Trí tuệ ngàn năm sử Việt – P2: Giai thoại về gương xử thế và tề gia trị quốc
HỌC TRẦN THỦ ĐỘ TỀ GIA TRỊ QUỐC

Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần (1194) năm Giáp Tý (1264), thọ 71 tuổi.Quê ở làng Lưu Xá, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng, nay là xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Trần Thủ Độ cùng với những người con ưu tú khác của họ Trần sớm tham gia lập các đội hương binh đi đánh dẹp các thế lực cát cứ khác lúc đầu nhằm khôi phục cơ nghiệp cho nhà Lý. Năm 1224, ông được nhà Lý phong làm Điện tiền chỉ huy sứ, quản lý các đạo quân bảo vệ kinh thành. Sử chép : “Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn”.
Trần Thủ Độ là người có bản lĩnh và cá tính khác thường, một nhân vật lịch sử vô cùng đặc biệt. Ông xử lý mọi việc thẳng thắn và quyết đoán theo ý chí của mình, ít chịu để cho tình cảm sai khiến cũng không quan tâm lời khen chê. Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Thủ Độ gắn liền với nghiệp đế của họ Trần. Công nghiệp cả đời ông chính là đã đưa nước nhà qua khỏi cuộc suy vong cuối triều Lý và khởi dựng nên thời đại Đông A rực rỡ những chiến công oanh liệt chống ngoại xâm và những thành tựu xây dựng đất nước.. Gắn với cuộc đời ông cũng có nhiều lời khen chê khác nhau. Tuy nhiên gác qua các lời khen chê ấy, xưa có câu: “ Thiên hạ thịnh danh vô hư sĩ” nghĩa là người nổi danh thiên hạ tất không phải là kẻ tầm thường. Giai thoại lịch sử Việt Nam còn ghi lại một số câu chuyện thú vị liên quan đến ông, cũng đem lại nhiều giá trị khiến cho chúng ta suy nghĩ trong thời đại ngày nay.
Tiếp thu ý kiến trái chiều-Khen thưởng cho người hạch tội mình
Sử chép rằng:
“Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài trí hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tôn lấy được thiên hạ đều nhờ vào mưu sức của ông cả, vì thế, ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua.
Bấy giờ có kẻ đàn hặc ông, vào gặp Thái Tông, khóc mà nói rằng : “Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ thì quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?”,
Thái Tông lập tức ra lệnh cho xe ngựa đến dinh Thủ Độ, bắt cả người đàn hặc ấy đem theo và kể hết những lời người ấy nói cho Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời rằng : “Quả có đúng như những lời hắn nói thật”. Xong, đem tiền lụa mà thưởng cho.”
Lời bàn:
Muốn “ tề gia trị quốc” ắt phải tu thân. Việc khó nhất của tu tâm chính là hướng nội nhìn vào bản thân mình khi xảy ra bất kể việc gì. Thân là Vương gia, thái sư đương triều, quyền nghiêng cả xã tắc, thói thường người ta hay bị quyền lực làm mê muội mà đi vào hủy diệt. Nhưng Thủ Độ lại không thế, ông vẫn có thể khoan dung mà nhận ra chỗ không phải của mình từ người hạch tội. Điều đó chứng tỏ một trí tuệ và nhân cách lớn xứng với địa vị của ông. Triều Trần không nhờ ông làm cột trụ thì cũng không ai có thể xứng đáng hơn.
Thượng tôn pháp luật-Quốc Mẫu cũng không được coi thường quốc pháp
Sử chép rằng:
“Linh Từ Quốc Mẫu có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, về dinh khóc kể với Thủ Độ rằng : “Mụ này làm vợ ông mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế ư ?”. Thủ Độ tức giận liền sai người đi bắt người quân hiệu kia. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc là phải chết. Đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt Linh Từ, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực mà trả lời. Thủ Độ nói: “Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì được nữa”. Nói xong, đem vàng lụa thưởng cho.”
Lời bàn:
Xưa có câu “ Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, nhưng khi đang ở đỉnh cao quyền lực thì mấy ai mà không trở nên mê muội. Thêm vào đó còn là cái tình riêng, tình vợ chồng thì càng khó qua hơn. Nên mới nói “ ôn nhu hương, anh hùng trủng” ( hương ôn nhu là mồ chôn anh hùng). Nhưng sau giây phút nóng giận vì tình riêng, ông vẫn sáng suốt nghe hết những điều người quân hiệu kia trình bày và đưa ra quyết định đúng đắn. Những gian hùng lộng quyền, những anh hùng chết bởi mỹ nhân phải chăng nên xấu hổ khi nhắc đến Thủ Độ hay chăng?
Công tư phân minh – có chức do quan hệ thì phải chặt ngón chân
Sử chép rằng:
“ Có lần Thủ Độ đi duyệt định hộ khẩu, bà Quốc Mẫu xin riêng cho một người được làm chức Câu đương, Thủ Độ gật đầu rồi ghi rõ họ tên quê quán người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, liền hỏi tên nọ ở đâu, người đó mừng rỡ chạy đến. Thủ Độ bảo hắn : “Ngươi vì có Công chúa xin cho được làm Câu đương, không thể ví như những Câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác !” Người đó van xin mãi mới tha cho. Từ đó không ai dám đến thăm Thủ Độ vì việc riêng nữa.”
Lời bàn:
Người viết xem qua nhiều chuyện sử cổ kim, đến chuyện này cũng phải vỗ bàn mà khen tuyệt dẫu rằng nó chỉ là 1 việc nhỏ thôi. Có nhỏ mới thành lớn, tề gia rồi mới trị quốc. Nhà không yên thì quốc gia sao an định được, có khi chỉ vì lỗ nhỏ mà đắm thuyền. Giải quyết việc riêng nhỏ bằng cái tâm chính trực như mặt trời của bậc quân tử nắm đại quyền, không vì tình riêng mà làm đưa ra quyết định cong lệch. Người trên chính trực, kẻ dưới tuân phục.Thế nên Đại Việt nhỏ vậy mà bẻ gãy vó ngựa Nguyên Mông cũng là từ những chuyện nhỏ này chăng?
Chính trực vì quốc gia – Anh em không thể cùng nắm đại quyền
Sử chép rằng:
“Thái Tông có lần muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm Tể tướng, Thủ Độ tâu : “An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, còn nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm Tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra sao?”. Vua bèn thôi.“
Lời bàn:
Hoàng tộc cũng chỉ là 1 gia đình lớn nên nhiều khi nhà vua sẽ vì tình riêng mà có nhiều quyết định sai về quyền lực và ảnh hưởng đến quốc gia. Thân là trụ cột triều đình, còn là hoàng thân quốc thích, nhưng Thủ Độ đã đặt quốc gia lên trên quyền lợi bản thân cũng như thể diện của anh mình mà làm điều phải làm.Than ôi, nếu những bậc nắm đại quyền cổ kim lúc cần quyết định mà đặt lợi ích quốc gia trên quyền lợi bản thân và gia tộc thì dân chúng đâu có lầm than.
Uy vũ không thể khuất phục – “Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ chớ có lo gì”.
Sử chép rằng:
“ Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống quân xâm lược Mông Cổ, Trần Thủ Độ có vai trò hết sức quan trọng. Tháng 12 năm Đinh Tỵ (tức tháng 1-1258), quân Mông Cổ, sau khi tiêu diệt nước Đại Lý (Vân Nam), đã tiến vào lưu vực sông Hồng. Thế giặc rất mạnh. Quân Đại Việt bị đánh lui, vua Thái Tông phải bỏ Thăng Long rút xuống phía nam. Vua ngự thuyền nhỏ đến thuyền em ruột là Thái úy Trần Nhật Hạo hỏi kế. Nhật Hạo lấy ngón tay chấm nước viết hai chữ ‘Nhập Tống’ ở mạn thuyền, ý khuyên vua nên chạy sang nhờ vả nước Tống. Vua bèn rời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ, Trần Thủ Độ trả lời:
– Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ chớ có lo gì !”
. Ngày 24 tháng 12 năm đó, Trần Thái Tông tiến quân đến Đông Bộ Đầu, đánh bại quân Mông Cổ, khiến họ phải triệt thoái về Bắc.
Lời bàn:
Người xưa có câu: “ Gió lớn mới biết cỏ cứng, nguy nan mới biết trung thần”. Vì sao Thủ Độ lại có dũng khí lớn đến như vậy dù cả quốc gia đang trong cơn nguy nan nhất? Bởi vì ông là một người chính trực, quyền lực ông có cũng chỉ là vì quốc gia mà gánh vác, tâm trong sáng của ông lẽ nào lại có thể bị động cho dù đó là vó ngựa Nguyên Mông. Người Mông Cổ tham tàn vì tài vì lợi mà đến, sao chống nổi một triều đình chính trực từ trên xuống dưới với những cột trụ vững chắc như ông.
Kết luận:
“Hải nạp bách xuyên,hữu dung nãi đại.
Bích lập thiên nhận, vô dục tắc cương”
Biển nhận trăm sông, vì bao dung mà to lớn.
Núi cao nghìn trượng, do không có dục vọng nên cứng cỏi.
Phàm là bậc nắm đại quyền của thiên hạ, hiếm ai có thể không bị mê mờ vì dục vọng của mình đối với quyền lực, tiền tài và mỹ nữ. Điều này đã hủy bao nhiêu anh hùng thiên hạ và làm công nghiệp cả đời không còn toàn vẹn.
Chỉ có một tấm lòng rộng lớn, tâm trong sáng vì thiên hạ thì khi nắm quyền mới có thể trọn vẹn cho đến lúc mất, Thủ Độ quả xứng là một bậc đại nhân số 1 của nước Nam vậy.
“Công đáo vu kim, bất đán Trần gia nhị bách tải.
Luận định thiên cổ, kỳ tại Nam thiên đệ nhất lưu.”
(Công đức đến ngày nay, không chỉ trong hai trăm năm nhà Trần.
Nghìn năm luận định,ngài đáng là bậc thứ nhất dưới trời Nam).
HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG
Sau khi bị đánh bại nhục nhã vào năm 1258, qua suốt 27 năm đe dọa đủ phương diện vẫn không khuất phục được nhà Trần, cuối cùng Hốt Tất Liệt cũng quyết định cử con trai là Trấn Nam Vương – Thoát Hoan cầm theo 50 vạn quân phối hợp cùng với đạo quân đánh Chiêm Thành của Toa Đô sang xâm lược nước ta…
Nhà Tống lúc này đã diệt vong, xứ sở Đại Việt nhỏ bé như rung lên với đạo quân xâm lược hùng mạnh và khét tiếng nhất trong lịch sử – quân đội Nguyên Mông. Triều đình nhà Trần ngoài việc triệu tập hội nghị Bình Than để quyết định phương lược chiến đấu thì còn mở ra một cuộc hội nghị khác với tinh thần dân chủ vô tiền khoáng hậu thời trung cổ – vào tháng chạp năm Giáp Thân 1285 – sử gọi là hội nghị Diên Hồng.
Lần đầu tiên trong đời, các bô lão khắp cả nước được Hoàng đế ban yến và hỏi kế sách chống giặc nên tất cả đều phấn chấn và vô cùng tự hào. Mặc cho tuổi tác đã cao, nhưng ý chí của các cụ vẫn hừng hực cháy bỏng, lòng quyết tâm sáng rực sử sách đến nhiều đời sau.
“Đại Việt sử kí toàn thư” chép :
“Tháng 12, Trần Phủ từ Nguyên trở về, tâu rằng vua Nguyên sai bọn thái tử Trấn Nam Vương Thoát Hoan, Bình Chương A Lạt và A Lý Hải Nha đem quân lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành, chia đường vào cướp nước ta.
Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói “đánh”, muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng.
Sử thần Ngô Sĩ Liên viết : “Giặc Hồ vào cướp là nạn lớn của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn, há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi ban yến rồi hỏi kế sách ở các bô lão hay sao? Ấy bởi Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân và cũng để dân nghe lời dụ hỏi mà cảm kích rồi hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa của cổ nhân, kính dưỡng người già để xin lời hay vậy”.
Lời bàn:
Cổ nhân có câu: “Làm lật thuyền mới thấy sức mạnh của dân như nước”. Công tích của nhà Trần sở dĩ được toàn vẹn và lẫy lừng là vì họ đã tạo được một hậu cứ vô cùng vững chắc và luôn ở thế bất bại, đó là sự thống nhất lòng dân. Nên quân giặc dù hung bạo đến đâu mà đụng đến một dân tộc đồng tâm thì đều không thể thắng, vì đồng tâm là “chính tâm”, mà chính thì đương nhiên sẽ thắng tà.
Vậy nên một bậc đế vương “cao cao tại thượng” như Thánh Tông mới trang trọng ban yến mà hỏi ý kiến nhân dân, vì ông hiểu được sức mạnh của “chính nghĩa” và luôn tôn trọng nó. Sự tôn kính thật tâm đó đã đem đến cho ông và triều đình những vinh quang sáng chói nhất. Còn những kẻ ngạo mạn ỷ quyền, coi thường dân chủ, đàn áp nhân dân ắt sẽ không có tiền đồ xán lạn, họ sớm muộn gì cũng bị chìm lấp dưới bánh xe lịch sử mà thôi.
CÁCH CHẾ PHỤC NGƯỜI CỦA TRẦN NHÂN TÔNG
Trần Nhân Tông (1278 – 1293) là một vị hoàng đế vĩ đại của nhà Trần đã hai lần đánh bại quân Nguyên Mông. Ông còn là vị Tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, bản thân cũng đắc Đạo xưng là Điều Ngự Giác Hoàng.
Trần Nhân Tông đã để lại sự kính ngưỡng sâu sắc cho đời sau không chỉ bằng tài năng quân sự chính trị mà còn ở cách xử thế đầy bao dung của mình.
“Đại Việt sử kí toàn thư” chép :
“Trước kia, người Nguyên vào cướp, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua, bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng và Vua sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc, chỉ có kẻ nào đầu hàng từ trước thì dẫu bản thân ở triều đình giặc cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản sung công, tước bỏ quốc tính”.
Lời bàn:
Cổ ngữ có câu: “Trừng phạt là bản tính nhân loại, tha thứ là bản tính của Thượng đế”.
Con người thiếu lòng bao dung với nhau nên chỉ nghĩ đến trừng phạt khi xảy ra tội lỗi. Nhưng trừng phạt càng nhiều thì lỗi phạm càng tinh vi không bao giờ hết được. Nên chăng mở rộng lòng khoan dung, cho người thêm cơ hội thì sẽ cải hóa được nhân tâm?
Có lẽ Nhân Tông là bậc tu hành đắc Đạo nên có được lòng bao dung đó, khiến cho phép nước được giữ nghiêm và nội bộ triều chính không nghi kỵ lẫn nhau để cùng đồng tâm xây dựng quốc gia ngày một hưng thịnh sau chiến tranh, xem ra khoan dung độ lượng quả thật là biện pháp chế phục nhân tâm hiệu quả nhất vậy.
LÝ THÁNH TÔNG LẤY ĐỨC TRỊ QUỐC
Lý Thánh Tông (1054 – 1072) là vị minh quân thứ ba của nhà Lý, tên húy là Nhật Tôn, con trưởng của Thái Tông, mẹ là Kim Thiên Thái hậu họ Mai…
Ông là người văn võ kiêm toàn, anh minh đức độ, dưới thời đại của Lý Thánh Tông đất nước hùng mạnh, mở mang lãnh thổ, xây dựng Văn Miếu, xiển dương Phật Pháp. Ông còn là một vị vua nổi danh nhân hậu và đức độ, tấm lòng thương dân của Lý Thánh Tông đến nay vẫn còn được sử sách lưu truyền.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép:
“Ất Mùi, Long Thụy Thái Bình năm thứ 2 [1055], mùa đông, tháng 10, đại hàn, vua bảo các quan tả hữu rằng: “Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa”.
Sách Đại Việt sử lược (khuyết danh) còn ghi một câu mà Toàn thư có lẽ chép thiếu trong câu chuyện trên:
“Năm nay – năm Ất Mùi, trong cõi được miễn tiền thuế một nửa”. Giáp Thìn, [Chương Thánh Gia Khánh] năm thứ 6 [1064] Mùa hạ, tháng 4, vua ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện. Khi ấy công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa, bảo ngục lại rằng: “Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót, từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm”.
Canh Tuất, Thần Vũ năm thứ 2 [1070] Mùa hạ, tháng 4 đại hạn, phát thóc, và tiền lụa trong kho để chẩn cấp cho dân nghèo”.
(Theo: Đại Việt sử ký toàn thư)
Lời bàn:
Lý Thánh Tông thấm nhuần lòng từ bi của nhà Phật nên lấy đức nhân làm gốc để gây dựng triều đại của mình, lại dùng “vương đạo trị quốc” nên quân đội Đại Việt tung hoành vô địch, khắp cõi văn vật thịnh trị là điều tất nhiên. Thêm vào đó, các hoàng đế triều Lý trị vì cũng thi hành nhân nghĩa giáo hóa mà rất ít giết chóc nên 800 năm sau khi vong quốc con cháu vẫn còn khói hương thịnh vượng cho đến mãi ngày nay. Cổ nhân có câu “nhân giả vô địch” (người nhân thì không có kẻ địch) thật chí lý lắm thay.
Sử thần Ngô Sĩ Liên đã nhận xét rất xác đáng về vua Lý Thánh Tông như sau:
“Xót thương vì hình ngục, nhân từ với nhân dân, là việc đầu tiên của vương chính. Thánh Tông lo tù nhân trong ngục hoặc có kẻ vô tội mà chết vì đói rét, cấp cho chiếu chăn, ăn uống để nuôi sống, lo quan lại giữ việc hình ngục hoặc có kẻ vì nhà nghèo mà nhận tiền đút lót, cấp thêm cho tiền bổng và thức ăn để nhà được giàu đủ. Lo dân thiếu ăn thì xuống chiếu khuyến nông, gặp năm đại hạn thì ban lệnh chẩn cấp người nghèo, trước sau một lòng, đều là thành thực. Huống chi lại tôn sùng đạo học, định rõ chế độ, văn sự thi hành mau chóng bên trong; phía nam bình Chiêm; phía bắc đánh Tống, uy vũ biểu dương hiển hách bên ngoài. Tuy có việc lầm lỗi nhỏ khác cũng vẫn là bậc vua hiền”.
LÝ THÁI TÔNG BÀI TRỪ TÂM LÝ SÍNH NGOẠI
Ăn Tết phải dư dả là một quan niệm chủ yếu của người Việt. Vì thế Tết cũng là một mùa tiêu dùng chủ yếu của dân ta. Những năm gần đây phong tục này càng lên ngôi cùng với tâm lý ưa dùng hàng ngoại và sự tiêu xài thoải mái. Mùa Tết đã làm giàu cho rất nhiều tập đoàn nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam. Điều thú vị là thói ưa dùng hàng ngoại này không mới mà đã có từ hàng nghìn năm qua. Trong lịch sử vẫn còn ghi lại một giai thoại khá thú vị về việc vua Lý Thái Tông làm gương để trị cái bệnh thích dùng đồ ngoại quốc này như sau.
Sử chép:
“Canh Thìn, [Càn Phù Hữu Đạo] năm thứ 2 [1040] Vua đã dạy được cung nữ dệt gấm vóc. Tháng ấy, (Vua) xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho để ban cho các quan. (Các quan) từ ngũ phẩm trở lên thì được ban áo bằng gấm, từ cửu phẩm trở lên thì được ban áo bằng vóc. (Nhà vua) làm vậy để tỏ ý là Vua sẽ không dùng gấm vóc của nước Tống nữa”.
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói :
“Việc làm này của Vua, trong cái tốt lại còn có cái tốt nữa. [Vua] không quý vật lạ, muốn tỏ ra hậu đãi với kẻ dưới”.
Lời bàn :
Xưa có câu:
“Người thất bại tất do an nhàn.
Nhà bại vong ắt do xa xỉ”…
Thói quen tiêu dùng hàng ngoại dù không phải thói quen xấu, nhưng nó cũng thể hiện tâm lý hưởng thụ và phân biệt đối xử. Khi đã có tâm lý hưởng thụ và phân biệt thì người ta sẽ không thích chịu đựng gian khổ và hay có thành kiến, như thế thì sao có thể làm nên những thành tựu lớn lao hơn? Vua Lý Thái Tông không dùng hàng ngoại nhập không phải vì hàng ngoại không tốt mà ngài muốn làm gương cho thần tử, muốn họ bỏ đi cái tâm lý hưởng thụ kia mà làm tốt chức trách của mình vậy. Nước Đại Việt thời Lý hùng cường chẳng phải do nhờ việc tiêu dùng hàng ngoại, chẳng qua là bậc quân trưởng biết lấy thân mình làm gương và sĩ phu nhân dân cần kiệm siêng năng mà thôi.
LÝ THÁI TÔNG VÀ SỰ THÔ BỈ CỦA THÓI HÁO DANH
Quan niệm Chính danh của Nho gia nhằm đem lại cho xã hội sự hòa hợp giữa các giai tầng địa vị, mỗi một cá nhân đều vì tính “Chính danh” của mình mà cư xử đúng mực, đúng lễ nghi và trách nhiệm. Tuy nhiên qua thời gian dài, thuyết Chính danh lại bị tha hóa và trở thành một tệ nạn, trở thành thói háo danh, sĩ diện, gây ra nhiều hệ lụy cho sự phát triển của cá nhân và cả xã hội.
Trong lịch sử, ngay tại triều đại thịnh trị nhất, vị vua anh minh nhất mà thói háo danh đã bắt đầu xuất hiện và trở thành một câu chuyện đáng chê cười gần nghìn năm qua.
Sử cũ có chép:
“Kỷ Mão, [Thông Thụy] năm thứ 6 – 1039, (Từ tháng 6 về sau là niên hiệu Càn Phù Hữu Đạo
năm thứ 1; Tống Bảo Nguyên năm thứ 2).
Tháng 2, vua tự làm tướng đi đánh Tồn Phúc, cho Khai Hoàng Vương [Nhật Tôn] làm Giám quốc. Quân đi từ Kinh sư, qua bến Lãnh Kinh, có cá trắng nhảy vào thuyền. Đến châu Quảng Nguyên, Tồn Phúc nghe tin đem cả bộ lạc vợ con trốn vào chằm núi. Vua cho quân đuổi theo bắt được Tồn Phúc và bọn Trí Thông, thảy có 5 người. Chỉ có vợ là A Nùng, con là Trí Cao chạy thoát. Đóng cũi bọn Tồn Phúc đem về Kinh sư, sai quân san phẳng thành hào, chiêu dụ tộc loại còn sống sót, vỗ về yên ủi rồi đem quân về.
Tháng 3, vua từ Quảng Nguyên về Kinh sư, xuống chiếu rằng: “Trẫm từ khi có thiên hạ đến giờ, đối với tướng văn tướng võ cùng các bề tôi không thiếu đại tiết, phương xa cõi lánh, không đâu không đến xưng thần, mà họ Nùng nối đời giữ bờ cõi vẫn thường cúng nộp đồ cống. Nay Tồn Phúc càn rỡ tự tôn, cả tiếm vị hiệu, ra mệnh lệnh, tụ họp quân ong bọ, làm hại dân chúng biên thùy. Trẫm vâng mệnh trời đi đánh, bắt được bọn Tồn Phúc 5 tên, đều chém ở chợ kinh đô”.
Mùa hạ, tháng 4, con vua Chiêm Thành là Địa Bà Lạt [cùng bọn] Lạc Thuẫn, Sạ Đâu, La Kế, A Thát Lạt 5 người sang quy phục [nước ta].
Tháng 5, động Vũ Kiến thuộc châu Quảng Nguyên dâng một khối vàng sống nặng 112 lạng.
Huyện Liên, châu Lộng Thạch, châu Định Biên tâu rằng trong bản xứ có hố bạc.
Tháng 6, bầy tôi xin đổi niên hiệu là Càn Phù Hữu Đạo và xin tăng tôn hiệu thêm 8 chữ là: “Kim Dũng Ngân Sinh, Nùng Bình Phiên Phục”.
Vua nói: “Thời Đường Ngu chỉ vạch hình mà người không dám phạm, không đánh mà khuất phục được binh của người, giũ áo khoanh tay mà thiên hạ đại trị, cho nên các sao không đi trái, sấm mưa không thất thường, chim muông đến múa, phượng hoàng lại chầu, bốn di theo về, trăm man hướng hóa, không hiểu làm sao mà được đến như thế! Trẫm là người ít đức, đứng đầu thần dân, dậy sớm thức khuya, lúc nào cũng lo sợ như lội vực sâu, chưa biết lấy đạo gì để thấu trời đất, lấy đức gì để kịp Nghiêu Thuấn. Vừa rồi, giặc Nùng dẹp yên, Chiêm Thành quy phục. Động sinh vàng ròng, đất trồi bạc trắng, ý chừng có điều gì mà được thế chăng? Hay sắp xảy ra việc gì để cảnh cáo chăng? Trẫm rất lo sợ, sao đáng để tôn sùng tên đẹp hiệu vinh. Lời bàn của các khanh nên đình bãi”. Bầy tôi cố nài vua mới chịu nhận”.
(Theo: Đại Việt sử ký toàn thư).
Lời bàn:
Nhận xét về việc này, sử gia Lê Văn Hưu đã ghi lại vô cùng xác đáng:
“Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Văn Vương, Vũ Vương đều lấy một chữ làm hiệu, chưa từng thấy có tăng thêm tôn hiệu bao giờ. Đế vương thời sau thích khoe khoang mới có tôn hiệu đến vài chục chữ. Nhưng chỉ lấy công đức mà xưng tụng, chưa bao giờ lấy đồ vật và tên man di xen chắp vào. Thái Tông chịu nhận cho bầy tôi dâng tám chữ “Kim Dũng Ngân Sinh, Nùng Bình Phiên Phục” làm hiệu thì việc khoe khoang lại thô bỉ nữa. Thái Tông không có học nên không biết, nhưng bọn Nho thần dâng lên những chữ ấy để nịnh hót vua thì không thể bảo là không có tội”.
Lý Thái Tông anh minh một đời, vậy mà vì cái danh hão mà lưu tiếng xấu nghìn năm, thật chẳng đáng vậy. Ông không biết rằng người dân Nam nghìn năm sau ai cũng chỉ nhớ đến thời Thái Tông với các công tích văn trị võ công nổi tiếng, mấy ai nhớ đến các tôn hiệu nịnh bợ mà bọn bồi thần “thô bỉ” kia dâng lên cho vua đâu, quả đáng cười thay.
TRẦN NHẬT DUẬT ĐỐI NHÂN XỬ THẾ
Sử cũ có ghi chép về những tấm gương xử thế ôn hòa, biết trọng hòa khí. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chính là một trong những tấm gương như thế. Ông chẳng những là người cả đời giữ hòa khí mà còn giữ được hòa khí cho cả hoàng gia của triều đại vinh quang nhất – nhà Trần…
Ngày Tết là ngày vui vẻ nhất trong năm, vậy nên người ta thường có quan niệm rằng: mọi điều không hay trong năm cũ đều nên bỏ qua để cho một năm mới khởi đầu thuận lợi tốt đẹp. Vì thế mà những chuyện gây gổ hay bất hòa trong ngày Tết đối với người Việt Nam là rất cấm kỵ.
Nhưng không phải chỉ riêng ngày Tết, nếu như có ai trong chúng ta luôn giữ cho trong nhà hòa khí cả năm thì ắt hẳn sẽ là một năm vô cùng an vui và thịnh vượng. Sử cũ cũng có ghi chép về những tấm gương xử thế ôn hòa, biết trọng hòa khí. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chính là một trong những tấm gương như thế. Ông chẳng những là người cả đời giữ hòa khí mà còn giữ được hòa khí cho cả hoàng gia của triều đại vinh quang nhất – nhà Trần. Sử chép:
“Ông là người hòa nhã, độ lượng, mừng giận không lộ ra sắc mặt, trong nhà không bao giờ chứa roi vọt để đánh nô lệ. Nếu có đánh thì cũng kể tội lỗi, sau rồi mới đánh.
Có lần ông sai gia đồng giữ thuyền, tên này bị gia đồng của Quốc phụ đánh, có người đến mách. Nhật Duật hỏi:
“Có chết không?”.
Người đó trả lời:
“Chỉ bị thương thôi”.
Ông nói: “Không chết thì thôi, mách làm gì!”.
Lại có người kiện gia tùy của ông với Quốc phụ. Quốc phụ sai gia đồng tới bắt. Người gia tùy chạy vào trong phủ, người gia phủ chạy đến nhà giữa, bắt trói ầm ỹ. Phu nhân khóc lóc nói với ông :
“Ân chúa là tể tướng, Bình chương cũng là tể tướng, vì ân chúa nhân từ, nhu nhược nên người ta mới coi khinh đến nước này”.
Nhật Duật vẫn ung dung không nói, chậm rãi sai người bảo kẻ gia tỳ rằng:
“Mày cứ ra đi, ở đâu cũng đều có phép nước”.
Ông lại thiệp liệp sử sách, rất hâm mộ huyền giáo, thông hiểu xung điển, nổi tiếng đương thời là người uyên bác. Hồi Thượng hoàng còn nhỏ, bị ốm, từng sai ông làm phù phép trấn áp cho yên. Ông mặc áo lông đội mũ, trông như đạo sĩ.
Vợ ông là Trinh Túc phu nhân từng có việc xin riêng với ông, ông gật đầu. Đến khi ra phủ, người thư ký đem việc ấy trình lên ông, ông lại không cho.
Ông là bậc thân vương tôn quý, làm quan trải bốn triều, ba lần coi giữ trấn lớn, trong nhà không ngày nào không mở cuộc hát xướng, làm trò, mà không ai cho là say đắm. So với Quách Tử Nghi tột cùng xa xỉ mà không ai chê, ông cũng gần được như thế”…
(Trích: Đại Việt sử ký toàn thư).
Lời bàn:
Minh Bảo