Quần đảo Marshall tìm kiếm thỏa thuận mới với Hoa Kỳ
Vào ngày 01/03/1954, quân đội Hoa Kỳ cho nổ một vũ khí nhiệt hạch với sức mạnh kinh khủng đến mức các nhà khoa học đã đánh cược xem nó có đốt cháy cả bầu khí quyển của trái đất hay không.
Bầu khí quyển đã không bốc cháy, nhưng vụ nổ mạnh mẽ mang tính lịch sử đó đã lớn hơn gần gấp ba lần so với dự kiến, với đám mây hình nấm cao hơn độ cao được phép của các phi cơ thương mại. Nếu cho phát nổ ở Hoa Thịnh Đốn, thì người ta ước tính rằng toàn bộ dân số trong khu vực đó đều sẽ thiệt mạng, cùng với hàng triệu người nữa thiệt mạng ngay sau đó do nhiễm độc phóng xạ kéo dài đến tận biên giới Canada.
Nhưng thay vào đó, vụ thử nghiệm này lại diễn ra trên Quần đảo Marshall thưa thớt dân cư – y như hơn 65 vụ thử nghiệm khác diễn ra từ năm 1946 đến 1958, mà các chuyên gia cho rằng gần tương đương với 1.7 quả bom cỡ Hiroshima [được kích nổ] mỗi ngày trong suốt 12 năm.
Quần đảo Marshall và cư dân nơi đó đã bị tàn phá bởi bụi phóng xạ từ các vụ nổ này trong suốt nhiều thập niên. Các cộng đồng đều đã được di dời, tỷ lệ ung thư tăng vọt, và một số hòn đảo đến nay vẫn không thể ở được. Tại một địa điểm trên Đảo Runit, một mái vòm bê-tông đang xuống cấp làm rò rỉ chất thải hạt nhân vào mạch nước ngầm, gây ra thiệt hại tiềm tàng cho môi trường – điều mà chính phủ Hoa Kỳ vẫn đang đánh giá.
Giờ đây, khi thỏa thuận quốc phòng giữa hai quốc gia sẽ hết hiệu lực vào năm 2023, thì quốc đảo Thái Bình Dương này đang yêu cầu hỗ trợ thêm.
Hàng năm, Hoa Kỳ chi khoảng 70 triệu USD cho Quần đảo Marshall dưới nhiều hình thức để đổi lấy quyền tiếp cận độc quyền các vùng đất và đường thủy cho các mục đích an ninh quốc gia, nhưng các nhà lãnh đạo Marshall và những người khác nói rằng điều đó gần như không đủ để phục hồi sau những tác động tàn phá của bức xạ hạt nhân cũng như các thiệt hại môi trường khác. Họ nói rằng các nhà đàm phán mà trước đó đã đạt được các thỏa thuận – bao gồm một thoả thuận trị giá 150 triệu USD vào năm 1986 để đổi lấy việc từ bỏ quyền khởi kiện chính phủ Hoa Kỳ – đã không nhận ra rằng những hậu quả về sau của việc thử nghiệm hạt nhân vẫn tiếp diễn trong nhiều thập niên nữa.
Dưới thời các chính phủ kế tiếp, chính quyền liên bang đã luôn do dự trong việc đảm nhận thêm trách nhiệm. Bộ Năng lượng cho biết việc bảo trì mái vòm trên Đảo Runit là thuộc về người Marshall, trong khi các cuộc đàm phán với các quan chức Bộ Ngoại giao thì lại trì hoãn.
Tình hình này là một mối quan tâm ngày càng tăng giữa một bộ phận tiêu biểu của các bên liên quan chính trị.
Trong nhiều thập niên, các nhà hoạt động nhân quyền đã kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ sửa chữa những bất công lịch sử, và trong những năm gần đây, họ đã có được sự tham gia của các quan chức an ninh quốc gia, những người sẵn sàng chấp nhận nhượng bộ hơn để Quần đảo Marshall không nằm dưới sự ảnh hưởng của Trung Quốc.
Những lo ngại và và thất vọng của tất cả các bên liên quan đã được trình bày tại một phiên điều trần của Ủy ban Tài nguyên Thiên nhiên Hạ viện hôm 21/10 về tình trạng của mối bang giao Hoa Kỳ–Quần đảo Marshall. Tại đó, ủy ban này được thông báo rằng không có cuộc đàm phán nào diễn ra giữa hai nước kể từ hồi tháng 12/2020.
“Đáng buồn thay, nghị trình tại cuộc họp tháng 12 đã được ấn định. Đó là một điều khoản rất cụ thể mà chúng tôi nghĩ là không đầy đủ, và chúng tôi muốn mở rộng các vấn đề trên – bao gồm cả vấn đề hạt nhân,” ông Casten Nemra, Bộ trưởng Ngoại giao của Quần đảo Marshall cho biết. “Đây là một phần lý do tại sao, theo quan điểm của chúng tôi, các cuộc đàm phán cứ diễn ra chậm chạp cho đến nay.”
Một trong những điểm trọng yếu chính là mái vòm chất thải trên Đảo Runit. Người Marshall đã kêu gọi sự trợ giúp liên quan đến mái vòm này trong nhiều năm, nhưng các quan chức Hoa Kỳ được cho là đã từ chối.
Trong tuyên bố mở đầu của mình tại phiên điều trần, quan chức Bộ Năng lượng Matthew Moury nhắc lại quan điểm của chính phủ [Hoa Kỳ] rằng “Quần đảo Marshall chịu trách nhiệm hoàn toàn việc duy trì và giám sát mái vòm và Đảo Runit.”
Tuyên bố của ông Moury đã gây phẫn nộ cho nhiều thành viên ủy ban, những người cho rằng Bộ Ngoại giao có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về chính sách này.
Dân biểu Katie Porter (Dân Chủ–California) đã chỉ trích Bộ Ngoại giao vì từ chối tham dự phiên điều trần và vì được cho là đã gợi ý các ban ngành khác về những điều không nên nói.
Ông Gregorio Sablan, đại diện tại Hạ viện của Quần đảo Bắc Mariana, cũng cáo buộc quan điểm của ông Moury được lấy từ Bộ Ngoại giao [Hoa Kỳ] sau khi ông Moury không thể viện dẫn điều khoản quy trách nhiệm về Đảo Runit cho Quần đảo Marshall.
“Phần nào của hiệp ước [quân sự Hoa Kỳ–Marshall] nói rằng Marshall chịu trách nhiệm cho việc thử nghiệm Mái vòm trên đảo Runit?” ông Sablan hỏi.
“Đó là thông tin lịch sử được cung cấp cho tôi với tư cách là người thực hiện các chương trình này,” ông Moury nói.
“Tôi xin hỏi là họ có làm việc cho Bộ Ngoại giao không?” ông Sablan hỏi.
Ông Sablan nói: “Tôi không nhận được câu trả lời cho câu hỏi đó.”
Trả lời một câu hỏi truyền thông từ The Epoch Times, Bộ Ngoại giao cho biết sẽ “không thích hợp” để bộ này tham dự một phiên điều trần như vậy vào thời điểm này.
“Sau khi trao đổi ý kiến với Điện [Capitol] và liên ngành, Bộ Ngoại giao kết luận rằng việc Bộ tham gia phiên điều trần vào thời điểm được yêu cầu là không thích hợp,” một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết. “Bộ đã từ chối lời mời và thay vào đó đã đề nghị cung cấp một bản hướng dẫn cho các thành viên có liên quan và [có thể] tham gia vào một phiên điều trần trong tương lai.”
Bộ Ngoại giao cũng không chấp nhận quan điểm cho rằng Quần đảo Marshall chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với Đảo Runit, khi nói rằng họ đã giúp đất nước này trong các vấn đề về môi trường trong nhiều thập niên.
Tại phiên điều trần, các nhân chứng phía an ninh quốc gia bày tỏ sự thất vọng trước việc chính phủ Hoa Kỳ không đủ tích cực với đối tác Thái Bình Dương của mình.
“Thành thật mà nói, tôi giật mình vì thấy thiếu các cuộc đàm phán,” ông Dean Trình (Dean Cheng), một nhà phân tích về các nghiên cứu Á Châu của Quỹ Heritage cho biết. Ông Trình nói rằng Trung Quốc sẽ lấp vào khoảng trống mà Hoa Kỳ để lại nếu nước này không tuân thủ các nghĩa vụ của mình ở Quần đảo Marshall.
“Thời gian không còn nhiều nữa, và có những người khác đang theo dõi và chờ đợi để khai thác cơ hội mà chúng ta định bày chúng trên một chiếc đĩa bạc,” ông nói.
Theo ông Trình, Quần đảo Marshall là một khu vực chiến lược trọng yếu cả về quân sự và kinh tế. Ông cho biết các cơ sở tại Đảo san hô vòng Kwajalein, thuộc Quần đảo Marshall, hỗ trợ cho phòng thủ hỏa tiễn và các radar và các cơ sở khác nhau cung cấp dữ liệu cho các kỹ sư và các nhà lập kế hoạch phòng thủ hỏa tiễn của Hoa Kỳ để giúp cải thiện khả năng đánh chặn hỏa tiễn.
“Cuối cùng, các cơ sở ở [Quần đảo Marshall], bao gồm cả trên đảo san hô vòng Kwajalein, đóng một vai trò trung tâm trong việc giám sát không gian,” ông Trình nói.
Trong khi đó, mái vòm trên Đảo Runit thì tiếp tục bị rò rỉ. Ông Moury nói với các thành viên của ủy ban rằng bộ phận của ông có kinh phí và các nguồn lực để điều tra phạm vi thiệt hại và rủi ro có liên quan đến môi trường liên quan, nhưng ông cho biết các hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch đã ngăn cản nhân viên của ông đến thăm khu vực này – một tuyên bố khác khiến ủy ban này phẫn nộ.
Ông Moury đã khẳng định rằng những hạn chế đi lại do COVID-19 là một trở ngại đáng kể để đánh giá mái vòm này. Ông nói, “Các hạn chế do COVID là có thực và đã được thiết lập để bảo vệ người dân của Quần đảo Marshall.”
Sau phiên điều trần này, Bộ Ngoại giao đã cung cấp thêm các chi tiết về kế hoạch giám sát mạch nước ngầm của Quần đảo Runit.
“Vào tháng 08/2019, DOE [Bộ Năng lượng] đã nhận được 1.7 triệu USD để hợp tác chặt chẽ với RMI [Cộng hòa Quần đảo Marshall] nhằm phát triển một chương trình giám sát mạch nước ngầm đáng tin cậy… trong đó bao gồm các kế hoạch khoan các lỗ mới trong và xung quanh cấu trúc ngăn chặn của Lòng chảo Cactus nhằm thu thập các mẫu nước đại diện để phân tích hàm lượng phóng xạ,” một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói với The Epoch Times.
“Chương trình lấy mẫu này sẽ cho phép DOE giúp RMI phát triển và thiết lập một chương trình giám sát mạch nước ngầm dài hạn.”