Thông điệp của IMF dành cho thế giới: Tất cả chúng ta giờ đây đều như Trung Quốc
Quyết định cấm bitcoin của Trung Cộng hoàn toàn không gây ngạc nhiên cho ai cả. Hãy tưởng tượng nếu những chú gà tây thống trị thế giới. Liệu có ai sẽ ngạc nhiên nếu chúng quyết định cấm bữa tối trong Lễ Tạ Ơn không? Dĩ nhiên là không rồi. Là một tài sản điện toán, phi tập trung, Bitcoin gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với đồng tiền điện toán của chính Bắc Kinh, e-CNY (đồng nhân dân tệ kỹ thuật số).
Trên thực tế, Bitcoin không chỉ là một tài sản điện toán. Đó là một phong trào, một thách thức đối với hiện trạng, một cuộc phản đối kỹ thuật số, phi tập trung. Bất cứ ai quen thuộc với lịch sử Trung Quốc đều biết Trung Cộng phản ứng như thế nào đối với các cuộc biểu tình. Nhanh chóng và hung bạo.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Epoch TV, ông Kyle Bass đã nêu ra sự nguy hiểm của đồng tiền mới của Trung Cộng. Nhà sáng lập của Hayman Capital Management đã cảnh báo, hãy tưởng tượng một loại tiền tệ biết mọi thứ về quý vị, bao gồm “ngày sinh, số An sinh Xã hội và nơi quý vị sống” và các hành vi mua sắm của quý vị. Bây giờ hãy tưởng tượng tất cả thông tin này đều nằm trong tay của Trung Cộng. Theo nhiều cách, đối với các công dân Trung Quốc, thực tế đã là như vậy. Tuy nhiên, với e-CNY, những cái tên như WeChat Pay và Alipay – mà Trung Cộng giám sát chặt chẽ – sẽ nhanh chóng bị thay thế bởi một loại tiền kỹ thuật số, do nhà nước điều hành. Với e-CNY, Trung Cộng đã đặt mục tiêu trở thành một lực lượng thống trị, quốc tế. Đồng tiền kỹ thuật số của Trung Cộng có thể thay thế đồng USD làm đồng tiền dự trữ toàn cầu không? Đừng đặt cược đối với điều này.
Theo lời của ông Bass, Trung Cộng rất giỏi “khai thác mọi kẽ hở, mọi ngóc ngách, mọi xó xỉnh.” Trung Cộng tìm kiếm những nhược điểm, sau đó lợi dụng chúng, một cách không thương tiếc.
Hướng tới chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số
Các quốc gia trên thế giới dường như bị hấp dẫn bởi đồng tiền mới của Trung Cộng. Tại sao không cơ chứ? Có chính phủ nào lại không muốn kiểm soát người dân của mình nhiều hơn? Có chính phủ nào lại không muốn có thể kiểm tra kỹ lưỡng mọi giao dịch được thực hiện bởi từng công dân? Có chính phủ nào lại không mặn mà với ý tưởng về một loại tiền tệ tập trung do họ có thể giám sát và lập trình, như các trọng tài của thực tại kinh tế?
Hầu hết các chính phủ không muốn gì hơn là có phiên bản e-CNY của riêng họ, và họ có thể sớm có phiên bản này. Ngày 09/07/2021, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới đã đưa ra một báo cáo rất đáng lo ngại. Trong đó, hai tổ chức có ảnh hưởng này đã nêu ra nhiều lợi ích xuyên biên giới của việc áp dụng các loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC). Các tác giả lập luận rằng việc áp dụng các loại CBDC quốc tế sẽ dẫn đến các mức độ phát triển toàn cầu chưa từng thấy.
Khi nói đến việc khai triển CBDC trên toàn thế giới, vấn đề không phải là nếu [có hay không], mà vấn đề là khi nào. Bên cạnh Trung Quốc, những nước như Thụy Điển và Bahamas cũng đang thử nghiệm các loại tiền kỹ thuật số của riêng họ.
Hiện nay, khi chủ nghĩa độc tài đang gia tăng trên toàn thế giới, và quyền riêng tư đã thành một thứ dĩ vãng, có rất nhiều lý do để lo ngại về CBDC. Như ông Wolf von Laer của tạp chí CoinDesk đã viết năm 2020, “Chính phủ có xu hướng thu thập càng nhiều dữ liệu về công dân của mình càng tốt. Điều này xảy ra dưới chiêu bài an toàn, như trong sắc lệnh của thống đốc tiểu bang Michigan về việc ghi lại thông tin cá nhân của mọi khách hàng để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, hoặc với lý do khuyến khích mọi người trở thành những công dân kiểu mẫu như trong trường hợp của Trung Quốc.”
Như ông von Laer tiếp tục thảo luận, mục tiêu đó không nằm ngoài niềm tin rằng các quốc gia sẽ kết hợp các CBDC với một hệ thống tín nhiệm xã hội lấy cảm hứng từ Bắc Kinh. Ông viết, “Tất cả các quyết định mua hàng của quý vị có thể ảnh hưởng đến điểm số, mà quý vị phụ thuộc vào điểm số này cho mọi thứ. [Muốn] quyên góp cho tổ chức bất vụ lợi ‘sai trái’ như WikiLeaks? Rất tiếc, quý vị không thể làm những điều đúng đắn được nữa.”
Với hệ thống kiểu này đã được áp dụng ở Trung Quốc, các quốc gia khác có thể áp dụng những biện pháp tương tự. Một lần nữa, có quốc gia nào mà lại không muốn kiểm soát công dân của mình nhiều hơn?
Khi cuộc sống của chúng ta ngày càng trở nên đan xen với công nghệ, ranh giới giữa thế giới trực tuyến và thế giới thực trở nên mờ nhạt hơn. Cùng với việc Dữ liệu Lớn đang phủ một cái bóng đáng ngại lên toàn thế giới và sự gia tăng của các chính phủ giám sát, rất có thể là nhiều quốc gia sẽ áp dụng phong cách chính phủ của Trung Cộng hơn. Gần đây, Trung Cộng đã giới thiệu hệ thống “Mỗi Người, Một Tệp” (“One Person, One File”), trong đó Dữ liệu Lớn – mọi thứ từ lịch sử trò chuyện trên internet đến thông tin sinh trắc học – được sử dụng để xây dựng các tệp [thông tin] về mỗi công dân. Người ta hình dung rằng CBDC của tương lai sẽ được liên kết mật thiết với ID kỹ thuật số và dữ liệu sinh trắc học. Điều này sẽ cung cấp cho các chính phủ quyền kiểm soát nhiều hơn đối với cuộc sống của chúng ta.
Theo lời của ông von Laer đã đề cập ở phần trên, “Thử để mức độ giám sát này sánh đôi với khả năng theo dõi bất kỳ quyết định mua hàng nào quý vị đưa ra, và [thế là] quý vị có công thức hoàn hảo để điều chế “tiền điện toán” cho Kẻ-độc-tài-ra-vẻ-Tử-tế (Big Brother).” Với một camera giám sát cho mỗi bảy công dân trên Trái đất này, Kẻ-độc-tài-ra-vẻ-Tử-tế đã theo dõi rồi. Và rất nhanh thôi, hắn sẽ kiểm soát tiền của quý vị.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, The American Conservative, National Review, The Public Discourse, và những tờ báo uy tín khác xuất bản. Ông cũng là cộng tác viên của tạp chí CoinDesk. Ông cũng là một nhà báo chuyên mục của tạp chí Cointelegraph.
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.