Thực phẩm biến đổi gene sẽ được ghi nhãn là ‘được chế tạo bằng công nghệ sinh học’
Zachary Stieber
Các sản phẩm ở Hoa Kỳ có chứa những động-thực vật biến đổi gene (GMO) giờ đây sẽ được ghi nhãn là “được chế tạo bằng công nghệ sinh học” theo các quy tắc công bố thực phẩm mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Đây là sự thay đổi so với việc mô tả thực phẩm có các thành phần “biến đổi gene” hoặc GMO theo các quy tắc cũ.
Các công ty được cho thời hạn đến ngày 01/01/2024 để tuân thủ các quy định mới vốn được hoàn thiện dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump. Chính phủ đã tuân theo một đạo luật được Quốc hội thông qua hồi năm 2016 để xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về việc công bố các thực phẩm được chế tạo hoặc có thể được chế tạo bằng công nghệ sinh học.
Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Nông nghiệp đương thời Sonny Perdue cho biết tiêu chuẩn toàn quốc này “ngăn ngừa một hệ thống chắp vá theo từng tiểu bang vốn có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.”
Các yêu cầu ghi nhãn cập nhật này đã vấp phải sự chỉ trích, cũng như một vụ kiện từ Trung tâm An toàn Thực phẩm, nơi cho rằng những yêu cầu ghi nhãn này đang gây nhầm lẫn.
“Những quy định này không nhằm mục đích thông báo cho công chúng mà để cho phép các tập đoàn che giấu khách hàng của họ về việc sử dụng các thành phần biến đổi gene,” ông Andrew Kimbrell, giám đốc điều hành của trung tâm này, cho biết trong một tuyên bố. “Đó là một hành vi lừa đảo bằng quy định mà chúng tôi đang tìm cách bãi bỏ tại tòa án liên bang.”
Trong số những tổ chức phản đối quy định này có Hiệp hội Thương mại Hữu cơ, Viện Chính sách Nông nghiệp và Thương mại, và Dự án Không GMO.
Lúc các quy tắc nói trên được công bố, Dự án Không GMO cho biết trong một tuyên bố rằng: “Nhìn chung, nhiều sản phẩm có chứa GMO sẽ không được ghi nhãn, tức là, việc không được công bố là được chế tạo bằng công nghệ sinh học (bioengineered, hay BE) không đồng nghĩa với việc sản phẩm đó không [chứa các thành phần] GMO.”
Trong Luật Công bố Thực phẩm Công nghệ Sinh học Quốc gia, Quốc hội đã yêu cầu các nhà sản xuất thực phẩm phải đưa lên trên nhãn những dòng chữ, một biểu tượng, hoặc một liên kết kỹ thuật số như mã QR nếu sản phẩm có những thành phần được chế tạo bằng công nghệ sinh học. Các nhà lập pháp đã sử dụng thuật ngữ “được chế tạo bằng công nghệ sinh học,” nhưng lại không cho phép Bộ Nông nghiệp sử dụng các thuật ngữ tương tự. Tuy nhiên, bộ đã chọn tiếp tục dùng thuật ngữ “được chế tạo bằng công nghệ sinh học” này.
Những người ủng hộ các quy định này bao gồm các nhóm công nghiệp thực phẩm, chẳng hạn như Viện Tiếp thị Thực phẩm và Hiệp hội các Nhà sản xuất Hàng bách hóa.
Năm 2018, viện này tuyên bố: “Quy tắc này cung cấp một cách làm thống nhất để mang lại sự minh bạch về thực phẩm mà chúng tôi bán, đồng thời cung cấp cho khách hàng của chúng tôi trên toàn quốc cách thức để tìm hiểu thêm về các hàng bách hóa có chứa những thành phần được chế tạo bằng công nghệ sinh học.”
Tuy nhiên, ngay cả một số người ủng hộ cũng đã kêu gọi chính phủ Tổng thống Biden trì hoãn thời hạn tuân thủ này bởi vì các vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn còn bề bộn.
Trong một tuyên bố gần đây, Hiệp hội Thương hiệu Người tiêu dùng nói rằng chính phủ “ngay lập tức phải bảo đảm lập trường ‘không gây hại’ để cho phép các công ty tập trung vào việc phân phối cho người tiêu dùng.”