‘Thế giới của cảm xúc’ trong nghệ thuật Hy Lạp cổ đại
“Xin hãy nghĩ về cha ngài.” Những lời này đã khiến Achilles – chiến binh vĩ đại nhất của quân Hy Lạp – rơi nước mắt khi Priam, vua của thành Troy, xin lại thân xác không toàn vẹn của con trai ông là Hector để chôn cất. Achilles đã trói thi thể Hector sau cỗ xe của mình và kéo lê quanh các bức tường thành Troy trong cơn thịnh nộ trước cái chết của một người bạn thân. Bằng tất cả sự khiêm cung của mình, vua Priam đã quỳ gối trước Achilles; ông hôn tay kẻ thù và đưa ra lời thỉnh cầu.
Khi nghe những lời của vua Priam, Achilles tưởng tượng ra viễn cảnh một ngày người cha già của mình cũng có thể khóc thương cho cái chết của con trai. Nhận ra điều này, sự tức giận của chàng biến thành đau buồn. Vua thành Troy và người hùng Hy Lạp cùng khóc, lòng nhân đạo đã gắn kết họ với nhau.
Người Hy Lạp cổ đại thường biểu đạt những cảm xúc mãnh liệt, như Homer đã diễn tả trong sử thi “Iliad” (khoảng năm 700 trước CN) – bản trường ca Hy Lạp cổ nhất trong văn học phương Tây.
Ngay khi bắt đầu, Trường ca Iliad kề về cơn thịnh nộ của Achilles và hậu quả của nó. “Đây không phải là những biểu tượng cảm xúc mà bạn thấy trên iPhone,” ông Michael Djordjevitch nói. Ông là một nhà nghiên cứu kiến trúc thâm niên và là thành viên của Trường Nghiên cứu Cổ điển Hoa Kỳ tại Athens, hiện đang giảng dạy lịch sử nghệ thuật và kiến trúc tại Grand Central Atelier và làm việc cho xưởng thiết kế Atelier & Co. ở New York.
Chúng ta không thực sự biết người Hy Lạp cổ đại cảm thấy gì, nhưng thông qua văn học, triết học và các cổ vật, chúng ta hiểu được cách họ biểu đạt cảm xúc. Hơn 130 tác phẩm được trưng bày (từ các bảo tàng hàng đầu gồm Bảo tàng Acropolis, Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia Athens, Bảo tàng Louvre, Bảo tàng Vatican, Bảo tàng Anh, và Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan) đều kể về những câu chuyện giúp chúng ta hiểu theo cách của riêng mình.
Vua Priam đã thuyết phục được Achilles bằng cách đề nghị anh suy nghĩ lại. Nhờ đó, cơn thịnh nộ đã biến thành đau buồn. Giáo sư về cổ điển tại trường Đại học New York University, David Konstan viết: “Tình yêu của chúng ta dành cho bạn bè dựa trên sự trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của họ; nó có thể bao gồm những lợi ích thiết thực và việc đem lại niềm vui cho nhau, nhưng trên hết chính là đức tính của họ”. Quyết định của chúng ta để yêu ai đó dựa trên các giá trị đạo đức và sự suy xét. Nó không chỉ là vấn đề “hóa học”.
Người Hy Lạp cổ đại đã phát triển một số học thuyết khởi thủy về cảm xúc. Họ hiểu rằng cảm xúc là sức mạnh và như là thần linh. Trong một đền thờ gồm hơn 30 vị thần, ví dụ Ares là vị thần của chiến tranh và vũ lực, trong khi Aphrodite là nữ thần của tình yêu và sắc đẹp. Mỗi nam thần và nữ thần đều có liên quan đến phẩm chất và cảm xúc của riêng họ.
“Người Hy Lạp cổ đại đặc biệt chú ý đến những cảm xúc mãnh liệt liên quan đến chiến tranh, những xung đột với quy mô lớn của nhân loại với những trải nghiệm dữ dội tột đỉnh”, theo ông Djordjevitch. “Toàn bộ vở kịch cổ đại có xu hướng kể về những gì xảy ra khi bạn vượt qua ngưỡng đó, chẳng hạn như sự báo thù, và đẩy bạn đến một cảnh giới nguy hiểm.”
Chẳng hạn trong “Oresteia,” bộ ba bi kịch Hy Lạp, “Clytemnestra rõ là đáng bị xử tử vì tội sát hại chồng, nhưng ngặt nỗi chính những đứa con của bà đã sát hại bà. Văn hóa Hy Lạp tập trung rất nhiều vào những nghịch cảnh này. Đó là lý do tại sao nó rất hấp dẫn đối với chúng ta, bởi vì nó đại diện cho một tình huống mà con người gặp phải trong những thời khắc phi nhân tính.”
Ông cho rằng: “Vở kịch cường điệu những điều bình thường để bộc lộ những nhân tố thúc đẩy nằm ẩn sâu và tạo thành nên cuộc sống của mỗi người. Là một xã hội văn minh, tất cả những cảm xúc vượt ngưỡng này phải được kiểm soát, nhưng chúng vẫn có thật; vì vậy bạn không thể giả vờ như chúng không có ở đó”.
Người Hy Lạp cổ đại đã xây dựng những ngôi đền, không chỉ là không gian dành cho nghi lễ và thờ cúng, mà còn để nhìn nhận và suy ngẫm về cảm xúc.
Khi chúng ta thấy những cảnh đẫm máu được thể hiện trong đồ gốm Hy Lạp cổ đại – chẳng hạn một người vợ ghen tuông sát hại hai đứa con trai của mình, trong huyền thoại về Medea – và những cảnh phá hủy, hãm hiếp, kề cận sinh tử, hoặc sự nổi loạn; chúng ta có thể cho rằng người Hy Lạp cổ đại nói chung là rất bạo lực. Tuy nhiên trong cuộc sống hàng ngày, họ có thể giao tiếp với nhau với một tâm thái yên bình hơn nhiều, bởi vì họ đã tạo ra không gian và thời gian để có thể điều hòa cảm xúc của họ, thông qua việc xem những vở hài kịch, trào phúng hoặc bi kịch, hoặc qua việc thờ phượng trong các đền thờ.
Người Hy Lạp cổ đại đã phát triển một số học thuyết khởi thủy về cảm xúc. Nhà triết học Aristotle đã xem xét rất nhiều loại cảm xúc, sắp xếp chúng thành từng cặp, trong chuyên luận của ông về nghệ thuật hùng biện. Định nghĩa nổi tiếng về bi kịch của ông giải thích hiệu quả chữa bệnh của việc xem các vở bi kịch.
“Achilles chỉ hiện diện trước chúng ta là một con người thực sự khi vua Priam nhắc nhở rằng anh ta cũng có một người cha sẽ đau buồn vì anh. Đó là khoảnh khắc cao trào của ‘Iliad’, khiến người xem gạt nước mắt. Chiến binh Achilles vô địch, kiêu ngạo, khát máu đột nhiên được đánh thức. Đó là một minh chứng tuyệt vời cho mức độ sâu sắc và bao la của thế giới tâm linh của một nền văn hóa, và sự chín chắn về cảm xúc.”
Cao trào là toàn bộ mục đích của bi kịch như được giải thích trong “Thơ” của Aristotle. “Toàn xã hội cùng thanh lọc những cảm xúc này bằng cách thể hiện chúng theo cách tập trung, tiết chế, đầy nghệ thuật,” theo ông Djordjevitch.
Thoạt nhìn, một chiếc bình bằng gốm với những họa tiết đẹp mắt, được bố cục hài hòa. Nhưng khi nhìn kỹ hơn, một vở kịch dữ dội hiện ra, chẳng hạn, Achilles phục kích và giết chết hoàng tử thành Troy, Troilus.
Achilles nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả một anh hùng cũng có thể sai lầm và do đó phải chịu báo ứng và trừng phạt. Các mẫu vật và những câu chuyện liên quan trong triển lãm nhắc nhở chúng ta về tất cả những cảm xúc mà người Hy Lạp cổ đại gọi là thần thánh.
“Người Athen đã xây dựng ngôi đền “Nemesis” (Nữ thần Báo ứng) bên cạnh chiến thắng vĩ đại của họ ở Marathon. Nó không chỉ ám chỉ ‘Ồ haha, hãy nhìn đi người Ba Tư, số phận của các vị kết thúc vì sự kiêu ngạo của mình.’ Mà nó còn dùng để nhắc nhở họ rằng, Ngạo Mạn luôn đi kèm với Báo Ứng, và là một quy luật vĩnh viễn ở mảnh đất linh thiêng này. Trình độ tự nhận thức và chiêm nghiệm đó là vẻ đẹp của người Hy Lạp cổ đại,” ông Djordjevitch nói.