Trung Cộng 100 năm qua: Một thế kỷ tàn sát và lừa dối (Phần 1/3)
Lưu ý của biên tập viên: Một số câu chuyện tường thuật trong bài viết này chứa các chi tiết phản cảm và đáng lo ngại về tra tấn cùng các hình thức đối xử đê hèn khác.
Được thành lập vào tháng 07/1921, trong một thế kỷ, Trung Cộng đã gieo rắc cái chết và sự hủy diệt cho người dân Trung Quốc.
Lấy tư tưởng “đấu tranh” của chủ nghĩa Marx làm tôn chỉ hoạt động, Trung Cộng đã phát động nhiều cuộc vận động nhắm vào một danh sách dài các nhóm kẻ thù: gián điệp, địa chủ, trí thức, quan chức bất trung, sinh viên ủng hộ dân chủ, tín đồ tôn giáo và dân tộc thiểu số.
Với mỗi cuộc vận động, mục tiêu ngoài miệng của Đảng này là tạo ra một “thiên đường cộng sản ở nhân gian”. Nhưng hết lần này đến lần khác, kết quả đều như nhau: đau khổ và tử vong hàng loạt. Trong khi đó, một số quan chức Trung Cộng thuộc tầng lớp thượng lưu cùng gia đình họ đã tích lũy được quyền lực và sự giàu có đáng kinh ngạc.
Hơn 70 năm cai trị của đảng này đã dẫn đến sự thiệt mạng của hàng chục triệu người Trung Quốc cùng sự phá hủy của nền văn minh [Trung Hoa] 5,000 năm.
Trong những thập kỷ gần đây, mặc dù Trung Quốc đã tiến bộ về kinh tế, nhưng Trung Cộng vẫn giữ nguyên bản chất là một chế độ theo chủ nghĩa Marx-Lenin, ngày càng kìm kẹp đất nước Trung Quốc và thế giới. Hàng triệu tín đồ tôn giáo, người dân tộc thiểu số, và những người bất đồng chính kiến vẫn bị đàn áp dữ dội cho đến ngày nay.
Dưới đây là phần tóm lược một số sự kiện tàn ác chủ yếu mà Trung Cộng đã gây ra trong lịch sử 100 năm của nó.
Sự kiện Liên đoàn chống Bolshevik
Chưa đầy một thập kỷ sau khi thành lập đảng, Mao Trạch Đông, khi đó là người đứng đầu lãnh thổ do cộng sản kiểm soát thuộc tỉnh Giang Tây, phía đông nam Trung Quốc, đã phát động một cuộc thanh trừng chính trị đối với các đối thủ của ông ta, được biết đến với tên gọi Sự kiện Liên đoàn Chống Bolshevik. Mao cáo buộc các đối thủ vì làm việc cho Liên đoàn Chống Bolshevik, cơ quan tình báo của Quốc Dân Đảng, là đảng cầm quyền của Trung Quốc lúc bấy giờ.
Kết quả là hàng ngàn binh sĩ Hồng quân và đảng viên đã bị sát hại trong cuộc thanh trừng này.
Bắt đầu vào mùa hè năm 1930, chiến dịch kéo dài một năm này là khởi đầu cho một loạt các cuộc vận động do kẻ lãnh đạo hoang tưởng chỉ huy, ngày càng trở nên đẫm máu và bành trướng theo thời gian. Việc tàn sát hàng loạt này đã kéo dài cho đến khi Mao qua đời vào năm 1976.
Mặc dù không có hồ sơ ghi chép nào cho thấy chính xác có bao nhiêu đảng viên Trung Cộng đã bị sát hại trong chiến dịch này, nhà sử học Trung Quốc Cao Hoa (Guo Hua) đã viết trong một bài báo năm 1999 rằng trong vòng một tháng, 4,400 trong số 40,000 binh sĩ Hồng quân đã bị hành quyết, bao gồm cả hàng chục lãnh đạo quân đội. Trong vòng vài tháng, ủy ban Trung Cộng ở phía tây nam của tỉnh Giang Tây đã sát hại hơn 1,000 thành viên không thuộc quân đội của mình.
Vào cuối phong trào, ủy ban Trung Cộng ở Giang Tây báo cáo rằng 80% đến 90% quan chức Trung Cộng trong khu vực này đã bị buộc tội là gián điệp và bị xử tử.
Báo cáo cho biết, người nhà của các quan chức cao cấp này cũng đã bị bắt giữ và sát hại. Theo ông Cao, một số cực hình đã được sử dụng để tra tấn các đảng viên Trung Cộng này, gồm có đốt da, cắt ngực đối với phụ nữ và xiên tăm tre vào dưới móng tay.
Cuộc chấn chỉnh ở Diên An
Sau khi trở thành lãnh đạo của đảng, Mao đã khởi động cuộc vận động chấn chỉnh Diên An – cuộc vận động tư tưởng quần chúng đầu tiên của Trung Cộng – vào năm 1942. Từ căn cứ của Trung Cộng ở vùng núi hẻo lánh của Diên An, phía tây bắc tỉnh Thiểm Tây, Mao và những kẻ trung thành với ông ta đã sử dụng chiến thuật quen thuộc là buộc tội các đối thủ của mình là gián điệp nhằm thanh trừng các quan chức cao cấp và các đảng viên khác.
Cuối cùng, đã có khoảng 10,000 đảng viên Trung Cộng bị sát hại.
Bà Vi Quân Nghi (Wei Junyi) viết trong một cuốn sách năm 1998 rằng, trong suốt phong trào, mọi người đã bị tra tấn và buộc phải thú nhận là gián điệp.
Bà Vi – lúc đó là biên tập viên của hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã – đã viết, “Ở Diên An, mọi người đều trở thành gián điệp, từ học sinh trung học đến học sinh tiểu học. Những đứa trẻ 12 tuổi, 11 tuổi, 10 tuổi, thậm chí là một gián điệp 6 tuổi đã bị phát hiện!”
Số phận bi thảm của gia đình ông Thạch Bạc Phu (Shi Bofu), một họa sĩ địa phương, đã được kể lại trong cuốn sách của bà Vi. Năm 1942, các quan chức Trung Cộng bất ngờ cáo buộc ông Thạch là gián điệp và bắt giam ông. Đêm đó, vợ ông Thạch, không thể chịu đựng nổi bản án tử hình có thể xảy đến với chồng mình, đã quyên sinh cùng hai con nhỏ. Vài giờ sau, các quan chức tìm thấy thi thể của bà cùng những đứa trẻ và công khai tuyên bố rằng vợ ông Thạch có “lòng căm thù sâu sắc” đối với đảng và nhân dân, vì vậy chết là đáng tội.
Cải cách ruộng đất
Vào tháng 10/1949, Trung Cộng nắm được quyền kiểm soát Trung Quốc, và Mao trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của đảng này. Nhiều tháng sau, trong cuộc vận động đầu tiên của Trung Cộng, có tên là Cải cách Ruộng đất, Mao đã vận động những nông dân nghèo nhất đất nước dùng vũ lực chiếm đoạt đất đai cùng những tài sản khác của những ai bị cho là địa chủ – nhiều người trong số đó chỉ là những nông dân khá giả hơn họ một chút. Hàng triệu người đã thiệt mạng.
Vào năm 1949, Mao bị buộc tội là một nhà độc tài và đã thừa nhận điều đó.
“Thưa các ngài, các ngài nói đúng, chúng tôi chính là như thế đó,” ông ta viết, theo China File, một tạp chí do Trung tâm Bang giao Hoa Kỳ–Trung Quốc của Hiệp hội Á Châu phát hành. Theo Mao, những người cộng sản nắm quyền nên chuyên quyền độc đoán để chống lại “những con chó chạy theo chủ nghĩa đế quốc,” “giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản quan liêu,” và “những kẻ phản động cùng đồng bọn của chúng” – những người có liên hệ với phe đối lập Quốc Dân Đảng.
Dĩ nhiên, những người cộng sản này sẽ quyết định ai đủ tiêu chuẩn là “chó theo đuôi,” “kẻ phản động,” hay thậm chí là “địa chủ.”
Theo nhà sử học Frank Dikötter, người đã ghi chép tỉ mỉ về sự tàn bạo của Mao, “Nhiều nạn nhân đã bị đánh đến chết và một số thì bị bắn, nhưng trong nhiều trường hợp, đầu tiên họ sẽ bị tra tấn nhằm ép họ tiết lộ về tài sản của mình – dù là có thật hay tưởng tượng.”
Cuốn sách được xuất bản năm 2019 mang tên “Vùng Đất Đỏ Đẫm Máu” đã ghi lại câu chuyện của ông Lý Mạn (Li Man), một địa chủ sống sót đến từ Trùng Khánh, ở phía tây nam Trung Quốc. Sau khi Trung Cộng lên nắm quyền, các quan chức tuyên bố rằng gia đình ông Lý đã cất giữ 1.5 tấn vàng. Điều này là bịa đặt, vì gia đình đã phá sản nhiều năm trước đó do cha ông Lý nghiện ma túy.
Không có vàng để đưa cho Trung Cộng, ông Lý đã bị tra tấn đến suýt chết.
“Họ lột trần tôi, trói tay chân tôi vào một cây gậy. Sau đó, họ buộc một sợi dây quanh bộ phận sinh dục của tôi và buộc một tảng đá vào chân tôi,” ông Lý kể lại. Ông kể rằng sau đó họ treo sợi dây lên một cái cây. Ngay lập tức, “máu trào ra từ rốn của tôi,” ông Lý kể.
Cuối cùng ông Lý đã được một quan chức Trung Cộng cứu, người này đã đưa ông đến nhà một bác sĩ Trung y. Nhưng ngay cả khi bị thương nặng ở các cơ quan nội tạng và bộ phận sinh dục, ông Lý vẫn cho là còn chút may mắn; 10 người khác bị tra tấn cùng lúc với ông Lý đều đã tử vong. Trong vài tháng sau đó, thân nhân và họ hàng của ông Lý đã lần lượt bị tra tấn đến thiệt mạng.
Kết quả của sự tra tấn là ông Lý – lúc đó 22 tuổi – đã mất đi khả năng làm cha của mình. Trong các cuộc vận động tiếp theo của Trung Cộng, ông Lý đã bị tra tấn nhiều lần nữa, khiến ông mất đi thị lực.
(Còn tiếp)