Tìm hiểu về chứng loãng xương
VIỆN Y TẾ QUỐC GIA HOA KỲ
Loãng xương là một bệnh lý làm suy yếu xương khiến xương dễ gãy, thường gặp nhất ở xương hông, xương sống (cột sống) và cổ tay. Loãng xương được gọi là “bệnh thầm lặng” vì bạn có thể không nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào cho đến khi xương bị gãy. Tuy nhiên, trong quá trình tiến triển bệnh, xương của bạn đã dần mất đi sức mạnh trong nhiều năm.
Xương là một mô sống. Để giữ cho xương chắc khỏe, cơ thể sẽ phá vỡ xương cũ và thay thế bằng mô xương mới. Vào khoảng 30 tuổi, khối lượng xương sẽ ngừng tăng lên, và mục tiêu của sức khỏe xương lúc này là duy trì khối xương ở mức tối đa càng lâu càng tốt. Khi mọi người bước vào độ tuổi 40 và 50, xương có thể bị phá hủy nhiều hơn là được thay thế.
Khi quan sát kỹ [cấu trúc] bên trong xương, chúng ta sẽ thấy mô xương giống như tổ ong. Khi bạn bị loãng xương, các khoảng trống trong tổ ong này sẽ trở nên lớn hơn và phần xương tạo thành tổ ong sẽ nhỏ lại. Đồng thời, lớp vỏ bên ngoài của xương cũng mỏng đi. Tất cả những điều này chính là nguyên nhân khiến xương của bạn yếu hơn.
Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bệnh loãng xương
Mặc dù loãng xương có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, căn bệnh này thường gặp nhất ở những người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi. Ngoài ra, nam giới cũng là đối tượng của bệnh loãng xương. Phụ nữ da trắng và Á Châu dễ bị loãng xương nhất. Những phụ nữ khác có nguy cơ cao bao gồm:
- Có tiền sử gia đình bị gãy xương hoặc loãng xương
- Bị gãy xương sau 50 tuổi
- Đã phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng trước khi mãn kinh
- Mãn kinh sớm
- Không nhận đủ canxi và/hoặc vitamin D trong suốt cuộc đời
- Phải nghỉ ngơi tại giường hoặc không hoạt động thể chất trong thời gian dài
- Hút thuốc (người hút thuốc có thể hấp thụ ít canxi hơn từ khẩu phần ăn)
- Dùng một số loại thuốc, bao gồm thuốc trị viêm khớp và hen suyễn và một số loại thuốc điều trị ung thư
- Đã sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài
- Có khung cơ thể nhỏ
Nguy cơ loãng xương tăng lên khi bạn già đi. Vào thời kỳ mãn kinh, phụ nữ có thể bị mất xương nhanh chóng trong vài năm, sau đó sẽ chậm lại nhưng vẫn tiếp tục. Ở nam giới, tiến trình mất khối lượng xương diễn ra chậm hơn. Tuy nhiên, ở độ tuổi 65 hoặc 70, nam giới và phụ nữ bị mất xương với tỷ lệ như nhau.
Chứng thiểu xương là gì?
Cho dù bác sĩ của bạn gọi đó là chứng thiểu xương hay khối lượng xương thấp, hãy xem đó là một cảnh báo. Tiến trình mất xương đã bắt đầu, nhưng bạn vẫn có thể hành động để giữ cho xương chắc khỏe và ngăn ngừa chứng loãng xương sau này. Bằng cách đó, bạn sẽ ít bị gãy cổ tay, hông hoặc đốt sống (xương ở cột sống) khi bạn già đi.
Có thể kiểm tra xương bằng cách nào?
Một số người phát hiện dấu hiệu đầu tiên của bệnh loãng xương là khi họ nhận ra rằng bản thân đang giảm chiều cao hoặc dễ gãy xương. Nhưng bạn đừng đợi cho đến khi điều đó xảy ra để xem liệu bạn có bị loãng xương hay không. Bạn có thể kiểm tra mật độ xương để biết độ chắc khỏe của xương.
Nhóm chuyên trách các dịch vụ dự phòng Hoa Kỳ khuyến cáo rằng phụ nữ từ 65 tuổi trở lên, cũng như phụ nữ dưới 65 tuổi có nguy cơ cao bị gãy xương do loãng xương nên được sàng lọc (xét nghiệm) về chứng loãng xương.
Kiểm tra mật độ khoáng chất xương là xét nghiệm so sánh mật độ xương của bạn với mật độ xương của một thanh niên có sức khỏe trung bình. Kết quả xét nghiệm, được thể hiện bằng chỉ số T-score, sẽ cho bạn biết xương của bạn chắc khỏe như thế nào, liệu bạn có bị loãng xương hay thiểu xương hay không, và nguy cơ bị gãy xương của bạn.
Làm thế nào để duy trì sức mạnh xương? Cách ngăn ngừa bệnh loãng xương
Có một số điều bạn nên làm ở mọi lứa tuổi để ngăn ngừa xương suy yếu. Ví dụ, ăn thực phẩm giàu canxi và vitamin D là rất quan trọng. Tập thể dục chịu trọng lượng thường xuyên cũng vậy, chẳng hạn như tập tạ, đi bộ, đi bộ đường dài, chạy bộ, leo cầu thang, quần vợt và khiêu vũ.
Nếu bạn bị loãng xương, hãy tránh các hoạt động làm vặn cột sống hoặc uốn cong về phía trước ở vùng thắt lưng, chẳng hạn như tư thế ngồi thông thường, chạm ngón tay vào ngón chân, hoặc đong đưa xoay người đánh golf.
Đó là những cách tốt nhất để giữ cho xương chắc khỏe. Bạn có thể tìm hiểu thêm về cách giữ cho xương chắc khỏe để ngăn ngừa té ngã tại đây: https://www.nia.nih.gov/health/prevent-falls-and-fractures.
Cần làm gì khi bị loãng xương?
Điều trị loãng xương có mục đích là ngăn chặn sự mất xương và xây dựng lại xương để ngăn ngừa gãy xương. Các lựa chọn lối sống lành mạnh như cách ăn uống thích hợp, tập thể dục, và thuốc có thể giúp ngăn ngừa mất xương thêm và giảm nguy cơ gãy xương.
Tuy nhiên, thay đổi lối sống có thể là không đủ nếu bạn đã mất quá nhiều mật độ xương. Bạn cũng có thể tính đến việc sử dụng một số loại thuốc làm chậm tiến trình mất xương và giúp xây dựng lại xương. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn xem thuốc có đem lại hiệu quả cho chứng loãng xương của bạn hay không.
Ngoài ra, bạn sẽ muốn học cách bố trí nhà cửa và thay đổi lối sống để tránh gãy xương do suy yếu xương.
Có thể phòng tránh té ngã như thế nào?
Khi xương của bạn suy yếu, một cú ngã đơn giản cũng có thể khiến bạn bị gãy xương và cần đến bệnh viện và thậm chí là phẫu thuật. Điều này cũng có nghĩa là bạn có thể phải nằm trong một thời gian dài, đặc biệt là trong trường hợp gãy xương hông. Vì vậy, điều quan trọng là phải đề phòng té ngã.
Đàn ông có bị loãng xương không?
Loãng xương không chỉ là bệnh của phụ nữ. Tuy nhiên, không có nhiều nam giới bị bệnh này như phụ nữ, có thể vì hầu hết nam giới có mật độ xương cao hơn. Khi có tuổi, đàn ông mất mật độ xương chậm hơn phụ nữ, nhưng nam giới cũng cần đề phòng bệnh loãng xương.
Các chuyên gia không có nhiều hiểu biết về căn bệnh này ở nam giới như ở phụ nữ. Tuy nhiên, có nhiều điều khiến nam giới gặp phải rủi ro tương tự như phụ nữ, bao gồm tiền sử gia đình, không đủ canxi hoặc vitamin D, và tập thể dục quá ít. Những yếu tố nguy cơ khác là mức testosterone thấp, uống quá nhiều rượu, dùng một số loại thuốc và hút thuốc.
Những người đàn ông lớn tuổi dễ gãy xương hoặc có nguy cơ bị loãng xương nên nói chuyện với bác sĩ về việc kiểm tra và điều trị.
Tìm hiểu thêm thông tin về bệnh loãng xương
National Institutes of Health Osteoporosis and Related Bone Diseases National Resource Center (Viện Y tế Quốc gia về bệnh loãng xương và Trung tâm Tài nguyên Quốc gia về các bệnh liên quan đến xương)
800-624-2663
202-466-4315 (TTY)
www.bone.nih.gov
National Institute of Arthritis and Musculoskeletal and Skin Diseases (Viện quốc gia về bệnh viêm khớp, cơ xương và da)
877-226-4267
301-565-2966 (TTY)
www.niams.nih.gov
Osteoporosis Foundation (Tổ chức loãng xương quốc gia)
800-231-4222
www.nof.org
Nội dung này được Viện Y Tế Quốc gia về lão hóa (NIA) cung cấp. Các nhà khoa học của NIA và các chuyên gia khác đã thẩm định nội dung này để bảo đảm tính chính xác và cập nhật.