‘The Nutcracker’ món quà Giáng Sinh lung linh sắc màu
“The Nutcracker” hay “Chú lính Nutcracker” là vở ballet hai màn nổi tiếng khắp thế giới. Để có một kỳ nghỉ lễ vui vẻ cho gia đình, người ta sẽ khó tìm được món quà nào lung linh tuyệt diệu hơn câu chuyện cổ điển The Nutcracker vào mùa Giáng Sinh. Đây là một câu chuyện về tình yêu, lòng dũng cảm, và những điều kỳ diệu — tất cả được kể bằng những vũ điệu ballet cổ điển.
Năm 1816, E.T.A. Hoffman đã xuất bản cuốn “The Nutcracker And The Mouse King” (Tạm dịch: “Chú lính Nutcracker và Vua chuột”), một câu chuyện cổ tích dành cho người lớn. Nhiều năm sau, một phiên bản khác của Alexandre Dumas Cha đã cuốn hút trẻ em vì phù hợp hơn và vui nhộn hơn.
Biên đạo múa lừng danh Marius Petipa của Nhà hát hoàng gia St. Petersburg đã rất thích câu chuyện mới này và quyết định dàn dựng thành một vở ballet. Ông đã mời Peter Ilyitch Tschaikovsky soạn nhạc cho vở diễn. Vở ballet “The Nutcracker” được ra mắt công chúng lần đầu tiên vào năm 1892. Tuy nhiên, vở diễn không thành công vào lúc bấy giờ, khán giả của St. Petersburg hầu như tỏ ra thờ ơ với tác phẩm, còn các nhà phê bình thì nhận xét rằng bố cục của vở ballet thiếu hợp lý. Màn Một kể về câu chuyện Marie đã gặp chú lính Nutcracker như thế nào và giúp phá bỏ lời nguyền để biến anh trở lại thành hoàng tử; trong khi Màn Hai không phát triển thêm phần cốt truyện mà chỉ tập trung vào các vũ điệu.
Biên đạo múa kiêm nghệ sĩ múa ballet Breton Tyner-Bryan, người giảng dạy tại Đại học New York, và Trung tâm vũ đạo Broadway, đã chia sẻ về trải nghiệm của cô về phiên bản của nhà biên đạo Petipa mà cô đã từng diễn nhiều lần khi còn là học sinh vào những năm 1990.
“Tôi thực sự lẻn vào ban công nhà hát lúc tôi không phải biểu diễn để xem Màn Hai,” cô nói.
Chính xác là Màn Hai không có cốt truyện đã khiến cô Tyner-Bryan bối rối: những gì diễn ra chủ yếu là thể hiện sự khác biệt, từ vũ điệu của Vương quốc Kẹo ngọt, rồi vũ điệu cà phê Ả Rập, vũ điệu chocolate Tây Ban Nha, và vũ điệu trà Trung Hoa…
Về tổng thể, theo cô Tyner-Bryan chia sẻ thì “đó là màn thể hiện tính cách của nhiều nhân vật, tạo nên sự khác biệt trong chuyển động và trang phục” và cô cũng yêu thích những điều đó. Người xem như ngồi đối diện lễ đài của đám rước linh đình, cũng giống như Marie và Hoàng tử, họ say mê vẻ lộng lẫy của vô số nhân vật.
Hơn nửa thế kỷ sau, vào năm 1954 khi biên đạo múa người Mỹ, George Balanchine, thay đổi vài nhân vật trong tác phẩm thì “The Nutcracker” có một sức sống mới. Vở ballet bắt đầu được yêu thích trên khắp thế giới, tạo thành một cơn sốt và được biểu diễn rộng rãi toàn cầu.
Ông George Balanchine đã từng đóng vai Hoàng tử khi ông mới 15 tuổi trong phiên bản gốc tại Nhà hát Mariinsky ở Nga. Sau này, ông chuyển đến Mỹ và cùng với những người khác thành lập Nhà hát Ballet New York (NYBD). Tại đây, ông đã quyết định biên đạo phiên bản “The Nutcracker” của riêng mình, và tác phẩm đã được đón nhận nồng nhiệt hàng năm nhất là vào dịp Giáng Sinh kể từ khi công diễn ở Thành phố New York vào năm 1954 cho đến nay.
Phiên bản của ông Balanchine phần lớn dựa trên kịch bản gốc, nhưng ông đã sắp xếp lại một số phần, ví dụ như chuyển điệu nhảy của nàng tiên Sugar Plum lên sớm hơn trong Màn Hai.
Giấc mơ đêm Giáng Sinh đầy màu sắc trong “The Nutcracker”
Marie và bé Fritz, cả hai sống tại một thị trấn nhỏ ở Đức, đang tận hưởng kỳ nghỉ Giáng Sinh được tổ chức tại nhà, với sự góp mặt đông đủ thành viên của cả đại gia đình.
Người lớn thì trò chuyện một cách vui vẻ trong lúc những đứa nhỏ thì vô cùng hào hứng với những món quà: búp bê cho các bé gái, những chú lính đồ chơi cho các bé trai. Giữa buổi tiệc, ông Drosselmeyer, cha đỡ đầu của Marie và cũng là người làm đồ chơi trong làng, đã đến và tặng cho cả gia đình một chiếc đồng hồ khổng lồ, được làm bằng ba mảnh ghép to bằng người thật. Ông cũng tặng cho Marie một chú lính kẹp hạt dẻ (nutcracker) bằng gỗ được chạm khắc thủ công.
Tuy nhiên Fritz lại ganh tỵ với món quà của Marie và đã giằng lấy khỏi cô bé, khiến cho một cánh tay của chú lính gỗ kẹp hạt dẻ bị gãy. Để cứu vãn sự tình, ông Drosselmeyer đã treo cánh tay gãy của chú lính lên bằng một sợi dây. Chú lính kẹp hạt dẻ sau đó được giao nhiệm vụ canh gác cây thông Noel khi buổi tiệc tàn và cả gia đình chìm vào giấc ngủ.
Quá nửa đêm, Marie tỉnh dậy để thăm chú lính kẹp hạt dẻ và sửng sốt khi thấy quá nhiều chuột khổng lồ đang tiến vào trong ngôi nhà. Loài gặm nhấm này, dưới sự chỉ huy của Vua chuột, đã đe dọa Marie và tất cả những người trong nhà cô bé.
Ngay tức thì, chú lính kẹp hạt dẻ đã đến bảo vệ Marie trong dáng hình to lớn như người thật, cánh tay gãy của chú đã lành lặn một cách thần kỳ. Nhanh chóng nhìn ra thế trận, chú đã triệu tập những chú lính đồ chơi khác đang ngủ say trong tủ, nơi mà họ được đặt vào chỉ trong vài giờ đồng hồ trước đó. Những chú lính nhanh chóng tham gia cuộc chiến, với sự giúp sức của các cô nàng búp bê.
Cuối cùng, Vua chuột tử trận và các tên tay sai của hắn cũng thất bại, lời nguyền đã được phá bỏ và chú lính gỗ đã trở lại diện mạo của một chàng hoàng tử khôi ngô tuấn tú. Marie đã cùng chàng Hoàng tử trở về vương quốc của chàng. Trong một sảnh đường rộng lớn rực rỡ khi hai người đặt chân đến, Marie đã được đội lên đầu chiếc vương miện lộng lẫy.
Rồi họ bước vào một khu rừng xinh đẹp, nơi những bông tuyết nhảy vũ điệu valse dẫn lối Marie và Hoàng tử đi về phía Ngôi sao Giáng Sinh.
Marie và Hoàng tử đến Vương quốc Kẹo ngọt, được nàng tiên Sugar Plum xinh đẹp và tất cả những cư dân khác trong vương quốc của cô chào đón. Hoàng tử kể câu chuyện về cuộc chiến đấu với lũ chuột, mô tả cách Marie giúp anh đánh bại Vua chuột. Mọi người đều vui mừng vì Hoàng tử và Marie được an toàn, nàng tiên Sugar Plum dẫn họ đến một ngai vàng, nơi họ có thể thưởng thức bánh và kẹo…
Đến lúc Marie và Hoàng tử phải nói lời tạm biệt, họ ngồi trên một cỗ xe trượt tuyết được kéo bởi những con tuần lộc lấp lánh và cùng bay lên.
“Phiên bản của Balanchine có tính thẩm mỹ khác với phiên bản gốc,” cô Tyner-Bryan cho biết. Nhà biên đạo Balanchine đã kiểm soát được mọi khía cạnh của vở ballet, giảm thiểu sự phức tạp của trang phục để tập trung sự chú ý của người xem vào đường nét cơ thể của nghệ sĩ cũng như những biểu cảm của họ.
“Tôi cảm nhận được cá tính của từng nhân vật trong phiên bản của Balanchine, trong khi tôi cảm giác như xem một ‘bộ sưu tập’ nhân vật trong vở của Petipa,” cô Tyner-Bryan nói.
Theo cô Ashley Tuttle, diễn viên ballet được đề cử giải thưởng Tony, điều làm nên phong cách của Balanchine là “sự liên kết rất sống động giữa các tổ hợp vũ đạo. Ông ấy là một thiên tài về các tổ hợp vũ đạo.” Ông ta nhấn mạnh vào động tác chân, trọng tâm các bước nhảy, và về phần mình, các vũ công hướng về phía trước chứ không phải ở các góc của sân khấu như người Nga đã làm. “Có lẽ quan trọng nhất là ông ấy đã đẩy nhịp độ nhanh hơn nhịp độ của vũ điệu gốc,” cô Tuttle nhận xét.
Âm nhạc mới là đỉnh cao của vở diễn
Cho dù là phiên bản nào hay bất kể thẩm nào mỹ đằng sau vũ đạo, cô Tuttle tin rằng chính âm nhạc đã làm nên sức sống của “The Nutcracker”. Các học sinh múa lớp bốn của cô xem vở ballet này và gặp lại nhau trong buổi học hôm sau, chúng ngay lập tức nhận ra bản nhạc của phần múa đôi (grand pas de deux) của nàng tiên Sugar Plum ngay khi bản nhạc vang lên. Cô Tuttle nói: “Âm nhạc rất đi vào lòng người và để lại dấu ấn sâu sắc.”
“Âm nhạc huyền diệu và đặc tả đến nỗi chỉ riêng âm nhạc đã kể được câu chuyện. Bạn có thể nghe thấy tiếng tuyết rơi. Nghe đúng là âm thanh của bông tuyết,” cô nói.
Nhà soạn nhạc Tschaikovsky qua đời chưa đầy một năm sau khi vở diễn gốc công diễn tại Nga, ông đã không thể biết được rằng vở ballet sau này đã thành công vang dội như thế nào trên thế giới.
“Mọi thứ đều là ở âm nhạc,” cô Tuttle khẳng định. “Chính âm nhạc của Tschaikovsky mới là điều kỳ diệu.”
Và “The Nutcracker” đã trở thành một món quà tinh thần vượt thời gian dành cho cả người lớn và trẻ em.