Thưởng thức ‘Điệu múa bát Mông Cổ,’ cảm nhận hương vị trà sữa nồng ấm ngàn năm
THÁI NHÃ
Nơi mảnh đất phía bắc của Trường Thành kia, dưới bầu trời xanh thẫm, trên thảo nguyên bao la, chỗ gần thì gió thổi cỏ rạp, xa xa những chú đại bàng đang tung cánh. Đột nhiên, tiếng hí dài của một chiến mã vang vọng đến, phá tan sự yên tĩnh của thảo nguyên rộng lớn, và một kỵ sĩ Mông Cổ cưỡi ngựa xuất hiện phía đường chân trời.
Trên thảo nguyên Mông Cổ bao la ấy, từng chiếc lều vải màu trắng dần dần xuất hiện trong tầm mắt. Chỉ thấy một cô gái trẻ thân khoác áo cỏ chậm rãi bước ra khỏi lều, trên đỉnh đầu cô là một bát trà sữa nóng hổi, nâng mời vị khách đường xa. Và bát trà sữa đã được uống cạn trong một hơi. Đây chính là cách thức đãi khách truyền thống đầy nhiệt huyết của người Mông Cổ.
Bức tranh trong sáng được khắc họa trong bản nhạc giao hưởng cổ điển ‘Điệu múa Bát Mông Cổ’ (Tên tiếng Anh: Mongolia Bowl) do Shen Yun phát hành. Nếu bạn đã từng một lần đến thảo nguyên rộng lớn, và dọc đường đi ngang qua một túp lều tròn của người Mông Cổ, chắc chắn bạn sẽ dừng chân và tham gia vào bữa tiệc ca múa vui vẻ thân quen như ở nơi quê nhà vậy.
Những bát trà sữa tràn đầy tình cảm của người dân Mông Cổ
Trong ấn tượng của chúng ta, thảo nguyên bao la vô tận với nguồn nước và đồng cỏ dồi dào, trâu bò dê cừu được chăn thả khắp nơi kia là một bức tranh đẹp đến nao lòng. Nhưng trên thực tế, thảo nguyên cũng đầy rẫy những nguy cơ và khó khăn. Vào mùa khô, sông ngòi khô cạn, cây cối điêu tàn, cỏ xanh héo rụi, vì vậy động vật hoang dã cũng mất đi nơi trú ẩn. Mùa hè khô hạn, nạn hỏa hoạn uy hiếp, còn mùa đông giá rét, người dân phải nhẫn chịu những đêm dài đằng đẵng lạnh âm mấy chục độ.
Con tạo xoay vần, người Mông Cổ đã trải qua ngàn năm tuế nguyệt như thế nào? Có lẽ lừ những chú ngựa Mông Cổ thấp khỏe, những bầy cừu non sống thành đàn đã làm bạn cùng người Mông Cổ hàng ngàn năm qua, chúng ta có thể tìm thấy đáp án.
Trong quá trình di cư liên tục, người Mông Cổ dựa vào trâu bò dê cừu để sinh sống; họ uống sữa bò khi khát, ăn thịt dê khi đói, và mặc áo da cừu khi lạnh. Không có sự lựa chọn nào khác; đây là tất cả những gì họ có.
Trên thảo nguyên rộng lớn, khoảng cách giữa người và Trời cũng tự nhiên như được rút ngắn lại, người Mông Cổ phải nương tựa lẫn nhau, chung sống hòa thuận thì mới có thể tồn tại.
Có lẽ đây là chính là lý do vì sao, cho đến tận bây giờ, khi một người lạ đến làm khách nơi chiếc lều tròn của người Mông Cổ, không cần xưng tên báo họ, cũng sẽ cảm nhận được sự nhiệt tình hiếu khách ngàn năm không đổi ấy: Đầu tiên uống một bát trà sữa do người chủ tự tay mời, thưởng thức hương vị nồng nàn của thức uống đã hòa quyện với một chút muối này.
‘Điệu múa Bát Mông Cổ’ – khắc họa cuộc sống của người dân Mông Cổ
‘Điệu múa Bát Mông Cổ’ là bản nhạc giao hưởng do Giám đốc nghệ thuật D. F. sáng tác, nhạc sĩ Tịnh Huyền phối khí trong chương trình biểu diễn nghệ thuật năm 2017 của công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun. Và bây giờ, hãy để bản nhạc giao hưởng kinh điển này dẫn bạn đến với vùng thảo nguyên mênh mông bát ngát – quê hương của người dân Mông Cổ, để thưởng thức văn hóa du mục của người dân nơi đây.
Bắt đầu ‘Điệu múa Bát Mông Cổ’ là tiếng đàn nhị mở ra một khung cảnh trầm lắng, tiếp đó đàn cello tấu lên tiếng kêu của đại bàng khi bay lượn trên bầu trời. Sau đó, âm nhạc thanh tao thể hiện giai điệu của các làn điệu dân ca Mông Cổ. Giai điệu ngân dài thể hiện sự khoáng đạt bao la giữa trời và đất, phóng khoáng, dũng cảm, nhiệt thành và không bị câu thúc của người Mông Cổ.
Trong tiết đoạn này, dàn nhạc giao hưởng Shen Yun đã dùng đàn nhị hồ và đàn cello để mô tả nỗi lòng của kẻ du ca Mông Cổ, và cũng để hòa điệu cùng tiếng đàn mã đầu cầm. Mã đầu cầm (đàn đầu ngựa) là một loại nhạc cụ độc đáo ở Mông Cổ, đàn không phải được làm bằng đầu ngựa thật mà chỉ có hình dạng như đầu ngựa thôi.
Điệu múa bát bắt đầu, các cô gái từ bên trong lều tròn đặc trưng của người Mông Cổ đi ra, giang rộng hai cánh tay, dáng điệu xoay tròn rất thanh nhã nhưng tràn đầy sức sống. Các cô gái vận phục sức truyền thống Mông Cổ với một bát trà sữa trên đỉnh đầu đón lấy làn gió mát trên thảo nguyên, nét mặt rạng ngời niềm nhiệt tình mến khách, vui vẻ mời chào những vị khách phương xa.
Động tác múa của các cô gái rất uyển chuyển với những động tác lắc mạnh vai, xoay cổ tay nhằm biểu đạt lòng nhiệt thành của người dân nơi đây. Dàn nhạc giao hưởng Shen Yun đã sử dụng đàn nhị của Trung Quốc đan xen với tiếng violin hòa quyện cùng với âm thanh mõ cá sôi nổi đã tạo thành tiết tấu thanh thoát, tinh tế cho tác phẩm này.
Tiếp theo, giai điệu dồn dập của dàn dây, mõ, và kèn trumpet lanh lảnh báo hiệu màn so tài của những kỵ sĩ Mông Cổ bắt đầu. Kỵ mã là biểu tượng thể hiện sức sống của người Mông Cổ. Bắn cung, chiến đấu, và cưỡi ngựa chỉ là một phần nhỏ kỹ năng của mỗi người Mông Cổ. Khúc nhạc độc tấu trumpet tuyệt đẹp như màn trình diễn pháo hoa đầy màu sắc. Đây chính là âm thanh của thiên nhiên trên thảo nguyên bao la, nơi tình cảm và cảnh vật hòa quyện vào nhau, nơi thiên nhân hợp nhất.
Nghe đến đây bạn sẽ chợt hiểu rằng, chính sự lạnh giá, hoang vu và khắc nghiệt trên thảo nguyên Mông Cổ đã dưỡng thành nên những người Mông Cổ kiên cường.
Trên thảo nguyên mênh mông đó, một gia đình du mục phải mất vài ngày mới có thể nhìn thấy một gia đình khác. Và chính cuộc sống du mục đó đã khiến họ cảm thấy vô cùng quý giá mỗi khi được nhìn thấy một khuôn mặt tươi cười.
Thưởng thức tác phẩm âm nhạc cổ điển ‘Điệu múa Bát Mông Cổ’ của dàn nhạc giao hưởng Shen Yun là một cách giúp bạn trải nghiệm lòng hiếu khách của người dân Mông Cổ xa xôi.
Tìm hiểu thêm về tiết mục này tại: https://www.shenyunperformingarts.org