Trí tuệ ngàn năm sử Việt – P3: GIAI THOẠI VỀ NHỮNG THẦN BINH VŨ KHÍ
Lịch sử Việt Nam đầy ắp những chiến công hiển hách cũng như những vị tướng vĩ đại lưu danh thiên cổ. Thế nhưng thông tin về những loại vũ khí nổi tiếng từng góp phần tạo nên vinh quang ấy thì lại rất rời rạc, ít người biết đến. Loạt bài này sẽ phần nào lý giải những thắc mắc đó.
Bộ giáp trụ bằng sắt của Phù Đổng Thiên Vương
Truyện Thánh Gióng đã trở thành truyền thuyết có độ phổ biến cao nhất của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Ở đây chỉ xin nhắc lại một đoạn thú vị nói về vũ khí mà Thiên Vương đã sử dụng. Sách “Lĩnh Nam chích quái” chép rằng:
“Đứa trẻ nhỏm dậy bảo sứ giả rằng: “Mau về tâu với vua rèn một ngựa sắt cao mười tám thước, một thanh kiếm sắt dài bảy thước, một roi sắt và một nón sắt. Ta cưỡi ngựa đội nón ra đánh, giặc tất phải kinh bại, vua phải lo gì nữa?”. Sứ giả mừng rỡ vội về tâu vua. Vua vừa kinh vừa mừng nói rằng: “Ta không lo nữa”. Quần thần tâu: “Một người thì làm sao mà đánh bại được giặc?”. Vua nổi giận nói: “Lời nói của Long Quân ngày trước không phải là ngoa, các quan chớ nghi ngờ gì nữa! Mau đi tìm năm mươi cân sắt luyện thành ngựa, kiếm, roi và nón”…
Kíp đến lúc quân nhà Ân tới chân núi Trâu Sơn ở Vũ Ninh, người con duỗi chân đứng dậy cao hơn mười thước (có chỗ nói là trượng), ngửa mũi hắt hơi liền hơn mười tiếng, rút kiếm thét lớn: “Ta là thiên tướng đây!” rồi đội nón cưỡi ngựa. Ngựa chồm lên, hí dài một tiếng mà phi như bay, nháy mắt đã tới trước quân vua, vỗ kiếm đi trước, quan quân đều theo sau, tiến sát đồn giặc. Quân giặc bỏ chạy, còn lại tên nào đều la bái kêu lạy thiên tướng rồi cùng đến hàng phục. Ân vương bị chết ở trong trận. Đi đến đất Sóc Sơn huyện Kim Hoa, thiên tướng cởi áo cưỡi ngựa mà lên trời, hôm đó là ngày mồng 9 tháng 4, còn để vết tích ở hòn đá trên núi”.
Bộ vũ khí này gồm có ngựa sắt, kiếm sắt, roi sắt và nón sắt, giống như một bộ giáp trụ hoàn chỉnh dành cho cả người và ngựa của các hiệp sĩ châu Âu thời Trung cổ. Rất nhiều khả năng chuyện Thánh Gióng là hoàn toàn có thật chứ không chỉ là một truyền thuyết. Sự thật lịch sử sau một thời gian quá lâu dài được truyền miệng kể lại sẽ bị lẫn tạp thêm nhiều yếu tố thêu dệt, thêm bớt. Lẽ đương nhiên, trong con mắt các nhà khoa học, chuyên gia, đó hoàn toàn là những truyền thuyết.
Tuy nhiên có một điểm lạ thường là truyền thuyết Thánh Gióng đã được lưu truyền trước thời Trung cổ Châu Âu đến hàng nghìn năm. Rất có thể đoàn kỵ binh của vua Hùng thời bấy giờ đã được trang bị vũ khí hạng nặng với giáp sắt, nón, kiếm và roi. Nếu quả vậy, điều đó cũng không có gì quá vô lý. Trong cổ sử còn chép lại chuyện tướng Cao Lỗ dưới thời An Dương Vương chế ra được Nỏ liên châu bắn nhiều phát, nhiều lần phá được quân Triệu Đà.
Nỏ thần của An Dương Vương
Nỏ Thần còn gọi là “Nỏ liên châu”, do Cao Lỗ, đại tướng dưới quyền An Dương Vương sáng chế ra. Nỏ này có tính năng cực kì ưu việt so với các loại vũ khí khác, bắn một lần ra được nhiều phát, các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn. Sử cũ đã ghi lại ấn tượng mạnh mẽ về độ sát thương của Nỏ liên châu trong chiến trận nên gọi bằng một cái tên rất hay là: “Linh Quang Thần Cơ”. Sách Lĩnh Nam chích quái chép: “Cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần”.
Cao Lỗ huấn luyện cho hàng vạn binh sĩ ngày đêm tập bắn nỏ. Vua An Dương Vương thường xem tập bắn trên “Ngự xa đài”, dấu vết này nay vẫn còn (góc đông bắc ngoài thành nội). Khi Triệu Đà cho quân xâm lược Âu Lạc, quân Triệu đã bị các tay nỏ liên châu bắn tên ra như mưa, thây chết đầy nội và phải lui binh. Đương thời, nỏ liên châu trở thành thứ vũ khí thần dũng vô địch của nước Âu Lạc.
Ngày nay khi nói đến Nỏ Thần, người ta hay nghĩ rằng đó là loại nỏ cầm tay bắn nhiều phát do một người lính sử dụng. Nhưng thiết nghĩ loại nỏ cá nhân đó dù có thể bắn nhiều phát cũng khó mà ngăn nổi bước tiến của hàng mấy chục vạn đại quân. Nhất là quân công thành còn có cả máy bắn đá, thang mây và cũng trang bị cường cung, nỏ tiễn như quân thủ thành.
Thế nên Nỏ Thần của An Dương Vương chính xác phải là loại nỏ cơ khí khổng lồ, bắn một lúc ra hàng nghìn mũi tên cỡ lớn, có thể phá hủy thang mây, người ngựa của quân địch. Nỏ ấy được đặt trên tường thành Cổ Loa. Loại nỏ này có thể xem như “súng máy” phòng thủ hạng nặng thời cổ đại.
Sau thời An Dương Vương, các triều đại Trung Quốc cũng sử dụng lại nỏ này làm vũ khí phòng thủ cho các tòa thành lớn và chống lại kỵ binh. Người đầu tiên làm ra loại nỏ này ở Trung Quốc chính là Gia Cát Lượng, điều này có ghi lại trong tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” cũng như các sử liệu chính thống khác như “Tam Quốc chí” (Trần Thọ).
Bí mật tạo ra những cỗ “súng máy” ưu việt này chính là nằm ở lẫy nỏ, làm thế nào để buông lẫy ra thì hàng ngàn mũi tên phóng ra cùng lúc. Lẫy nỏ bằng đồng mà người ta đào được ở Đông Sơn chỉ là thứ dùng cho nỏ cá nhân, không thể là lẫy của nỏ liên châu được. Lẫy nỏ chính là bộ phận cơ khí tinh xảo, đóng vai trò như trái tim của cỗ Nỏ Thần nên có thể coi nó là bí mật quân sự của Âu Lạc.
Truyện Mỵ Châu – Trọng Thủy chính là dựa trên điều này. Thứ mà Trọng Thủy đánh cắp chính là thiết kế của lẫy nỏ để đem về sản xuất, trang bị cho quân Triệu Đà. Cũng chính tay Trọng Thủy đã dùng một lượng lớn gián điệp mà ông mua chuộc được để phá hỏng một số bộ phận quan trọng của Nỏ Thần trên tường thành ngay trước khi chiến tranh xảy ra. Điều đó khiến An Dương Vương thua trận, mất nước.
Cho đến ngày nay, những khám phá của khoa khảo cổ lại càng khẳng định thêm tính chân thực của vũ khí Nỏ Thần này. Tháng 6 năm 1959, hàng vạn mũi tên đồng được phát hiện tại khu vực thành Cổ Loa. Những mũi tên này gồm rất nhiều loại dài, ngắn khác nhau, đầu hình tháp 3 cạnh sắc tạo độ sát thương lớn và phần chuôi dài có tác dụng giảm lực ma sát, giữ thế cân bằng cho đường bay ổn định, đảm bảo độ chính xác tới đích bắn.
Vào những năm 2000, ngay tại góc tây nam Đền Thượng trong khu vực thành nội Cổ Loa, nơi thờ An Dương Vương, các nhà khảo cổ tiếp tục phát hiện hệ thống lò đúc mũi tên đồng, cùng hàng trăm khuôn đúc, đúng với những mũi tên đồng Cổ Loa 3 cạnh mà đã tìm thấy trước đó.
Như vậy, chắc chắn việc đúc tên dưới thời An Dương Vương tại Cổ Loa là hoàn toàn có thật trong lịch sử. Việc chế tạo cũng hoàn toàn bí mật bởi đây là việc quân cơ tuyệt mật. Người ta còn phát hiện rất nhiều nỏ bắn bằng đồng quanh thành Cổ Loa. Mỗi nỏ có cấu tạo gồm nhiều bộ phận đúc rời: hộp cò hình chữ nhật, miệng hộp xẻ chéo các rãnh để đặt mũi tên và khấc hãm dây nỏ. Lẫy nỏ, có hình dáng gần giống móng rùa và hai thanh đồng dùng để đưa dây nỏ vào khấc hãm. Các bộ phận này được liên kết lại bằng hai cái chốt. Khi sử dụng, dây nỏ được căng lên, cài vào khấc hãm, dùng ngón tay kéo lùi lẫy nỏ để dây bật, đẩy tung những mũi tên lao tới đích.
Những bằng chứng khảo cổ trên cho thấy truyền thuyết về Nỏ Thần của An Dương Vương có cốt lõi lịch sử chân thực, đồng thời tự nó đã phá tan màn sương huyền thoại lâu nay bao phủ sự thật về thời kỳ đầu dựng nước của người Việt cổ. Hàng vạn mũi tên đồng cũng chứng minh rằng dưới thời An Dương Vương, người Việt đã có một đạo quân thường trực rất lớn, sẵn sàng tác chiến bất cứ khi nào.
Mũ Đâu Mâu vuốt Rồng của Triệu Quang Phục
Triệu Việt Vương (?-571), tên thật là Triệu Quang Phục, trị vì từ năm 548 đến năm 571. Ông kế tục Lý Nam Đế đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương, giữ nền độc lập cho nước Vạn Xuân. Sách “Lĩnh Nam chích quái” chép:
“Sau vua Hậu Lương là Tiêu Diễn sai Trần Bá Tiên đem quân xâm lược phương Nam. Lý Nam Đế sai Triệu Quang Phục làm tướng cự địch. Quang Phục đem quân nấp ở chằm [vùng đất thấp, ngập nước, bỏ hoang]. Chằm sâu mà rộng, quân địch vướng mắc, tiến binh rất khó, Quang Phục dùng thuyền độc mộc đột xuất ra đánh cướp lương thực, cầm cự lâu ngày làm cho quân giặc mệt mỏi, trong ba bốn năm không hề đối diện chiến đấu.
Bá Tiên than rằng: “Ngày xưa nơi đây là chằm một đêm bay về trời, nay lại là chằm một đêm cướp đoạt người”. Nhân gặp loạn Hầu Cảnh, vua nhà Lương bèn gọi Bá Tiên về, ủy cho tì tướng là Dương Sằn thống lĩnh sĩ tốt, Quang Phục ăn chay lập đàn ở giữa đầm, đốt hương mà cầu đảo, bỗng thấy Thần nhân cưỡi rồng bay vào trong đàn mà bảo Quang Phục rằng: “Hiển linh còn đó, ngươi có thể cầu tới cứu trợ để dẹp bằng họa loạn”.
Dứt lời, tháo vuốt rồng trao cho Quang Phục, bảo: “Đem vật này đeo lên mũ đâu mâu có thể khiến giặc bị diệt”. Đoạn bay lên trời mà đi. Quang Phục được vật đó, reo mừng vang động, xông ra đột chiến, quân Lương thua to. Chém Dương Sằn ở trước trận, giặc Lương phải lùi. Quang Phục nghe tin Nam Đế mất, bèn tự lập làm Triệu Việt Vương, xây thành ở Trâu Sơn, huyện Vũ Ninh”.
Mũ Đâu Mâu là loại mũ chiến đấu dùng trong quân đội, lần đầu tiên được sử dụng trong các trận chiến thời Chiến Quốc ở Trung Hoa. Nó đã trải qua hơn 2000 năm lịch sử. Ở Việt Nam, loại mũ này được dùng phổ biến từ thời nhà Trần, thường dùng kèm với “Quang Minh khải giáp”. Loại giáp này cũng được quân đội Lý – Trần sử dụng rất rộng rãi.
Có hai loại mũ Đâu Mâu, loại bằng thanh đồng, trước và sau đều khoét lõm có viền và đinh tán, loại thứ hai bằng sắt hình tròn có ngù hình chữ nhật đứng khum kín mặt gáy, phía trước và trán mũ. Mũ Đâu Mâu trong quân đội Đại Việt còn lưu giữ lại hình ảnh trong trang phục tượng Kim Cương chùa Đọi, Nam Hà đầu thế kỷ XIII và chùa Phật Tích, tháp Báo Thiên, hình võ sỹ cầm khiên tròn, đội mũ Đâu Mâu trên thạp gốm.
Thuận Thiên Thần kiếm của Lê Thái Tổ Lê Lợi
Kiếm được mệnh danh là vua của trăm loại binh khí có lưỡi, cũng là binh khí tùy thân của các Hoàng đế. Lúc đó nó được gọi là Thượng phương bảo kiếm hay Thiên Tử kiếm, là biểu tượng của vương quyền và hiện thân cho sức mạnh của Hoàng đế. Thanh kiếm của Lê Lợi có tên là Thuận Thiên, nghĩa là thuận theo ý Trời. Tương truyền, người nào có được thanh kiếm ấy sẽ trở thành vua được Trời chọn, mang chân mệnh Thiên tử.
Có nhiều truyền thuyết cho rằng đây chính là thanh Thần kiếm mà Đức Lạc Long Quân trao cho Lê Lợi để dẹp giặc. Chuyện kể rằng:
Vào thời nhà Minh chiếm đóng Đại Việt, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở vùng Lam Sơn, Thanh Hóa chống giặc. Buổi đầu thế lực nghĩa quân còn non yếu, trước thế mạnh và khả năng tổ chức tốt của quân đội nhà Minh, Lê Lợi nhiều lần thất bại. Thấy vậy, Đức Lạc Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm Thần để họ giết giặc. Thanh kiếm không đến thẳng với Lê Lợi mà nó được chia làm hai phần, một lưỡi kiếm và một chuôi kiếm.
Đầu tiên, ở Thanh Hóa, có một ngư dân tên là Lê Thận thả lưới đánh cá ở một bến vắng. Trong cả 3 lần kéo lưới, Thận đều nhặt được một thanh sắt nặng dù đã mấy lần vứt xuống nước. Lấy làm lạ, Thận ghé mồi lửa soi để xem xét, nhận ra là một lưỡi kiếm quý. Sau này, Lê Thận gia nhập quân khởi nghĩa Lam Sơn. Vì lòng dũng cảm của mình, Thận nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ nghĩa quân.
Một hôm, Lê Lợi cùng tùy tùng đến thăm nhà Thận. Nhà Thận vốn tối om om, bỗng lưỡi gươm hôm đó chợt sáng rực lên soi sáng cả nhà. Lấy làm lạ, Lê Lợi tiến đến gần cầm lấy xem và nhận ra có hai chữ “Thuận Thiên” (chữ Hán: 順天) khắc sâu vào trong lưỡi. Song tất cả mọi người vẫn chưa nhận ra đó là báu vật.
Một hôm khi bị quân Minh truy đuổi, Lê Lợi và các tướng chạy tháo thân mỗi người một ngả. Lúc đi qua một khu rừng, Lê Lợi bỗng thấy một ánh sáng lạ trên ngọn cây đa. Ông tò mò, liền xuống ngựa trèo lên mới thấy một chuôi gươm nạm ngọc. Chợt nhớ tới lưỡi gươm ở nhà Lê Thận, Lê Lợi liền rút lấy chuôi giắt vào lưng.
Ba ngày sau, Lê Lợi gặp lại tất cả các tùy tùng, thuộc tướng gồm cả Lê Thận. Ông lấy lưỡi ra tra thử với gươm, khi lắp lưỡi vào với chuôi thì kỳ lạ thay vừa khớp nhau. Lê Lợi kể lại câu chuyện, mọi người nghe xong đều hồ hởi vui mừng. Lê Thận hai tay nâng gươm lên ngang đầu nói với Lê Lợi: “Đây là Thần có ý phó thác cho minh công làm việc lớn. Chúng tôi nguyện đem xương da của mình theo minh công và thanh gươm Thần này để báo đền xã tắc!”.
Thanh gươm Thần với một sức mạnh lạ kỳ giúp Lê Lợi đánh tràn ra, liên tiếp giành chiến thắng, cuối cùng quét sạch quân Minh khỏi bờ cõi nước Việt. Mấy năm sau, Lê Lợi lên ngôi vua lập ra nhà Lê. Một ngày nọ, nhà vua đeo gươm Thần ngồi thuyền rồng dạo chơi trên hồ Tả Vọng, Thăng Long. Bỗng nhiên thấy thanh gươm động đậy, lại có một con rùa vàng chặn lối, nổi lên và nói:
“Bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân!”.
Nghe thế nhà vua hiểu ra, bèn thò tay rút gươm ra khỏi bao. Chỉ một lát, thanh gươm Thần tự bay về phía rùa vàng. Nhanh như cắt, rùa liền ngước đầu lên, há miệng nhận lấy thanh gươm. Cho đến khi rùa lặn xuống, người ta vẫn thấy có vệt sáng le lói dưới mặt nước hồ xanh. Khi những chiếc thuyền của bá quan tùy tùng đuổi lên kịp thuyền rồng thì vua nói với họ:
“Đức Long Quân cho chúng ta mượn thanh gươm thần để trừ giặc Minh. Nay đất nước đã thanh bình, người sai rùa lấy lại”.
Từ đó không ai thấy lại thanh gươm Thần nữa.
Truyền thuyết gươm Thần của Lê Lợi có rất nhiều điểm tương đồng với thanh kiếm Excalibur của vị vua huyền thoại Arthur. Thanh kiếm Excalibur cũng được vua Arthur ném cho tiên nữ dưới hồ nước. Cả hai truyền thuyết đều nhằm nêu lên tính chính thống và được Trời thừa nhận vương quyền của 2 vị vua.
Độc Thần kiếm của Tây Sơn Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc
Đó là thanh cổ kiếm Nguyễn Nhạc tình cờ mua được lúc đi buôn trầu trên thượng nguồn sông Côn. Nguyễn Nhạc đem về tặng cho thầy Trương Văn Hiến. Trương Công biết là một thanh kiếm báu nên đem cất thật kỹ. Khi Nguyễn Nhạc đã xây dựng xong cơ sở chiến đấu, xuống An Thái thăm thầy và vấn kế, Trương Công bèn trao lại thanh gươm để dùng cho đại sự.
Gươm dài hơn sải tay, chém sắt như chém chuối. Lưỡi gươm ra khỏi vỏ, ánh hào quang tỏa ra loá mắt. Người dân tộc vùng Tây Sơn thượng đạo theo Hỏa Thần, tin là thanh kiếm của Thần ban cho nhà vua nên gọi là kiếm Thần, gọi Nguyễn Nhạc là vua Trời.
Để làm cho lòng người thêm tin tưởng, Nguyễn Nhạc bèn bày ra một vở kịch nhỏ. Nguyên một hôm, Nguyễn Nhạc cùng bộ hạ ở An Khê về đến Hoành Sơn thì con ngựa ông cưỡi bỗng lồng lên, rồi thẳng cổ phi nước đại. Đến chân núi phía trong gò Sặt, cương ngựa bị đứt, Nguyễn Nhạc té nhào xuống đất, trật chân không đứng dậy được.
Đám tùy tùng chạy đến xoa bóp hồi lâu mới bớt. Khi đứng dậy để lên ngựa thì Nguyễn Nhạc chợt thấy chuôi kiếm ló ra nơi vách đá trên sườn núi, sai người lên xem thì là một thanh cổ kiếm, lưỡi sáng như nước. Ai nấy đều mừng là kiếm Trời ban. Vì câu chuyện bắt được kiếm của Nguyễn Nhạc nên núi này được đặt là hòn Kiếm Sơn.
Trong ngày khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc lập đàn cáo Trời Đất tại nghẹo Cây Khế nơi đèo An Khê, dưới bóng 2 cây đại thụ: Cây Ké, Cây Cầy. Khi đại quân đến gần đàn tế thì từ trên cây Ké có một con rắn bò xuống, thân lớn bằng cột nhà, sắc đen nhánh như hạt huyền, người đương thời gọi là Ô Long, nằm cuộn nơi đường đi. Quân không dám tiến. Nguyễn Nhạc bèn xuống ngựa tuốt gươm, vái Trời Đất rồi chém bay đầu rắn. Nhờ vậy gươm linh lại thêm lừng lẫy.
Định Nam đao của Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung
Đao là soái của trăm binh khí có lưỡi, to mạnh và sắc bén. Người dùng đao chính là dũng sĩ siêu quần với võ công cao cường và là linh hồn của ba quân. Sát khí xung trận của đao tạo nên huyền thoại về sự vô địch của nó trong giáp chiến tầm gần của bộ binh lẫn kỵ binh. Trong các loại đao thì đại đao hay còn gọi là Long đao (vì đầu lưỡi tạo hình rồng ngậm lưỡi đao) chính là loại binh khí rất kén người dùng. Những người dùng đao lưu danh trong sử sách toàn là tướng quân uy dũng siêu hạng.
Ví dụ như lịch sử Trung Hoa có Quan Vũ và Hạng Vũ là những danh tướng hạng nhất đều dùng đại đao. Ở Việt Nam, Quang Trung Hoàng đế và tướng Trần Quang Diệu cũng dùng đại đao. Tính trên cả thế giới, Định Nam đao là thanh đại đao tùy thân duy nhất của một nhà vua còn bảo tồn nguyên vẹn đến ngày hôm nay.
Tương truyền, trước khi làm quan, Mạc Đăng Dung có đi qua một lò rèn nọ. Người thợ rèn chính trong đó thấy qua tướng mạo ông quá đặc biệt, biết rằng sau này sẽ làm nên nghiệp lớn, nhưng không phải từ con đường học vấn mà chính nhờ nghề binh nghiệp.
Chính vì vậy, người thợ rèn nọ bèn đúc một thanh Long đao tặng Đăng Dung và nói: “Cơ nghiệp sẽ dựng nên từ đây, cây đao này chỉ dành cho người có duyên, dùng nó sẽ làm nên sự lớn“. Với thanh Long đao đặc biệt này, Mạc Đăng Dung đã đỗ Võ Trạng nguyên tại Giảng Võ Đường ở Thăng Long. Không những thế, nó còn là binh khí quan trọng luôn sát cánh với Đăng Dung trong những trận chiến lớn.
Sau này, khi nhà Mạc thất thủ kinh đô năm 1592, con cháu Mạc Đăng Dung mang theo bảo đao, lui về đất Kiến Lao, Thiên Trường (Nam Định ngày nay), đổi sang họ Phạm để ẩn thân, tránh khỏi sự truy sát của kẻ thù. Tuy vậy, thanh đao vẫn là bảo vật được thờ cúng linh thiêng.
Tuy nhiên, sau nhiều biến cố, thanh bảo đao này thất lạc vào năm 1821, mãi đến năm 1938 mới tìm lại được. Lúc đó, dù đã rỉ sét nhưng thanh đao vẫn nặng gần 25kg, dài 2,55m (cán dài 1,6m, lưỡi dài 0,95m). Ước tính, khi còn mới, nó phải nặng tới 30kg, ngang ngửa Thanh Long Yển Nguyệt Đao của Quan Vũ năm xưa.
Nhiều nhà nghiên cứu hiện nay cho rằng với cân nặng như thế thì không một ai có thể đem thanh đao ra chiến trường tác chiến được. Tuy nhiên, đó đều là những nghiên cứu dựa trên cái khung khoa học nhân thể hạn hẹp và nhận xét chủ quan. Người ta thường vin vào cớ “không đủ chứng cứ khoa học” để bài xích, bác bỏ những điều không hợp với nhận thức của mình.
Dĩ nhiên, ngay cả một thanh niên lực lưỡng ngày nay, vác thanh đao 30kg ra trận chiến đấu hẳn là điều không thể. Nhưng các tướng quân hàng đầu ngày xưa (đặc biệt là người thi đỗ Võ Trạng Nguyên như Mạc Đăng Dung) thì đều không phải luyện tập võ nghệ thông thường. Họ chính là luyện tập khí công võ thuật, đã đạt đến cảnh giới nội khí hóa kình và cách sử dụng kình lực tinh thuần đó một cách “lô hỏa thuần thanh” (lửa trong lò toàn là màu xanh, ý nói công phu đã đạt đến thượng thừa).
Kình lực là một loại sức mạnh vô hình ghê gớm không bị giới hạn trong cơ bắp. Nó là sức mạnh vô tận và ngày càng mạnh mẽ hơn thuận theo thời gian luyện tập của người luyện võ. Trong truyền thuyết còn ghi lại chuyện Hạng Vũ cử đỉnh, Lỗ Trí Thâm nhổ bật gốc liễu hay Quang Trung múa đại đao hàng mấy chục cân mà mặt không đổi sắc. Lại còn có các vị thiền sư đi bộ hàng trăm dặm mà không nghe hơi thở, ngựa phi theo cũng không kịp. Chẳng lẽ các vị ấy đều dùng sức mạnh cơ bắp đơn thuần của con người?
Nếu dùng sức cơ bắp làm việc nặng thì chỉ có thể duy trì được trong một quãng thời gian ngắn. Sau đó, toàn thân người ta sẽ đỏ bừng, thở dốc, mỏi mệt. Như vậy, làm sao kẻ sử dụng cơ bắp đơn thuần có thể chiến đấu trong một thời gian dài được? Trong khi đó, các chiến tướng trong lịch sử có lúc phải đánh nhau liên tục cả ngày không ngơi nghỉ, chưa kể còn phải khoác giáp trụ bằng thép nặng hàng chục cân trên người.
Ô Long đao của Tây Sơn Hoàng đế Quang Trung
Những Hoàng đế và các tướng lĩnh của Việt Nam và Trung Hoa xưa đều rất ưa thích đại đao. Quang Trung cũng không nằm ngoài số đó. Theo sử sách, cuộc đời binh nghiệp của nhà chỉ huy quân sự bách chiến bách thắng này luôn gắn liền với thanh Ô Long đao đầy huyền bí. Tương truyền Nguyễn Huệ là người có võ công cao cường, nhờ thân vóc cao lớn và nội lực mạnh mẽ, ông ưa dùng đao rất thiện nghệ.
Vào năm Tân Mão (1771), Nguyễn Huệ được giao trọng trách tổ chức và huấn luyện quân sự cho nghĩa binh. Hằng ngày, ông lo luyện tập cho binh sĩ các môn: côn, quyền, đao, kiếm, bắn cung, cỡi ngựa, ghép thành đội ngũ. Trong các môn võ đó, Nguyễn Huệ tinh thông sử dụng đại đao hơn cả. Sách “Võ nhân Bình Định” của Quách Tấn – Quách Giao có chép rằng, sự nghiệp của Nguyễn Huệ luôn gắn với cây Ô Long đao huyền thoại.
Cho tới nay, do không còn hiện vật nên những gì mô tả về Ô Long đao mang nặng tính truyền thuyết. Chuyện kể rằng vào một buổi sáng sớm khi Nguyễn Huệ dẫn quân đến đoạn đèo An Khê, bỗng có hai con rắn rất lớn, nước da đen tuyền (sách gọi là ô long – rắn đen như mun, to lớn như rồng) chắn ngang đường.
Nghĩa quân ùn lại, rối hàng ngũ vì không dám bước tiếp. Nguyễn Huệ đến xem sự thể, ông bước xuống ngựa chắp tay khấn: “Nếu Sơn thần, Xà thần phù trợ cho việc làm chính nghĩa của anh em nhà Tây Sơn, biết trước sự thành công thì xin Xà thần mở đường cho quân đi, còn sự nghiệp không thành, thì xin Xà thần hãy trị tội mình tôi, để nghĩa sĩ trở về với gia đình, đồng ruộng”.
Lời khấn của Nguyễn Huệ vừa xong, cả hai con rắn to kia quay đầu. Quãng sau, một con lao vào bụi rậm, lúc trở ra miệng ngậm một thanh Ô Long Đao sáng như nước, vươn cổ trao cho Nguyễn Huệ. Thanh đao có cán bằng gỗ mun đen nhánh, lưỡi đao cũng bằng một loại kim khí màu đen. Khi đao ra khỏi vỏ thì khí lạnh tỏa ra một vùng. Trọng lượng đao rất nặng, phải là một người binh lính chuyên vác đồ nặng vác mới nổi.
Trong trận Rạch Gầm, Xoài Mút năm Giáp Thìn (1785) Nguyễn Huệ đã sử dụng thanh Ô Long đao chém được hàng trăm quân tướng Xiêm. Đao loan đến đâu vũ khí và đầu người rụng đến đó. Rồi đến năm Kỷ Dậu (1789), một lần nữa thanh Ô Long đao lại góp công lớn trong chiến dịch đẩy lùi quân Mãn Thanh xâm lược ra khỏi bờ cõi.
Huỳnh Long đao của Trần Quang Diệu
Là thanh bảo đao của tướng quân Trần Quang Diệu, do sư phụ Trần Quang Diệu là võ sư Diệp Đình Tòng truyền tặng. Sở dĩ có tên Huỳnh Long là vì tại đầu con cù nơi ngậm lưỡi đao được thếp vàng. Các chiến công của Trần Quang Diệu đều do thanh Huỳnh Long đao góp phần tạo nên.
Trần Quang Diệu (1760 – 1802) là một trong thất hổ tướng của nhà Tây Sơn. Ông là người có nhiều chiến công nhất cả trong và ngoài nước từ những buổi đầu Tây Sơn khởi nghĩa đến khi mất. Thanh Huỳnh Long đao đã từng tung hoành trong trận đánh quân Xiêm tại Rạch Gầm, Xoài Mút, rồi ra uy trong cuộc chiến với quân Thanh tại miền Bắc. Thanh đao đã cùng với chủ nhân của mình chinh phạt nước Vạn Tượng, binh uy chế áp cả người Xiêm, chỉ do thời thế mà ngậm hờn cùng chủ nhân mình kết thúc đời binh nghiệp ngắn ngủi. Tiếc là thanh đao quý ấy đã không còn để hậu thế có dịp chiêm ngưỡng.
Ngân côn của tướng quân Võ Đình Tú và Thiết côn của tướng quân Đặng Xuân Phong
Côn pháp là gốc của trăm binh khí dài. Nghĩa là từ côn pháp mà người ta sáng tạo ra được cách đánh của các loại khác như thương, kích… Tuy nhiên võ tướng ra trận thì rất hiếm dùng côn làm binh khí vì khả năng sát thương không mạnh như binh khí có lưỡi. Tuy nhiên 2 vị tướng quân nổi tiếng của Tây Sơn lại dùng côn làm binh khí và đã để lại truyền thuyết khá nổi tiếng. Cây ngân côn của tướng quân Võ Đình Tú màu trắng được rèn bằng bạch thiết, rất chắc và khá nặng, phải cần đến hai người khiêng. Cây thiết côn của tướng quân Đặng Xuân Phong màu đen, cũng nặng như cây ngân côn.
Ngân côn và thiết côn chỉ lớn bằng cổ tay, dài quá đầu, song lại rất nặng. Khi lâm trận côn múa lên, ngân côn tạo thành một đạo bạch quang, thiết côn tạo nên một luồng hắc quang. Đường côn đi đến đâu, vũ khí của đối phương văng lên tứ phía, thây người ngã rạp như rạ gặp bão.
Vì danh vang khắp nơi nên đích thân nữ tướng Bùi Thị Xuân đã thêu hai lá cờ đề tặng “Ngân Côn Tướng Quân” cho Võ Đình Tú và “Thiết Côn Tướng Quân” cho Đặng Xuân Phong. Tương truyền 2 vị tướng quân này cũng từng có lần so đấu với nhau nhưng may mắn là không ai bị thương.
Tích xưa kể rằng, do Thị Lang Bộ Lễ Bùi Đắc Tuyên biết Võ Đình Tú có tài nhảy cao nên thường bảo thái tử Nguyễn Quang Toản yêu cầu ông biểu diễn võ nghệ cho xem. Có lần, Võ Đình Tú cùng Đặng Xuân Phong vào cung bệ kiến vua Quang Trung. Biết rằng đó là hai tướng giỏi đánh côn, Bùi Đắc Tuyên tìm cách mua vui cho thái tử.
Bùi Đắc Tuyên mời hai ông Võ – Đặng đến nhà riêng uống rượu cùng Nguyễn Quang Toản. Tiệc xong, thái tử đòi xem hai vị đại thần đấu côn. Đuốc được thắp sáng rực cả sân. Đặng Xuân Phong sử dụng côn đồng, Võ Đình Tú dùng côn sắt. Đường côn qua lại nhanh nhẹn, mạnh mẽ, như “rồng bay phượng múa”. Gia tướng đến xem chật cả trong lẫn ngoài. Tiếng vỗ tay vang không ngớt.
Sau cuộc đấu côn này, dư luận xôn xao, có nhiều ý kiến khác nhau. Người khen hai vị công thần tài nghệ tuyệt luân, xứng danh “Tây côn lưỡng thần công”, người chê bai hai vị đại thần không biết tự trọng. Lời thị phi đến tai vua Quang Trung. Nhà vua liền trách thái tử và hai vị đại thần Võ, Đặng, rồi cấm Bùi Đắc Tuyên không được bày các trò vui làm mất thể thống các quan đại thần như thế nữa.
Thiết Quai cung – Nguyễn Quang Huy
Cung tên là vũ khí tầm xa lợi hại nhất trong quân đội. Lịch sử còn ghi dấu những đội Thiết kỵ Mông Cổ hay Khiết Đan, Hung Nô cưỡi ngựa bắn cung, đã từng càn quét chiến trường không có địch thủ. Mặc dù cung tên không phải là thành phần chủ lực trong quân đội Đại Việt do khác biệt về khí hậu và địa hình, nhưng sử sách Việt Nam vẫn ghi nhận những chiến tướng nổi danh dùng cung.
Nguyễn Quang Huy gốc người Phú Yên, được sử sách miêu tả như một nhân vật nổi bật với khả năng tinh thông binh pháp và bản lĩnh võ nghệ cá nhân. Ông đặc biệt được vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) quý trọng và tín cẩn giao cho chức Phòng ngự sứ tại trấn Bình Thuận.
Nguyễn Quang Huy lui về Phú Yên sau khi Bình Thuận bị Nguyễn Phúc Ánh chiếm. Năm Kỷ Mùi (1799), hay tin thành Quy Nhơn bị Phúc Ánh uy hiếp, Quang Huy kéo quân ra, trong một ngày mà hạ gục 25 viên tướng của Phúc Ánh. Giữa lúc đang tả xung hữu đột, chợt thấy Phúc Ánh đứng trên thành, Nguyễn Quang Huy vẫn bình tĩnh giương cung bắn. Trúng tên ngã bất tỉnh, Phúc Ánh buộc phải rút hẳn về Gia Định.
Tương truyền, Nguyễn Quang Huy dùng cây Thiết Quai cung trong suốt đời binh nghiệp của mình. Đó là một cây cung bằng thép (thiết quai) nên nặng gấp ba bốn lần cung thường, uy lực cũng đáng sợ gấp mấy lần như thế.
Vĩ Mao cung – La Xuân Kiều
La Xuân Kiều là một văn thần với vẻ ngoài thanh tao, nho nhã và giỏi thơ phú. Dù vậy, ông lại yêu thích cưỡi ngựa bắn cung và là một xạ thủ nổi tiếng suốt thời Tây Sơn. Theo văn hóa Á Đông, binh khí phải xứng với cốt cách của chủ nhân, điều này đặc biệt đúng với trường hợp của La Xuân Kiều.
Cây Vĩ Mao cung của ông là một thanh trường cung, thanh mảnh bằng gỗ quý, dây cung bện bằng lông đuôi ngựa (vĩ mao). Khi bắn tên, dây cung phát ra âm thanh du dương trong trẻo, nhưng với tài nghệ của Xuân Kiều thì âm thanh nho nhã ấy lại chính là tiếng tử thần gọi tên những kẻ bị ông ngắm bắn.
Kỳ Nam cung – Lý Văn Bưu
Lý Văn Bưu là một trong những vị tướng có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành nhà Tây Sơn. Ông có một cây cung quý, tương truyền được chế tác cùng gỗ Kỳ Nam (một loại gỗ tương tự như trầm hương) nên được gọi là Kỳ Nam cung. Khi treo trong phòng, mùi gỗ Kỳ Nam bay ra thơm ngát khắp nhà.
Lúc chiến đấu, mùi Kỳ Nam cũng khiến ông phấn chấn tinh thần, lập nên nhiều kỳ tích giương cung bách phát bách trúng. Lúc còn đóng quân tại Ninh Thuận, Lý Văn Bưu từng dùng Kỳ Nam Cung bắn chết hổ dữ, trừ họa cho dân khắp vùng. Về sau, cây cung này cùng ông Nam chinh Bắc chiến với quân Xiêm và Mãn Thanh.
Liên Phát cung – Đặng Xuân Phong
Đặng Xuân Phong tương truyền là người có tướng kỳ tài, khí thế hùng dũng hiên ngang nhưng dung mạo trung hậu chất phác, lại có tài cưỡi ngựa. Ông dùng một cây cung bằng thép, được đặc chế để thuận tiện bắn nhiều mũi tên liên tiếp. Lúc mới dựng nhà Tây Sơn, tướng Bùi Thị Xuân đứng ở Kiên Mỹ, trông thấy Xuân Phong tay cầm côn đồng, lưng mang cung thép, cưỡi ngựa ô chạy trên triền núi gập ghềnh mà như đi trên bình địa. Lúc thấy đàn quạ bay qua, ông giương cung bắn 7 phát, 7 con quạ rơi xuống như lá rụng. Biết là người có tài, Bùi Thị Xuân bèn thăm hỏi gốc tích, mời về cùng nhà Tây Sơn lập đại sự.
Hỏa hổ và Hỏa cầu thời Tây Sơn

Hỏa hổ và Hỏa cầu không phải là vũ khí mới được tạo ra dưới thời Tây Sơn, nó đã có lịch sử trước đó từ thời Lê còn gọi là Hỏa đồng. Sách “Hổ trướng khu cơ” của Đào Duy Từ mô tả: “Hỏa đồng còn có tên là Hỏa hổ, có bầu lớn dài chừng một thước, khi lâm trận phun lửa, trong ống tống nhựa thông ra, trúng phải đâu, lập tức bốc cháy. Vì lửa cháy dữ dội, nên gọi là hỏa hổ”. Sử sách thời Nguyễn thường gọi Hỏa hổ là Hỏa phún đồng. Gặp địch, người dùng Hỏa hổ châm ngòi, cầm cán tre chĩa vào, thuốc phun và đạn sẽ phóng ra đốt cháy sát thương đối phương. Dùng xong lại có thể lấy ống đó nạp liều thuốc khác.
Hỏa cầu là loại vũ khí xuất hiện từ thế kỉ 17, được nhà quân sự Đào Duy Từ sáng chế dựa trên kĩ thuật hỏa khí phương Tây. Hỏa cầu còn có tên gọi khác là hỏa cầu lưu hoàng. Đây là một quả cầu kim loại rỗng ruột hoặc bằng giấy quết nhựa bên ngoài, có tay cầm, to cỡ quả bưởi, bên trong nhồi thuốc nổ, chất cháy, mảnh gang, sắt vụn và các quả cầu con, để gây cháy, nổ dây chuyền. Khi sử dụng thì châm ngòi nổ và ném vào đối phương. Có thể coi đây là một loại lựu đạn sơ khai có tác dụng gây cháy.
Quân Tây Sơn đã sử dụng Hỏa cầu lưu hoàng trong trận đốt cháy tàu chiến Bồ Đào Nha dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Manuel năm 1782 và trong trận tấn công đồn Ngọc Hồi năm 1789 đã làm quân Thanh khiếp vía. Theo các nhà nghiên cứu, Hỏa hổ thời Tây Sơn được cải tiến từ các Hỏa đồng (ống lửa) hạng nhỏ thời Lê sơ. Trong tay nghĩa quân Tây Sơn, nó được dùng một cách tập trung, ồ ạt, kết hợp với voi chiến và Hỏa cầu tạo thành hỏa lực giáp chiến hết sức lợi hại.
Lời kết:
Những vũ khí trong chiến trận không chỉ là dùng để chiến đấu mà thực chất nó còn là thứ dụng cụ phản ánh của cả một thời đại về văn hóa và nghệ thuật (võ thuật cũng chính là một loại nghệ thuật, nghệ thuật sử dụng vũ khí và rèn luyện thân thể). Tìm hiểu về binh khí xưa để biết và hiểu rõ hơn về văn hóa của dân tộc cũng là điều nên làm vậy.
Minh Bảo