Sự nhập nhằng về sứ mệnh của CDC
Trong tuần lễ từ ngày 30/08 đến 05/09, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã ban hành hướng dẫn về “Giao tiếp Hài hòa” (Inclusive Communication), cảnh báo không sử dụng các từ ngữ như tù nhân, người nghiện thuốc lá, người nhập cư bất hợp pháp, tàn tật, hoặc vô gia cư, vì những từ này có thể ngụ ý trách mắng hay kỳ thị.
Dòng mở đầu của hướng dẫn này có nội dung: “Chúng ta phải đối diện với các hệ thống và chính sách đã dẫn đến sự bất công giữa các thế hệ làm nảy sinh sự bất bình đẳng về sức khỏe.” Giờ đây CDC là để chống lại sự bất công, chứ không phải bệnh tật.
Cơ quan này cho hay thay vì các đại từ mang đặc trưng về giới tính như “anh ấy ” (he) hay “cô ấy” (she), hãy sử dụng “họ” (they) ngay cả khi đề cập đến một người. Và hãy nói về “cha mẹ” (parents) hoặc “cha mẹ tương lai” (expectant parents) thay vì những người cha (fathers) hoặc những người mẹ (mothers).
Sau khi thực hiện hàng trăm thay đổi về ngôn từ mà CDC khuyến nghị, còn ai có thì giờ để đánh bại COVID-19 đây?
CDC đang bị lẫn lộn về sứ mệnh của họ. Với việc các khu vực của Hoa Kỳ đang xem xét áp đặt nhiều đợt phong tỏa COVID hơn nữa, người dân Mỹ không cần đến các bài học ngôn từ về sự đúng đắn chính trị. Họ cần thông tin khoa học về việc làm thế nào để giảm nguy cơ bị nhiễm virus này khi ở trong nhà. Đó là chìa khóa để mở lại các nơi làm việc và quay trở lại trạng thái bình thường.
Nhiều công nghệ mới được cho là có thể tiêu diệt virus trong không khí, bao gồm cả ion hóa, nước oxy già nguyên chất, tia cực tím có bước sóng ngắn (far UV light), cùng những công nghệ khác. Nhưng các ban quản trị trường học và các quản trị viên tòa nhà văn phòng không hề biết chút gì về việc cái nào thực sự có tác dụng. Họ không được giúp đỡ hay hướng dẫn gì cả.
Hàng ngàn nhà khoa học của CDC có thể đưa ra hướng dẫn. Không phải là việc họ phải xác nhận các thương hiệu cụ thể, nhưng họ có thể đánh giá các công nghệ cạnh tranh. CDC dứt khoát từ chối. Thay vào đó, CDC cảnh báo chống lại việc sử dụng các công nghệ mới này vì họ không có “một hội đồng lâu năm cho việc bình duyệt bằng chứng”.
CDC đang ở trên hành tinh nào vậy? Việc bình duyệt bằng chứng có thể phải mất hàng năm ròng. Quy trình của việc này là: Một tạp chí hàn lâm gửi một bài báo đã giao nộp đến các nhà khoa học khắp thế giới để họ xem xét và đề nghị các thay đổi. Sau khi nhận được thông tin đầu vào này và bài báo được chấp thuận, thì vẫn phải tiếp tục chờ đợi vì nhiều tạp chí dạng này chỉ xuất bản bốn lần trong một năm.
Sự đủng đỉnh dửng dưng không đem lại hiệu quả trong đại dịch. Đó là lý do tại sao cựu Tổng thống Donald Trump đã thành lập Chiến dịch Vaccine Thần tốc (Operation Warp Speed for vaccines). Lịch trình của CDC thì không thần tốc [như vậy]. CDC thật không giống ai. Tiền đề bất thành văn của CDC cho rằng công nghệ của ngày hôm qua là đủ tốt sẽ khiến chúng ta thất bại.
Ông Scott Gottlieb, cựu Ủy viên Cục quản trị Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), nói với tờ Washington Post trong tuần lễ từ ngày 30/08 đến 05/09 rằng CDC đã có cách tư duy sai lầm khi ứng phó với một cuộc khủng hoảng. “Cách suy nghĩ của họ là chúng ta nên cải thiện nó, xem xét nó kỹ lưỡng, bình duyệt nó.”
Kết quả là CDC cung cấp thông tin đã biết từ cách đây 50 năm: mở cửa sổ, đặt các bàn làm việc cách xa nhau và sử dụng bộ lọc khí HEPA ở những nơi có thể. Bộ lọc HEPA được sáng chế ra cho mặt nạ phòng độc trong Đệ nhị Thế chiến, và được thương mại hóa, sử dụng cho các tòa nhà vào những năm 1950.
Các phương pháp đã từng được thử nghiệm và sử dụng hiệu quả không nhất thiết là sai. Nhưng công chúng cũng xứng đáng nhận được các công nghệ khoa học mới nhất.
Mười tám tháng trong đại dịch, các đại công ty về sử dụng lao động như Apple và Amazon lại đang trì hoãn việc tái mở cửa nơi làm việc. Họ cần sự giúp đỡ. Theo Kastle Systems, chỉ có 33% nhân viên văn phòng tại Hoa Kỳ trở lại làm việc. Thành phố New York thì còn tệ hơn nhiều, chỉ với 22% nhân viên trở lại. Điều đó đang kết liễu các cửa hàng bán lẻ, các quán cà phê, và nhà hàng phục vụ cho người lao động.
Nếu có thể trở lại bình thường mà không cần đến những đột phá về công nghệ, thì điều đó đã xảy ra rồi. Ông Eric Adams, có khả năng là thị trưởng kế nhiệm của thành phố, cần thông tin khoa học về việc làm sao để giảm thiểu virus COVID-19 lây truyền qua hạt khí dung tại các trung tâm giao thông, các tòa nhà công cộng, văn phòng, và trường học.
Viện dẫn tầm quan trọng của tốc độ trong một đại dịch, ông Gottlieb đã thúc giục FDA thiết lập một phương thức cấp tốc để xác định điều gì hiệu quả và điều gì không. CDC cũng phải làm như vậy bằng cách sử dụng các khoa học gia của mình.
Đối với các trường học, lực lượng chuyên trách về COVID của tạp chí y khoa The Lancet đã chỉ trích CDC vì tập trung vào chuyện khẩu trang và giãn cách xã hội thay vì vấn đề chất lượng không khí.
Một nghiên cứu của CDC tại 169 trường K-5 [từ mẫu giáo đến lớp 5] ở tiểu bang Georgia cho thấy các ca nhiễm COVID đã giảm đi nhiều nhờ cải thiện chất lượng không khí hơn bất cứ biện pháp can thiệp nào khác. Việc bắt buộc đeo khẩu trang đối với học sinh đã không đem lại bất kỳ sự cải thiện nào có ý nghĩa thống kê.
Một nhan đề của tờ Kaiser Health News vào tháng 06/2021 có nội dung: “Hơn 100 trường học tại Tiểu bang Missouri đã mua Công nghệ Làm sạch Không khí ‘Thường chưa được kiểm chứng’.” Cụm từ “Thường chưa được kiểm chứng” này xuất phát từ hướng dẫn của CDC. Nếu các học khu đổ xô mua thiết bị trong tuyệt vọng mà không có đầy đủ thông tin, thì hãy đổ lỗi cho CDC, chứ không phải cho ban quản trị trường học.
Một phát ngôn viên của công ty bán thiết bị ion hóa cho các trường học ở tiểu bang Missouri giải thích rằng hiện vẫn chưa có các nghiên cứu bình duyệt về các thiết bị của họ. Đó là lý do các nhà khoa học của CDC nên tự mình đánh giá các công nghệ mới thay vì viết các hướng dẫn sử dụng ngôn ngữ.
Nếu CDC muốn đúng đắn một cách chính trị, họ có thể gọi hướng dẫn chất lượng không khí mới của mình là “Chủ nghĩa Môi trường Trong nhà”, nghe có vẻ thân thiện với môi trường lắm.
Tiến sĩ Betsy McCaughey, là một nhà bình luận chính trị, chuyên gia hiến pháp, ký giả chuyên mục tổng hợp và là tác giả của một số cuốn sách, bao gồm “The Obama Health Law: What It Says and How to Overturn” và “The Next Pandemic”. Bà cũng là một cựu phó thống đốc tiểu bang New York.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.