Nói hay đừng: Quy tắc ứng xử của quý ông từ những năm 1890
Epoch Inspired Staff
Tội ác của miệng lưỡi.
Vũ khí hủy diệt nguy hiểm thứ nhì là súng, xếp hàng đầu chính là miệng lưỡi con người. Súng chỉ có thể lấy đi sinh mạng; nhưng miệng lưỡi hủy hoại danh tiếng và thường xuyên hủy hoại nhân cách. Mỗi khẩu súng hoạt động độc lập; nhưng mỗi lời ác ý có đến hàng trăm kẻ tòng phạm. Sự tàn phá của súng có thể nhìn thấy ngay lập tức. Hậu quả khủng khiếp của miệng lưỡi thì âm ỉ kéo dài qua năm tháng; ngay cả con mắt của Chúa cũng có thể mệt mỏi khi dõi theo đến tận cùng những tổn thương nó gây ra.
Tội ác của miệng lưỡi là những lời nói bất thiện, giận dữ, ác ý, đố kỵ, cay đắng, chỉ trích gay gắt, gièm pha, nói dối và thị phi. Trộm cắp và sát nhân là những tội ác khủng khiếp, nhưng trong bất kỳ năm nào, thì tất cả nỗi buồn, đau đớn và thống khổ mà hai tội trên gây ra cho một quốc gia chỉ như muối bỏ bể khi sánh với những đau đớn đến từ tội ác của miệng lưỡi. Hãy thử đặt vào cán cân Công lý, một bên là những điều xấu ác do hành vi của tội phạm hình sự gây ra, và bên kia là nỗi sầu khổ, nước mắt và đau đớn do tội ác của sự đạo mạo gây ra, và bạn sẽ lại kinh ngạc khi thấy chiếc đĩa bạn nghĩ nặng hơn lại tưng lên cao.
Ít ai trong chúng ta phải chịu đựng đau khổ trực tiếp hay gián tiếp dưới tay của kẻ trộm cắp hay sát nhân. Nhưng có ai thoát được lời nói vô tâm của bạn bè, hay lời độc ác của kẻ thù? Không ai có thể sống một cuộc đời hoàn toàn chân thật, ngay thẳng, thanh khiết đến mức vượt qua tầm ngắm của những lời ác ý, hay miễn nhiễm trước những phát tán độc hại của lòng đố kỵ. Những lời tấn công ngấm ngầm vào thanh danh của một người, những lời bóng gió xấu xa, những lời gièm pha, cắt xén sự thật mà mà kẻ tầm thường đố kỵ dùng để hủy hoại những người tài giỏi hơn, giống như ký sinh trùng hút cạn nhựa sống của một cây sồi to lớn. Cách làm này quá đỗi hèn hạ, cú bắn những chiếc gai tẩm độc này quá đỗi lén lút, từng hành động riêng lẻ này tưởng chừng vô hại, khiến người ta không cảnh giác. Tránh một con voi dễ dàng hơn tránh một con vi trùng.
Ở London, [gần đây] họ đã thành lập Liên đoàn Chống Gièm pha. Các thành viên cam kết sẽ chống lại “thói quen phổ biến là bàn tán gièm pha, mà những hậu quả khủng khiếp và dai dẳng của chúng thường không thể ước tính được.”
Gièm pha là một trong những tội lỗi của miệng lưỡi, nhưng đó chỉ là một. Mỗi cá nhân buông ra một lời đàm tiếu đều trở thành cổ đông tích cực trong một xã hội đang lan truyền sự bại hoại đạo đức. Họ ngay lập tức bị Tạo hóa trừng phạt bằng cách khiến đôi mắt tâm hồn họ bị mờ đi trước những điều ngọt ngào và thuần khiết, còn tâm trí trở nên chai sạn trước ánh dương và sự ấm áp của lòng bác ái. Nhận thức của họ trở nên méo mó một cách kỳ lạ và tinh vi, dẫn đến việc giải thích và suy diễn mọi hành động của người khác bằng những động cơ thấp hèn nhất có thể. Họ giống như những ruồi nhặng hôi thối, lướt qua hàng mẫu vườn hoa hồng, để ăn một miếng thịt thối rữa. Họ đã phát triển một khứu giác nhạy bén đối với thứ hôi thối đã nuôi dưỡng họ.
Có những chiếc gối ướt đẫm nước mắt; có những trái tim cao thượng tan vỡ trong im lặng mà không cất lên tiếng kêu phản đối; có những tâm hồn hiền lành, nhạy cảm bị chai sạn và cong vênh; có những người bạn xưa cũ xa cách và bước đi trên con đường lẻ loi với niềm hy vọng đã chết và ký ức chỉ còn là nỗi đau; có những hiểu lầm tàn nhẫn phủ bóng đen lên cuộc đời. Đó chỉ là một vài mất mát đến từ tội ác của miệng lưỡi.
Một người có thể sống một cuộc đời trung thực và trong sáng, dũng cảm bảo vệ tất cả những gì anh ta yêu quý nhất, vững vàng và chắc chắn về lẽ phải cuộc đời đến mức không mảy may nghĩ đến sự tồn tại của những thủ đoạn xảo quyệt có thể nói xấu thành tốt, bóp méo sự thật. Một vài lời nói nhẹ nhàng bằng ngôn từ vu khống, một ánh mắt đầy hàm ý, một cái nhún vai khinh khi, với một cái mím môi – và rồi, đôi bàn tay ấm áp trở nên lạnh lẽo, nụ cười quen thuộc bị thay thế bằng một nụ cười nhếch mép, và người ta cô độc, lạc lõng, choáng váng kinh ngạc trước điều gì đó mơ hồ, vô hình gây ra tất cả.
Đối với cơn cuồng say các vụ bê bối này, các tờ báo giật gân ngày nay phải chịu phần lớn trách nhiệm. Mỗi tờ báo không phải là một tiếng nói mà là hàng ngàn, hàng triệu tiếng nói, kể cùng một câu chuyện xấu xa cho biết bao đôi tai nghe. Những con chim kền kền của chủ nghĩa giật gân đánh hơi thấy xác chết của chuyện trái đạo đức từ xa. Họ thu thập tội lỗi, điều ô nhục và sự điên rồ của loài người ở cùng trời cuối đất, và phơi bày trần trụi cho thế giới. Họ thậm chí chẳng cần sự thật, vì những ký ức không lành mạnh và trí tưởng tượng phong phú khiến ngay cả những điều tồi tệ nhất xảy ra trên thế giới cũng dường như quá tẻ nhạt khi sánh với những câu chuyện bịa đặt quái đản họ dựng nên. Những câu chuyện này, và những cuộc thảo luận mà họ khơi mào, nuôi dưỡng trong độc giả một thứ khả năng rẻ tiền, giảo hoạt trong việc bóp méo hành động của mọi người xung quanh.
Nếu một người giàu quyên góp cho tổ chức từ thiện nào đó, người ta vẫn nói rằng: “Ông ta làm việc đó để được tiếng thơm – để giúp đỡ công việc kinh doanh của ông.” Nếu ông ta quyên góp ẩn danh, họ sẽ nói, “Ồ, đó là một triệu phú nào đó đủ khôn ngoan biết rằng giấu tên sẽ khơi dậy sự tò mò; ông ta chắc chắn rằng công chúng sau này sẽ được biết.” Nếu ông ta không làm từ thiện, họ lại nói: “Ồ, hẳn là ông ta keo kiệt bủn xỉn, dĩ nhiên rồi, giống như mấy triệu phú kia thôi.” Đối với những lời bàn ra tán vào và vu khống hèn hạ, Đức hạnh luôn bị coi là đạo đức giả, những lý tưởng cao quý chỉ là ngụy trang, và rộng lượng chỉ là một cách mua chuộc.
Người tài giỏi hơn bạn bè xung quanh ắt sẽ trở thành mục tiêu của những mũi tên ghen ghét từ những người mặc cảm tự ti. Đó là một phần cái giá mà anh ta phải trả cho sự ưu tú của mình. Một trong những nhân vật đáng ghét nhất trong các tác phẩm văn học là Iago (trong tác phẩm Othello của thi hào Shakespeare). Ghen tị với phó tướng Cassio được phong chức cao hơn mình, anh ta căm ghét Othello. Bản chất của Iago là thấp hèn, đắm chìm vào việc duy trì vẻ oai nghiêm của mình, luôn miệng “giữ gìn danh dự” – quên mất rằng nó đã chết từ lâu, đến nỗi cả việc ướp xác cũng không thể cứu vãn được. Ngày qua ngày Iago gieo rắc độc tố; ngày qua ngày, lòng oán giận tinh vi và những toan tính trả thù đã chắt lọc độc tố của sự hoài nghi và ngờ vực thành liều lượng độc hại mạnh mẽ hơn. Tâm trí vô cùng tập trung vào mục đích đen tối của mình, anh ta đã dệt nên một mạng lưới bằng chứng tình tiết xung quanh nàng Desdemona trong sáng, rồi sau đó gián tiếp sát hại cô, thông qua bàn tay của Othello. Chính sự đơn giản, tin tưởng, ngây thơ và vô tư của Desdemona đã khiến cô trở thành con mồi dễ bị tấn công trước những thủ đoạn quỷ quyệt của Iago.
Iago vẫn sống trong trái tim của hàng ngàn người, những người mang đầy sự hèn hạ như hắn, tuy không sở hữu mưu trí sắc sảo. Việc họ thường xuyên nói những lời dối trá, ác ý, và đố kỵ, trong nhiều trường hợp, cuối cùng đã làm hao mòn danh tiếng cao quý của những người tài giỏi hơn. Để biện minh cho những phán đoán vội vàng mà chúng ta thỉnh thoảng thốt ra, ta lắng nghe và mặc nhiên chấp nhận những lời nói của các “Iago hiện đại” này: “Chà, không có lửa làm sao có khói.” Đúng vậy, nhưng ngọn lửa đó có thể chỉ là ngọn lửa của sự hận thù, ngọn lửa đốt cháy danh tiếng của người khác bằng bó đuốc đố kỵ, hủy hoại thanh danh cuộc đời của những người vượt trội hơn.
Trên đây là trích đoạn trong cuốn “The Kingship of Self-Control” (Nghệ Thuật Làm Chủ Bản Thân) của tác giả William George Jordan, xuất bản lần đầu năm 1898.