PHÂN TÍCH: Lý do Bắc Kinh chấp thuận xe Tesla làm xe công vụ ở Trung Quốc
Jon Sun và Xin Ning
Xe điện của Tesla gần đây đã được thêm vào danh sách mua sắm của chính quyền tại các khu vực duyên hải phía đông Trung Quốc như thành phố Thượng Hải và tỉnh Giang Tô.
Một nhà phân tích về Trung Quốc nói với The Epoch Times rằng Trung Cộng đang dành cho Tesla sự ưu ái đặc biệt vì nhà cầm quyền này muốn có được công nghệ pin của Tesla, điều có thể giúp giảm bớt những vấn đề còn trì trệ trong ngành sản xuất xe điện (EV) của Trung Quốc.
Theo truyền thông tài chính Trung Quốc, trong tuần đầu tiên của tháng 07/2024, giá cổ phiếu Tesla đã tăng 25.88% và vốn hóa thị trường của công ty đã tăng thêm 163.32 tỷ USD. Diễn biến này xảy ra sau khi một số chính quyền địa phương tuyên bố sẽ mở rộng việc mua xe thương hiệu Tesla.
Hôm 05/07, Trung tâm Dịch vụ Xúc tiến Đầu tư Khu Thương mại tự do Thí điểm Lâm Cảng của Thượng Hải đã đăng trên trương mục Weibo chính thức của mình rằng một số doanh nghiệp nhà nước địa phương – bao gồm Tập đoàn Đầu tư Thành phố Hưng Cảng (City Investment Xingang Group) và Tập đoàn Đầu tư Lâm Cảng (Lingang Investment Holding Group) – đã mua xe Model Y do Công ty TNHH Tesla (Thượng Hải) sản xuất để làm xe công tác.
Trang web mua sắm của chính quyền Giang Tô, một tỉnh ven biển giáp Thượng Hải, cũng thông báo hôm 06/06 rằng trong số 56 công ty xe hơi lọt vào danh sách nhà cung cấp xe điện giai đoạn 2024–2025, Tesla là thương hiệu xe điện ngoại quốc duy nhất có tên trong danh sách.
Chia sẻ với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, nhà phân tích Trung Quốc, chuyên gia kinh tế sống tại Hoa Kỳ Hoàng Đại Vệ (David Huang) nói rằng quyết định đưa xe Tesla vào danh sách mua sắm được chính quyền phê chuẩn của Trung Cộng có “ý nghĩa tượng trưng”.
“Trong thời gian tới, Trung Cộng sẽ áp dụng chiến lược không kìm hãm Tesla,” ông Hoàng cho biết, đồng thời nói thêm rằng ông tin Tổng giám đốc điều hành Tesla Elon Musk có thể đã đạt được một thỏa thuận nào đó với Bắc Kinh để cho phép công ty này vượt qua sự giám sát chặt chẽ của Bắc Kinh đối với các sản phẩm ngoại quốc.
Năm ngoái (2023), Tesla đã phải gánh chịu sự sụt giảm doanh số tại Trung Quốc do nhiều áp lực, chẳng hạn như sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xe hơi Trung Quốc và việc Trung Cộng hạn chế doanh số bán Tesla vì lo ngại về bảo mật dữ liệu và công nghệ của công ty này – đặc biệt là việc dịch vụ internet Starlink có trong một số xe Tesla có thể được sử dụng để phá vỡ sự phong tỏa internet của nhà cầm quyền cộng sản này.
Tesla tăng cường hợp tác với Trung Quốc
Theo truyền thông nhà nước, hôm 28/04, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã gặp ông Musk tại Bắc Kinh và nói rằng các công ty ngoại quốc là “không thể thiếu” đối với sự phát triển của Trung Quốc, đồng thời ca ngợi Tesla là ví dụ thành công về hợp tác thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Ông Musk cho biết Tesla sẵn sàng tăng cường hợp tác với Trung Quốc để đạt được nhiều kết quả đôi bên cùng có lợi.
Cùng ngày, Hiệp hội các Nhà sản xuất Xe hơi Trung Quốc (CAAM) đã phát hành thông báo cho biết 76 mẫu xe từ sáu nhà sản xuất xe hơi, trong đó có Tesla, đã đạt yêu cầu của cơ quan quản lý về bảo mật dữ liệu xe hơi, bao gồm dữ liệu nhận dạng khuôn mặt, dữ liệu buồng lái, và thông tin cá nhân của chủ xe.
Tháng 11/2023, trước hội nghị thượng đỉnh APEC tại San Francisco, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã nói ông ủng hộ sự phát triển của Tesla tại Trung Quốc khi gặp gỡ các giám đốc điều hành công ty lớn của Hoa Kỳ, trong đó có ông Musk.
Ông Musk trả lời rằng Tesla đã có mặt trên thị trường Trung Quốc được khoảng 10 năm và dự kiến sẽ hợp tác với Trung Quốc để phát triển các dòng xe năng lượng mới, đồng thời đạt được những tiến bộ trong lĩnh vực lưu trữ năng lượng, trí tuệ nhân tạo (AI), và các lĩnh vực khác.
Theo ông Hoàng, Tesla đã được các cơ quan quản lý của Trung Cộng công nhận là hội đủ tiêu chuẩn, điều được xem là đã giúp loại bỏ một số trở ngại đối với công nghệ tự lái hoàn toàn (FSD) của công ty tại Trung Quốc.
Chuyên gia này cho biết Tesla có thể đã nhận được sự chấp thuận từ các cơ quan quản lý Trung Quốc sau khi đồng ý một số điều kiện do Bắc Kinh áp đặt để giải quyết các khía cạnh về bảo mật dữ liệu, chẳng hạn như thỏa thuận về lập bản đồ và định vị với Baidu – công cụ tìm kiếm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc.
The Epoch Times không thể kiểm chứng độc lập liệu Tesla có bị buộc phải nhượng bộ Trung Cộng một số điều hay không.
Tuy nhiên, ông Hoàng cho biết quân bài mặc cả của ông Musk có thể là “công nghệ kiểm soát pin”.
Ông nói, “Vì xe điện Trung Quốc thường có vấn đề về phẩm chất như tự bốc cháy, nên phía Trung Quốc cần giải quyết vấn đề về độ ổn định pin. Công nghệ kiểm soát pin cao cấp của Tesla có thể giúp giải quyết vấn đề này, vì vậy ông Musk có đủ vị thế để đàm phán với Trung Cộng.”
Ông Musk đã đóng góp vào sự phát triển của nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ tân tiến, bao gồm các sản phẩm của các công ty như SpaceX, Neuralink, và OpenAI, cũng như nền tảng truyền thông xã hội X.
Ông Hoàng cho biết cũng có nguy cơ rằng các công nghệ cốt lõi này có thể bị Trung Cộng khai thác, ám chỉ đến “mạng lưới quốc gia” của Bắc Kinh nhằm kiểm soát ngôn luận và các công cụ khác nhằm củng cố chế độ độc tài của Đảng.
The Epoch Times đã liên lạc với Tesla để đề nghị bình luận nhưng chưa nhận được phản hồi trước thời điểm phát hành bản tin này.
Chiến thuật của Trung Cộng
Theo ông Hoàng, cách tiếp cận của Trung Cộng đối với các công ty ngoại quốc có thể tựu chung lại như sau: Ban đầu Bắc Kinh cung cấp trợ giúp hào phóng, rồi chính quyền địa phương hứa hẹn các điều khoản thuận lợi, nhưng sau đó họ sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau để buộc các công ty tuân theo mệnh lệnh của đảng. Cuối cùng, một khi giá trị của công ty cạn kiệt, thì công ty sẽ bị loại bỏ.
Tesla thành lập doanh nghiệp thuộc sở hữu hoàn toàn của họ tại Thượng Hải vào năm 2018 và được chính quyền địa phương cung cấp đất miễn phí và mức thuế ưu đãi.
Kể từ đó công nghệ của Tesla đã giúp phát triển ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc. Sau khi xe điện Trung Quốc có khởi đầu nhanh chóng và phát triển mạnh mẽ, xe Trung Quốc đã không chỉ vượt qua thị trường của xe Tesla tại Trung Quốc mà còn chiếm lĩnh thị phần của công ty này trên thị trường toàn cầu thông qua bán phá giá.
Ông Hoàng nhận xét: “Bắc Kinh đã thể hiện được năng lực tương đối giỏi trong việc ràng buộc lợi ích, vì vậy việc tăng thuế xe điện Trung Quốc đã gặp phải nhiều rào cản. Tesla hiện nay vẫn có giá trị tận dụng to lớn đối với Trung Cộng.”
Mặt khác, ông tiếp tục nhận định, “Nhân công giá rẻ và chuỗi cung ứng của Trung Quốc đã cho phép Tesla phát triển nhanh chóng, với hơn một nửa số xe hơi của hãng được sản xuất tại nhà máy Thượng Hải. Điều này khiến Tesla khó có thể dễ dàng rời khỏi Trung Quốc.”