Thống đốc Newsom ký dự luật bỏ phiếu qua thư thành thông lệ vĩnh viễn tại California
Thống đốc Gavin Newsom đã ký một dự luật hôm 27/09, đưa việc bỏ phiếu qua thư thành [một thông lệ] vĩnh viễn ở California, sau khi phương thức này được sử dụng vào năm 2020 và được giữ nguyên trong cuộc bầu cử bãi nhiệm thống đốc vào tháng 09/2021.
Vị thống đốc thuộc Đảng Dân Chủ này đã ra một tuyên bố khi ông ký Dự luật Hạ viện 37 (AB 37), yêu cầu tiểu bang này phải gửi các phiếu bầu cùng phong bì có trả sẵn bưu phí cho tất cả cử tri trong các cuộc bầu cử trên toàn tiểu bang cũng như các cuộc tranh cử tại địa phương.
Ông Newsom nói rằng, “Khi các tiểu bang trên khắp đất nước của chúng ta đang tiếp tục ban hành luật đàn áp cử tri một cách phi dân chủ, thì California đang tăng cường sự tiếp cận của cử tri, mở rộng các lựa chọn bỏ phiếu và tăng cường tính liêm chính cũng như tính minh bạch của các cuộc bầu cử.”
Ông Newsom, người đã đánh bại nỗ lực bãi nhiệm nêu trên, nói rằng các quan chức California “đã thực hiện các bước chưa từng có tiền lệ để bảo đảm tất cả cử tri đều có cơ hội bỏ phiếu trong đại dịch, và hôm nay chúng tôi sẽ biến các biện pháp đó thành vĩnh viễn kể từ sau sự tham gia kỷ lục trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.”
Hành động này cũng được Tổng thư ký California Shirley Weber, cũng là một thành viên Đảng Dân Chủ, ca ngợi. Bà Weber nói rằng biện pháp này sẽ “mở rộng vĩnh viễn sự tiếp cận” [của cử tri] thông qua các lá phiếu gửi qua thư.
Bà Weber nói, “Bỏ phiếu qua thư đã làm tăng đáng kể sự tham gia của các cử tri đủ điều kiện. Các cử tri thích có những tùy chọn để gửi lại lá phiếu của họ cho dù là qua đường bưu điện, tại một thùng phiếu được bảo đảm, một trung tâm bỏ phiếu hoặc tại một điểm bỏ phiếu truyền thống. Và khi càng có nhiều người tham gia bầu cử, thì nền dân chủ của chúng ta sẽ càng mạnh mẽ hơn và chúng ta sẽ càng yên tâm hơn rằng các cuộc bầu cử phản ánh đúng ý chí của người dân California.”
Luật mới này sẽ có hiệu lực vào tháng 01/2022, yêu cầu các lá phiếu phải được gửi đến tất cả các cử tri bắt đầu từ tháng 06/2022.
Những người chỉ trích việc bỏ phiếu qua thư – trong đó có cựu Tổng thống Jimmy Carter, người nhiều năm trước đã công bố một báo cáo nêu bật mối nguy tiềm ẩn mà hình thức bỏ phiếu này có thể đem lại – nói rằng cách làm này có thể dẫn đến gian lận. Tuy nhiên, ông Carter sau đó đã chấp nhận các lá phiếu gửi qua thư cho tất cả cử tri do trận đại dịch năm ngoái.
Tuy nhiên, một báo cáo từ cựu Tổng thống Carter và cựu Ngoại trưởng James Baker được công bố vào năm 2005 đã cảnh báo rằng “các lá phiếu khiếm diện vẫn là nguồn lớn nhất cho gian lận cử tri tiềm ẩn” ở Hoa Kỳ, lưu ý rằng thông lệ này “có thể bị nhắm vào điểm yếu theo nhiều cách” chứ không giới hạn ở việc các lá phiếu trống được gửi đến sai địa chỉ hoặc đến các tòa chung cư lớn.
Báo cáo cho biết, “Các công dân bỏ phiếu tại nhà, tại viện dưỡng lão, tại nơi làm việc hoặc trong nhà thờ dễ bị gây áp lực… hoặc bị đe dọa hơn.” Báo cáo đã sử dụng cuộc bầu cử thị trưởng Miami năm 1997 dẫn đến 36 vụ bắt giữ vì gian lận cử tri như một ví dụ. Sau khi cuộc bầu cử này được thực hiện lại, thì kết quả đã bị đảo ngược.
Năm 2020, các nhà lập pháp California đã thông qua một dự luật bắt buộc các quan chức bầu cử phải gửi phiếu bầu cho các cử tri đã ghi danh hợp lệ cho cuộc bầu cử tổng thống do đại dịch. Theo văn phòng Tổng thư ký, khoảng 86% số phiếu bầu đã được bỏ qua thư vào năm 2020.