Suy ngẫm về kiếp phù sinh: khám phá chính mình
Dịch bệnh suy yếu dần, phong tỏa cũng được nới lỏng, cuối cùng tôi đã có thể ra ngoài làm tóc rồi. Trong lúc trò chuyện, cô thợ cắt tóc thở dài xúc động nói: “Con trai tôi không được may mắn, tốt nghiệp đại học từ năm ngoái đến nay vẫn chưa tìm được việc, mãi vẫn chưa ổn định được.” Tôi trả lời: “Mặc dù cơ hội chưa đến, nhân lúc tuổi vẫn còn trẻ, cứ từ từ tìm tòi học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, tới thời điểm chín muồi thì tự nhiên sẽ được đền đáp xứng đáng!”
Người mẹ với vẻ tích cực và phóng khoáng đồng ý với quan điểm này của tôi, đồng thời nói rằng gần đây họ có xem một vở kịch, trong đó người thợ thuộc da thủ công truyền thống đã khích lệ con trai ông rằng: “Bất luận làm nghề gì thì cũng đều vất vả cả, vậy tại sao chúng ta không lựa chọn công việc mà bản thân yêu thích?” Trong vở kịch, người con trai may mắn có một người cha nhìn xa trông rộng; trên đời thực, mẹ con người thợ làm tóc cũng như vậy.
Cô nói tiếp rằng trước đây có một vị khách là một chuyên gia môi giới bất động sản rất thành công; bà ấy từng làm qua hơn 20 công việc khác nhau, cho đến khi ngoài tứ tuần bà mới tìm thấy công việc phù hợp với mình. Đây quả là một câu chuyện “khám phá chính mình”, nghe xong có cảm giác tràn đầy hy vọng và cũng rất cảm động. Trong đó, đáng khâm phục nhất là sự dũng cảm và ý chí kiên cường. Sự kiên trì và nỗ lực bền bỉ trong thời gian dài đã thể hiện ra vẻ đẹp đặc thù không phải ai cũng có được.
Khi tôi còn trẻ, có rất nhiều người quanh tôi có tham vọng đi du lịch vòng quanh thế giới và khám phá thế giới, nhưng kể cả bản thân tôi, tôi hiếm khi nghe nói về một người nào đó muốn “khám phá chính mình” một cách kỹ lưỡng. Chúng ta luôn tìm kiếm và quay cuồng với mọi thứ bên ngoài, đến nỗi làm cho bản thân mệt nhoài. Thật ra, chỉ bằng cách “khám phá chính mình”, chúng ta có thể tìm thấy điều thích hợp đủ khiến thân tâm được an yên.
“Khám phá chính mình” có nghĩa là thông qua các loại trải nghiệm và học tập để có thể nắm bắt và hiểu sâu hơn về năng lực, phẩm chất, sở thích, và giá trị quan… của bản thân mình. Vì vậy, khi đối mặt với khó khăn, chúng ta sẽ điềm tĩnh hơn, không dễ dàng dao động; khi đối mặt với nghịch cảnh, chúng ta cũng sẽ có cách ứng phó tốt hơn. Nói cách khác, thông qua việc “khám phá chính mình”, chúng ta càng thêm trưởng thành và tiến bộ, thậm chí còn có thể hiện thực hóa lý tưởng và mục tiêu của bản thân.
Và tuổi tác không phải là ranh giới. Không bao giờ là muộn khi “khám phá chính mình”. Khương Tử Nha phò tá Vũ Vương phạt Trụ, kiến lập nên triều đại nhà Chu. Tương truyền rằng năm ông 72 tuổi, trong lúc đang ngồi câu cá thì gặp được Chu Văn Vương lúc đó đang tìm kiếm nhân tài trong thiên hạ, từ đó mà ông được trọng dụng. Tề Bạch Thạch, một nghệ sĩ nổi tiếng trong làng hội họa cận đại của Trung Quốc, cũng có nền tảng không tốt và xuất phát khá muộn; ông chỉ bắt đầu mạnh dạn đột phá bản thân ở tuổi 56, và ông đã trở nên nổi tiếng sau khi thay đổi phong cách hội họa.
“Khám phá chính mình” là một quá trình phát triển tiềm năng và tích lũy thực lực. Tất nhiên, càng sớm thì càng tốt; tuy nhiên, nếu cơ hội qua đi, bạn cũng không nên nản lòng, bởi thành tích rực rỡ của những người thành công muộn thì không thua kém gì sự chói sáng của những người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết!