Thử viết Việt Nam văn học sử II
Tiếp theo phần I
Còn chữ nôm ? Ai đặt ra trước ? Việc đi này trong sử không thấy chép.
Có người cho rằng chữ Nôm đặt ra từ đờí Sĩ Nhiếp (187-226). Người khác lại nói đời Phùng Hưng vào khoảng nội thuộc nhà Đường (618-207) đã có chữ nôm, vì trong tôn hiệu của vị cứu quốc anh hùng ấy thấy có hai chữ “ Bố Cái ” đứng trên hai chữ (Đại vương). Song không đủ chứng cớ, nên không thể nói quyết được.
Theo tôi, tôi cho rằng chữ nôm có lẽ cũng từ đời Trần (1225-1399) sáng chế. Vì, sau khi người ta đã nghĩ đặt ra thơ, phú nôm, lẽ tất nhiên phải tìm kiếm một thứ chữ để ghi chép lấy. Cứ xem lịch sử truyền đạo của các giáo sĩ, hễ họ đi đến một dân tộc nào chưa có văn tự, hoặc có rồi nhưng không tiện phổ thông, thì trước hết họ học cho biết tiếng của dân tộc đó rồi mới tìm cách đặt chữ sau. Chữ quốc ngữ của ta và chữ radee của dân Mọi ở Dar-lac bây giờ đều làm chứng cho lời tôi nói đó. Theo pháp quy nạp, tôi có thể đoán: Chữ nôm được sáng tạo sau khi lối thơ, phú nôm đã ra đời. Mà có lẽ cũng do ông là Hàn -Thuyên, một người có óc phát minh, sáng chế ra trước.
May nhờ có chữ nôm để ghi chép trong khi ta chưa có quốc ngữ, nên những tác phẩm như Kiều, Nhị Độ Mai, Chinh Phụ Ngâm, Tần Cung Oán…mới còn truyền lại đến giờ.
3: Nuôi được tâm hồn thanh cao. – Nhiều người ngày nay phàn nàn: cuộc sinh hoạt máy móc của Âu Mỹ bây giờ chỉ cho người ta có cái sướng thích (plaisir) chứ không có cái hạnh phúc (bonheur). Lời đó không phải không có lý. Nhưng nên nhớ rằng hạnh phúc bao giờ cũng là tương đối chứ không phải là tuyệt đối.
Đáng khen các cụ ta xưa: dẫu đương làm vương tương, tay cầm quyền chính, chân giẫm trên cảnh giàu sang, song những lúc gió gẩy đàn, trăng dòm song, hoa chúm chím ngậm hạt sương lóng lánh, các cụ vẫn không quên nhả nuốt phong vân, buông hồn lên khoảng thanh hư trong trẻo, cao xa, đề cùng khép, mở, thao, tung với lao hoa, chơi, đùa, vui, cảm với cảnh thiên nhiên. Những vua hiền, tướng giỏi xưa không những chỉ lo đánh đông, dẹp bắc, đặt nhân dân lên chiếu ấm, chăn êm , song lại còn cho bấy giờ và đời sau được nghe câu thơ hùng tráng,bài văn bóng bẩy là khác nữa.
Đây tôi chỉ nói riêng những bực vương tướng đã dày công nội trị, ngoại thương, ghi được những trang oanh liệt trên lịch sử, thế mà vẫn sinh hoạt điềm đạm như một thi sĩ nghèo, văn nuôi được tâm hồn thanh cao dẫu mình đương ngồi trên “ ghế ” quyền quí.
Tiếc rằng các cụ xưa chỉ riêng chăm chú vào lối “ văn chơi ” xao nhãng hẳn về các chuyên khoa, nên trong món gia tài thiêng liêng để lại đó không có gì đáng gọi là tư tưởng, học thuyết mấy.
4: Nhiều truyện đồng thoại – Khi chúng ta còn bé nũng nịu nằm trong lòng mẹ, lắng nghe những truyện cổ tích, tuy có nhiều câu ta không hiểu nghĩa và tin truyện tích là thực, song trong lúc không biết, không ngờ đó, ta đã tiếp nhận lấy biết bao cái đặc chất của một dân tộc rồi.
Những truyện như Đinh Tiên Hoàng chăn trâu, Trâu vàng hồ Tây, Thằng Cuội, Tấm Cám… đến nay hãy còn văng vẳng bên tai, không một người nào trong chúng ta là không phảng phất nhớ. Thật nó cũng có một mãnh lực ngấm ngầm về việc giáo dục nhi đồng, nếu người kể truyện biết lựa truyện mà nói
HOA BẰNG