Phim đoạt giải bị Trung Quốc kiểm duyệt vì những bình luận của đạo diện trong quá khứ
“Nomadland,” bộ phim thuộc thể loại hành trình của Hoa Kỳ, đã đứng đầu danh sách các giải thưởng tại Lễ trao Giải Lựa chọn của Nhà phê bình Điện ảnh lần thứ 26 (Critics’ Choice Awards) hôm 07/03, mở đường cho giải Oscar năm 2021. Tuy nhiên, các hashtag về bộ phim này đã biến mất trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc.
Vài ngày sau khi vị đạo diễn xuất thân từ Bắc Kinh của bộ phim này, cô Chloe Zhao (còn được gọi là Zhao Ting – Triệu Đình), giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Quả cầu vàng hôm 01/03, những bình luận trong quá khứ của cô đã bị cư dân mạng phơi bày trên mạng, khiến khoảnh khắc lịch sử này bị sa lầy vào cuộc tranh cãi ở Trung Quốc .
“Quay trở lại khi tôi còn là một thiếu niên ở Trung Quốc, tại một nơi mà ở đó những điều dối trá ở khắp mọi nơi,” cô nói với Tạp chí Filmmaker trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2013, giải thích về việc cô đột ngột đến Anh Quốc để du học khi cô 15 tuổi, “để hiểu được những gì là chân thật.”
Điều này đã khiến cho bộ phim “Nomadland” trở thành đối tượng bị kiểm duyệt nghiêm ngặt ở Trung Quốc.
Trên Weibo, một nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc tương đương với Twitter, việc tìm kiếm cụm từ “Nomadland” bằng Hoa ngữ không cho kết quả.
Hôm 05/03, cư dân mạng Trung Quốc phát hiện các tấm áp phích chính thức và ngày phát hành của bộ phim này đã bị xóa sạch trên Douban, một trang mạng xã hội của Trung Quốc.
Bộ phim đã được công chiếu lần đầu tiên và giành được giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice vào ngày 11/09/2020 và dự kiến phát hành tại Trung Quốc vào ngày 23/04 tới đây, theo các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Từ ‘Niềm tự hào của Trung Quốc’ trở thành ‘Kẻ phản bội’
Cô Triệu là người phụ nữ thứ hai và là người phụ nữ Á Châu đầu tiên đoạt giải Quả cầu vàng.
Người phụ nữ đầu tiên đoạt giải này vào năm 1984, bà Barbra Streisand, đã đăng một dòng tweet chúc mừng cô Triệu vào hôm 01/03.
Lúc đầu, cô Triệu là một đạo diễn gốc Hoa đã được truyền thông nhà nước Trung Quốc hết lời khen ngợi. Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của Trung Cộng, trong một tiêu đề từng ca ngợi cô Triệu là “niềm tự hào của Trung Quốc”.
Mẹ kế của cô Triệu, diễn viên hài Trung Quốc Tống Đan Đan cũng đã viết trên Weibo, “Con là huyền thoại của gia đình chúng ta. Mẹ tin rằng câu chuyện của con cũng sẽ truyền cảm hứng cho vô số trẻ em Trung Quốc.”
Nhưng sau khi cư dân mạng ở Trung Quốc Đại Lục phát hiện ra những lời chỉ trích của cô đối với Trung Quốc cách đây 8 năm và phản ứng giận dữ, truyền thông đã nhanh chóng chuyển hướng.
Người dùng Weibo đã gọi cô là “kẻ sỉ nhục Trung Quốc”, “kẻ phản bội”, “kẻ hai mặt”, và một số người kêu gọi tẩy chay “Nomadland”.
Nhưng một cư dân mạng Weibo đã đặt câu hỏi, “Tôi rất tò mò về việc cư dân mạng định nghĩa các từ ‘sỉ nhục’ và ‘Trung Quốc’ là như thế nào.”
“Đó có phải là một lời sỉ nhục hoàn toàn vô lý, hay đó là một lời chỉ trích được ghi chép lại? ‘Sỉ nhục’ mảnh đất này ư? Hay là ‘sỉ nhục’ tất cả người dân của đất nước này? Hay ‘sỉ nhục’ đảng cầm quyền của đất nước này? Hay ‘sỉ nhục’ chính quyền của đất nước này?” cư dân mạng này viết.
Hiện các nhà chức trách Trung Quốc chưa xác nhận liệu “Nomadland” có được phát hành tại Trung Quốc hay không.