TNS Ted Cruz thắng khi Tối cao Pháp viện bãi bỏ quy tắc chi tiêu cho chiến dịch tranh cử của chính phủ TT Biden
MATTHEW VADUM
Hôm 16/05, trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 6–3, Tối cao Pháp viện tuyên bố bãi bỏ một quy tắc tài chính cho chiến dịch tranh cử – quy định về việc hoàn trả các khoản vay của một ứng cử viên cho chiến dịch tranh cử của chính ứng cử viên này – khi phán quyết quy tắc đó là vi hiến. Tuyên bố này m lại chiến thắng cho Thượng nghị sĩ (TNS) Đảng Cộng Hòa Ted Cruz của Texas, người đã thách thức quy tắc nói trên của Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC).
“[Quyết định này] là một chiến thắng vang dội cho Tu chính án thứ Nhất,” một phát ngôn viên của ông Cruz nói với tờ The Post Millennial.
“Thượng nghị sĩ Cruz hài lòng khi Tối cao Pháp viện ra phán quyết rằng luật hiện hành áp đặt một hạn chế vi hiến đối với quyền tự do ngôn luận, làm lợi một cách bất công cho các chính trị gia đương nhiệm và giới siêu giàu. Quyết định mang tính bước ngoặt này sẽ giúp tiếp thêm sức mạnh cho quá trình dân chủ của chúng ta bằng cách giúp những người thách thức sẵn sàng đối đầu và đánh bại các chính trị gia chuyên nghiệp dễ dàng hơn.”
Đơn kháng cáo lên Tối cao Pháp viện đã được FEC đệ trình sau khi một hội đồng gồm ba thẩm phán của Tòa Địa hạt Liên bang Khu vực Thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã đồng thuận đưa ra phán quyết chống lại cơ quan này hồi năm ngoái (2021).
Điều khoản pháp lý được đề cập đến nằm trong Mục 304 của Đạo luật Cải tổ Chiến dịch tranh cử Lưỡng đảng (BCRA) năm 2002, áp đặt các hạn chế đối với các khoản đóng góp sau bầu cử bằng cách giới hạn số tiền mà một ứng cử viên có thể được hoàn trả từ các khoản đó ở mức 250,000 USD.
Ông Cruz đã cho ủy ban chiến dịch tranh cử của mình vay tiền, và ủy ban này đã hữu ý không phân loại phần chưa hoàn trả của khoản vay – 10,000 USD – là một khoản đóng góp cho chiến dịch để khởi động một thách thức pháp lý dựa trên Tu chính án thứ Nhất đối với quy tắc nói trên.
Vụ kiện nảy sinh từ chu kỳ bầu cử năm 2018 với kết thúc là chiến thắng của vị thượng nghị sĩ Hoa Kỳ thuộc Đảng Cộng Hòa này trước ông Beto O’Rourke, một thành viên của Đảng Dân Chủ, với cách biệt 2.6 điểm phần trăm. Ông O’Rourke đã kêu gọi đóng góp được số tiền nhiều hơn gấp đôi ông Cruz trong cuộc đua vào Thượng viện với trị giá kỷ lục 115 triệu USD.
Ông Cruz đã viết trong một bản tóm lược rằng Mục 304 ngăn cản các ứng viên cho các chiến dịch tranh cử của họ vay tiền một cách vi hiến bằng cách hạn chế khả năng hoàn trả của chiến dịch tranh cử.
Giới hạn hoàn trả khoản vay ở mức 250,000 USD, “bằng cách làm tăng đáng kể rủi ro là bất kỳ khoản vay nào của ứng cử viên cũng sẽ không bao giờ được hoàn trả đầy đủ – buộc ứng viên phải suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện các khoản vay đó ngay từ đầu.” Như tòa án cấp địa hạt liên bang nhận thấy, giới hạn này gây khó khăn cho quyền tự do phát ngôn của một ứng cử viên trong việc vận động cho cuộc bầu cử của chính vị ấy và “vi phạm Tu chính án thứ Nhất.”
Chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã lập luận rằng việc bãi bỏ quy tắc này sẽ mở ra cánh cửa dẫn đến tham nhũng trong các cuộc bầu cử, nhưng Tối cao Pháp viện nhận thấy rằng việc hạn chế sử dụng các khoản đóng góp chính trị sau bầu cử của các ứng cử viên để thu hồi các khoản tiền cá nhân đã bỏ ra cho chiến dịch tranh cử vi phạm các biện pháp bảo vệ ngôn luận của Tu chính án thứ Nhất.
Phán quyết trong vụ FEC kiện Chiến dịch tranh cử Ted Cruz for Senate của TNS Ted Cruz, do Chánh án Roberts soạn thảo, được năm thẩm phán khác thuộc phái bảo tồn truyền thống đồng thuận. Thẩm phán Elena Kagan đã viết một bản ý kiến bất đồng được Thẩm phán Stephen Breyer và Thẩm phán Sonia Sotomayor ủng hộ.
Chánh án Roberts viết, “Vấn đề được đặt ra là, liệu hạn chế này có vi phạm các quyền Tu chính án thứ Nhất của các ứng cử viên và các chiến dịch tranh cử của họ trong việc tham gia ngôn luận chính trị hay không.”
“Chắc chắn là luật này sẽ gây khó khăn cho các diễn ngôn bầu cử theo Tu chính án thứ Nhất, và bất kỳ luật nào như vậy ít nhất phải được một lợi ích hợp pháp chứng minh,” ông viết.
“Khi chính phủ hạn chế ngôn luận, chính phủ phải chịu trách nhiệm chứng minh tính hợp hiến cho các hành động của mình,” ông Roberts viết, trích dẫn trực tiếp từ bản ý kiến đa số năm 2014 trong vụ McCutcheon kiện FEC.
Chính phủ “không thể xác định được một trường hợp trao đổi tham nhũng (quid pro quo) nào… mặc dù hầu hết các tiểu bang không áp đặt giới hạn đối với việc sử dụng các khoản đóng góp sau bầu cử để hoàn trả các khoản vay của ứng cử viên.”
Theo Chánh án Roberts, chính phủ đã không chứng minh được rằng Mục 304 của BCRA “thúc đẩy hơn nữa một mục tiêu chống tham nhũng hợp pháp, thay vì mục tiêu không thể chấp nhận được của việc chỉ đơn giản là hạn chế lượng tiền trong lĩnh vực chính trị.”
Quy tắc này “gây khó khăn cho diễn ngôn chính trị cốt lõi mà không có sự biện minh thích đáng.”
Bà Kagan viết rằng Tối cao Pháp viện, cơ quan mà trong những năm gần đây đã nới lỏng các hạn chế tài chính đối với các chiến dịch tranh cử, đã phạm phải một sai lầm.
“Bằng cách bãi bỏ luật này hôm nay, tòa án đã bật đèn xanh cho tất cả những cuộc mặc cả bẩn thỉu mà Quốc hội cho rằng việc ngăn chặn là đúng đắn… Khi cho phép các khoản thanh toán đó được tiến hành mà không bị hạn chế, quyết định ngày hôm nay chỉ có thể khiến hệ thống chính trị của đất nước này bị mất uy tín hơn nữa.”
Bà Kagan chấp nhận lập luận hối lộ do chính phủ TT Biden đưa ra.
“Việc hoàn trả khoản vay của một ứng cử viên sau khi ứng cử viên đó thắng cử không thể được xem là khoản đóng góp cho các mục đích thông thường: số tiền đến quá muộn để hỗ trợ cho bất kỳ hoạt động tranh cử nào của ứng cử viên. Tất cả những gì mà số tiền đó làm chỉ là để làm giàu cho cá nhân ứng viên vào thời điểm mà ứng viên đó có thể đáp lại sự ưu ái này – bằng một lá phiếu, một hợp đồng, một vị trí bổ nhiệm.”
“Không cần phải là thiên tài chính trị mới có thể nhận ra nguy cơ tham nhũng ngày càng cao – sự nguy hiểm của việc ‘tôi sẽ làm cho anh giàu hơn và anh sẽ làm cho tôi giàu hơn’ giữa các nhà tài trợ và những người nắm giữ chức quyền.”