Tham vọng năng lượng mặt trời của TT Biden xung đột với những khiếu nại về lao động cưỡng bức ở Trung Quốc
Tham vọng năng lượng mặt trời của chính phủ Biden đang vấp phải những khiếu nại rằng ngành công nghiệp toàn cầu này phụ thuộc vào nguyên liệu thô của Trung Quốc, vốn có thể do lao động cưỡng bức sản xuất.
Một trở ngại lớn là polysilicon, nguyên liệu này được sử dụng để sản xuất tế bào quang điện cho các tấm pin năng lượng mặt trời. Ngành công nghiệp toàn cầu này tiếp nhận 45% nguồn cung từ Tân Cương, khu vực tây bắc Trung Quốc, nơi mà nhà cầm quyền Trung Cộng bị cáo buộc đang giam giữ hàng loạt người dân tộc thiểu số và các hành vi lạm dụng khác. Các khu vực khác của Trung Quốc cung ứng 35%. Chỉ 20% nguồn cung đến từ Hoa Kỳ và các nhà sản xuất khác.
Đặc phái viên khí hậu của ông Biden, ông John Kerry, cho biết Hoa Thịnh Đốn đang cân nhắc việc có nên ngăn chặn các sản phẩm năng lượng mặt trời của Tân Cương vào thị trường Hoa Kỳ hay không. Điều này tạo ra xung đột với kế hoạch của Tổng thống Joe Biden trong việc cắt giảm lượng khí thải carbon gây biến đổi khí hậu, thông qua việc thúc đẩy năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo khác, trong khi cùng lúc cắt giảm các chi phí.
Theo các nhà nghiên cứu và chính phủ nước ngoài, tại Tân Cương, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số khác mà chủ yếu là người Hồi giáo đã bị bắt vào các trại tạm giam. Giới hữu trách nơi này bị cáo buộc đã cưỡng bức triệt sản người thiểu số và phá hủy các đền thờ Hồi giáo.
Các quan chức Trung Cộng bác bỏ các cáo buộc lạm dụng và nói rằng, các trại tập trung này là để đào tạo nghề nhằm mục đích phát triển kinh tế và ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan.
Hoa Kỳ và một số nhà cung cấp năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã cam kết sẽ tránh các nhà cung cấp có thể sử dụng lao động cưỡng bức. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu họ có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng mà thiếu đi Tân Cương, nơi Bắc Kinh sẽ không cho phép thực hiện các cuộc kiểm tra độc lập đối với các nơi làm việc, hay không.
Theo như báo cáo ngày 14/05 của hai nhà nghiên cứu Laura T. Murphy và Nyrola Elima thuộc Đại học Sheffield Hallam của Anh, thì các nhà sản xuất lớn nhất đều sử dụng nguyên liệu thô từ Tân Cương và tồn tại “nguy cơ cao về lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của họ.”
Xác suất liên quan đến lao động cưỡng bức “là một vấn đề,” ông Kerry đã nói với các nhà lập pháp Hoa Kỳ vào tuần trước (17-23/05). Ông viện dẫn rằng “chúng tôi tin rằng trong một số trường hợp, các tấm pin năng lượng mặt trời được sản xuất bởi lao động cưỡng bức.”
Các chính phủ phương Tây đã áp đặt hạn chế về đi lại và tài chính lên các quan chức Trung Cộng bị cáo buộc là lạm dụng. Chính phủ Hoa Kỳ đã cấm nhập cảng bông và cà chua từ Tân Cương, viện dẫn lo ngại về lao động cưỡng bức.
Ông Kerry cho biết chính phủ đang đánh giá xem liệu có nên mở rộng lệnh cấm đó đối với pin năng lượng mặt trời và nguyên liệu thô từ Tân Cương hay không. Ông nói thêm rằng ông không được biết về tình trạng của việc đánh giá này.
Vấn đề đang gây tranh cãi là chương trình “chuyển giao lao động” của Trung Cộng, theo đó công nhân ở Tân Cương được đưa vào làm việc tại các công ty.
Giới chức Trung Cộng nói rằng việc này là hoàn toàn tự nguyện, nhưng hai nhà nghiên cứu Murphy và Elima cho rằng sự việc diễn ra trong “một môi trường bị cưỡng ép chưa từng có” và “được củng cố bởi mối đe dọa liên tục về việc cải tạo và giam giữ”.
Báo cáo của họ cho biết: “Nhiều người lao động bản địa không thể từ chối hoặc thoát khỏi những công việc này. Báo cáo cho rằng các chương trình này “tương đương với việc cưỡng bức chuyển giao dân cư và nô dịch hóa.”
Hai nhà nghiên cứu Murphy và Elima cho biết, họ đã tìm thấy 11 công ty tham gia vào việc chuyển giao lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác, và có đến 90 doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài có chuỗi cung ứng chịu ảnh hưởng. Họ cho biết các nhà sản xuất cần phải thực hiện “những thay đổi đáng kể” nếu họ muốn tránh các nhà cung cấp sử dụng lao động cưỡng bức.
Hai nhà nghiên cứu này cho rằng các nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời lớn nhất toàn cầu như—JinkoSolar, Công ty Công nghệ Năng lượng Xanh LONGi, Công ty Năng lượng Mặt trời Trina, và Công ty JA Solar Holdings có thể đã sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của mình.
Theo cô Murphy và cô Elima, các công ty Trina và JinkoSolar cũng có “khả năng [tiến hành] chuyển giao lao động” tại các nhà máy, đồng thời cơ sở của JinkoSolar lại nằm trong một khu công nghiệp có trại giam.
Các công ty JinkoSolar, LONGi, Trina và JA Solar đã không phúc đáp ngay các câu hỏi về báo cáo này.
Đồng thời, nguồn cung suy giảm khi nhu cầu tăng cao đã đẩy giá polysilicon lên hơn 100% kể từ tháng 01/2021 đến mức cao nhất trong vòng 9 năm qua.
Trong một email, ông Johannes Bernreuter, Giám đốc Công ty Nghiên cứu Bernreuter của Đức, cho biết thị trường “đã được cung ứng dưới mức.”
Trung Quốc vừa là thị trường toàn cầu lớn nhất về thiết bị năng lượng mặt trời đồng thời cũng là nhà sản xuất lớn nhất.
Điều đó phản ánh qua các khoản chi tiêu hàng tỷ USD trong hai thập kỷ qua nhằm thúc đẩy công nghệ năng lượng mặt trời. Đảng cầm quyền muốn hạn chế sự phụ thuộc vào dầu và khí đốt nhập cảng, vốn bị coi là điểm yếu về an ninh, và muốn dẫn đầu trong một ngành công nghiệp mới nổi.
Nguồn cung dư thừa khi hàng trăm nhà sản xuất Trung Quốc đổ xô vào ngành công nghiệp này cách đây 15 năm đã khiến giá xuống thấp. Điều đó làm tổn hại đến các đối thủ phương Tây nhưng đã đẩy nhanh việc áp dụng năng lượng mặt trời ở Hoa Kỳ và u Châu.
Trong số 10 hãng sản xuất hàng đầu toàn cầu thì 7 hãng là của Trung Quốc. Canadian Solar Inc. được ghi danh tại Canada nhưng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Hanwha Q-Cells của Nam Hàn đứng thứ 6.
Nhà sản xuất Hoa Kỳ duy nhất trong top 10 nói trên, First Solar Inc. không liên quan đến chuỗi cung ứng polysilicon của Tân Cương, vì công ty Tempe (ở Arizona) sử dụng công nghệ màng mỏng không cần polysilicon.
Ông Bernreuter cho biết các nhà cung cấp phục vụ thị trường Hoa Kỳ và u Châu có thể có đủ polysilicon mà không cần đến Tân Cương. Tuy nhiên, ông nói rằng nguồn cung có thể bị siết chặt nếu các nước khác áp đặt yêu cầu tương tự.
Các nhà cung cấp tiềm năng không đến từ Trung Quốc bao gồm có Wacker Chemie AG của Đức, và chi nhánh tại Malaysia của công ty Nam Hàn OCI.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu Murphy và Elima, các công ty này cũng có thể đã thu mua nguyên liệu từ nhà cung cấp lớn nhất của Tân Cương, Công ty Công nghiệp Silicon Hoshine. Họ đã trích dẫn các tài liệu cho thấy Hoshine, còn được gọi là Hesheng, đã tham gia vào việc “chuyển giao lao động.”
Công ty Hoshine đã không phúc đáp ngay các nghi vấn về báo cáo này.
Hồi tháng 02/2021, 175 công ty bao gồm cả các chi nhánh ở Hoa Kỳ của JinkoSolar, LONGi, Trina và JA Solar đã ký cam kết phản đối việc các nhà cung cấp của mình sử dụng lao động cưỡng bức.
Theo chủ tịch Abigail Ross Hopper của nhóm này, những thay đổi tiềm năng sẽ được thực hiện vào cuối tháng Sáu.
Cũng trong tháng 02/2021, Chủ tịch Ross Hopper nói với tạp chí PV của Hoa Kỳ rằng, “Nếu khách hàng của họ và chính phủ Hoa Kỳ đang yêu cầu điều đó, họ cần phải nhanh chóng hành động.”
Ông Bernreuter cảnh báo Trung Cộng “có thể đã can thiệp” vào một cuộc đánh giá, mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó đã xảy ra.