Táo bón: Nguyên nhân và cách điều trị
Rất nhiều yếu tố có thể gây ra táo bón, nhưng một số cách đơn giản hiệu quả sẽ giúp bạn ngăn ngừa chứng bệnh phổ biến này.
D.D. là một phụ nữ 49 tuổi thường ngày rất vui tính, đến gặp tôi sau bốn ngày vùng chậu, bụng dưới bị đau ngày càng nhiều. Cô đến một trung tâm chăm sóc khẩn cấp địa phương và được chẩn đoán sơ bộ là bị u nang buồng trứng. Siêu âm của cô ấy cho kết quả âm tính. Tuy nhiên không khó để tìm ra vấn đề là gì.
Cô D.D. thật khổ sở vì đã không đi ngoài bình thường trong năm ngày, nhưng có vài lần ra ít và khó khăn. Đây là điều khiến bác sĩ cấp cứu khó chẩn đoán ra. Tôi đã tiến hành siêu âm lại và cho cô ấy thấy rằng rất nhiều phân tích tụ trong ruột khiến ruột cô ấy đang co thắt một cách đau đớn để đẩy phân ra.
Thông thường, tôi sẽ gợi ý một số cách tự nhiên đơn giản, nhưng trường hợp của cô ấy phải cần đến những phương pháp mạnh tay hơn. Cô ấy đã thành công với sự kết hợp giữa thuốc nhét glycerin và một loại thuốc xổ thông dụng. Khi cô ấy trở lại, tôi điều trị theo hướng giúp cô ấy đi ngoài bình thường.
Cha tôi khi về già từng nói với tôi rằng hai điều quan trọng nhất trong cuộc đời của một người lớn tuổi là ngủ ngon và đi ngoài đều đặn. Tôi chắc rằng nhiều người cũng nghĩ như thế.
Táo bón thường được định nghĩa là đi ngoài ít hơn ba lần trong một tuần, hoặc phân cứng, khô, vón cục và khó đẩy ra ngoài. Khoảng 4 triệu người ở Hoa Kỳ bị táo bón thường xuyên. Đây là lời than phiền về đường tiêu hóa hay gặp nhất, dẫn đến khoảng 2,5 triệu lượt khám mỗi năm.
Vào một lúc nào đó, chúng ta đều đã từng trải qua cảm giác khổ sở khi bị táo bón. Đối với hầu hết mọi người, các phương pháp phòng ngừa đơn giản sẽ có tác dụng, ví dụ:
- Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nhiều chất xơ.
- Uống nhiều nước hoặc các chất lỏng khác (không phải rượu).
- Tập thể dục thường xuyên để kích thích nhu động ruột.
Những chiến lược ngăn ngừa táo bón trên cũng đem lại sự hiểu biết sâu hơn về một số nguyên nhân gây ra chứng táo bón.
Nguyên nhân phổ biến của táo bón
Khi thức ăn di chuyển qua ruột của chúng ta, ruột kết (ruột già) sẽ hấp thụ nước trong khi tạo thành phân (các chất thải). Nhu động (co bóp cơ) của đại tràng sau đó đẩy phân về phía trực tràng. Khi đó, hầu hết nước đã được hấp thụ và phân lúc này đã đặc lại. Khi các cơ ở đại tràng co bóp quá chậm, có thể sẽ hấp thụ quá nhiều nước, dẫn đến phân khó đi ra và táo bón.
Ngoài lý do trên, cũng có những lời giải thích khác cho chứng táo bón. Một số yếu tố cũng có thể ảnh hưởng đến tốc độ co bóp của cơ ruột kết. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra táo bón:
- Thuốc: Nhiều loại thuốc được kê đơn có tác dụng phụ là gây táo bón. Thuốc trị ợ chua có nhôm hoặc canxi là nguyên nhân phổ biến. Một số loại thuốc chống trầm cảm và thuốc lợi tiểu cũng là nguyên nhân phổ biến. Bạn thực sự cần đưa bác sĩ kiểm tra từng loại thuốc bạn đang sử dụng.
- Ít tập thể dục: Đây là một nguyên nhân rất phổ biến khác mà hầu hết mọi người không nhận ra. Ngay cả một chuyến đi bộ dài cũng có thể đủ để ngăn ngừa táo bón.
- Không uống đủ chất lỏng hoặc ăn đủ chất xơ: Đây là những nguyên nhân phổ biến. Nếu không có đủ nước và chất xơ, bạn sẽ không có các thành phần cần thiết để đi ngoài đều đặn .
- Chỉ đơn giản là “cố gắng”: Đừng bỏ qua các tín hiệu khi cơ thể cần đi ngoài. Bạn sẽ ngạc nhiên về tần suất chúng tôi phát hiện ra đây là nguyên nhân.
- Bệnh lý: Nhiều bệnh lý có thể gây ra táo bón cũng là một trong những lý do rất thường gặp.
Trong đó, IBS – Irritable Bowel Syndrome: Hội chứng ruột kích thích – là một nguyên nhân. Căn bệnh này cũng có thể gây ra tiêu chảy. Vì vậy, có hai loại IBS: IBS-C (táo bón) và IBS-D (tiêu chảy).
Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh của ruột kết, từ đó làm chậm sự di chuyển của phân và dẫn đến táo bón.
Suy giáp, các vấn đề về thần kinh như đa xơ cứng (MS), bệnh Parkinson, và chấn thương tủy sống cũng là những lý do khác của táo bón.
Bệnh Crohn, mặc dù thường liên quan đến tiêu chảy, nhưng cũng có thể gây táo bón.
Đi du lịch, thay đổi cách ăn uống, và mang thai cũng là những nguyên nhân hay gặp.
Đôi khi rất khó xác định nguyên nhân gây táo bón
Là một tình trạng bệnh lý thuần túy, táo bón thường được tự chẩn đoán quá mức. Tôi đã có những bệnh nhân phàn nàn về việc bị táo bón, nhưng họ vẫn đi ngoài hàng ngày và không có vấn đề gì khi đi. Họ chỉ “cảm thấy bị bón”.
Nhưng đối với nhiều người, táo bón là một tình trạng khó chịu nghiêm trọng. Đôi khi rất khó để tìm ra nguyên nhân gây táo bón.
Một cách mà các bác sĩ cố gắng tìm ra nguyên nhân của chứng táo bón kinh niên là dùng thuốc xổ barium (một chất cản quang) để xem những gì đang xảy ra trong ruột kết. Có những nghiên cứu về nhu động ruột kết, cũng như viên nang nhu động (wireless motility capsule – WMC) để đo lường quá trình làm rỗng dạ dày cũng như thời gian vận chuyển thức ăn ở ruột non và toàn bộ ruột.
Ngày càng có nhiều nỗ lực để tìm ra nguyên nhân gây táo bón khi tỷ lệ táo bón đang tiếp tục gia tăng.
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí American Journal of Gastroenterology, từ năm 1997 đến 2010, số lượng bệnh nhân nhập viện với chẩn đoán ban đầu là táo bón đã tăng từ 21,190 lên 48,450 bệnh nhân.
Táo bón đã ảnh hưởng đến tất cả chúng ta tại một số thời điểm trong cuộc sống, và thậm chí nhiều lần đối với nhiều người trong chúng ta. Hy vọng rằng tình trạng táo bón của bạn chỉ là một vấn đề tạm thời. Tuy nhiên, đối với những người không may bị táo bón thường xuyên nghiêm trọng, thì đó là một chứng rối loạn suy nhược cần được nhận biết và điều trị.
Tất cả chúng ta đều cần có một giấc ngủ ngon và đi ngoài đều đặn. Như ca sĩ Marvin Gaye đã từng châm biếm: “Tôi ước rằng sự nổi tiếng có thể giúp tôi không bị táo bón.”
Tiến sĩ Peter Weiss là khách mời thường xuyên của các đài truyền hình địa phương và quốc gia, báo chí và đài phát thanh. Ông là trợ lý giáo sư lâm sàng sản phụ khoa tại Trường Y David Geffen tại UCLA trong 30 năm. Ông đã nghỉ việc để có thể hỗ trợ về mặt lâm sàng cho người có nhu cầu trong đại dịch COVID. Ông cũng là cố vấn chăm sóc sức khỏe quốc gia cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008 của thượng nghị sĩ John McCain.