Sự thật về khẩu trang
Những chính sách không hiệu quả không giúp chúng ta cải thiện tình hình mà còn mang lại những hậu quả không lường được
Bài kiểm tra khẩu trang N95 trước khi vào phòng mổ
Vào tháng 8/2020, giai đoạn chưa có vaccine và mọi người đang hoảng loạn, tôi có một bệnh nhân nhiễm COVID-19 và cần phẫu thuật khẩn cấp. Tôi có 30 phút chuẩn bị trước khi vào phòng phẫu thuật.
Khi bước vào, y tá đã sẵn sàng cho tôi thực hiện bài kiểm tra độ khít của mặt nạ N95. Việc kiểm tra độ khít rất quan trọng để ngăn chặn các hạt virus xâm nhập nếu khẩu trang bị hở. Tôi đeo cái đầu tiên vào và đội một túi nhựa trùm lên phần đầu và phía trên cơ thể. Y tá gắn một cái ống vào đó và yêu cầu tôi cho cô ấy biết khi tôi cảm thấy vị chua hay mùi lạ.
Trong 5 giây đầu tiên, tôi cảm nhận đầy vị chua. Cô ấy nhanh chóng dừng lại và chúng tôi lặp lại bài kiểm tra tương tự với một chiếc N95 khác. Lần này, mất 30 giây. May mắn thay, N95 thứ ba vừa vặn, không có vị chua hoặc mùi lạ khi hết ba phút kiểm tra.
Tôi đeo khẩu trang N95 đã kiểm tra, với bộ quần áo bảo hộ, hai đôi găng tay và kính bảo hộ. Tôi cảm thấy thật kinh khủng.
Đã một năm trôi qua từ khi đó và chúng ta có thêm kinh nghiệm gì về khẩu trang hay không? Có tất cả mọi thứ như chưa có gì.
Anh trai, cháu gái, và tôi là đồng tác giả của bài báo viết về khẩu trang N95 được xuất bản năm 2007 trên tạp chí Y tế công cộng Hoa Kỳ. Tất cả chúng tôi đều là bác sĩ. Tiến sĩ Martin Weiss là tác giả chính. Bài báo đó có tiêu đề “Ngăn chặn sự lây nhiễm của cúm A bằng khẩu trang và tia cực tím.”
Khi nỗi sợ H1N1 lên đỉnh điểm, kết luận từ bài báo này là khẩu trang N95 có thể chặn 95% giọt dịch siêu nhỏ bắn đến khẩu trang và chúng ta cần được sản xuất khẩu trang loại này ngay. Chúng có thể chặn các hạt có kích thước nhỏ tới 300 nanomet, hay virus COVID-19.
Khẩu trang N95 có các sợi nano dày đặc chặn các giọt bắn. Đây là thứ tốt nhất mà chúng tôi có trong phòng phẫu thuật, không kể mặt nạ phòng độc N100. Tuy nhiên, theo một bài báo đăng trên tạp chí Y học tự nhiên vào 4/2020, khẩu trang N95 vẫn có thể dính virus từ người bệnh.
Điều đáng buồn là họ đã không làm theo lời kêu gọi sản xuất hàng loạt khẩu trang này của chúng tôi năm 2007. Chúng tôi cũng khẳng định mấu chốt vẫn là vaccine và liệu trình điều trị. Khi chúng ta đã có vaccine, liệu trình điều trị vẫn chưa hoàn thiện và cũng còn nhiều tranh cãi cho đến bây giờ.
Ngày nay, các khuyến cáo và lệnh bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài được ban bố ở khắp mọi nơi. Quận Los Angeles, New York, và St. Louis lại thực hiện lệnh đeo khẩu trang trong không gian kín một lần nữa.
Chúng ta phải đeo khẩu trang khi ra ngoài, ngay cả khi đi một mình. Tôi đã thấy tài xế một mình trong xe hơi vẫn đeo khẩu trang.
Hiệu quả của khẩu trang N95
Việc này có thể dẫn đến những phán đoán sai lầm. Giá trị của chiếc khẩu trang trong việc hạn chế COVID-19 là gì? Tôi sẽ phân tích dưới đây
Khẩu trang N95 chỉ có hiệu quả khi nó vừa khít như phần trên tôi đã mô tả. Không phải tất cả N95 đều đạt chuẩn và một số có thể có khe hở. Tên gọi đúng của chúng là mặt nạ phòng độc, không phải khẩu trang. Khẩu trang có mục đích chính là chặn giọt bắn từ người đeo đến người khác. Mặt nạ phòng độc thì có khả năng bảo vệ hai chiều và giúp người đeo tránh giọt dịch siêu nhỏ từ đối phương.
Thậm chí N100, như tên gọi của nó, có thể chặn COVID, nhưng chúng ta không thể đeo nó toàn thời gian. Mặt nạ phòng độc N95 không thoải mái và bất tiện khi đeo trong thời gian lâu. Tôi và một số đồng nghiệp phải tạm dừng phẫu thuật để lau mặt và điều chỉnh lại khẩu trang của mình.
Khẩu trang y tế có ngăn chặn được virus không?
Khẩu trang y tế có ba lớp sợi tổng hợp và sợi siêu mịn, có tác dụng ngăn chặn các hạt lớn, nhưng lại kém hiệu quả trong việc ngăn chặn các hạt nhỏ trong lây nhiễm virus COVID-19. Virus COVID-19 cực kỳ nhỏ, 60–140 nanomet, bằng 1/1,000 micron.
Bài báo xuất bản trên tạp chí Hiệp hội bảo vệ đường hô hấp quốc tế vào năm 2009 với tiêu đề “Hiệu suất lọc của khẩu trang y tế đã được FDA chứng nhận” nói rằng “Không phải tất cả khẩu trang y tế được FDA thông qua đều bảo vệ người đeo chống lại sự lây nhiễm của virus”.
Đeo khẩu trang y tế để làm gì?
Các bác sĩ phẫu thuật đeo khẩu trang y tế vì hai lý do.
- Thứ nhất, chúng tôi tránh máu hoặc dịch từ cơ thể bệnh nhân bắn vào miệng
- Thứ hai, chúng tôi tránh nước bọt của mình tiếp xúc với vết thương.
Mục đích của khẩu trang y tế không phải để phòng virus. Một số báo cáo cho rằng đeo khẩu trang y tế là để giảm sự lây lan virus từ người đeo, nhưng cái nó chặn chính là những giọt bắn. Một số khác lại cho rằng nó chặn các giọt dịch siêu nhỏ.
Những nghiên cứu đó giả định rằng tất cả khẩu trang đều khít, vì đây là các nghiên cứu kiểm soát môi trường. Các giọt dịch siêu nhỏ là những hạt virus cực kỳ nhỏ mà người bệnh phát ra khi hít thở. Giọt bắn thì lớn hơn một chút, khi bạn hắt hơi, nói chuyện hoặc ho. (Một lưu ý nhỏ: Mặt nạ có dây buộc sẽ hiệu quả hơn mặt nạ có quai đeo vì chúng chặt hơn.)
Giọt bắn thường nhỏ hơn năm micron (1/5,000 của một inch). Còn phần lớn phân tử COVID-19 nhỏ hơn giọt dịch siêu nhỏ với tỷ lệ 1/1,000 micron.
Vào năm 2020, một báo cáo của tiến sĩ Kevin Fennely trên tạp chí The Lancet nói rằng hầu hết các mầm bệnh virus ở dạng hạt nhỏ. Điều này mâu thuẫn với quan điểm giọt bắn là nguyên nhân gây lây truyền virus. Có những nghiên cứu khác chỉ ra các hạt nhỏ (kích thước dưới 5 micron) chứa lượng virus nhiều gấp 9 lần so với các hạt lớn hơn (giọt bắn). Những hạt nhỏ này nguy hiểm hơn vì chúng có thể xâm nhập sâu vào phổi. Khi giọt bắn rơi xuống đất, nó sẽ chuyển sang dạng giọt dịch siêu nhỏ và đó lại là vấn đề.
Lý thuyết giãn cách sáu feet
Những người tin thuyết giọt bắn là nguồn chính lây nhiễm COVID-19 sẽ ủng hộ giãn cách xã hội, nhưng không chỉ là sáu feet. Chính xác hơn là từ 18 đến 27 feet. Không ai biết “quy tắc” giãn cách 6 feet này đến từ đâu. Nó có thể dựa theo đợt bùng phát dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến nghị giãn cách xã hội là một mét (39 inch). Điều này dựa trên công trình của một nhà nghiên cứu năm 1930 về sự lây lan của bệnh lao. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh gần đây đã thay đổi các yêu cầu về giãn cách trong trường học từ 6 feet xuống 3 feet (dưới 1 mét một chút).
Vì vậy, hiện nay, chúng ta đã thúc đẩy toàn thế giới ban hành các chính sách có hiệu quả hạn chế, hay tiêu tốn rất nhiều tiền để thực hiện các chính sách không đem lại kết quả tương xứng.
Những sự thật về COVID-19
COVID-19 là điều kinh khủng, đặc biệt đối với người già và có bệnh lý nền. Nhưng tin tốt là đối với hầu hết mọi người, nó chỉ như nhiễm cúm. Người dưới 40 tuổi tử vong do COVID-19 có tỉ lệ thấp 0.01% và thậm chí thấp hơn nếu được chích ngừa.
Hậu quả của các biện pháp hà khắc đối phó đại dịch này thật thảm khốc. Một báo cáo gần đây trên tạp chí The Well Being Trust cho biết có hơn 75,000 trường hợp tử vong vì “tuyệt vọng” (tự tử, ma túy) do COVID-19. 75,000 người đó là những người trẻ tuổi, hay những người không có nguy cơ nhiễm COVID-19.
Hiện nay xã hội đầy rẫy những thông tin sai lệch và các khuyến cáo khó hiểu từ chính phủ. Tôi tin tưởng vaccine, nhưng một số chính trị gia, chẳng hạn như Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris, đã công khai tuyên bố rằng họ sẽ không tin tưởng bất kỳ loại vaccine nào ra mắt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Ban đầu họ khuyến cáo không đeo khẩu trang, bây giờ thì hãy đeo. Đeo hai khẩu trang, vì nó tốt hơn một cái. Vaccine sẽ giúp bạn phòng bệnh cho đến khi nó không còn tác dụng. Các liệu trình điều trị COVID-19 đang còn tranh cãi, và chúng ta thậm chí không thể đề xuất phương pháp mới. Xã hội hiện nay không phải là một môi trường thông tin đáng tin cậy.
Cách chúng ta kể một câu chuyện y khoa là rất quan trọng để thành công. Đó là cách chúng tôi trò chuyện với bệnh nhân ung thư hay trước phẫu thuật về phương pháp điều trị để đạt được thành công.
Và kế hoạch đó phải dựa trên sự cân bằng giữa chi phí, kết quả, và quyền tự do lựa chọn. Chúng tôi không ép buộc bệnh nhân ung thư phải điều trị khiến họ đau đớn như điều tương tự đối với vaccine.
Mặc dù tôi tin tưởng vaccine, nhưng tôi hiểu quyền từ chối chích ngừa và tôn trọng quyết định của người khỏe mạnh đủ 18 tuổi từ chối chích vaccine. Đối với 36 triệu người đã nhiễm COVID, họ không cần phải chích ngừa vì họ đã có miễn dịch tự nhiên. Nghiên cứu cho thấy khả năng miễn dịch lâu bền của vaccine, nhưng chúng tôi không biết là bao lâu. Thật đơn giản để kiểm tra xem bạn có kháng thể chống lại COVID-19 hay không.
Năm 2007, chúng tôi đã khuyến cáo các quốc gia nên dự trữ khẩu trang N95. Không ai lắng nghe điều này. Hiện chúng ta không có khả năng sản xuất khẩu trang đó. Tất cả đều sản xuất tại Trung Quốc. Vì vậy, bây giờ, chúng ta chỉ có thể đeo khẩu trang vải và tin rằng nó có thể phòng dịch cho cộng đồng.
Cá nhân tôi không phản đối việc đeo khẩu trang khi cần thiết. Nhưng chúng ta phải sử dụng loại phù hợp, N95 hoặc hơn. Tuy nhiên, những loại khẩu trang này rõ ràng gây khó chịu và làm chúng ta thêm căng thẳng, khó thở, hay cản trở quá trình trao đổi khí. Tôi thường phải dừng phẫu thuật để điều chỉnh khẩu trang và “lấy lại hơi thở” của mình. Tôi đã đeo khẩu trang suốt cuộc đời làm việc; vì vậy, điều đó dễ dàng hơn đối với tôi. Nhưng không phải mọi người đều như vậy.
Vấn đề là khi nào thì cần đeo khẩu trang?
Việc bắt buộc những người đã chích ngừa, hoặc đã khỏi COVID-19 phải đeo khẩu trang chẳng có ý nghĩa gì, ngoài việc khiến họ cảm thấy an tâm hơn. Ít nhất, buộc một đứa trẻ 2 tuổi phải đeo khẩu trang là việc làm ngu xuẩn.
Lệnh đó không đem lại hiệu quả. Mục tiêu không có người tử vong do COVID-19 là không thực tế và sẽ không bao giờ xảy ra. Đây là một căn bệnh đặc thù. Nếu như đeo khẩu trang có thể “cứu” mạng người, thì chúng ta cũng có thể áp dụng luật cấm tương tự đối với rượu, vì ước tính khoảng 95,000 ca tử vong mỗi năm do các tai nạn liên quan đến rượu. Những tài xế say rượu đụng chết người bên đường hoặc hành khách vô tội. Vì vậy, các giải pháp cần phải thực tế và không lố bịch.
Chúng ta nên sản xuất khẩu trang như mặt nạ phòng độc N95 và phân phối khi cần thiết khi có thảm họa trong tương lai. Chắc chắn sẽ có nhiều đại dịch sắp xảy ra. Quan điểm của tôi là chỉ sử dụng khẩu trang khi nó thật sự có ích.
Khẩu trang vải hay khẩu trang y tế giống như buộc một sợi dây quanh eo khi lái xe và khẳng định đó là dây an toàn.
Cũng không quá đáng khi nói đeo khăn che mặt Gucci, như bà Nancy Pelosi, cũng giống như yêu cầu kỹ thuật viên chụp X-quang đeo tạp dề làm bếp khi chụp X-quang.
Tiến sĩ Peter Weiss là khách mời thường xuyên của các đài truyền hình địa phương và quốc gia, báo chí và đài phát thanh. Ông là trợ lý giáo sư lâm sàng sản phụ khoa tại Trường Y David Geffen tại UCLA trong 30 năm. Ông đã rời chức vụ để có thể giúp về mặt lâm sàng cho người có nhu cầu trong đại dịch COVID. Ông cũng là cố vấn chăm sóc sức khỏe quốc gia cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008 của thượng nghị sĩ John McCain.