Philippines xem xét kiện Trung Quốc vì hành động phá hủy rạn san hô
Aldgra Fredly
Hôm 21/09, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết quốc gia này đang xem xét các hành động pháp lý đối với Trung Quốc vì những gì mà nước này bị cáo buộc là phá hủy các rạn san hô trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila ở Biển Đông.
Bộ này cho biết họ sẽ được Văn phòng Tổng Biện lý (OSG) hướng dẫn về vấn đề này, trong khi chờ đánh giá từ các cơ quan chính phủ liên quan về mức độ thiệt hại đối với môi trường ở Rạn san hô Iroquois (còn gọi là Đá Khúc Giác).
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ma. Teresita Daza cho biết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Trung Quốc là một thành viên đã tham gia ký kết, “bắt buộc các quốc gia phải bảo vệ và giữ gìn môi trường biển” trong vùng biển tranh chấp.
UNCLOS chỉ định các vùng biển nằm trong phạm vi 200 hải lý tính từ biên giới của các quốc gia ven biển là vùng đặc quyền kinh tế của họ, và Rạn san hô Iroquois cách tỉnh Palawan của Philippines 128 hải lý (237 km).
Theo Thông tấn xã Philippine, bà Daza cho biết: “Như đã được làm rõ trong Phán quyết Trọng tài về Biển Đông năm 2016, nghĩa vụ này áp dụng ở toàn bộ khu vực hàng hải, cả trong và ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia của các Quốc gia.”
Bà nói thêm: “Vì vậy, các quốc gia đi vào vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển của Philippines cũng có nghĩa vụ bảo vệ và bảo tồn môi trường biển của chúng tôi.”
Tổng Biện lý Menardo Guevarra cho biết OSG sẽ đánh giá các lựa chọn pháp lý khác nhau, kể cả nộp đơn khiếu nại về các thiệt hại trước Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague.
Philippines đã đệ đơn kiện đầu tiên lên PCA hồi năm 2013 và thắng kiện năm 2016 khi Tòa án Hague ra phán quyết rằng các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông thiếu cơ sở pháp lý.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Philippines và cho rằng nước này nên di dời tàu BRP Sierra Madre “han gỉ” khỏi Bãi cạn Ayungin (Bãi Cỏ Mây) nếu thực sự quan tâm đến môi trường.
Thiệt hại nghiêm trọng đối với sinh vật biển
Hôm 18/09, Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) cho biết các tàu dân quân biển của Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về “thiệt hại nghiêm trọng” đối với các rạn san hô ở Rạn san hô Iroquois và Bãi cạn Escoda (hay Bãi Chóp Mao) – đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
PCG cho biết họ quan sát thấy sự hiện diện trung bình của 33 tàu dân quân biển Trung Quốc tại Rạn san hô Iroquois và 15 tàu khác ở Bãi cạn Escoda trong khoảng thời gian từ ngày 09 đến 11/09.
Trong thời gian đó, lực lượng tuần duyên đã tiến hành khảo sát sâu rộng dưới đáy biển và phát hiện ra rằng hệ sinh thái biển ở đó “trông như là không có sự sống, có rất ít hoặc không có dấu hiệu của sự sống.”
PCG cho biết có “sự đổi màu rõ ràng” của đáy biển ở Bãi cạn Escoda cho thấy “các hoạt động có chủ ý có thể đã được thực hiện nhằm thay đổi địa hình tự nhiên của địa hình dưới nước của bãi cạn này.”
“Sự xuất hiện của những cây san hô bị dập nát cho thấy rõ ràng có một hành động thải rác tiềm tàng, có thể liên quan đến chính những cây san hô bị chết mà trước đó đã được xử lý và làm sạch trước khi đưa trở lại đáy biển,” tổ chức này cho biết.
PCG cho biết việc các tàu dân quân Trung Quốc tiếp tục tràn vào “để thực hiện các hoạt động đánh bắt trái phép và mang tính hủy diệt bừa bãi” có thể đã trực tiếp gây ra sự suy thoái và tàn phá môi trường biển trong khu vực này.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với phần lớn Biển Đông. Năm 2016, Tòa án Hague đứng về phía Philippines trong các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, nhưng Trung Cộng không công nhận phán quyết này.
Tháng trước, Trung Cộng đã công bố bản đồ quốc gia “tiêu chuẩn” thể hiện các yêu sách rộng rãi của mình ở Biển Đông. Bản đồ này hiện có một “đường 10 đoạn” thay vì chín đoạn trước đây được yêu sách đối với những vùng biển tranh chấp, trong đó có thêm một đoạn ở phía đông Đài Loan.
Philippines, cùng với năm quốc gia khác, đã phản đối và cho rằng bản đồ này trùng lặp với các tuyên bố lãnh thổ tương ứng của họ. Đài Loan cũng bác bỏ tấm bản đồ này và khẳng định họ không phải là một phần của Trung Quốc.