông [gọi tắt là Văn phòng An ninh Quốc gia Hồng Kông]. Ông Đổng đã tổ chức và điều chỉnh mạng lưới mật vụ ở Hồng Kông và Macau, một lực lượng vốn từ lâu đã nằm dưới sự điều khiển của ông Tăng Khánh Hồng.
Ông Đổng từng là Bí thư Đảng ủy Sở An ninh Nhà nước tỉnh Hà Bắc, Giám đốc Sở Chính trị, và Ủy viên Đảng ủy Bộ Quốc An.
“Việc điều ông Đổng [đến Hồng Kông] chắc chắn sẽ nâng cao vị thế của Văn phòng An ninh Quốc gia Hồng Kông trong hệ thống tình báo mật, giúp ông Tập Cận Bình thanh trừng thêm ‘những kẻ phản bội’ và ‘những kẻ kiếm tiền cửa sau’ bằng cách tận dụng vị trí địa lý đặc biệt của khu vực,” Ông Chư Cát nhận xét.
Người đứng đầu cơ quan an ninh nhà nước
Tháng 10/2022, ông Trần Văn Thanh (Chen Wenqing), cựu Bộ trưởng Bộ Quốc An, được bổ nhiệm làm bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, trên thực tế là người điều hành bộ máy an ninh nhà nước.
Vị quan chức 64 tuổi này từng làm việc trong ngành công an, an ninh quốc gia, truy tố, và kiểm tra kỷ luật. Vào tháng 09/2015, ông Trần xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên với tư cách là Bí thư Đảng ủy Bộ Quốc An, và một năm sau đó ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc An.
Theo nhà bình luận chính trị Trần Phá Không (Chen Pokong), việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Quốc An làm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, sự thay đổi chức vụ này báo hiệu cho “sự khởi đầu cách cai trị với các hoạt động gián điệp kiểu KGB của Trung Cộng.”
Bắt đầu sự nghiệp ở tỉnh Phúc Kiến, ông Trần đã đi theo ông Tập và là một trong những thành viên quan trọng trong Bang Phúc Kiến.
Hình thức cai trị bằng mật vụ của Trung Cộng
Cô Vương Hiểu Thu (Wang Xiaoqiu) – một cư dân ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam – nói với The Epoch Times rằng em trai cô từng làm việc trong hệ thống an ninh quốc gia, mà công việc của anh là theo dõi doanh nhân ngoại quốc 24 giờ một ngày. Sau đó, cơ quan này đã tuyển rất nhiều nhân viên hợp đồng để bắt bớ và đánh đập người dân dưới danh nghĩa duy trì sự ổn định.
Theo cô Vương, trong những năm qua, các chính sách dùng vũ lực của cơ quan an ninh nhà nước đã được sử dụng để trấn áp công nhân Foxconn đòi nợ lương, đàn áp những người gửi tiền ở Hà Nam khi họ phơi bày hành vi lừa đảo cho vay ngang hàng (P2P) của các ngân hàng nông thôn, những người mua nhà phản đối các nhà phát triển bất động sản không giao nhà cho họ, và trấn áp nhiều người khác.
“Cơ quan an ninh quốc gia [của Trung Quốc] gần như đã trở thành cơ quan công an.”
Cô Vương cũng tiết lộ rằng em trai cô đã dặn gia đình “không được nói bất cứ điều gì không nên nói trên điện thoại, và không đăng bình luận lên mạng vì mọi thứ đều bị giám sát.”
Cô Vương cho hay, “Việc giám sát các quan chức cao cấp thậm chí còn nghiêm ngặt hơn; toàn bộ đất nước này giờ chính là một nhà nước mật vụ; mọi người đều bị kiểm soát và ở đây không có tự do.”
Theo nhà bình luận thời sự Lý Yến Minh (Li Yanming), trong khoảng thời gian diễn ra Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 vào cuối năm 2022, ông Trần Nhất Tân – một người bạn thân tín của ông Tập – đã đảm nhận chức Bộ trưởng Bộ Quốc An, và sau đó Bộ này đã thực hiện cuộc vận động rầm rộ hiếm hoi kêu gọi toàn dân “bắt gián điệp” và đe dọa cấm tự do ngôn luận về các vấn đề tài chính và ngoại giao, “đây là đang công khai hình thức cai trị bằng mật vụ của chế độ Trung Cộng.”
Ông Lý cho rằng ý định củng cố hình thức cai trị bằng mật vụ ở trong nước của ông Tập và những tham vọng mà ông ta che giấu có thể chiêu mời hành động phản công từ các đối thủ chính trị của ông cũng như sự cảnh giác từ cộng đồng quốc tế.
“Các cuộc thanh trừng chính trị đang diễn ra cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống mạng lưới bí mật (darknet) của Trung Cộng – bao gồm các mật vụ trong và ngoài nước, chưa kể các đặc vụ an ninh nhà nước bị thanh trừng cũng có thể quay lưng lại với ông Tập và tham gia vào phong trào chống ông Tập.”
Ông Lý khẳng định, “Sự thay đổi chấn động trong hệ thống an ninh nhà nước của Trung Cộng là biểu hiện của sự leo thang các cuộc đấu đá nội bộ trong giới chóp bu của Trung Cộng, và cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy chính quyền Trung Cộng đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ.”