Tấm gương phản chiếu của thời đại: Cuốn tiểu thuyết 200 tuổi ‘Ivanhoe’
Ngược dòng thời gian một nghìn năm trước, chúng ta trở về nước Anh thời Vua Richard và Robin Hood, thời kỳ của hỗn loạn chính trị và các trận chiến, các giải đấu và các quý bà, và của một xã hội giàu đức tin tôn giáo. Tôi cũng phát hiện ra trong thời đại xa xôi ấy có một tấm gương phản chiếu đến hiện tại, xét trên một khía cạnh nào đó.
Ngài Walter Scott là người dẫn đường cho tôi qua cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông, “Ivanhoe”.
Ngôn ngữ của thời xưa
Sau khi tìm hiểu qua vài chương đầu tiên, tôi sớm đã trở thành một người ngưỡng mộ văn xuôi của Scott, có lẽ không có lý do nào tốt hơn là nó hoàn toàn khác với văn học của chúng ta ngày nay. Hơn nữa, “Ivanhoe”, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1819, khiến tôi đánh giá cao về khả năng đọc viết và thị hiếu của tổ tiên chúng ta, vì ở cả Anh Quốc và Hoa Kỳ, cuốn tiểu thuyết này cùng các tác phẩm khác của Scott đã rất nổi tiếng.
Và khi đi sâu hơn vào câu chuyện, tôi nhận thấy nhiều chủ đề của Scott phù hợp với văn hóa và chính trị ngày nay.
Sức mạnh và tham vọng bị đánh cắp
Tin rằng anh trai Richard của mình vẫn còn ở trong một nhà tù xa xôi nước Anh, John và một số quý tộc đã lập kế hoạch để cướp ngai vàng. Đối đầu với những người như thủ lĩnh Saxon Cedric, quý tộc Ivanhoe, và những kẻ sống ngoài vòng pháp luật trong rừng do Locksley (tức Robin Hood) đứng đầu, John chỉ huy số lượng hiệp sĩ và binh lính lớn hơn nhiều. Anh cũng có được sự hỗ trợ của một số cố vấn muốn theo đuổi tham vọng cá nhân.
Trong tác phẩm, gần như tất cả những người nắm quyền đều có tham vọng, bản thân nó không phải là một đặc điểm vô dụng. Ví dụ, tuy cải trang thành Hiệp sĩ Đen, Richard cuối cùng cũng lộ diện trước Locksley, Ivanhoe, và những người ủng hộ. Anh thể hiện những phẩm chất hào hiệp của thời đại đó: rộng lượng, nhân hậu, và dũng cảm. Anh bảo vệ ngai vàng của mình không phải vì những âm mưu thâm độc của em trai mình, mà vì sự trung thực, ngay thẳng, và mong muốn giành được những gì thuộc về mình một cách hợp pháp.
Những người khác là những kẻ mưu mô xảo quyệt luôn muốn ngáng chân trên con đường thăng tiến của người khác. Đây là một ví dụ: Albert Malvoisin, Giáo chủ của Hội Dòng Đền ở Templestowe, “biết cách che đậy sự hủ bại và tham vọng của mình qua bức màn đạo đức giả, và thể hiện ra bên ngoài là sự cuồng tín nhưng lại coi thường nó trong nội tâm.”
Chuyến du ngoạn để nghiên cứu về khả năng lãnh đạo này đã khiến tôi phải dừng lại và xem xét chính phủ liên bang của chúng ta: các nhà lãnh đạo được bầu chọn, người đứng đầu các cơ quan khác nhau và các quan chức. Tôi tự hỏi, có bao nhiêu người trong số họ tích cực làm việc vì lợi ích của quốc gia, đi đúng con đường ngay cả khi nó báo trước những hậu quả thảm khốc? Có bao nhiêu người khác trong Điện Capitol đặt tham vọng và công việc nhàn hạ lên trên lá cờ và lòng yêu nước?
Một đức hạnh cần được lan tỏa
Hiệp sĩ và thường dân, linh mục và tu sĩ, phụ nữ, thậm chí cả những kẻ bất lương trong câu chuyện này đều có một chuẩn mực về danh dự. Đối với một số người, danh dự chỉ thể hiện ra bên ngoài. Đối với những người khác như Ivanhoe; Brian de Bois-Guilbert – người sẵn sàng vứt bỏ thân phận một Hiệp sĩ Đền thánh để đến với Rebecca nhưng sẽ không bao giờ từ bỏ những gì anh ấy coi là danh dự của mình; và thậm chí như gã hề Wamba – người liều mạng giúp đỡ Cedric, chủ của mình, thoát khỏi lao tù và sau đó giải cứu Vua Richard thoát khỏi những kẻ ám sát; tất cả đều tuân theo các chuẩn mực đòi hỏi sự chính trực và hành vi hợp pháp.
Rebecca, người phụ nữ Do Thái xinh đẹp ở gần cuối cuốn tiểu thuyết bị buộc tội là dùng phép phù thủy, đã kháng cự lại sự theo đuổi của Bois-Guilbert. Và mặc dù tức giận khi cô từ chối tình yêu của anh, anh vẫn cảm phục cô vì lòng dũng cảm. Thay vì từ bỏ danh dự của mình, cô đã chọn cái chết để không bị sỉ nhục. Bức chân dung sống động của Scott về Rebecca – đức tin, sự thanh tao, và nhận thức của cô về đúng và sai – đã đủ khiến tác phẩm “Ivanhoe” này rất đáng đọc.
Cho đến gần đây, phần lớn người Hoa Kỳ hiểu ít nhiều về ý nghĩa của danh dự – một chuẩn mực yêu cầu sự trung thực, lịch thiệp, và tôn trọng người khác trong từng cá nhân. Ý thức về sự chính trực này đã dẫn đến những cuộc đọ súng tay đôi như trận đấu giữa Aaron Burr và Alexander Hamilton, và sau đó là Andrew Jackson (người đã đọ súng tay đôi hơn 100 lần), và trở thành yếu tố cốt lõi trong Chuẩn mực Tây phương xưa.
Việc so sánh các nhân vật của Scott với những người đàn ông, phụ nữ trong Quốc hội và trong các cơ quan liên bang của chúng ta khiến tôi tự hỏi liệu danh dự tuy đã giảm sút nhưng vẫn còn tồn tại trong những người này không. Liệu họ có một nguyên tắc sâu sắc về sự chính trực như của Rebecca? Hay họ chỉ khoác lớp vỏ thể hiện danh dự, như mặc áo khoác dạ hay váy dạ tiệc?
Những người Norman kiêu ngạo
Mặc dù “Ivanhoe” lấy bối cảnh nhiều thập kỷ sau khi William I vùng Norman xâm lược nước Anh vào năm 1066, cuộc xung đột giữa người Norman và người Saxon vẫn tiếp tục. Người Norman coi người Saxon là thô lỗ và hay gây gổ, trong khi người Saxon coi thường các lãnh chúa Norman vì họ đã tàn phá nền văn hóa và thể hiện sự kiêu ngạo đối với vùng đất mà họ cai trị.
Nếu không có cuộc xâm chiếm đó, không có cuộc chinh phục của nước Anh và sự dung hợp dần dần các nền văn hóa này, mọi thứ từ ngôn ngữ Anh đến luật pháp của chúng ta chắc chắn sẽ hoàn toàn khác ngày nay. Chúng ta có thể biết ơn về sự hợp nhất đó. Tuy nhiên, ông Scott đưa ra một giải thích hay về việc giới tinh hoa thay đổi và đôi khi là hủy diệt nền văn hóa mà họ coi là thấp kém đó.
Với chủ đề này, tôi không thể không so sánh những người Norman áp bức và kiêu ngạo với giới tinh hoa D.C. ngày nay. Rất ít người trong Đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ, những Thượng nghị sĩ hay các quan chức, quan tâm đến những người mà tôi biết: người hàng xóm đi làm mỗi sáng lúc 5:30 và làm 12 giờ một ngày, những người điều hành cửa hàng sửa chữa ô tô địa phương, và người quản lý tại Soul Mountain Café, dù có làm việc nhiều giờ cũng luôn chào đón tôi bằng một lời nói ân cần và đôi mắt cười phía trên chiếc khẩu trang.
Các nhà lãnh đạo của chúng ta muốn được tôn trọng, nhưng họ lại cho đi quá ít. Tôi tự hỏi, có phải những Locksley và Ivanhoe trong số chúng ta đã nhận thức rõ hơn về sự khinh rẻ mà chính phủ thường thể hiện đối với công dân của mình không?
Sự ngạo mạn thời nay
Khi Bois-Guilbert phát hiện ra rằng Giáo chủ của Dòng tu có ý định buộc tội Rebecca dùng phép thuật phù thủy, anh đáp lại: “Liệu thời đại tương lai có tin rằng sự cuồng tín ngu ngốc như vậy từng tồn tại không?”
Theo chuẩn mực của chúng ta ngày nay, các nhân vật của “Ivanhoe” là những người mê tín, sợ phù thủy, ma và ác quỷ, họ dựa vào sự bảo hộ của các vị Thánh. Một số người trong chúng ta có thể mỉm cười trước sự cả tin và ảo tưởng của họ.
Nhưng tôi tự hỏi sau khi đọc những lời giận dữ của Bois-Guilbert rằng thế hệ tương lai sẽ nhìn nhận chúng ta như thế nào? Làm thế nào những thế hệ chưa sinh ra sẽ coi trọng một nền văn hóa và một chính phủ cho phép mọi người lựa chọn giới tính và tự xác định giới tính của họ; cho phép những người đàn ông thi đấu trong các môn thể thao nữ; điều đó làm ảnh hưởng như thế nào đến việc sử dụng đại từ danh xưng? Họ sẽ nói gì về một chính phủ nợ hàng nghìn tỷ USD vẫn tiếp tục tiêu tiền thay vì tìm cách trả khoản nợ đó? Họ sẽ nói gì về một quốc gia đã đóng cửa các cơ sở kinh doanh, nhà thờ và trường học của mình, mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các biện pháp đó có tác động tiêu cực lâu dài?
Ai biết rằng một câu chuyện cổ lỗ cũ rích như “Ivanhoe” lại có thể đặt ra những câu hỏi và những so sánh như vậy?
Ông Jeff Minick có bốn người con và một trung đội cháu chắt ở tuổi đang lớn. Ông dạy lịch sử, văn học và tiếng Latin tại Asheville, N.C. trong 20 năm. Hiện nay, ông sống và viết cho Front Royal, Va. Vui lòng truy cập JeffMinick.com để theo dõi blog của ông.