Nông dân ở Đông và Nam Âu biểu tình phản đối chính sách nông nghiệp và khí hậu
Ella Kietlinska
Hôm 09/02, nông dân ở Ba Lan, Tây Ban Nha, Ý, và Hungary đã biểu tình như một phần của cuộc biểu tình đang diễn ra – phản đối các chính sách nông nghiệp của Liên minh Âu Châu và yêu cầu các biện pháp chống gia tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận, và cạnh tranh không công bằng từ các nước ngoài khối EU.
Nông dân than phiền rằng các chính sách về môi trường và nông nghiệp của 27 quốc gia EU liên quan đến Thỏa thuận Xanh Âu Châu là một gánh nặng tài chính và khiến các sản phẩm của họ đắt hơn so với hàng nhập cảng ngoài EU.
Việc nhập cảng ngũ cốc, sữa, và các sản phẩm khác giá rẻ từ nước láng giềng Ukraine đã ảnh hưởng rất lớn đến nông dân Ba Lan. Để phản đối, họ đã lái máy kéo đi khắp đất nước để làm gián đoạn giao thông và chặn các tuyến đường lớn. Những máy kéo treo cờ Ba Lan và bấm còi, còn một số khác thì trưng các biển “Dừng Thỏa thuận Xanh” và “Dừng nhập cảng từ Ukraine”.
Nghiệp đoàn thương mại “Đoàn kết” của nông dân Ba Lan – tổ chức các cuộc biểu tình không hài lòng với những nhượng bộ của EU – đã kêu gọi chính phủ Ba Lan phải bảo đảm tạo ra lợi nhuận cho nền nông nghiệp Ba Lan và xây dựng lại ngành chế biến nông sản Ba Lan, theo quan điểm của họ thì họ không được bảo vệ theo “Thỏa thuận Xanh Âu Châu” hiện hành.
Theo một tuyên bố chính sách của Ủy ban Âu Châu, Thỏa thuận Xanh Âu Châu là sáng kiến của Liên minh Âu Châu nhằm chống lại biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường – điều mà EU coi là “mối đe dọa sống còn đối với châu Âu và thế giới”.
Ủy ban Âu Châu – cơ quan điều hành của EU – đã đưa ra một số nhượng bộ với nông dân trong vài tuần qua, nhưng các cuộc biểu tình vẫn lan rộng.
Các nhượng bộ này bao gồm tạm thời nới lỏng quy định buộc nông dân phải bỏ hoang 4% đất canh tác của họ, tức là không sản xuất. Quy tắc này được thay thế bằng yêu cầu phân bổ 7% diện tích đất của trang trại để trồng trọt mà không sử dụng thuốc trừ sâu, trồng các loại cây cố định đạm [làm mầu mỡ đất như đậu nành, đậu phộng…], hoặc loại cây được sử dụng làm thức ăn cho động vật hoặc phân bón xanh.
Đối với hàng nhập cảng từ Ukraine, Ủy ban Âu Châu đề xướng hạn chế nhập cảng gia cầm, trứng, và đường từ Ukraine nếu vượt quá các mức của năm 2022 và 2023.
Anh Szymon Kosmalski, 39 tuổi, một nông dân Ba Lan đến từ Komorniki, tham gia biểu tình ở Poznan, Ba Lan, nói với Reuters rằng các sản phẩm nông nghiệp đưa vào Ba Lan qua biên giới phía đông với Ukraine không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn của EU.
“Trang trại của tôi và gia đình tôi đích thân cảm nhận được những tác động này,” anh Kosmalski nói, giải thích rằng giá cả hiện tại của loại ngũ cốc mà anh sản xuất – chủ yếu là bắp và lúa mì – “thấp đến mức thậm chí không trang trải được 100% chi phí sản xuất.”
Anh Kosmalski cho biết nguyên nhân giá ngũ cốc thấp như vậy là do ngũ cốc Ukraine không được kiểm tra kim loại nặng, và thuốc bảo vệ thực vật bị cấm ở các nước EU nhưng lại có thể sử dụng ở Ukraine.
“Chúng tôi yêu cầu kiểm tra các sản phẩm nhập vào trong nước. Với tư cách là nhà sản xuất nông nghiệp và người trồng trái cây, chúng tôi phải tuân thủ nhiều chỉ thị đặt ra cho mình,” anh Kosmalski nói. “Nếu hàng hóa từ bên ngoài khối EU đi vào, thì cũng phải đạt được các yêu cầu này [nhưng] không có biện pháp kiểm soát nào như vậy.”
Theo tờ báo Ba Lan “Rzeczpospolita”, hôm 09/02, các cuộc biểu tình đã diễn ra tại hơn 260 địa điểm trên khắp Ba Lan.
Rzeczpospolita đưa tin vài trăm máy kéo đã chặn một giao lộ trên một xa lộ ở vùng Lower Silesia của Ba Lan.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin rằng ở Poznan, nông dân đậu khoảng 1,000 máy kéo trước các văn phòng chính phủ khu vực. Những người biểu tình đã đốt pháo sáng ở đó và đặt một chiếc quan tài, tượng trưng cho sự chấm dứt của nền nông nghiệp Ba Lan, cũng như một chiếc xe đẩy tay chứa đầy phân cắm cờ EU phía trên. Không có tin tức về bạo lực.
Theo Thông tấn xã Ba Lan (PAP), nông dân Ba Lan cũng chặn vài cửa biên giới với Ukraine, làm giao thông trì trệ tại các trạm kiểm soát.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng nông nghiệp Ba Lan Czeslaw Siekierski thừa nhận rằng việc mở cửa thị trường EU cho các sản phẩm nông nghiệp Ukraine ở mức độ lớn vậy là một sai lầm.
Tuyên bố cho biết, ông yêu cầu nông dân “không làm cho các cuộc biểu tình trở nên quá nặng nề” và chấm dứt phong tỏa càng sớm càng tốt, nhưng ông cũng yêu cầu mọi người thể hiện sự thông cảm với người nông dân.
Nông dân Đức
Nông dân Đức ở khu vực biên giới Ba Lan đã cùng với nông dân Ba Lan tham gia cuộc biểu tình hôm 09/02.
Nông dân ở Đức đã và đang biểu tình trên khắp đất nước phản đối quyết định của chính phủ về việc giảm dần thuế ưu đãi cho dầu diesel nông nghiệp.
Phản ứng dữ dội của nông dân đã thúc đẩy liên minh của Thủ tướng Đức Olaf Scholz thực hiện những thay đổi bất ngờ đối với ngân sách. Nhưng nông dân cho biết điều này chưa đủ mức.
Bà Kay Weiseman, nông dân Đức, tham gia cuộc biểu tình, nói với Reuters: “Chúng tôi không chỉ là nông dân, chúng tôi còn là thợ thủ công, chủ doanh nghiệp nhỏ, nhà thầu vận tải – tất cả chúng tôi đều ở đây, không chỉ nông dân Đức và không chỉ nông dân Ba Lan, mà còn cả mọi người có mặt trên đường.”
Người đứng đầu ngành nông nghiệp EU chịu áp lực
Trong bối cảnh các cuộc biểu tình đang diễn ra, các chính trị gia Ba Lan kêu gọi Ủy viên Nông nghiệp EU, ông Janusz Wojciechowski, từ chức.
Hôm 09/02 tại Quốc hội Ba Lan, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Władysław Kosiniak-Kamysz nói rằng chính phủ hiểu được nguyên nhân các cuộc biểu tình của nông dân.
“Việc không thu được lợi nhuận là một bi kịch,” ông Kosiniak-Kamysz thừa nhận, đồng thời đổ lỗi cho ông Wojciechowski vì các chính sách nông nghiệp của EU và kêu gọi ông từ chức.
Ông Wojciechowski – thành viên người Ba Lan tại Ủy ban Âu Châu – cũng hứng chịu sự chỉ trích của nhà lãnh đạo đảng cầm quyền Luật pháp và Công lý (PiS), người từng đề cử ông vào vị trí này.
Ủy ban này gồm có 27 ủy viên – mỗi người đến từ một quốc gia EU.
Theo PAP, lãnh đạo PiS Jaroslaw Kaczynski nói với các ký giả tại quốc hội rằng ông sẽ yêu cầu ông Wojciechowski từ chức.
Ông Wojciechowski nói với đài truyền hình Polsat News rằng ông sẽ không khuất phục trước áp lực và sẽ không từ chức.
Một ngày trước các cuộc biểu tình, ông Wojciechowski công bố một bức thư ngỏ gửi tới nông dân Ba Lan trên X – trước đây gọi là Twitter – trong đó ông đưa ra hai nhượng bộ của EU mà nông dân Ba Lan thấy không đủ và tổ chức các cuộc biểu tình. Trong thư, ông Wojciechowski cũng hứa sẽ đề xướng với ủy ban thêm những lợi ích cho nông dân EU.
Nông dân Hungary
Hôm 09/02, hàng trăm nông dân Hungary đã tụ tập để biểu tình phản đối những hạn chế mà các biện pháp của EU áp đặt lên họ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như việc đình chỉ thuế nhập cảng đối với hàng xuất cảng của Ukraine thêm một năm nữa.
Theo The Budapest Times, hôm thứ Sáu, khoảng 1,000 nông dân đã biểu tình tại cửa biên giới sang Ukraine ở thị trấn Zahorny.
Những người nông dân mang theo cờ Hungary và những tấm biển ghi “Brussels đang khiến chúng ta thất vọng” và “Không có nông dân, không có lương thực, không có tương lai”.
Nông dân Ý
Tại Ý, một đoàn nhỏ gồm các máy kéo di chuyển qua trung tâm lịch sử của Rome đến Đấu trường La Mã, được cảnh sát tuần tra hộ tống.
Theo “The Local it”, đoàn xe mang tính biểu tượng gồm 4 chiếc máy kéo, có màu sắc tượng trưng cho màu quốc kỳ Ý, là một phần của một nhóm hơn 500 chiếc máy kéo đậu ở ngoại ô Rome, chờ cấp phép vào thành phố.
Nông dân Ý đã và đang biểu tình ôn hòa bên ngoài Rome và trên khắp đất nước trong nhiều ngày để thể hiện sự bất bình với các quy định về khí hậu và thuế thu nhập của EU.
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã nhiều lần nói rằng chính phủ của bà đã giải quyết một số yêu cầu chính của nông dân rồi, nhưng nhiều người trong số họ cảm thấy bị bỏ rơi.
Một cuộc họp giữa phái đoàn gồm các tổ chức thể chế của nông dân và chiều hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Nông nghiệp Francesco Lollobrigida đã được triệu tập. Nhiều nông dân Ý nói rằng họ không cảm thấy được đại diện bởi các hiệp hội ngành lớn – họ cho rằng đã bị loại khỏi cuộc đấu tranh hàng ngày của họ.
Nông dân Tây Ban Nha
Hôm 09/02, nông dân Tây Ban Nha đã chặn các đường phố trên khắp đất nước trong ngày biểu tình thứ tư và công bố các kế hoạch tập trung tại Madrid khi họ kịch liệt phản đối các quy định về khí hậu của EU và những gì họ coi là thuế quá cao và sự quan liêu.
Cùng ngày 09/02, giao thông trên xa lộ A-2 đến Madrid gần thị trấn trung tâm Torija tắc nghẽn phía sau một đoàn xe máy kéo mang cờ Tây Ban Nha và bấm còi inh ỏi trong khi những người nông dân mặc áo gi-lê màu vàng vẫy những chiếc bánh mì gậy từ một chiếc cầu vượt ra hiệu cho các phương tiện bên dưới.
Theo “The Local es”, nông dân Tây Ban Nha cũng phàn nàn về sự cạnh tranh không công bằng từ các quốc gia ngoài EU không phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của EU và bán hàng hóa của họ tại thị trường EU với giá thấp hơn.
Theo tờ El Mundo, những người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát ở gần thành phố Merida phía tây nam, ném đá vào cảnh sát dùng hơi cay để giải tán họ.