Táo Quân cưỡi cá chép về Trời: nhân gian Thiện Ác đều được chép ghi
Tùng Quân
Lễ mừng năm mới thường bắt đầu từ “Tiểu niên”, tức ngày 23 tháng Chạp. Trong sách “Việt Nam phong tục”, Phan Kế Bính viết: “Hai mươi ba tháng Chạp là Tết Táo quân. Ta thường cho hôm ấy là ngày vua bếp lên chầu trời. Nguyên ở trong đạo Lão Tử có nói rằng: ngày hai mươi ba tháng Chạp thì Táo quân lên chầu trời để tâu việc thiện ác của nhân gian.”
Táo Quân (灶君); Táo Vương (灶王), Ông Táo (翁灶) hay Thần Bếp (神灶), Vua Bếp (𢂜灶) trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam và Trung Hoa được xem là vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà; Táo (灶) có nghĩa là bếp. Táo quân là một vị thần có lịch sử lâu đời trong văn hóa tín ngưỡng truyền thống Á Đông, vẫn được lưu truyền đến tận ngày nay.
Huyền tích “hai ông, một bà”
Truyền thuyết kể rằng, xưa có hai vợ chồng nghèo nhưng rất yêu thương nhau. Một năm mất mùa, cuộc sống rất khó khăn. Hai vợ chồng đi tìm việc ở các nhà giàu nhưng chẳng mấy ai thuê. Nạn đói kéo dài nên người chồng đành phải đi xa kiếm ăn, hẹn 3 năm sau trở về. Người chồng dặn dò vợ rằng sau 3 năm nếu không thấy chàng trở về thì chắc đã bỏ mạng nơi xa, nàng cứ thành thân với người khác.
Sau khi tiễn chồng, người vợ ở lại may sao kiếm được việc làm ở một nhà kia. Nhà họ tuy không giàu có nhưng thương cảnh ngộ nàng, có ý giúp đỡ cho qua những ngày thảm đạm.
3 năm trôi qua nhưng chồng nàng thì bặt vô âm tín. Giữa lúc ấy người chủ đã từng bao bọc nàng trong lúc đó, vừa chết vợ. Người ấy ngỏ ý muốn được nối duyên cùng nàng. Nàng xin khất thêm ba năm coi như nếu chồng nàng quả thực đã chết thì nàng cũng để tang cho trọn đạo.
Ba năm nữa lại trôi qua, chồng nàng vẫn không về. Người chủ có ý thúc giục, người vợ đành chấp thuận lời khẩn cầu của người chủ đã cưu mang nàng lúc hoạn nạn.
Đột nhiên sau đó ba tháng, người chồng cũ khăn gói trở về quê hương, tìm gặp người vợ xưa, không ngờ giờ đã là vợ người khác. Người chồng cũ không biết đi đâu, trong lúc tuyệt vọng, chàng tự vẫn.
Người vợ quá bàng hoàng, xấu hổ, thương chồng, nên cũng gieo mình xuống sông. Người chồng mới sau khi làm ma cho vợ, trở nên như người mất trí. Rồi một hôm, sau khi đem hết gia sản chia cho họ hàng và cúng vào chùa, chàng uống thuốc độc tự tử.
Ngọc Hoàng nghe câu chuyện của họ thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân nhưng mỗi người giữ một việc: một người là Thổ Công, trông coi việc bếp; một người làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa; một người trông coi việc chợ búa.
Một lễ tế Thần quan trọng
Thời xưa, mọi nhà đều sắp đặt bài vị Thần Táo. Mỗi năm vào ngày 23 tháng Chạp, người dân sẽ làm lễ cúng tiễn Thần Táo lên trời trình tấu với Ngọc Hoàng Đại Đế việc thiện ác, công đức của gia chủ trong năm qua ở nhân gian. Ngọc Hoàng Đại Đế sẽ quyết định cát hung họa phúc cho nhà này vào năm sau, sau đó giao lại cho Táo Quân phụ trách khi quay về nhân gian vào đêm giao thừa.
Tại Trung Hoa, việc cúng tế thần Táo quân được coi là một lễ tế quan trọng của triều đình. Các thư tịch cổ của Trung Quốc có nhiều ghi chép về phong tục tế thần Táo quân. Tên đầy đủ của vị thần này theo tiếng Hán là “Đông trù Tư mệnh Cửu linh Nguyên vương Định phước Thần quân”, tục xưng Táo quân hoặc Táo vương.
Theo truyền thuyết, Ngọc Hoàng sắc phong cho ngài là “Ngọc thanh Phụ tướng Cửu thiên Đông trù Tư mệnh Táo vương Chân quân”. Đông trù và Táo trong tiếng Hán đều mang nghĩa chỉ “nhà bếp, bếp”. Nghi thức cúng Thần Táo là một trong “ngũ tự”, tức là cúng tế 5 vị Thần: Môn (cổng), Hộ (cửa), Trung Lựu (phòng giữa), Táo (bếp) và Hành (đường đi). Năm vị Thần này đều là những vị Thần có ân đức với dân chúng.
Không chỉ Việt Nam có tục thờ Táo Quân. Trong vùng văn hóa Đông Á, các nước như Trung Quốc, Nam Hàn, và Nhật Bản đều có truyền thuyết về thần bếp tương tự. Trong văn hóa Nhật Bản, vị thần Daikokuten (Đại Hắc Thiên) là thần cai quản chuyện nhà nông, bếp núc. Tại Nam Hàn cũng có truyền thuyết về Jowangshin (Táo Vương Thần), là vị thần quản bếp lò, nội trợ, người giữ lửa trong gia đình.
Cá chép – “Thần thú” đưa Táo Quân bay về trời
Vì sao lại là cá chép mới đưa được Táo Quân về Trời? Trong các loài dưới nước, duy chỉ có cá chép mới có thể hóa thành rồng. Cá chép hóa rồng liên quan đến sự tích vua Đại Vũ trị thủy. Vào thời cổ đại Trung Hoa, thấy nhân dân khốn khổ vì thiên tai, lụt lội, mất mùa, đói kém, vua Thuấn quyết định xẻ núi khơi thông dòng chảy để sông lớn thông ra đại dương. Có một đoạn núi rất hiểm trở là Long Môn. Ngọc Hoàng Đại Đế đặt ra thể lệ thi tài, “trong các loài thủy tộc, loài nào có thể vượt qua được Long Môn có thể biến thành rồng, làm công việc cai quản mưa gió.” Cuối cùng, chỉ có cá chép đã nỗ lực hết mình vượt qua nhiều tầng thác rồi nhả ra một viên ngọc trai và biến thành rồng, vùng vẫy bay lên trời.
Cá thuộc hành Thủy, hình tượng Táo quân cưỡi cá chép, chính là biểu tượng của quẻ Hỏa Thủy Vị tế trong kinh Dịch. Đây là quẻ cuối cùng kết thúc một chu kỳ 64 tư quẻ Dịch. Biểu tượng cho chu kỳ tuần hoàn của tạo hóa trong một năm đã kết thúc và chuyển sang một chu kỳ mới và mọi việc vẫn còn tiếp tục để một năm mới tốt lành.
Trên đầu ba thước có Thần linh
Trong văn hóa truyền thống người Việt, căn bếp là nơi giữ lửa, cung cấp năng lượng sống, cũng là biểu tượng cho sự gắn kết trong gia đình. Người xưa tin rằng căn bếp có ấm lửa thì gia đạo hưng thịnh.
Thế nên việc cúng Thần Táo cai quản bếp có một ý nghĩa tâm linh quan trọng.
Thần Táo là vị thần theo sát cuộc sống gia đình, mang trọng trách cầu nối giữa Ngọc Hoàng Đại Đế với hạ giới, ghi chép lại hết thảy những việc thiện ác, công đức, tội nghiệp của gia chủ để trình tấu với Ngọc Hoàng.
Theo “Kính Táo toàn thư”: “Táo Thần hưởng nhang khói của một nhà, gìn giữ sức khỏe cho người trong gia đình, theo dõi việc thiện ác của gia đình, tâu trình công tội của nhà đó” (thụ nhất gia hương hỏa, bảo nhất gia khang thái, sát nhất gia thiện ác, tấu nhất gia công quá). Với nhiệm vụ bảo hộ sinh mạng cho gia chủ nên Táo Quân còn được gọi là Tư mệnh Thần quân.
Phong tục lễ Táo quân thể hiện tín ngưỡng của người Việt xưa vào các vị Thần và tin rằng mọi sự trên đời được cai quản bởi một Đấng Sáng Thế (Ngọc Hoàng). Bởi tâm kính Thần nên người xưa luôn gắng giữ mình, không làm điều xấu, gắng làm việc Thiện, vun vén cửa nhà an hòa, hưng vượng.