Thử viết Việt Nam văn học sử (số 23)
Nguyễn Y Sơn sở trường về lối văn biền ngẫu: dùng chữ tinh, đặt lời đẹp, khiến lối văn đó tấn-tới hơn hồi đầu Lý.
Khi già, ông về trụ-trì ở chùa Nam-vô làng Yên-lãng, hết sức khuyên môn-đồ hăng-hái tu-tiến để cho chóng thành chính-giác.
Ông chủ-trương cái thuyết nhất-nguyên, cho bản-thân người ta là cái trung-tâm điểm của mọi sự. Ông có bốn câu này để bày tỏ ý đó :
Chân thân thành vạn tượng,
Vạn tượng tức chân thân.
Nguyệt điện minh đan quế,
Đan quế tại nhất luân.
Dịch
Thân ta thành muôn tượng,
Muôn tượng tức thân ta.
Cung trăng cây quê tốt;
Cây quế trong gương Nga.
Ông mất ngày 18 tháng 3, năm Kiến-gia thứ 3 (1213). Người ta còn nhớ mấy câu biền-ngẫu này trong một bài văn khuyến của ông
“Điếu danh, thị lợi, giai như thủy thượng phù âu.
Thực phúc, chủng duyên, tận thị hung trung hoài bao.”
Dịch
“Chuốc lợi, câu danh, thảy như bọt nổi trên nước
Gây duyên, trồng phúc, ấy là của bản trong lòng.”
Tiết hai mươi bốn: Lê Thuần (? – 1292)
Mặt đẹp, tiếng mềm-mỏng. Lê Thuần là người Kinh-thành. Côi cút bơ-vơ từ thủa bé, ông nếm trải nhiều mùi vất-vả gian-nan. Nhưng, may sao, hồi 11 tuổi, đứa trẻ khốn nạn đó được bàn tay từ-bi của sư Thường-Chiếu tế-độ cho. Thế là từ đó Lê Thuần trở nên một nhà tu-hành, pháp hiệu là Hiện-Quang.
Học sáng, chưa đầy 10 năm, ông đã thông cả tâm giáo (Nho, Đạo, Thích). Thấy mình thua kém người ta trong khi biện luận về tâm yếu của Phật giáo, ông thường hối hận trách mình: “ Ta, như cậu con nhà giàu, ăn chơi lêu-lổng khi còn cha mẹ; đến khi côi cút thì bơ-vơ mê-muội, không biết gia-bảo ở đâu, thành thử vẫn phải túng thiếu !” (1) Lời đó thật là bài học dạy chung những ai không biết tu tiến cho kịp thời.
Nói thì làm, rồi ông đi tìm thầy, học thêm, chứ không ngồi suông, than hão. Mặc áo giáp “nhẫn-nại”, cầm cây giáo “tinh-tiến” ông cứ hăng-hái bước lên, không để ý đến những tiếng gièm-chê của thế tục.
Ôm chí cao khiết, cứ lủi-thủi đi trên đường đạo-học thênh-thang, ông muốn hi-sinh hạnh phúc mình cho khỏi lụy đến kẻ khác: khi ở núi Uyên-trừng thuộc Nghệ-an, thấy người thị-gỉa bưng gạo cho ông nhưng lỡ tay đánh đổ, rồi sợ-hãi vội vàng bốc hốt cả đất lấn bùn, ông cảm-động, tự nghĩ: Mình ở đời đã không ích gì cho ai, lại làm bận người khác phải cung-cấp lương thực, nên mới đến nỗi thế này! Thì đi! Đi biệt! Ông vào tận núi Từ-sơn sâu thẳm, ẩn thân dưới mái lều tranh do ông tự làm.
Vua Lý Huệ-Tông(1211-1224) mộ tiếng ông, có sai sứ-giả đem lễ-vật đến đón; song ông cố sức từ chối, nhất định không hạ sơn từ đó nữa. Ông có bài này trả lời một người hỏi ông ở núi làm việc gì:
Ná dĩ (?) Hứa-Do lực,
Hà tri thế kỷ xuân ?
Vô Di, cư hoang dã,
Tiêu-dao tự tại nhân.
Dịch
Chỉ theo gót Hứa-Do,
Nào biết xuân đã bao ?
Vô vi, ở đồng-nội,
Sống tự-tại tiêu-dao…
Mất năm Kiến-gia thử 11 (1222) đời vua Lý Huệ Tông, ông còn có bài thơ đại ý nói pháp và tu đều là ảo cả.
(Còn nữa)
HOA BẰNG
(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)