Quận của California hướng dẫn giáo viên che giấu phụ huynh về các tài liệu giảng dạy chủ nghĩa Marx
Năm 2020, có thông tin cho thấy các giáo viên ở quận Santa Clara của California đã được hướng dẫn che giấu cha mẹ học sinh các tài liệu giảng dạy “nghiên cứu dân tộc”, trong đó mô tả Hoa Kỳ như là một chế độ thực dân di dân chịu trách nhiệm về tội diệt chủng và nạn thượng đẳng da trắng.
Tháng 11/2020, Văn phòng Giáo dục của Quận Santa Clara đã tổ chức một buổi đào tạo để các giáo viên hiểu được “Sáng kiến Nghiên cứu Dân tộc” của quận. Theo tài liệu do phóng viên Christopher Rufo của City Journal có được và đăng lên Twitter, thì buổi huấn luyện bắt đầu với một “lời thừa nhận về đất đai” nói rằng quận này và các trường công lập của quận toàn bộ đều được xây dựng trên đất đai cướp đoạt trái phép từ những người Mỹ Bản địa.
Phần trình bày ghi rõ, “Chúng ta thừa nhận rằng quận Santa Clara và các trường học của chúng ta chiếm cứ vùng đất chưa được nhượng lại của Quốc gia Muwekma Ohlone, quốc gia có chủ quyền và là những cư dân đầu tiên của vùng trời, vùng đất, và vùng biển nơi chúng ta làm việc và học tập.”
Tiếp đó, khóa đào tạo có phần trình bày của ông Jorge Pacheco, chủ tịch Hội đồng Học đường Mỹ Latin California và là cố vấn cho Chương trình giảng dạy Mô hình Nghiên cứu Dân tộc gây tranh cãi của tiểu bang. Theo bản ghi chép của ông Rufo, ông Pacheco giải thích rằng những gì mà các giáo viên đang được chuẩn bị để giảng dạy được dựa trên công trình của ông Paulo Freire, một người Brazil theo chủ nghĩa Marx nổi tiếng với việc phát minh ra thuật ngữ “phương pháp sư phạm của người bị áp bức”.
Trong bài thuyết trình của mình, ông Pacheco đã xem xét khái niệm “chủ nghĩa thực dân di dân,” vốn là điều mà ông mô tả là một “hệ thống áp bức” do ngài Christopher Columbus đưa vào Mỹ Châu. Ông Rufo cho biết, ông Pacheco đã nói với các giáo viên rằng họ phải “thức tỉnh” học sinh về điều gọi là áp bức và dẫn dắt họ “chia nhỏ” hệ thống này thành các cấu phần, bao gồm “người da trắng thượng đẳng, chế độ phụ hệ, chủ nghĩa giai cấp, diệt chủng, sở hữu tư nhân, và Chúa.”
“Những đứa trẻ trở thành một đối tượng và các quý vị sẽ thức tỉnh chúng về hệ thống áp bức mà chúng không nhận thức được nhưng đang tích cực tham gia vào,” bài thuyết trình cho biết. “Vậy chúng ta ‘phá hủy, loại bỏ’ những hệ thống đó thế nào?”
Ông Pacheco cũng tuyên bố rằng các định hướng và kỳ vọng của quận được xem là “những rào cản” đối với sáng kiến giảng dạy này. Ông khuyên các giáo viên nên “hết sức cẩn thận” khi họ dạy từ xa, vì các bậc cha mẹ của học sinh ở nhà có thể nghe thấy những gì họ nói trong các lớp học trực tuyến.
Bài thuyết trình của ông Pacheco chỉ ra, “Phải hết sức cẩn thận về những gì đang truyền đạt, vì chúng ta không thể cứ nói điều gì đó gây tranh cãi khi chúng ta [giảng dạy] trong nhà của người dân [do việc học tập từ xa]. Các bậc cha mẹ có thể cắt câu lấy nghĩa hoặc nhìn thấy những tài liệu đang được sử dụng, vì vậy cần phải cẩn thận với những gì họ thấy được.”
Phần lớn bài thuyết trình này sử dụng các thuật ngữ và khái niệm của “lý thuyết phê phán” của chủ nghĩa Marx, vốn nhìn nhận xã hội qua lăng kính đấu tranh quyền lực giữa “những kẻ áp bức” và “những kẻ bị áp bức.” Kết quả là, hầu hết mọi thứ, bao gồm cả các nền tảng của nền văn minh phương Tây—chẳng hạn như chủ nghĩa duy lý, pháp quyền, và quyền sở hữu tư nhân về tài sản—theo lý thuyết này, đều có thể bị coi là các công cụ áp bức.
Văn phòng giáo dục quận này đã không phúc đáp ngay yêu cầu bình luận.