Tại sao cộng đồng nông thôn Trung Quốc trợ giúp cho nạn buôn bán phụ nữ?
Nỗi thống khổ của bà mẹ tám con ở Từ Châu được nhiều nhà phân tích đổ lỗi cho ngành công nghiệp buôn người Trung Quốc. Người ta vẫn nghĩ rằng người nông dân ở Trung Quốc đều chất phác giản đơn và cần cù lao động, nhưng mấy ai nghĩ được rằng một khi những người phụ nữ này bị bắt cóc rồi bị bán đến những ngôi làng nghèo để làm dâu, họ sẽ không chỉ phải đối mặt với sự áp bức của gia đình nhà trai (bên mua), mà thậm chí còn là sự áp bức của dân làng – một cộng đồng nhỏ những người đồng lõa với việc giam giữ, trói buộc người phụ nữ này. Thế nhưng, những người dân làng ấy, lại không xem những gì họ đang làm là tội ác.
Một khi bị bán đi làm dâu, sẽ không thể trốn thoát
Có hai bộ phim Trung Quốc giúp người xem kiến giải sơ bộ về cách các cộng đồng nông thôn phát triển và rồi hai bộ phim đó trở thành điều cấm kỵ của Trung Cộng.
Một là bộ phim “Núi Mù” (Blind Mountain) được công chiếu tại rạp vào năm 2007, và bộ còn lại là phim giáo dục về pháp luật có tên là “Nữ sinh đại học bị bắt cóc rồi bị bán làm dâu” được đài truyền hình trung ương CCTV phát sóng vào năm 2018.
Lời thoại và cốt truyện trong chương trình này của CCTV phần nhiều là vay mượn từ bộ phim Núi Mù, nhưng họ thêm vào hai nhân vật hư cấu: một vị là em họ, tên là Hải; còn vị kia là anh họ, làm cảnh sát – cả hai đều là anh em con chú con bác của nhà trai. Hải cảm thông với cô gái và tìm cách giúp cô bỏ trốn nhưng không thành; còn vị cảnh sát kia đã làm việc trượng nghĩa, trừng phạt người mua.
Phim “Núi Mù” lấy cốt truyện dựa trên trải nghiệm thực tế của một người có tên là Trịnh Tú Lệ (Zheng Xiuli).
Tôi đã xem bộ phim này và nghiên cứu về những khổ nạn thực tế mà cô Trịnh đã nếm trải. Sau khi đọc nhiều trường hợp tương tự, tôi có hiểu biết nhất định về cách các cộng đồng nhỏ ở địa phương hình thành mạng lưới đồng phạm khi một phụ nữ được mua về làm dâu.
Việc tiếp tay này được dân làng địa phương thực hiện nhằm ngăn không cho những người con dâu (đã được mua) này bỏ trốn. Chương trình của CCTV đã cố tình bỏ qua sự thật rất quan trọng này, thay vào đó là mô tả những người phụ nữ bị bắt cóc này thành như những trường hợp cá biệt hoặc là tội ác do một số ít những người nông dân nghèo khổ gây nên. Trên màn ảnh nhỏ hiển thị một khung cảnh cuộc sống nông thôn dưới thời Trung Cộng với những điền viên khang trang, những sân vườn sạch sẽ, ngăn nắp, nhiều nhà còn có cả xe hơi.
Phim “Núi Mù” chứa đựng tất cả những yếu tố về số phận bi thương của một người phụ nữ bị bắt cóc rồi đem bán, nhưng vẫn tốt hơn so với hoàn cảnh của bà mẹ tám con ở Từ Châu ở chỗ: chủ yếu là bà bị người chồng cưỡng gian và lạm dụng, và trở thành nô lệ tình dục của nhiều người đàn ông trong làng.
Trịnh Tú Lệ, một cô gái trẻ đến từ vùng Đông Bắc Trung Quốc, đã có một cuộc đời đau khổ tang thương hơn nhiều so với cuộc đời của nhân vật chính trong phim.
Cô Trịnh Tú Lệ đã đi xuống phía Nam đến Chu Hải để làm việc sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng năm 1994. Cô bị bọn buôn người đóng giả là người môi giới việc làm bắt cóc đến thôn Hoa Bình cách đó gần 200 dặm, và bán cô với giá 3,000 nhân dân tệ (431 USD) cho một nông dân 49 tuổi tên là Quách Mỹ Nam.
Vào đêm mà cô Trịnh đến nhà ông Quách, cô đã chờ thời cơ đến để chạy trốn, nhưng cả làng đã tập hợp lại để bắt cô, và vì thế cô đã bị gia đình nhà ông Quách đánh đập thậm tệ. Đêm đó, với sự giúp đỡ của anh trai và chị dâu của ông Quách, ông đã cưỡng gian cô Trịnh Tú Lệ.
Cô Trịnh đã cố gắng trốn thoát nhiều lần, cho đến khi cô chợt nhận ra rằng tất cả mọi người xung quanh mình đều là đồng phạm, tiếp tay trong việc giam giữ cô. Trong hai năm sau đó, cô Trịnh Tú Lệ đã sinh hai người con.
Cuối cùng, vì không thể chịu đựng được cảnh bị lạm dụng thậm tệ hơn nữa, và bị dồn đến bước đường cùng, nên cô Trịnh đã tạt acid sulfuric vào cả hai người con của anh trai ông Quách, và làm năm em học sinh khác bị thương.
Điều mà Trịnh Tú Lệ chờ đợi không phải là sự giải cứu, mà là sự bắt giữ của cảnh sát.
Cuối cùng, cô bị tuyên án tử hình về tội cố ý gây thương tích, nhưng đã được tạm hoãn (cho hưởng án treo).
Một số người nói rằng nhà biên kịch Lý Dương (Li Yang) hy vọng bộ phim này sẽ giúp khơi dậy sự chú ý của xã hội về số phận bi thảm của những phụ nữ bị bắt cóc.
Vì cớ gì dân làng lại trở thành đồng phạm?
Câu chuyện đau thương của cô Trịnh Tú Lệ và bà mẹ tám con ở Từ Châu phản ánh những vấn đề vượt khỏi phạm vi mua bán phụ nữ. Người ta tự hỏi tại sao họ không thể trốn thoát.
Hồi tôi còn ở Trung Quốc, tôi nhớ mình từng đọc những bài báo, trong đó mô tả chi tiết về một vụ bắt cóc. Cảnh sát địa phương phải đột kích vào một ngôi làng lúc nửa đêm. Nếu không, họ sẽ bị đám đông dân làng bao vây và nhiệm vụ sẽ thất bại. Cảnh sát đến để giải cứu, chứ không phải để tạo thành một sự kiện kích động dân chúng.
Vì vậy, hãy xem tại sao dân làng lại đoàn kết để chống lại hành động giải cứu của cảnh sát.
Ở vùng nông thôn hẻo lánh của Trung Quốc, việc đàn ông lấy được vợ là không hề dễ dàng. Nói chung, phụ nữ không ai muốn lấy chồng ở các vùng nghèo khó, và nhiều nông gia sẽ đổi con gái ruột của mình để lấy con dâu (theo tập tục cổ xưa là “hoán đổi cha mẹ”). Những người không có con gái [để hoán đổi] phải tốn hàng ngàn tệ, thậm chí hàng chục ngàn tệ để có được một cô con dâu. Khoản chi này sẽ làm tiêu hao toàn bộ gia tài vật lực của gia đình. Do đó, những cô dâu được mua về sẽ được xem như tài sản mà cả gia đình người mua phải trông coi rất kỹ càng.
Ngày nay, làng quê Trung Quốc đã trở thành một cộng đồng cùng chung lợi ích, cho dù đó là những ngôi làng của một dòng tộc hay những ngôi làng của nhiều dòng tộc. Những làng quê nghèo đầy rẫy đàn ông lớn tuổi còn độc thân, những người tìm vợ thông qua những kẻ buôn người. Để bảo vệ tài sản mà họ đã mua, dân làng tuân theo một quy luật bất thành văn để tạo thành một hệ thống ngăn trở [không cho cô dâu trốn thoát]. Ví dụ, họ sẽ thông báo cho người mua nếu họ biết được người phụ nữ bị bắt cóc có ý định bỏ trốn; khi cảnh sát đến, họ giấu người phụ nữ bị bắt cóc; và khi cần thiết, họ xúm vào ngăn cản những nỗ lực giải cứu của cảnh sát.
Đừng mong bí thư đảng của thôn đứng ra đấu tranh cho công lý và chính nghĩa. Vì vị bí thư thôn này cũng là một người dân trong làng, nên tất nhiên phải chăm lo bảo vệ cho lợi ích của dân làng mình chứ!
Ngoài ra còn có một bộ phim năm 2006, có nhan đề “Câu chuyện về Người phụ nữ bị Bắt cóc”, dựa trên câu chuyện có thật về cô Cao Diễm Mẫn (Gao Yanmin), một phụ nữ bị bắt cóc và bị gả bán cho một người đàn ông ở thôn Hạ Ngạn, tỉnh Hà Bắc. Dân làng tỏ ra thù địch với những phóng viên cố gắng phỏng vấn cô Cáo Diễm Mẫn sau khi câu chuyện của cô được công khai. Họ đổ lỗi cho cô Cao vì đã phơi bày hành vi mua cô dâu của dân làng và hủy hoại danh tiếng của làng. Bí thư thôn hỏi một phóng viên đến phỏng vấn: “Làng này còn hơn 60 người ế vợ, các anh có cách nào giải quyết không?”
Theo UNICEF (Quỹ Khẩn cấp Nhi đồng Quốc tế Liên Hiệp Quốc), nếu không có biện pháp can thiệp, tỷ số giới tính khi sinh nằm trong khoảng 103–107 trẻ sơ sinh nam trên 100 trẻ sơ sinh nữ. Hiện tượng muốn sinh con trai nối dõi ở vùng nông thôn Trung Quốc là rất trầm trọng; điều này tạo ra một sự mất cân bằng giới tính bất thường. Năm 2004, Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh là 121 bé trai trên 100 bé gái; vào năm 2019, tỷ lệ này vẫn duy trì ở mức 112 bé trai trên 100 bé gái. Theo một cơ quan ngôn luận của Trung Cộng, 30 năm nữa, đàn ông Trung Quốc ước tính nhiều hơn phụ nữ khoảng 30 triệu người.
Trung Cộng phát triển nông thôn theo kiểu vật chất hóa
Hơn 20 năm trước, trong cuốn sách “Cạm Bẫy của Trung Quốc” của mình, tôi đã đề cập đến một xã hội Trung Quốc suy đồi đạo đức. Từng cộng đồng nhỏ, từng cộng đồng nhỏ được hình thành từ nạn buôn người, khiến cho vùng nông thôn Trung Quốc trở thành tâm chấn của sự bại hoại đạo đức nghiêm trọng nhất. Suy cho cùng, sự bại hoại đạo đức này là hệ lụy của sự thất bại trong cải cách ruộng đất của Trung Cộng sau khi họ lên nắm quyền. Thông qua một loạt các phong trào cải cách ruộng đất, Trung Cộng đã phá hủy hoàn toàn hệ thống thị tộc thống trị quyền tự trị của làng xã, một hệ thống cổ xưa trước năm 1949; sát hại tất cả những người trí thức và giới quý tộc địa phương từng cai quản hệ thống này; thay vào đó, họ áp dụng hệ thống công xã nhân dân, trong đó các xã được điều hành bởi các băng cướp và băng đảng xã hội đen.
Cải cách xây dựng nông thôn mới dưới thời Trung Cộng tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng vật chất, và không liên quan gì đến văn minh hay nhân loại. Trong cuộc họp năm 2005 của cơ quan lập pháp bù nhìn, chính phủ đã đề nghị xây dựng một nông thôn xã hội chủ nghĩa: thúc đẩy sản xuất, phát triển, quản lý, xây dựng, cơ giới hóa, và tiêu chuẩn hóa nông nghiệp. Năm 2021, khi ông Tập Cận Bình nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa trở nên “tươi đẹp hơn và đáng sống hơn”, thì trọng tâm vẫn đặt vào phương diện vật chất.
Sau sự việc bà mẹ tám con ở Từ Châu bị phanh phui, chính quyền địa phương đã đáp lại dư luận phẫn nộ bằng một thông báo nói rằng cái gọi là “gia đình” này đã nhận được trợ cấp và bảo hiểm y tế từ tháng 05/2014, trợ cấp xây dựng lại nhà ở của chính phủ vào năm 2021, cũng như nhận được nhiều đóng góp từ thiện từ xã hội. Tuy nhiên, không đề cập đến việc người phụ nữ bị một sợi dây xích chó cột trên cổ – người đã bị ba người đàn ông trong gia đình của người mua cưỡng gian tập thể.
Đây là nông thôn mới xã hội chủ nghĩa mà nhà cầm quyền Trung Cộng đã và đang xây dựng. Quyền của phụ nữ đã bị lạm dụng trong một xã hội Trung Quốc bại hoại đạo đức.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Bà Hà Thanh Liên (He Qinglian) là một tác giả và nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc. Hiện đang làm việc tại Hoa Kỳ, bà là tác giả của cuốn “China’s Pitfalls” (“Cạm Bẫy của Trung Quốc” ), liên quan đến tham nhũng trong việc cải tổ kinh tế của Trung Quốc vào những năm 1990 và cuốn “The Fog of Censorship: Media Control in China” (“Sương Mù Kiểm Duyệt: Kiểm Soát Truyền Thông ở Trung Quốc”), đề cập đến việc thao túng và hạn chế báo chí. Bà thường xuyên viết về các vấn đề kinh tế và xã hội đương đại của Trung Quốc.