PHÂN TÍCH: Hãng thông tấn quân sự của Trung Cộng để lộ nỗi sợ bị ám sát và đảo chính của ông Tập
Jessica Mao và Lynn Xu
Theo các nhà phân tích chính trị và quân sự, mặc dù quân đội của Trung Cộng đang tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật, nhưng những lời nhận xét lặp đi lặp lại trên các hãng thông tấn quân sự đã để lộ nỗi bất an của tư lệnh tối cao Tập Cận Bình về khả năng xảy ra một cuộc đảo chính trong quân đội – cũng như vô cùng lo lắng về việc bị các lực lượng vũ trang ám sát một khi lực lượng này được trang bị vũ khí đạn dược.
Hôm 04/09, Báo Giải Phóng Quân (PLA Daily) đã đăng một bài báo nói rằng tất cả các đơn vị được yêu cầu thắt chặt “van an toàn” để bảo đảm “nền tảng an toàn” của quân đội được vững chắc hơn. Bài báo dẫn lời ông Tập nhấn mạnh rằng “an ninh và ổn định của các lực lượng vũ trang” là “một nhiệm vụ chính trị” và cần phải “giải quyết xung đột từ gốc rễ” và “loại bỏ tận cùng những hiểm họa tiềm tàng”.
Những bình luận bất thường từ cơ quan tuyên truyền quân sự hàng đầu được đưa ra khi một số cơ quan của Trung Cộng hưởng ứng lời kêu gọi chuẩn bị chiến tranh của ông Tập – vốn bao gồm các hoạt động huấn luyện chiến đấu trên thực địa và thao luyện bắn đạn thật.
Bài viết của Báo Giải Phóng Quân cho thấy trong quá trình huấn luyện, quân đội thường xuyên phải sử dụng đến “khí tài và đạn dược”.
Hôm 08/09, nhà bình luận thời sự Trần Phá Không (Chen Pokong) tại Hoa Kỳ cho biết, cái gọi là “an toàn” được báo Giải Phóng Quân nhắc đến không phải ám chỉ vấn đề bắn nhầm đạn mà thực tế là một khi quân đội được trang bị đạn dược và súng ống, thì rất có khả năng binh biến sẽ nảy sinh.
Ông Trần nói rằng: “Đó là một vấn đề an ninh chính trị.”
Bài báo quân sự nói về “sự ổn định” của quân đội – điều mà ông Trần xem là “một lời cảnh báo đối với quân đội, cũng là mối lo ngại [cá nhân] của ông Tập Cận Bình,” ông nói.
Ông Diêu Thành (Yao Cheng), một cựu trung tá trong Bộ Tư lệnh Hải quân của Trung Cộng, cũng có quan điểm tương tự rằng ông Tập đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về an ninh chính trị qua cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản.
Hôm 08/09, ông Diêu nói với The Epoch Times: “Mọi người đều biết rằng ông Tập Cận Bình cảm thấy bất an về lòng trung thành của quân đội, và ông ta cũng rất lo lắng về vấn đề an ninh.”
Thêm vào đó, thời gian gần đây có một số vụ án chính trị xảy ra trong quân đội, làm sáng tỏ sự thật rằng họ không hề trung thành với ông Tập, trước mặt thì phục tùng sau lưng thì chống lại, ông Diêu nói thêm.
Ông Tập lo lắng về sự bất trung trong quân đội
Hôm 06/09, Báo Giải Phóng Quân đã đăng lại một bài bình luận khác với tiêu đề đáng báo động rằng: “Giữ chữ nghiêm hàng đầu, nghiêm khắc trong mọi khía cạnh, và nghiêm khắc đến cùng.”
Từ “nghiêm khắc” xuất hiện 79 lần và từ “kỷ luật” xuất hiện 23 lần trong toàn bộ bài viết đó. Bài báo khẳng định việc kiên quyết nghiêm khắc đến cùng chính là kiên quyết vượt qua mọi cảm giác “thờ ơ, mệt mỏi, và chán nản trong hoạt động chuẩn bị cho chiến tranh,” cũng như kiên quyết ngăn chặn những suy nghĩ bất ổn như “chuyển hướng gió,” “hạ giọng hoặc đổi giọng” trong quân đội.
Ông Trần cho biết tinh thần “thờ ơ, mệt mỏi, và chán nản trong hoạt động chuẩn bị cho chiến tranh” gợi nhớ đến những vụ án chính trị nối tiếp nhau trong Lực lượng Hỏa tiễn, Quân đoàn Tài nguyên Chiến lược, và Chiến khu Tây bộ của Trung Cộng. Ví dụ, “các sĩ quan và binh sĩ của Chiến khu Tây bộ – lực lượng chỉ huy tác chiến khu vực phía Tây hướng về phía Ấn Độ – nhìn chung đều mệt mỏi vì chiến tranh, nên ông Tập Cận Bình đã thay thế bốn chỉ huy ở chiến khu này, mà họ chính là những người mà ông ta đã bổ nhiệm trước đó.”
Theo quan điểm của ông Trần, suy nghĩ “chuyển hướng gió” có liên quan đến chủ trương chuẩn bị chiến tranh của Trung Cộng, quyết định này khiến quân đội rất lo lắng nên họ hy vọng rằng “hướng gió” này có thể được thay đổi. Còn về việc “hạ giọng hoặc đổi giọng” muốn nói đến giọng điệu tuyên truyền chiến tranh hiện nay của Trung Cộng, quân đội hy vọng rằng “giọng điệu” hiếu chiến đó có thể được hạ xuống hoặc chuyển sang giọng điệu hòa bình.
Nói cách khác, quân đội Trung Quốc cảm thấy rất mệt mỏi vì chiến tranh, và ông Tập – chủ tịch quân ủy Trung Cộng – khiến họ rất lo lắng, nên quân đội sẽ suy nghĩ đến việc thay đổi người lãnh đạo, ông Trần cho biết.
Vì vậy, ông Tập sợ rằng một cuộc đảo chính, binh biến hoặc âm mưu ám sát sẽ xảy ra.
Đồng thời, những nhận xét mà cơ quan ngôn luận của Trung Cộng đưa ra nhằm cảnh báo quân đội hãy dập tắt những hy vọng đó và từ bỏ bất kỳ nỗ lực nào để thực hiện các kế sách ngăn chặn tạm thời.
Bất chấp quan điểm đề phòng “nghiêm khắc” của ông Tập đối với quân đội, ông Diêu nói với The Epoch Times rằng người đứng đầu cộng sản Trung Quốc thực sự đang gặp nguy hiểm, đồng thời cho biết trong hơn 10 năm kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, Trung Quốc đã phải sống trong một môi trường đầy hỗn loạn. Những người bất mãn nhất với tình trạng này là những người ở trong nội bộ Trung Cộng – đặc biệt là những người có lợi ích trong đó, nhất là thế hệ hồng nhị đại thuộc phe Thái tử Đảng (đại diện cho thế hệ thứ hai của giới lãnh đạo Trung Cộng).
Theo ông Diêu, đối với ông Tập, áp lực bị bao vây đến từ bên trong Trung Cộng, từ lực lượng quân sự của Trung Cộng, và ở một mức độ thấp hơn từ bên ngoài Trung Quốc.
Sở dĩ quân đội chưa có hành động chống lại ông Tập là vì quân đội đang bị kiểm soát chặt chẽ, “Toàn bộ quân đội, đặc biệt là những người trên cấp tướng, đều có một ý nghĩ, đó là đều muốn tiêu diệt ông Tập Cận Bình, nhưng họ không dám làm như vậy… quân đội đang chờ đợi cơ hội thích hợp,” ông Diêu cho hay.
Những sự kiện gần đây trong quân đội Trung Cộng
Ông Trần cho biết bài viết trên Báo Giải Phóng Quân tiết lộ những vấn đề nghiêm trọng với quân đội Trung Cộng, hoàn toàn không phù hợp với lời kêu gọi chiến đấu và chuẩn bị chiến tranh ở Eo biển Đài Loan cũng như chính sách đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc của ông Tập Cận Bình.
Cơ quan kỷ luật của Trung Cộng chưa đưa ra tuyên bố công khai nào về các cuộc điều tra gần đây đối với giới tướng lĩnh của Trung Cộng.
Hôm 31/08, khi được hỏi về tung tích của ông Ngụy Phượng Hòa, trong nhiều tháng qua không thấy vị cựu bộ trưởng quốc phòng này xuất hiện, thì một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng đã không đưa ra câu trả lời trực tiếp mà tuyên bố rằng “Chúng tôi sẽ điều tra mọi trường hợp và thanh trừng tất cả các quan chức tham nhũng,” và “không khoan nhượng với tham nhũng,” Reuters đưa tin.
Ngoài ra, ông Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), tân bộ trưởng quốc phòng, đã vắng mặt trước công chúng trong hai tuần qua kể từ ngày 28/08, dẫn đến nhiều lời đồn đoán rằng ông đang bị điều tra tham nhũng. Hôm 08/09, ông Thái Thận Khôn (Cai Shenkun), một nhà bình luận độc lập, cho biết trong một bài đăng trên X, trước đây gọi là Twitter, “Nếu đúng là vậy, thì ông Lý Thượng Phúc sẽ là quan chức cấp phó tiếp theo mất tích,” sau ông Tần Cương, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Ông Tần được cho là đã bị cách chức hôm 24/07, một tháng sau khi ông mất tích.
Hai quan chức này đều được đích thân ông Tập đề bạt. Tuy nhiên, họ vẫn phải đối mặt với cuộc thanh trừng chính trị này. Ông Thái nói rằng: “Bầu không khí chính trị khắc nghiệt này ngày càng giống với thời kỳ cựu lãnh đạo [Trung Cộng] Mao Trạch Đông còn nắm quyền, không ai được an toàn cả.”
Hôm 08/09, ông Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang), một nhà bình luận thời sự sống tại Hoa Kỳ, cho biết rằng “tình trạng mất tích” của ông Ngụy và ông Lý không phải là một dấu hiệu tốt cho ông Tập, ám chỉ rằng nếu ông Lý và ông Ngụy bị điều tra, quân đội có thể gây ra một rắc rối lớn như một cuộc đảo chính.
“Ông Tập Cận Bình đang hướng lưỡi dao vào trong, việc thanh lọc các tướng lĩnh do chính ông thăng chức cũng tương đương với việc chống lại các tướng lĩnh của mình.
“Điều này cho thấy sự kiểm soát quân đội của ông Tập không mạnh như chúng ta tưởng tượng; đó cũng là dấu hiệu cho thấy nền tảng quyền lực của ông Tập đang bị lung lay,” ông Chương nói.
Ngoài ra, các cấp lãnh đạo của Lực lượng Hỏa Tiễn của Trung Cộng, mà ông Tập hy vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến ở Eo biển Đài Loan, đã trải qua một cuộc thanh trừng đẫm máu.
Hôm 28/07, tờ Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post) có trụ sở tại Hồng Kông dẫn lời các nguồn tin am tường vấn đề này cho biết, Tư lệnh Lực lượng Hỏa Tiễn Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao), và Phó Tư lệnh Lưu Quang Bân (Liu Guangbin) cùng với ông Trương Chấn Trung (Zhang Zhenzhong), phó trưởng Ban Tham mưu Liên hợp của Quân ủy Trung ương, đã bị bắt đi điều tra hồi tháng Ba.
Hôm 31/07, ông Tập bổ nhiệm tư lệnh mới và chính ủy mới của Lực lượng Hỏa Tiễn: ông Vương Hậu Bân (Wang Houbin) và ông Từ Tây Thịnh (Xu Xisheng), cả hai đều được thăng cấp tướng vào ngày hôm đó.
Những người trong cuộc tin rằng hành động này gián tiếp xác nhận cựu tư lệnh và cựu chính ủy của Lực lượng Hỏa tiễn – ông Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao) và ông Từ Trung Ba (Xu Zhongbo) – đã bị cách chức và bị trừng phạt.
Bên cạnh những trường hợp “tướng cao cấp mất tích”, một số trường hợp tử vong được công bố và không rõ nguyên nhân cũng đáng được chú ý.
Theo cáo phó chính thức được công bố ba tuần sau đó, ông Ngô Quốc Hoa (Wu Guohua), 66 tuổi, cựu phó chỉ huy Lực lượng Hỏa tiễn đã về hưu ba năm trước, đã qua đời vì bệnh tật vào ngày 04/07 tại Bắc Kinh.
Về nguyên nhân ông Ngô qua đời, tờ Sing Tao Daily có trụ sở tại Hồng Kông cho biết trong một bản tin ngày 30/07 rằng ông Ngô đã treo cổ tự sát tại nhà, trích dẫn một bức thư được ông Trương Tiểu Dương (Zhang Xiaoyang) viết – ông là con trai trưởng của ông Trương Chấn (Zhang Zhen), cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.