Thời đại chính phủ toàn quyền của ông Biden
Khi tôi bắt đầu công việc của mình cách đây 25 năm, quan điểm của tôi về việc khắc phục khó khăn cho các cộng đồng bị tàn phá và nghèo khó của chúng ta được dẫn dắt bởi niềm tin vào đất nước Hoa Kỳ, và những gì đã làm nên thành công của quốc gia này.
Tôi gọi đó là 3 chữ C (Christianity, Capitalism, Constitution): các nguyên tắc của Cơ Đốc Giáo, những đặc điểm ưu việt của chủ nghĩa tư bản, và nhà nước pháp quyền được nêu trong Hiến pháp của chúng ta.
Sau phong trào dân quyền, một chính phủ toàn quyền được cho là cần thiết để xoay chuyển các cộng đồng nghèo khó.
Khi Tổng thống Johnson đã ký ban hành Đạo luật Dân quyền năm 1964, giả thuyết được đưa ra ở đây là mặc dù đã có đạo luật mới để bảo vệ tự do – quyền công dân – cho tất cả mọi người, nhưng những người dân Hoa Kỳ da màu có thu nhập thấp vẫn chưa được quan tâm đúng mực để có được tự do và có khả năng có được tự do.
Một thời đại mới của chính phủ toàn quyền đã đem đến ‘chủ nghĩa phúc lợi xã hội’ cho các cộng đồng này.
Bất chấp khoản chi tiêu trị giá hàng chục ngàn tỷ dollar của liên bang nhắm vào các cộng đồng này kể từ những năm 1960, tỷ lệ nghèo đói trên thực tế vẫn không hề thay đổi. Tuy nhiên, những vấn đề quan trọng mới đã phát sinh – chủ yếu là sự xuống dốc của các gia đình tại Hoa Kỳ. Tình trạng cha mẹ đơn thân và tỷ lệ sinh con ngoài giá thú đã tăng gấp ba lần.
Đảng Dân Chủ ngày nay muốn đổ lỗi cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc về các vấn đề tồn đọng dai dẳng trong các cộng đồng thu nhập thấp. Ở một khía cạnh nào đó thì họ đã đúng. Chính sự phân biệt chủng tộc của họ đã từ chối và không chấp nhận rằng những người dân Hoa Kỳ có thu nhập thấp có thể và phải được tự do.
Giờ đây, hiện tại, Tổng thống Biden và đảng của ông ấy khao khát điều ngược lại với những gì mà tôi đã chiến đấu để có được.
Thay vì mong muốn đưa chủ nghĩa tư bản của những bộ phận hưng thịnh của Hoa Kỳ đến với những phần đất nước bị tàn phá, họ lại muốn đem chủ nghĩa xã hội phúc lợi thất bại của những bộ phận suy tàn của đất nước này tới cho toàn bộ Hoa Kỳ.
Khoản chi 6 ngàn tỷ USD trong 100 ngày đầu tiên của chính phủ ông Biden, được đưa ra dưới chiêu bài phục hồi sau đại dịch COVID-19, dụng ý là làm sao để lợi dụng cuộc khủng hoảng COVID-19 áp đặt một thời đại mới của chủ nghĩa phúc lợi xã hội toàn quyền, mà về căn bản sẽ làm thay đổi đất nước của chúng ta mãi mãi.
Nền kinh tế Hoa Kỳ đã đang trong quá trình phục hồi khả quan trong nửa cuối năm 2020 và trong quý đầu của năm 2021. Tỷ lệ phục hồi đã tăng 6.4%, tổng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mốc gần bằng giai đoạn trước đại dịch COVID-19.
Trái ngược với lời hùng biện của tổng thống, tình huống này cho thấy tính liên kết giữa sự thịnh vượng và tự do là thực tế, chứ không phải là ý thức hệ.
Hàng năm, Viện Fraser công bố các báo cáo về Tự do Kinh tế Thế giới, theo đó cho thấy các quốc gia có nhiều tự do hơn về kinh tế – chính phủ có quy mô nhỏ hơn, thuế quan thấp hơn, ít quy định hơn – thường nằm trong nhóm có thu nhập cao nhất và tỷ lệ nghèo đói thấp nhất.
Trong bài diễn văn trước Quốc hội, tổng thống đã cam đoan với người dân Hoa Kỳ rằng ông có thể chu cấp cho toàn bộ chính phủ toàn quyền này thông qua việc yêu cầu các đại tập đoàn và giới giàu có mở hầu bao để “sự chia sẻ công bằng”.
Nhưng thực tế thì những người chi trả cho các hóa đơn thuế này lại đưa ra một lập luận khác với các lập luận mang màu sắc hệ tư tưởng của tổng thống.
Theo dữ liệu mới nhất có sẵn từ Sở Thuế Vụ (IRS) vào năm 2018 mà Tổ chức Thuế phi đảng phái đã sử dụng thì nhóm đầu 1% những người nộp thuế đã đóng 40.1% tổng số thuế; nhóm đầu 50% số người nộp thuế đã chi trả 97.1% cho tất cả các loại thuế liên bang; và nhóm cuối 50% người nộp thuế chỉ trả 2.9% số thuế còn lại.
Còn các tập đoàn thì sao? Một lần nữa, sự thật lại là một câu chuyện khác.
Thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ đơn giản là khiến người làm công có ít thu nhập đi và khiến người tiêu dùng phải chi mức giá cao hơn. Nhà kinh tế học Laurence Kotlikoff của Đại học Boston ước tính rằng với thuế suất 0% cho doanh nghiệp, thì khi đó việc đóng thuế chỉ tập trung vào thuế thu nhập cá nhân và sẽ làm tăng 12% tiền lương.
Đem lại cho quốc gia này một bài học đáng giá về “hệ thống giáo dục thất bại” của chúng ta, Tổng thống Biden đã vận dụng từ ngữ trong lời mở đầu của Hiến pháp Hoa Kỳ để áp dụng cho bài diễn văn của mình: “Chúng ta [là] Người dân [Hiệp Chủng Quốc]” (We The People)…” – nhằm biện minh cho chính phủ toàn quyền.
Nhưng phần mở đầu đó nói rằng Hiến pháp được lập nên nhằm “bảo đảm các Phước lành của quyền Tự do cho chính chúng ta và cho con cháu chúng ta.”
Phản hồi bài diễn văn của tổng thống, Thượng nghị sĩ Tim Scott đã nhấn mạnh rằng theo những điều ông ấy trải qua, và những gì tôi đã trải qua trong suốt cuộc đời làm việc của tôi, thì khi những người Mỹ gốc Phi Châu nào nói về tự do và các giá trị của Thánh Kinh, họ đã vấp phải sự chế nhạo và khinh miệt từ phe thiên tả.
Thượng nghị sĩ Scott đã nói ra sự thật. Nói đến đất nước Hoa Kỳ là nói về sự tự do dưới ơn Chúa. Thách thức lớn của ngày nay làm sao để đạt được điều này.
Bà Star Parker là sáng lập viên và là chủ tịch của Trung tâm Đổi mới Đô thị và Giáo dục (CURE) và là người dẫn chương trình trò chuyện tin tức mới hàng tuần “Cure America with Star Parker.”
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.