Trí tuệ của Tự nhiên
“Trong rừng sâu, tôi mất đi lý trí nhưng tìm thấy tâm hồn của mình.” — John Muir
Ôi, thiên nhiên. Khi tinh thần được an ủi và tâm hồn được bảo ban.
Thiên nhiên nuôi dưỡng thơ ca và văn học, khơi nguồn cho kho tàng của những tác phẩm nghệ thuật, làm rung động tâm hồn người nhạc sĩ để rồi tạo nên những tác phẩm lay động nhân tâm.
Như nhà soạn nhạc Beethoven, người dành tình yêu cho yêu cho thiên nhiên khi còn trẻ tuổi, ông từng tận hưởng sự vui thú khi đi dạo dọc theo dòng Rhine cùng cha mình. Dù mất mẹ khi tuổi còn nhỏ, dù cha nghiện rượu, và bản thân ông bắt đầu mất thính giác ở tuổi 28, nhưng Beethoven đã sáng tác những bản nhạc hay nhất mà thế giới từng biết – với thiên nhiên là nguồn cảm hứng bất tận. Mẹ thiên nhiên nói, và Beethoven lắng nghe, chuyển tải những gì ông nghe thành giai điệu.
Ông từng nói rằng, “Không ai có thể yêu thiên nhiên nhiều như tôi. Vì rừng, cây cối, và đá tạo ra tiếng vọng mà chắc chắn bất kỳ ai cũng muốn nghe.”
Thiên nhiên nuôi dưỡng tâm hồn ta, cho ta cảm hứng, khiến ta ước mơ, mỗi khi có một vì sao băng qua, chúng ta lại có thêm những điều ước.
Như Haruki Murakami đã nói, “Không chỉ đẹp, mà những ngôi sao còn giống như cây cỏ trong rừng – chúng tràn đầy sức sống, như có từng nhịp thở. Và những ngôi sao ấy đang dõi theo tôi.”
Nhưng khi cuồng nộ, thiên nhiên có thể biến nhân loại trở nên tầm thường, đến nỗi loài người phải thảng thốt và cúi mình trong sự kiêng dè. Bất kể những tiến bộ về mặt công nghệ, sự hiểu biết của khoa học hiện đại về thiên nhiên là vô cùng nhỏ nhoi – sự phức tạp trùng điệp đan xen của thiên nhiên nằm ngoài dự liệu và tầm kiểm soát của con người chúng ta.
Vẻ đẹp và sức mạnh của Mẹ thiên nhiên cũng chứa đựng những bài học quý giá.
Tùy kỳ tự nhiên
Thiên nhiên có nhịp điệu, có thăng có trầm, và dòng chảy đặc trưng riêng. Những thứ đáng phải xảy ra sẽ đến vào đúng thời khắc. Thiên nhiên luôn ở trạng thái tương sinh tương hỗ, mỗi một tế bào, mỗi một phân tử đều mang theo một vai trò của chính nó.
Như Blaise Pascal đã nói, “Thay đổi dù nhỏ nhất cũng sẽ ảnh hưởng đến sự tự nhiên. Vì thế, toàn bộ đại dương to lớn có thể bị ảnh hưởng bởi một hòn sỏi nhỏ nhoi.”
Mẹ thiên nhiên vận hành trên mọi cấp độ và thứ bậc; mỗi yếu tố tác động đến yếu tố tiếp theo. Và nếu một mắt xích không thực hiện được vai trò của nó, thì toàn bộ chỉnh thể sẽ bị ảnh hưởng.
Thiên nhiên không phản kháng, cũng không tìm lối tắt. Nó đơn thuần và không cần nhọc sức; nó tồn tại ở trạng thái bao dung và hài hòa với vũ trụ. Điều đó có thể được tìm thấy khắp mọi nơi, từ sự di cư theo mùa của các loài chim, đến những con suối róc rách uốn khúc quanh men theo những con đường được định sẵn.
Cuộc sống của chúng ta cũng có một con đường được định sẵn. Khi chúng ta phàn nàn, khi chúng ta mong chờ hoàn cảnh thay đổi, và khi ta tranh đấu để đạt một mục đích cá nhân nào đó, chúng ta có thể đang bỏ lỡ con đường thuận lợi hơn mà tự nhiên đã ưu ái ban tặng cho chúng ta. Khi không chấp nhận đời sống của hiện tại nghĩa là ta đã tách rời bản thân mình với sự thật. Mà bước đầu tiên trong kế hoạch để có một cuộc sống phồn vinh là học cách chấp nhận sự thật.
Tất nhiên, có những lúc cuộc sống quá chật vật. Và cũng giống như mẹ gấu dám thách thức bất kỳ mối đe dọa nào đối với những chú gấu con, có những lúc chúng ta phải ra sức chống chọi trước những đòn đánh chí mạng. Và cũng như thời tiết có những lúc quá nóng và khô hanh, có những lúc chúng ta sẽ đau khổ và phải nhẫn chịu. Nhưng nếu chúng ta thấy mình luôn trong trạng thái bực bội, đó là lúc chúng ta vô tình tìm kiếm sự xung đột thay vì hòa giải.
Thật vậy, vật bị ta tác động sẽ tác động ngược lại chúng ta. Nhìn từ bên ngoài, có vẻ như chúng ta đang xung khắc với thế giới bên ngoài nhưng thực ra ta lại xung đột với thế giới bên trong của chính mình.
Khi hiểu rằng những giông bão của cuộc đời có thể giúp ta trưởng thành, thì nỗi sợ hãi, sự phản kháng nội tâm, cũng như sự mong muốn được kiểm soát của chúng ta có thể sẽ chuyển hóa thành tín tâm, lòng tin, và sự buông bỏ. Tâm hồn của chúng ta có thể trở nên nhẹ nhõm hơn, và chúng ta có thể học cách chấp nhận và biết ơn.
Thay đổi là một phần của cuộc sống
Thay đổi là điều tất yếu và không thể tránh khỏi. Đó là điều bất biến trong tự nhiên và tồn tại khắp mọi nơi: như hết ngày lại đến đêm, hết hè lại sang mùa thu, và khi mây tan là lúc mặt trời rọi chiếu.
Giống như sâu róm hóa thành bươm bướm và nước hóa thể hơi hoặc đóng thành băng, chúng ta cũng vậy, không ngừng thay đổi, từ thủa sơ sinh đến tuổi trưởng thành, và mãi thay đổi cho đến khi về già.
Lão Tử nói: “Nếu bạn nhận ra rằng vạn vật đều thay đổi, thì không có thứ gì bạn cần phải cố gắng níu giữ. Nếu bạn không sợ chết, chẳng có gì ngăn bạn thành công.”
Lão Tử đã chỉ ra, sợ hãi trước sự thay đổi có thể cản bước chúng ta. Thay vì sợ hãi và chán ghét sự thay đổi, nếu ta hãy đối diện với nó bằng niềm hứng khởi như thể nó là thứ ta có thể tiên liệu, và khi đó sự thay đổi sẽ ban cho ta đời sống của thực tại.
Bởi vì vạn vật biến hóa khôn lường, cho nên đừng phí hoài sức lực để phản kháng. Chấp nhặt vào những điều giả tạm là chính là u mê. Vì không có gì không thay đổi và không có gì có thể trường tồn vĩnh cửu – cho dù đó là một ngôi nhà, cho dù là những vì tinh tú, hay bản thân chính chúng ta.
Chỉ bằng cách buông bỏ và thuận theo thay đổi, chúng ta mới có thể tự do học hỏi và phát triển. Sự bám víu khiến chúng ta khổ đau, và sự ràng buộc như xiềng xích ngăn cản ta thăng hoa. Mặc dù ta không thể tiên liệu những thứ quá xa xôi, nhưng tôi chắc chắn, nếu có thể buông bỏ dính mắc, ta sẽ được ban cho những thứ tốt đẹp hơn.
Như Trang Tử (một Đạo gia nổi tiếng khác) đã từng nói, “Vừa khi con sâu róm tưởng thế giới này đến hồi kết, nó đã trở thành một con bướm rồi.”
Gian khổ khiến chúng ta mạnh mẽ hơn
Gian khổ đến trong muôn hình vạn trạng.
Các hình thức tồn tại của giới tự nhiên phải kinh qua gian khổ, như khi mùa xuân nhường chỗ cho mùa đông giá rét, hoặc như một cơn bão phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó. Dù khó khăn, thiên nhiên không hề ca thán, cũng không gục ngã. Thiên nhiên vượt lên, và chẳng bao lâu, thông qua nhẫn nại, ngọn cỏ đầu tiên cũng mọc lên.
Thiên nhiên cũng không cố tình lảng tránh khó khăn, cũng không mong muốn mọi thứ phải đi theo cách mà nó mong muốn. Trong cơn bão, cây liễu cũng không có cách gì chống lại cường phong – cây chỉ uốn cong, nhưng cành không gãy – cây rất linh hoạt và kiên cường. Cây sống trong từng khoảnh khắc thực tại, chấp nhận thử và vươn mình nghênh đón thử thách.
Chúng ta phải kiên trì như cây liễu. Và quan trọng nhất, chúng ta phải học những bài học trong sự gian khó và tìm kiếm cơ hội để phát triển bản thân.
Như cố vấn Craig Loungborough đã nói: “Không có núi, chúng ta không phải chịu đựng sự khó nhọc của việc leo dốc, nhưng thứ mà ta sẽ mãi mãi bỏ lỡ là cảm giác hân hoan của người đứng trên đỉnh. Đó là sự đánh đổi vô cùng đáng tiếc, khi không còn sự khó nhọc lúc lên dốc, thứ mà bạn đánh mất cũng chính là cả một cuộc đời.”
Khi gặp khó khăn, chúng ta được tôi luyện. Chúng ta học cách chịu đựng, kiên nhẫn, và khoan dung. Ta học cách thích ứng và sự bền chí; ta mạnh mẽ hơn, và chúng ta học được bài học của lòng biết ơn. Chúng ta biết rằng, nếu không có giông bão, chúng ta sẽ không trân quý thời khắc bình yên.
Mặc dù có thể mất một thời gian dài để cảm nhận, nhưng luôn có những thứ vô cùng tốt đẹp mà bạn có thể gặt hái sau mỗi khó khăn. Và như người ta vẫn nói, đó không phải là việc chinh phục một ngọn núi, mà là sự chinh phục chính chúng ta.
Tác giả Tatiana Denning là một bác sĩ gia đình và chủ sở hữu của Simpura Weight Loss and Wellness. Cô tin vào việc cung cấp cho bệnh nhân kiến thức và kỹ năng cần thiết để duy trì và cải thiện sức khỏe của chính họ thông qua điều chỉnh cân nặng, tạo thói quen lành mạnh để phòng ngừa bệnh tật.