Rủi ro mang tính hệ thống trong các ngân hàng Âu Châu
DANIEL LACALLE
Lãi suất [thực] âm và chính sách nới lỏng định lượng đã phá hỏng hệ thống kinh tế. Lãi suất [thực] âm hủy đi phần có thể sinh lời trong cơ sở tài sản của một ngân hàng, và không có lượng cắt giảm chi phí hoặc sáng kiến hiệu quả nào có thể bù đắp được cho phần tổn thất này. Hơn nữa, việc nới lỏng định lượng liên tục đã chuyển những khoản đầu tư trên bảng cân đối kế toán thành một quả bom hẹn giờ.
Deutsche Bank là ngân hàng mới nhất gây chú ý sau Credit Suisse. Tuy nhiên, mọi người đều biết rằng Credit Suisse phải đối mặt với những trở ngại to lớn và thiếu khả năng sinh lời. Còn Deutsche Bank thì khác, ngân hàng này đã phục hồi sau nhiều năm thua lỗ. Kể từ năm 2019, Deutsche Bank đã đề ra một kế hoạch tái cân bằng vững chắc, với mục tiêu tăng lợi nhuận trên tài sản hữu hình lên 8%, một sáng kiến cắt giảm chi phí rất lớn và dịch chuyển từ hoạt động ngân hàng đầu tư sang các hoạt động cho vay cốt lõi. Sau nhiều năm thua lỗ, tỷ lệ vốn tự có (core capital) đã tăng lên và lợi nhuận bắt đầu xuất hiện, cho thấy sự thành công rõ ràng của kế hoạch này.
Deutsche Bank đã làm theo các khuyến nghị của chính phủ và ngân hàng trung ương chính xác đến từng li. Không chiến lược nào có thể chống đỡ được sự xói mòn của bảng cân đối kế toán do chính sách tiền tệ và quy định gây ra.
Credit Suisse, Deutsche Bank, và Silicon Valley Bank không phải là gốc rễ của vấn đề ngân hàng. Những tổ chức tài chính này mới chỉ là các triệu chứng thôi.
Ngành ngân hàng đã không bị tổn hại bởi việc tăng lãi suất mà bởi nhiều năm lãi suất [thực] âm và dư thừa tiền tệ.
Trong thời kỳ mà lãi suất [thực] âm đang phá hủy hoạt động kinh doanh chính của họ, các ngân hàng Âu Châu đã làm tất cả những gì họ có thể để đạt được mức lợi nhuận khiêm tốn và củng cố bảng cân đối kế toán của mình. Theo Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB), đến cuối năm 2022, tỷ lệ tổng Vốn Cổ phần Phổ thông Cấp 1 (CET1) là 14.74%, tỷ lệ tổng Vốn Cấp 1 là 16.03%, và tỷ lệ tổng vốn là 18.68%.
Sai lầm về mặt kinh tế của chính sách lãi suất [thực] âm đã phá hủy phần tài sản có thể sinh lời của các ngân hàng. Do đó, hầu hết các tài sản không tạo ra lợi nhuận cao hơn chi phí vốn cho các ngân hàng. Hơn nữa, rủi ro đầu tư tăng lên trong thời kỳ dư thừa tiền tệ, khiến cho bất kỳ phân tích rủi ro nào đều trở nên vô nghĩa.
Các ngân hàng trung ương đã chế tạo quả bom hẹn giờ vốn đang phát nổ ngày nay thông qua sự điên rồ của lãi suất [thực] âm và nới lỏng định lượng dài hạn. Kể cả trong những thời kỳ kinh tế bùng nổ, họ đã khiến tài sản ít rủi ro và biến động nhất – nợ chính phủ – trở nên vô cùng đắt đỏ và dễ biến động thông qua việc mua trái phiếu không kiểm soát. Như đã mô tả nhiều lần trong chuyên mục này, hành động này che đậy được tình thế hiểm nguy nhưng đã không loại bỏ được bản thân mối nguy đó.
Điều gì đã xảy ra vào năm 2022? Các ngân hàng trung ương đã báo cáo những khoản lỗ rất lớn đối với danh mục đầu tư trái phiếu quốc gia của họ. Năm 2022, ECB đã báo cáo khoản lỗ 1.6 tỷ euro từng phải được bù đắp bằng cách hoàn nhập các khoản dự phòng. Cục Dự trữ Liên bang và Ngân hàng Anh cũng đã bị thiệt hại nặng nề.
Thua lỗ tài chính do việc tích lũy “các tài sản an toàn” của ngân hàng trung ương gây ra đã trở thành hạn chế đối với nhiều nhà băng. Trong một ngân hàng thương mại, những khoản lỗ chưa thực hiện giống hệt nhau này – khi kết hợp với lợi nhuận âm từ các khoản cho vay và các khoản lỗ tiền gửi – biểu thị cho thảm họa. Một cách nhanh chóng, vốn chủ sở hữu của ngân hàng bị bốc hơi.
Điều này sao lại xảy ra như thế chứ? Liệu vấn đề có phải là do thiếu quy định không?
Quy định chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ tài chính này. Theo quy định, việc chấp nhận rủi ro trong khu vực công là không cần đến vốn vì không có rủi ro liên quan. Lãi suất [thực] âm đang được áp đặt theo quy định thông qua cơ quan giám sát. Quy định này gây tổn thất khi tăng tỷ lệ tiền mặt. Và chính cơ quan giám sát là bên đã tạo ra rủi ro đối với trái phiếu chính phủ bằng cách mặc sức mua vào trái phiếu trong khi vẫn in ra tiền.
Hiện tại, vấn đề chính chủ yếu là xuất hiện trong một công cụ tài chính nổi bật trong những năm nay. Quy định và giám sát đã thúc đẩy các ngân hàng phát hành trái phiếu chuyển đổi dự phòng (hay còn gọi là CoCo, hay AT1 – trái phiếu cấp 1 bổ sung) vượt quá 250 tỷ USD. Các trái phiếu này có một thành phần vốn chủ sở hữu đặc biệt quan trọng bởi vì nếu vốn chất lượng cao nhất của ngân hàng giảm xuống dưới 6% – một con số thấp hơn mức bình thường đối với các ngân hàng trong năm 2008 – thì các trái phiếu này sẽ lập tức được chuyển đổi thành cổ phiếu và ngân hàng sẽ được tái cấp vốn một cách tự động. Nghe có vẻ như một ý tưởng tuyệt vời… cho đến khi loại trái phiếu này gây ra một cuộc khủng hoảng lớn trên thị trường chứng khoán, như tất cả những người đã mua trái phiếu chuyển đổi đều đã biết.
Tại thời điểm viết bài này, theo Bloomberg, lãi suất coupon trung bình của các trái phiếu CoCo do các ngân hàng Âu Châu phát hành là 10.46%, trong khi tỷ lệ vốn (cấp 1) trung bình của các ngân hàng lớn nhất Âu Châu là 14.5%. Khi tỷ lệ vốn này giảm xuống dưới 6%, thì các loại trái phiếu chuyển đổi sẽ ngay lập tức chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông. Hệ quả là, một lượng đáng kể tiền dự phòng đã có sẵn trước khi nhu cầu chuyển đổi phát sinh. Phải vậy không?
Chúng ta không thể cho rằng những trái phiếu này không có rủi ro. Các trái phiếu có rủi ro thấp không cho lợi suất 10.4%. Có những trái phiếu CoCo với lợi suất 19% từ các ngân hàng Đức và lợi suất 15.7% từ các ngân hàng Pháp. Các mức lợi suất này không có nghĩa là trái phiếu rẻ mà là chúng có rủi ro cao hơn.
Không có lợi nhuận nào mà không đi kèm với rủi ro, và nếu trái phiếu chuyển đổi mang lại lợi nhuận 15%, thì đó không phải là do sự hào phóng của nhà phát hành mà là do rủi ro hết sức cao của trái phiếu này.
Trong một số trường hợp nhất định, ở Âu Châu, số lượng trái phiếu AT1 do một hãng phát hành có thể sánh được với mức vốn hóa thị trường hiện tại của hãng đó. Số lượng trái phiếu AT1 đã phát hành chiếm khoảng một nửa tổng giá trị vốn hóa của ngành ngân hàng.
Trái phiếu chuyển đổi chỉ là một công cụ tài chính tốt nếu như các nhà đầu tư hoàn toàn tin tưởng vào bảng cân đối kế toán của tổ chức phát hành. Khi niềm tin suy yếu, trái phiếu sẽ làm giảm giá cổ phiếu, và đến lượt mình, giá cổ phiếu sẽ làm giảm giá trái phiếu, tạo ra một vòng luẩn quẩn ác tính có thể dẫn đến thua lỗ. Phần lớn các nhà đầu tư tín dụng không thể nắm giữ cổ phiếu nếu các trái phiếu này được chuyển đổi (thành cổ phiếu); do đó, họ phải bán trái phiếu đó trước khi xảy ra việc chuyển đổi hoặc bán khống cổ phiếu để giảm thiểu rủi ro. Vấn đề không nằm ở bản thân công cụ trái phiếu này, mà là do sự tự mãn của những người tin rằng việc có khoản đệm dự phòng tài chính này sẽ loại bỏ được sự cần thiết của việc bình thường hóa chính sách.
Như đã nêu, nhiều nhà đầu tư mua trái phiếu chuyển đổi không thể nắm giữ cổ phiếu khi trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, vì vậy họ phải bán khống chứng khoán hoặc bán cổ phiếu sau khi trái phiếu đã chuyển đổi thành cổ phiếu, điều có thể tác động đáng kể đến giá cổ phiếu. Nếu số lượng trái phiếu chuyển đổi được phát hành tương đương với mức vốn hóa thị trường của ngân hàng, thì có thể việc chuyển đổi sẽ không làm tăng được vốn của ngân hàng mà thay vào đó khiến ngân hàng này sụp đổ do áp lực bán ra, vì giá trị của cả cổ phiếu mới và cổ phiếu cũ đều thấp hơn mức vốn hóa thị trường trước đây của ngân hàng. Nói cách khác, trái phiếu chuyển đổi là một ý tưởng hay nếu việc chuyển đổi thành cổ phiếu không gây ra sự sụt giảm giá trị trên thị trường chứng khoán sau đó. Tuy nhiên, rủi ro này rất khó đánh giá.
Trong trường hợp của các ngân hàng Âu Châu, điều quan trọng cần nhớ lại là trong thời kỳ lãi suất [thực] âm, họ đã tăng nguồn vốn chất lượng cao của mình. Các ngân hàng ngày nay đã chuẩn bị tốt hơn cho một biến cố đột ngột ở quy mô này, nhưng sẽ là vô trách nhiệm và không trung thực nếu cho rằng đây là những biến cố cá biệt không ảnh hưởng đến các tổ chức khác. Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng đã bị phá hủy bởi chính sách tiền tệ và quy định, từ đó cho thấy, việc giải quyết sự bất thường của lãi suất [thực] âm là rất quan trọng.
Để ngăn chặn khủng hoảng tài chính, các cơ quan quản lý cũng cần phải bãi bỏ hình phạt đối với việc tiết kiệm cũng như động lực thúc đẩy tích lũy rủi ro trong khu vực công.
Không tổ chức nào lại đi thu về rủi ro lớn trong tài sản của mình. Các cuộc khủng hoảng luôn xảy ra do việc gây dựng những vị thế đầu tư đối với các tài sản được cho là hầu như không có rủi ro.
Quý vị muốn các loại lãi suất thực âm và in tiền thả cửa, đúng chứ? Hay là quý vị muốn cho vay mà không cần xét đến tiêu chí kinh tế? Vậy thì hoan nghênh [quý vị] đến với hậu quả.
Không ai có thể tuyên bố rằng chúng tôi đã không đưa ra cảnh báo về điều này. Tôi đã tuyên bố hồi năm 2018 rằng trái phiếu CoCo có thể là con dao hai lưỡi. Một mặt, chúng là một trong những cơ chế phổ biến nhất để tăng nhanh vốn tự có và đa dạng hóa các nguồn tài trợ vốn. Nhưng ngược lại, chúng là tài sản có tính rủi ro cao vốn có thể gây ra hiệu ứng domino đối với vốn chủ sở hữu và các trái phiếu khác của tổ chức nắm giữ. Quan điểm cho rằng một CoCo có thể được chuyển đổi hoặc không được thanh toán mà không gây rủi ro lây lan cho phần còn lại của cấu trúc vốn hoặc các ngân hàng khác là vô lý.
Hiện tại, vấn đề có vẻ như là có thể kiểm soát được, nhưng nếu sự ức chế tài chính này vẫn tiếp diễn, thì nó sẽ tạo ra rủi ro mang tính hệ thống trong toàn bộ hệ thống tài chính thông qua việc mở rộng tình trạng tích lũy rủi ro dần dần nhưng bùng nổ nhanh chóng.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.