Siêu dự án đường sắt – Nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm chống lại ảnh hưởng Trung Quốc ở Phi
Darren Taylor
Năm 2024 tới đây, chính phủ Hoa Kỳ sẽ khai hỏa loạt đạn đầu tiên trong nỗ lực chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Phi Châu khi dự án Hành lang Lobito bắt đầu khởi công xây dựng. Công trình này được dự kiến sẽ giảm bớt quyền kiểm soát của Bắc Kinh đối với một số khoáng sản quan trọng nhất của lục địa này.
Tuyến đường sắt có thể dài đến 1,000 dặm sẽ đi qua Angola, Cộng Hòa Dân Chủ Congo (CHDC Congo), và tây bắc Zambia.
Bà Candice Moore, một chuyên gia về mối bang giao Hoa Kỳ–Phi Châu tại Đại học Wits ở Johannesburg, cho biết: “Rõ ràng là Hoa Kỳ đã quyết định xây dựng tuyến đường sắt chạy đến cảng lớn nhất của Angola trên Đại Tây Dương vì Hoa Kỳ đang ở trong thế cạnh tranh với Trung Quốc về các khoáng sản đất hiếm của Phi Châu.”
Bà nói với The Epoch Times, “Tất nhiên, Hoa Kỳ cũng đang cố gắng lấy lòng dân ở Phi Châu, và dự án này cũng giúp ích trên mặt trận đó, vì nó sẽ thúc đẩy tăng trưởng, thương mại, và đầu tư vào một khu vực có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng của Phi Châu, chưa kể đến việc tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân địa phương.”
Phân tích khoa học đã chứng minh rằng CHDC Congo bị tàn phá bởi xung đột là quốc gia dồi dào tài nguyên thiên nhiên nhất thế giới, với trữ lượng khoáng sản thô chưa được khai thác ước tính trị giá hơn 24 nghìn tỷ USD.
Congo có rất nhiều vàng, kim cương, và đồng với chất lượng hảo hạng. Tuy nhiên, bà Moore cho biết Trung Quốc và Hoa Kỳ chủ yếu là đang “tranh giành” nguồn cobalt của quốc gia Trung Phi này.
Kim loại này rất cần thiết để sản xuất xe điện và pin, tua-bin khí, và các hệ thống vũ khí hiện đại.
Congo là mỏ cobalt lớn nhất của thế giới. Sản lượng hàng năm của quốc gia này là 100,000 tấn, chiếm hơn 40% sản lượng toàn cầu hàng năm.
Quặng kim loại coltan, có nguồn gốc từ cobalt, đã trở thành nguồn tài nguyên không thể thiếu cho cuộc sống hiện đại. Loại khoáng sản này được sử dụng trong hầu hết các sản phẩm công nghệ hàng ngày, từ điện thoại thông minh đến máy điện toán xách tay cho đến thiết bị y tế tân tiến.
Các nguồn tài nguyên khác
Angola là nước sản xuất kim cương lớn thứ hai ở Phi Châu.
Theo Africa Mining IQ, cổng thông tin về khoáng sản của lục địa này, Angola mới chỉ khai thác được khoảng 40% tài nguyên kim cương ước tính của mình.
Nước này cũng là quốc gia sản xuất nhiều đồng và dầu mỏ.
Cơ Quan Quản trị Thương mại Hoa Kỳ cho biết Angola “có nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt dồi dào chưa được khai thác, trữ lượng ước tính khoảng 9 tỷ thùng dầu thô đã được kiểm chứng, 11 nghìn tỷ feet khối trữ lượng khí đốt tự nhiên đã được kiểm chứng.”
Zambia cũng là một trong những nước sản xuất đồng và cobalt lớn nhất thế giới.
Bà Moore nói: “Rõ ràng là tuyến đường sắt đến Lobito này có khả năng sẽ lấy các khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác ra khỏi tay Trung Quốc. Tuyến đường này sẽ đưa các khoáng sản đó đến bờ biển phía tây Phi Châu, và từ đó đi đến các thị trường phương Tây, thay vì đến các cảng ở Đông Phi nơi chúng thường được vận chuyển về phương Đông.”
Chuyên gia khai thác mỏ tại Nam Phi Ruben Els cho biết Trung Quốc hiện kiểm soát 70% sản lượng kim loại và khoáng sản đất hiếm trên thế giới.
Ông nói với The Epoch Times, “Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã mở mang các mỏ của riêng mình trên khắp thế giới để khai thác một số khoáng sản quan trọng, và hiện là nước sản xuất lớn thứ hai thế giới. Nhưng hiện tại họ không có đủ khả năng và phương tiện nấu chảy quặng thô. Tình hình này sẽ buộc họ phải xuất cảng khoáng sản thô sang Trung Quốc để chế biến. Sau đó họ phải nhập cảng lại, tốn kém khá nhiều.”
Bà Moore gọi tình huống này là một “cái tát nhục nhã vào mặt Hoa Kỳ”. Bà nói thêm: “Hoa Kỳ mệt mỏi vì bị kẻ thù địa chính trị lớn nhất của mình vả vào mặt và họ đang hành động để ngăn chặn điều này.”
Liên Minh Phi Châu
Đầu tháng 07/2023, các tổng thống của Angola, CHDC Congo, và Zambia đã gặp nhau tại Lobito để kỷ niệm việc thành lập Tuyến đường sắt Đại Tây Dương Lobito – một liên doanh do công ty đa quốc gia Trafigura đứng đầu.
Công ty này đã được nhượng quyền vận hành tuyến đường sắt chạy từ Lobito qua Zambia đến Kolwezi trong vành đai đồng của Congo trong thời hạn 30 năm.
Liên doanh này dự định đầu tư 550 triệu USD vào tuyến đường mà họ hy vọng sẽ hoạt động hoàn chỉnh vào năm 2029.
Chính phủ Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu, cùng với Ngân hàng Phát triển Phi Châu và Tập đoàn Tài chính Phi Châu, đã cam kết đóng góp phần kinh phí còn lại, dự kiến sẽ là thêm 500 triệu USD.
Về mặt lịch sử, tuyến đường sắt này là một phần quan trọng đối với cơ sở hạ tầng kinh tế trong khu vực này. Tuyến đường này trải dài hơn 800 dặm từ Lobito đến biên giới Congo, và sau đó thêm 250 dặm nữa tới Kolwezi.
Tuyến đường sắt này được xây dựng từ hồi đầu thế kỷ 20, nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng trong cuộc nội chiến kéo dài ở Angola từ năm 1975 đến 2002.
Ông David Taylor – một chuyên gia về cơ sở hạ tầng đường sắt Phi Châu – nói với The Epoch Times rằng dự án Lobito là “cuộc cách mạng” trong nỗ lực “khôi phục lại một tuyến đường đến các thị trường phương Tây dành cho hàng hóa và nguyên vật liệu.”
Ông giải thích: “Hành lang đường sắt Lobito sẽ là một tuyến đường ‘từ mỏ đến cảng,’ và sẽ giúp các công ty khai thác mỏ ở Phi Châu xuất cảng nguyên liệu sang các thị trường ở Mỹ quốc và Âu Châu dễ dàng hơn nhiều.”
Ông Jake Levine – một quan chức cao cấp của Tập đoàn Tài chính Phát triển của Hoa Thịnh Đốn – là đơn vị mà Hoa Kỳ đang sử dụng để cung cấp tài chính cho dự án này, gần đây đã đến thăm Angola, CHDC Congo, và Zambia.
“Nếu quý vị nói chuyện với một doanh nghiệp ở Zambia đang xuất cảng hàng ra khỏi CHDC Congo, và quý vị hỏi, ‘Hoạt động ở khu vực này như thế nào?’ Họ sẽ nói với quý vị, ‘Đó là một cơn ác mộng. Chúng tôi phải vận chuyển hàng hóa từ CHDC Congo bằng cách sử dụng từng chiếc xe tải để chở từng container một và cũng quy trình đó từ Zambia đến Mombasa hoặc Dar es Salaam hoặc Durban,’” ông nói với The Epoch Times, ý nói đến các thành phố lớn tương ứng ở Kenya, Tanzania, và Nam Phi.
“Các tài xế xe tải bị kẹt trong những hàng dài 80km trong nhiều tuần tại các cửa biên giới, cộng với việc họ phải di chuyển tuyến đường hàng nghìn kilômét để đến các cảng chức năng ở phía bên kia lục địa Phi Châu trên những con đường bị hư hỏng vì mật độ xe cộ đông đúc.”
Ông Levine cho biết Tập đoàn Tài chính Phát triển cũng quan tâm đến việc tìm kiếm cơ hội mở rộng cảng container tại Lobito.
Ông nhấn mạnh: “Điều đó sẽ rất quan trọng để có thể xuất cảng sang phương Tây. Thật vô ích khi chúng ta xây dựng một tuyến đường sắt tuyệt vời đến một cảng không có đủ năng lực cần thiết để giải quyết các dòng ra vào với khối lượng lớn các mặt hàng xuất cảng.”
Ông Levine mô tả lợi ích của việc xây dựng lại tuyến đường sắt này là “một chiến thắng cho doanh nghiệp Phi Châu, và một chiến thắng cho lợi ích của Hoa Kỳ.”
Bắt kịp sáng kiến Vành đai và Con đường
Hành lang Lobito sẽ là công trình xây dựng cơ sở hạ tầng lớn nhất từng được Hoa Thịnh Đốn thực hiện ở Phi Châu, và theo sau các dự án tồn tại một thập niên của Trung Quốc ở Phi Châu dưới Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, còn được gọi là Một vành đai, Một con đường) của nước này.
Thông qua BRI, kể từ năm 2013, Trung Quốc đã tài trợ cho việc xây dựng đường sá, hồ chứa, đường sắt, trung tâm công nghệ, và cơ sở hạ tầng khác ở Phi Châu trị giá hàng trăm tỷ USD.
Các nhà phê bình cho rằng BRI đã đẩy Phi Châu vào một “bẫy nợ” – với việc lục địa này nợ Trung Quốc tổng cộng 73 tỷ USD.
Đã vậy, có đến 52 trên 54 quốc gia Phi Châu ký thỏa thuận BRI với Trung Quốc.
Tháng 07/2023, Trung tâm Tài chính và Phát triển Xanh (GFDC) tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải báo cáo rằng Bắc Kinh đã đầu tư hơn 1 nghìn tỷ USD vào 148 quốc gia đối tác trong khối BRI kể từ năm 2013, với khu vực đầu tư chủ yếu là vùng Phi Châu cận Sahara.
Bà Moore nói, “BRI chắc chắn đã đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Phi Châu, nhưng chính phủ Tổng thống Biden đã nỗ lực hết sức để chấm dứt quyền bá chủ của Bắc Kinh ở Phi Châu, và Hành lang Lobito nên được xem là phản ứng rõ ràng nhất của Hoa Thịnh Đốn đối với BRI. … Đó là một phản ứng muộn màng, và Hoa Kỳ bị tụt lại rất xa so với Trung Quốc về sự tham gia và tiếp cận khoáng sản của Phi Châu, nhưng ít nhất Hoa Kỳ đã hiểu ra tầm quan trọng của Phi Châu.”
“Ngay cả rất lâu trước khi BRI được chính thức khai triển, Trung Quốc đã tất bật nâng cấp cơ sở hạ tầng của Phi Châu, như các cảng, để có thể tiếp cận nguồn khoáng sản rộng lớn của Phi Châu. Nhưng Hoa Kỳ lại để mắt tới nơi khác.”
Ông Els cho biết Trung Quốc đã chi hơn một nghìn tỷ dollar cho các dự án “trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm bảo vệ nguồn cung cấp tài nguyên” có vai trò quan trọng sống còn cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
“Nếu Hoa Kỳ có thể chuyển những nguồn tài nguyên quý giá đó từ vành đai đồng của Phi Châu sang các thị trường phương Tây, và loại bỏ Trung Quốc, thì đó sẽ là một lợi ích lớn cho Hoa Kỳ và Âu Châu, đặc biệt là khi tiến trình chuyển đổi năng lượng diễn ra.”
Dự án hành lang này là một ‘khởi đầu tốt’
Ông Cobus van Staden, giám đốc Dự án Trung Quốc–Phi Châu tại Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi ở Johannesburg, mô tả việc xây dựng tuyến đường sắt tới Đại Tây Dương là “rất kịp thời”.
Ông nói với The Epoch Times rằng khoản đầu tư liên quan đến BRI đạt mức cao nhất là 125 tỷ USD trong năm 2015, nhưng đã giảm xuống còn 70 tỷ USD trong năm 2022 do “suy thoái kinh tế” và các dư chấn của đại dịch COVID-19.
Ông van Staden cho biết, “Kể từ năm 2013, Bắc Kinh đã phô trương sức mạnh tài chính của mình bằng cách cho các quốc gia Phi Châu vay một lượng tiền mặt rất lớn. Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng lo ngại hơn về tình trạng căng thẳng nợ (debt distress) ở Phi Châu, nên mới đây họ đã quyết định ngừng tài trợ cho các dự án năng lượng ở Phi Châu. Năm 2022, lần đầu tiên sau 20 năm, khoản cho vay của Trung Quốc ở lục địa này giảm xuống dưới 1 tỷ USD.”
“Vì vậy, dù xét theo phương diện nào thì đây cũng là thời điểm tuyệt vời để Hoa Kỳ bước vào và cho Phi Châu thấy rằng họ nghiêm túc trong việc xây dựng liên kết đối tác với lục địa này, đồng thời giúp phát triển lục địa này theo cách bền vững hơn nhiều so với con đường mà Trung Quốc đưa ra cho đến nay.”
Ông nói rằng Hoa Kỳ và Âu Châu khó có thể bắt kịp Trung Quốc về “các siêu dự án” mà Bắc Kinh đã xây dựng ở Phi Châu trong vài thập niên qua.
Tuy nhiên, ông van Staden nói thêm, nếu dự án Hành lang Lobito “phần nào là một bản kế hoạch chi tiết” về cách thức mà Hoa Kỳ và các đối tác của mình sẽ hợp tác với người Phi Châu trong tương lai, thì đó là một khởi đầu tốt.
Ông chia sẻ, “Trên bề mặt, tôi thấy dường như việc xây dựng tuyến đường sắt Lobito còn là một dự án đôi bên cùng có lợi hơn hầu hết những dự án mà Trung Quốc đã đưa ra trong nhiều năm qua. Khi tuyến đường sắt này được xây dựng, nó có khả năng chuyển biến tích cực nền kinh tế của các quốc gia liên quan, và hơn thế nữa.”
Ông van Staden cho biết các quốc gia Phi Châu đều biết cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đang chơi trò kéo co vì nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào của họ.
“Sự việc này vừa hay lại rất đúng ý các quốc gia Phi Châu. Họ có thể đứng lại và xem các cường quốc này chiến đấu và sau đó họ có thể chọn bên mang lại nhiều lợi ích nhất và cho phép các quốc gia [Phi Châu] tạo ra và giữ lại giá trị ở lục địa này. Chính tuyến đường sắt Lobito cho phép điều đó.”