Những tỷ phú Trung Quốc bị cầm tù (Phần 1/2)
Vào ngày 15/04/2021, trong lời khai trước Phiên điều trần của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ–Trung Quốc về “Đánh giá về những Tham vọng Kinh tế, Kế hoạch và Thước đo Thành công của Trung Cộng,” ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), nguyên cố vấn chính sách Trung Quốc cho cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, đã nói về nền kinh tế Trung Quốc và sự kiểm soát của Trung Cộng đối với các nguồn tài chính, điều mà rốt cuộc sẽ gây nguy hiểm đến các doanh nhân thành đạt.
Ông Dư nói: “Chỉ trong 15 năm qua, đã có không dưới 27 tỷ phú Trung Quốc bị bắt giữ với các tội danh từ kỳ quái cho đến vô lý.”
Thật vậy, ông Tôn Đại Ngọ (Sun Dawu), một doanh nhân tư nhân nổi tiếng ở tỉnh Hà Bắc, là tỷ phú gần đây nhất bị Trung Cộng bắt giữ.
Ông Tôn Đại Ngọ có thể đã phạm tội do phát ngôn
Vào ngày 21/04, ông Tôn chính thức bị bắt và bị buộc tội với tám tội danh, bao gồm huy động tiền [từ công chúng] trái phép, tụ tập đông người để tấn công các cơ quan nhà nước, và chiếm dụng đất nông nghiệp trái phép.
Vào sáng sớm ngày 11/11/2020, cảnh sát đã bắt giữ tổng cộng 28 giám đốc điều hành của Tập đoàn Đại Ngọ (Dawu Group) và các công ty con của tập đoàn này. Gần như tất cả các thành viên trong gia đình của ông Tôn, bao gồm vợ, hai con trai và hai con dâu, đều đã bị bắt. Nhóm 28 công ty con của tập đoàn này đã chính thức bị tiếp quản, và hầu hết tất cả tài sản của công ty đã bị phong tỏa.
Ông Tôn, 66 tuổi, sáng lập Tập đoàn Đại Ngọ vào năm 1985. Công ty khởi nghiệp với 1,000 con gà và 50 con heo, và đến năm 1995 đã trở thành một trong 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Trung Quốc. Tập đoàn Đại Ngọ có hơn 9,000 nhân viên, tài sản cố định trị giá 312 triệu USD, và sản lượng hàng năm trị giá hơn 467 triệu USD.
Trước khi bị bắt vào năm nay, năm 2003 ông Tôn đã bị một tòa án của Trung Cộng kết án 3 năm tù giam, 4 năm quản chế và bị phạt 15,500 USD vì tội nhận tiền gửi từ công chúng trái phép. Tập đoàn Đại Ngọ đã bị xử phạt 46,500 USD.
Lý do thực sự khiến ông Tôn bị bắt lần này có thể là do ông đã đưa ra một số bình luận xúc phạm đến Trung Cộng. Chẳng hạn, vào tháng 05/2020, ông Tôn đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các luật sư bảo vệ quyền lợi như Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) trên mạng. Theo phiên bản Hoa ngữ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America), ông Tôn đã đăng trên mạng xã hội vào tháng 05/2020, rằng những luật sư này đã “cho các nạn nhân nhìn thấy một chút ánh sáng le lói, để họ duy trì một chút niềm tin vào luật pháp, và thắp lên hy vọng sống sót của họ.”
Ông Hứa Chí Vĩnh, một trong những người sáng lập Gongmeng, hay còn gọi là Sáng kiến Hiến pháp Mở, đồng thời là luật sư và là nhà hoạt động nhân quyền người Trung Quốc, đã bị bắt vào tháng 02/2020 vì công bố một bức thư hối thúc ông Tập Cận Bình thoái vị. Ông Hứa đã bị buộc tội “lật đổ quyền lực nhà nước.”
Ông Tăng Thành Kiệt bị hành quyết bí mật
Ông Tăng Thành Kiệt (Zeng Chengjie), một doanh nhân tỉnh Hồ Nam, là người sáng lập Công ty Phát triển Bất động sản Tam Quan Hồ Nam (Hunan Sanguan). Ông Tăng bị bắt vào ngày 11/11/2008 vì bị tình nghi “nhận tiền gửi từ công chúng trái phép,” và bị hành quyết bí mật vào ngày 12/07/2013. Cả luật sư và gia đình ông đều không được thông báo về vụ hành quyết.
Vào ngày 27/05/2013, ông Vương Thiệu Quang (Wang Shaoguang), luật sư của ông Tăng, đã gặp ông tại trại tạm giam. Đây là cuộc gặp lần cuối cùng của họ. Ông Tăng nói, “Luật sư Vương, tôi cảm thấy vụ án của tôi sẽ không thể thắng, bởi vì đằng sau hậu trường có những thế lực rất hùng hậu đang điều khiển phán quyết của vụ án. Ngay cả khi anh có thể giúp tôi được ân xá, họ sẽ vẫn muốn tôi phải chết.”
Ông Tăng bị hành quyết vào ngày 12/07/2013. Ngày hôm sau, luật sư Vương đã đưa ra một tuyên bố khẩn cấp, bày tỏ rằng ông sẽ chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sự sai lệch nào trong tuyên bố của mình.
Theo tuyên bố của ông Vương, nguồn tài trợ tư nhân ở phía tây Hồ Nam được chính quyền địa phương hỗ trợ, và 90% các gia đình địa phương đã tham gia việc tài trợ này. Ông Vương nêu rõ các thỏa thuận tài trợ cho ông Tăng thực ra đã được bảo chứng bởi văn phòng công chứng.
Ông Vương cũng nói rằng tài sản của ông Tăng trước khi bị bắt, trị giá 367 triệu USD, trong khi khoản tài trợ chưa hoàn trả chỉ có 31 triệu USD. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã ép ông Tăng phải bán tài sản của mình chỉ với giá 58 triệu USD cho Caixin, một công ty quản trị tài sản do chính quyền địa phương toàn quyền sở hữu.
Ông Vương cho biết ông Chu Cường (Zhou Qiang), chánh án Tòa án Tối cao của Trung Cộng, là tỉnh trưởng Hồ Nam vào thời điểm xảy ra vụ án. Ông Chu cũng là Bí thư tỉnh ủy khi Tòa án Cấp cao Hồ Nam kết án tử hình ông Tăng. Tòa án Cấp cao tỉnh Hồ Nam đã ban hành bản án sơ thẩm lần thứ hai vào ngày 19/02/2012, nhưng đã không được Tòa án Tối cao phê chuẩn cho đến khi ông Chu được thăng chức chánh án vào tháng 03/2013, và sau đó bản án đã được phê chuẩn trong vòng chưa đầy ba tháng.
Dựa trên tuyên bố của luật sư Vương, công bằng mà nói vụ án của ông Tăng là một sự bất công nghiêm trọng. Ông Chu là người phải chịu trách nhiệm chính cho cái chết của ông Tăng.
Doanh nhân Trùng Khánh Lý Tuấn buộc phải trốn khỏi Trung Quốc
Ông Lý Tuấn (Li Jun) là chủ tịch của một công ty bất động sản lớn, Tập đoàn Tuấn Phong (Junfeng Group), với tài sản ròng hơn 617 triệu USD cho đến khi công ty này bị các quan chức Trung Cộng tịch thu.
Từ năm 2007 đến năm 2012, ông Bạc Hy Lai, khi đó là bí thư thành ủy của Trung Cộng ở Trùng Khánh, một đô thị lớn ở tây nam Trung Quốc, đã phát động một chiến dịch trong thành phố: “hát bài hát đỏ và chống xã hội đen”. Trong chiến dịch rầm rộ “kiểu Mao” này, ông Bạc đã bắt giữ một số doanh nhân tư nhân và tịch thu hàng trăm tỷ đồng tài sản từ họ. Ông Lý Tuấn (Li Jun) là một trong số những doanh nhân bị bắt này.
Vào ngày 09/12/2011, 20 người trong Tập đoàn Tuấn Phong đã bị kết tội. Anh trai của ông Lý bị kết án 18 năm tù và nộp phạt hơn 30 triệu USD cho 5 tội danh bao gồm tổ chức và cầm đầu các tổ chức có tính chất xã hội đen. 19 người còn lại bị phạt tù từ 14 tháng đến 13 năm.
Một phần bản án nêu rõ: “Tài sản và số tiền thu được của tổ chức giống như hội Tam Hoàng này cũng như các công cụ được sử dụng để phạm tội sẽ được thu hồi, tịch thu và giao nộp cho kho bạc nhà nước.” Điều này có nghĩa là Tập đoàn Tuấn Phong mà ông Lý đã dày công xây dựng trong hơn 20 năm đã bị tước đoạt dưới chiêu bài trấn áp các tổ chức tội phạm.
Bản thân ông Lý từng bị bắt vào năm 2009 và được tuyên trắng án. Vào ngày 23/10/2010, một ngày trước khi bị bắt lần thứ hai, ông Lý đã trốn đến Hồng Kông.
Ông Khương Duy Bình (Jiang Weiping), một chuyên gia truyền thông kỳ cựu người Trung Quốc hiện đang sống ở Canada, đã viết trên trang web của riêng mình vào ngày 13/02/2013, rằng ông Lý đã liên lạc với ông và gửi cho ông các bản sao bằng chứng của mình. Sau khi ông Khương cùng bạn của ông, một luật sư người Canada, nghiên cứu và đánh giá các tài liệu, ông Khương tin rằng đây là một vụ án oan được dàn dựng bởi ông Bạc Hy Lai, Chánh văn phòng Trùng Khánh khi đó, và ông Vương Lập Quân, lúc đó là Cục trưởng Cục Công an Trùng Khánh và là chỉ huy trưởng chiến dịch trấn áp xã hội đen.
(Còn tiếp)
Tác giả Vương Hữu Quần (Wang Youqun) có bằng Tiến sĩ Luật từ Đại học Nhân dân Trung Quốc. Ông từng là người chấp bút cho ông Úy Kiện Hành (1931–2015), ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Cộng từ năm 1997–2002.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.