Sri Lanka và sự khởi đầu của đại dịch đói kém
GREGORY COPLEY
Các quyết định yếu kém của chính phủ ở nhiều quốc gia đang dẫn đến nạn đói lớn – và sự trả đũa của công chúng đối với chính phủ của họ.
Những vấn đề nghiêm trọng hiện nay của Sri Lanka – trong đó hành động diễn ra trên đường phố đã đẩy các lãnh đạo ra khỏi nhiệm kỳ, đầu tiên là một thủ tướng đương nhiệm, sau đó là người thay thế ông, rồi đến tổng thống đương nhiệm – dường như là một điềm báo trước cho những hành động tương tự ở những nơi khác trên thế giới.
Và khi người dân ở đó đang đói khát thì các vấn đề của Sri Lanka gần như không được giải quyết.
Hơn nữa, chỉ giải quyết các dấu hiệu tức thời của sự bất mãn trong dân chúng không bảo đảm rằng các vấn đề căn bản đã được giải quyết. Rất nhiều và ngày càng nhiều quốc gia hiện đang phải đối mặt với sự bất mãn của dân chúng về các vấn đề kinh tế và an ninh, và một số quốc gia có tình trạng gần giống như Sri Lanka.
Cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ngày càng gia tăng của Sri Lanka dường như đã tiến một bước gần hơn đến giải pháp khi Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã tuyên bố hôm 11/07 – chỉ hai tháng sau khi được bổ nhiệm – rằng ông và toàn bộ Nội các của ông sẽ từ chức, cùng với Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, để dọn đường cho một tân chính phủ đoàn kết toàn đảng.
Hôm 13/07, ông Rajapaksa cùng phu nhân Ioma đã đào thoát khỏi Sri Lanka đến Male, thủ đô của Maldives, trên một phản lực cơ vận tải cũ Antonov An-32 của Không quân Sri Lanka. Cơ quan kiểm soát không lưu Maldives từ chối cho phép chiếc phi cơ này hạ cánh cho đến khi chủ tịch Quốc hội Maldives can thiệp. Không có bằng chứng cho thấy ông Rajapaksa đã cung cấp văn bản từ chức cần thiết theo Hiến Pháp cho chủ tịch Quốc hội, nhưng trên thực tế, Thủ tướng Wickremesinghe đã trở thành quyền tổng thống và là tâm điểm của các cuộc biểu tình mới của dân chúng.
Một số thách thức được đặt ra.
Theo Hiến Pháp Sri Lanka, một khi tổng thống và thủ tướng chính thức từ chức (và tổng thống phải từ chức bằng văn bản gửi cho chủ tịch Quốc hội), thì sau đó chủ tịch Quốc hội có thể được bổ nhiệm làm quyền tổng thống. Tiếp đến, trong vòng 30 ngày, Quốc hội sẽ bỏ phiếu bầu một tổng thống mới để hoàn thành nhiệm kỳ tổng thống hiện tại dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2024.
Tuy nhiên, khó khăn trong việc thành lập tân chính phủ tập hợp tất cả các đảng nằm ở chỗ, bản thân Quốc hội vẫn còn bị thao túng bởi Liên minh Tự do Nhân dân (SLPFA) do ông Rajapaksa lãnh đạo – kiểm soát 145 trong số 225 ghế trong Quốc hội. Chỉ có Đảng Samagi Jana Balawegaya (SJB), được thành lập hồi năm 2020, nắm giữ 45 ghế, và số ghế còn lại do các đảng nhỏ nắm giữ một hoặc hai ghế.
Nói cách khác, tân chính phủ được thành lập sau khi chính phủ của ông Rajapaksa sụp đổ, về bản chất, vẫn sẽ do gia đình Rajapaksa kiểm soát, ít nhất là trong mắt những người biểu tình vốn dĩ yêu cầu chấm dứt kỷ nguyên Rajapaksa.
Điều này chưa phải là tuyệt vọng đối với những người biểu tình – những người đã nhắm mục tiêu vào tư gia của ít nhất 40 nghị sĩ đảng cầm quyền trong những tuần gần đây.
Tuy nhiên, vì để duy trì tính liên tục khi Sri Lanka tiếp tục đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về khả năng hỗ trợ tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương P. Nandalal Weerasinghe vẫn tại chức. Ông cho biết sẽ phục vụ hết nhiệm kỳ sáu năm của mình.
Sự sụp đổ cuối cùng của chính phủ Rajapaksa xảy ra do các cuộc biểu tình hàng loạt diễn ra hôm 09/07, nhắm vào (và chiếm đóng) tư gia của hai ông Rajapaksa và Wickremesinghe. Và mặc dù thủ tướng và chủ tịch Quốc hội đã thông báo rằng tổng thống sẽ từ chức và chính phủ sẽ giải tán vào ngày 13/07, nhưng bản thân tổng thống vẫn giữ im lặng. Ông Rajapaksa đã được đưa đến nơi an toàn ngay trước khi đám đông tiến vào dinh thự chính thức của ông. Tư gia của ông Wickremesinghe đã bị phóng hỏa.
Hôm 12/07, các quan chức kiểm soát biên giới đã ngăn anh trai của tổng thống kiêm cựu bộ trưởng tài chính, ông Basil Rajapaksa, rời khỏi Sri Lanka. Tuy nhiên, người ta hiểu rằng cuối cùng ông ấy đã có thể rời đi. Trong khi đó, một người anh em khác, cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, không có phát ngôn nào. Ông này đã bị cách chức hôm 12/05 và được ông Ranil Wickremesinghe thay thế như một biện pháp khẩn cấp.
Nền kinh tế Sri Lanka dường như đã sụp đổ chỉ qua một đêm năm 2022, nhưng mầm mống của sự sụp đổ này và tình trạng thiếu lương thực kéo theo sau đã được gieo rắc trước đó. Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu COVID-19 có nghĩa là ngành du lịch – trụ cột kinh tế của Sri Lanka (chiếm 12.6% GDP trong năm 2019) – đã bị xóa sổ từ 2020 đến 2022.
Vì nhiều lý do khác nhau, Sri Lanka đã đang trên đà suy thoái kinh tế vào thời điểm Thủ tướng đương thời Mahinda Rajapaksa bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng thứ năm của mình vào ngày 10/08/2020.
Hồi tháng 05/2021, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, em trai của vị cựu thủ tướng này, đã giải quyết vấn đề bằng cách đưa ra một chính sách biến Sri Lanka trở thành quốc gia nông nghiệp hoàn toàn hữu cơ đầu tiên trên thế giới, cấm nhập cảng tất cả các hóa chất nông nghiệp, kể cả các loại phân bón và thuốc trừ sâu. Hành động này được cho là nhằm giải quyết sự gia tăng bệnh thận ở những người nông dân vốn được cho là do tiếp xúc với phân bón.
Nhưng sản lượng lương thực giảm mạnh ngay lập tức (từ 20% đến 70%, tùy theo vụ mùa), ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp lương thực địa phương và các loại cây trồng xuất cảng chính, chẳng hạn như trà. Vấn đề này, gồm việc thất thu từ lương thực và xuất cảng của địa phương, cùng với sự thiếu hụt dự trữ ngoại hối, đã khiến cuộc khủng hoảng kinh tế của quốc gia này leo thang.
Nông dân chiếm khoảng 30% lực lượng lao động Sri Lanka. Và sản lượng lúa gạo của vụ mùa Maha, một vụ lúa chính của địa phương, đã giảm từ 40% đến 50% trong mùa gieo trồng. Do đó, Sri Lanka đã nhập cảng khoảng 330,000 tấn gạo trong ba tháng đầu năm 2021, so với 15,000 tấn được nhập cảng trong năm 2020.
Đến tháng 05/2022, chính phủ nói rằng họ sẽ khôi phục việc sử dụng các loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, nhưng đã quá muộn: nhiều nông dân đã bỏ đất hoặc bị phá sản, và không còn kinh phí để nhập cảng phân bón nữa. Dù sao thì, chiến sự Nga–Ukraine, bắt đầu hồi tháng 02/2022, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn phân bón hóa học vốn là các mặt hàng xuất cảng chủ chốt của Ukraine và Nga trước đây.
Đồng thời, Sri Lanka không trả nổi khoản tiền lời của nợ quốc gia của họ; đất nước này đã cạn kiệt tiền mặt, và phải đối mặt với thực tế thiếu hụt lương thực cũng như không có dự trữ xăng và các sản phẩm dầu mỏ. Tiếp theo là các đợt cắt điện rộng khắp và kéo dài.
Các cuộc bạo loạn và biểu tình chống lại chính phủ bùng nổ ở các khu vực đô thị lớn. Hôm 09/05, Thủ tướng Mahinda Rajapaksa đã từ chức và Đảng Podujana Sri Lanka của ông đề nghị ủng hộ một chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của phe đối lập. Tuy nhiên, rõ ràng là những người biểu tình cũng yêu cầu em trai của thủ tướng, tức Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, cũng phải từ chức.
Hôm 12/05, lãnh đạo phe đối lập và là cựu Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, 73 tuổi, tuyên thệ nhậm chức với nỗ lực thành lập một chính phủ đoàn kết mới. Ông Harsha De Silva, một thành viên của Đảng SJB, nhóm đối lập lớn nhất trong Quốc hội, đã được đề cử vào Bộ tài chính nhưng ông từ chối và nói rằng ông sẽ làm việc với “người dân” để hạ bệ chính phủ ông Rajapaksa. Liên minh Quốc gia Tamil cho biết chính phủ đã “hoàn toàn mất tính hợp pháp” khi tái bổ nhiệm ông Wickremesinghe.
Rất nhiều xã hội khác đang đối mặt với những thách thức tương tự như Sri Lanka, đặc biệt là ở Phi Châu. Gần đây, sự bất mãn của dân chúng là yếu tố chính ở các quốc gia khác, chẳng hạn như Sudan. Sự bất mãn xuất hiện ở Iran, Ai Cập, Ethiopia, Nam Phi, Trung Quốc đại lục, và các nơi khác khi tình trạng thiếu lương thực bắt đầu xuất hiện. Một đại dịch của nạn đói – do các quyết định của chính phủ gây ra – sắp bùng phát trên phạm vi toàn cầu.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Gregory Copley là chủ tịch của Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Hoa Thịnh Đống. Sinh ra ở Úc, Ông Copley là một thành viên của Order of Australia, là doanh nhân, nhà văn, cố vấn chính phủ và biên tập viên xuất bản quốc phòng. Cuốn sách mới nhất của ông là “The New Total War of the 21st Century” (Cuộc Chiến Toàn Diện Mới của Thế Kỷ 21) và “The Trigger of the Fear Pandemic” (Kích Hoạt Nỗi Sợ Hãi của Đại Dịch).