Những ông nghè triều Lê (số 2)
Tiếp theo của phần 1
Trước khi nói đến những ông Nghè khoa nhâm-tuất, về năm Đại-bảo thứ ba (tức là năm 1442), nên kể qua tiểu sử những quan chấm trường.
Theo bài bia đăng kỳ trước, thì quan “đề điệu” (phó chủ khảo) là thượng-thư tả-bộc-sạ Lê Văn-Linh (1376-1447) lịch-triều hiến-chương chép là người ở Hải-lịch (Lôi đương). Lúc trẻ có tiếng văn-học. Nghe thấy vua Lê Thái-Tổ (1418-1433) hối-tích ở Lam-Sơn, đem thân qui phụ. Năm mậu thân (1428) vua khởi binh. Văn-Linh cùng với Nguyễn Trãi ngầm trầu, lo việc đánh quân nhà Minh. Vua vây Đông-đô, Văn-Linh thường hiến mưu hãm thành: quân Tầu kế cùng, ra hàng; Vương Thông về thiên hạ yên. Năm Thuận-thiên (1428) luận công, vua phong tước cho Văn-Linh là Khanh-thượng – hầu, thường cho làm Nhập nội thiếu phó, rồi thiên làm Hữu – bật. Năm Thiệu bình thứ hai (1435) cùng với Tổng quản là Lê Đản đánh giặc Cầm-Quý. Năm thứ 4 (1437) vì can ngăn việc giết Lê-Sát, phải giáng làm Bộc-sạ, nhưng sau lại được phong làm Thái phó. Năm Thái hoà thứ năm (1447) từ trần, thọ bảy mươi hai tuổi. Văn-Linh làm việc ba triều, Thái-Tổ (1418-1433). Thái-Tổn (1433-1442) và Nhân Tôn (1442-1459), công-nghiệp long trọng, tính thâm trầm, nhiều trí lược; ở miếu đường nghị-luận, bàn được nhiều việc hay. Lê-Sát bị giết, cứ thẳng can ngăn, không a-tòng, cam chịu khiển trách, phải về, thật là người cương trực có khí-tiết. Tên thuỵ là Trung-Hiến. Con là Hoằng-Dục thích ngâm vịnh, khoảng năm Diên-ninh (1454 – 1459) làm đô-đốc-đồng-tri, khoảng năm Hồng-Đức (1470-1497) đổi làm thượng thư, vâng mệnh đi xứ, phong tước là Tung quận công (chép theo Phan-Huy-Chú, lịch triều hiến chương loại-chí, quyển 7).
Giám-thi khoa nhâm-tuất là ngự-sử Triệu-Thái. Đăng khoa lục (quyển đầu, tờ 11) chép ông là người ở Hoàng-trung (Lập-thạch). Khoảng năm Vĩnh-lạc nhà Minh (1403-1424), thi đỗ tiến-sĩ, vua Tàu cho làm hàn-lâm học sĩ. Sau khi nghe thấy ở bên ta vua Lê Thái-Tổ (1418-1433) khởi nghĩa xin vua Tàu về thăm nhà. Lại thi đỗ khoa kỷ dậu về năm Thuận-thiên thứ hai (1429). Vua Lê cho làm quan đến Thị ngự-sử. Triệu-Thái soạn ra bộ Quốc-triều hình-luật. Khâm-định Việt-sử thông-giám cương mục (chính biên, quyển 17 tờ 24a) có một đoạn nói: “Năm Đại-bảo thứ ba (1442), tri-châu ở Long-châu (bên Tàu) là Triệu nhân-Chính sai đầu-mục là lũ Lã-Thông lĩnh hơn một nghìn quân, đi qua cõi nước ta, lấn châu Hạ-tư-lang, cướp người và súc vật. Quan ở trấn Thái-nguyên đem việc này tâu vua, các đại-thần xin xai Thị-ngự-sử là Triệu-Thái sang tâu nhà Minh”. Dưới đoạn ấy Cương mục chua rằng: Sử cũ chép Triệu-Thái tâu về việc địa phương “Khâm-Châu”. Xem Bang giao bị-lãm của Giáp-Trưng và Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú ở mục Bang-giao-chí chép năm Đại-bảo thứ ba là năm Chính-thống thứ 7 nhà Minh (1412), nước ta sai người đi đến tòa Bố-chính-sứ ở Quảng-tây nói: gần đây, Thái-nguyên trấn-thần là Phạm-hàm-Dực tâu tờ khải nói bị thổ-quan ở Long-châu là Triệu-Nhân-Chính sai đầu-mục là lũ Lã-Thông lĩnh quân hơn một nghìn, đánh Nhung-thôn ở châu Hạ tư-lang, cướp người và súc-vật mang đi. Tra Minh-sử lại chép sứ thần kêu thổ quan ở “An-Bình” lấn-cướp , mà sự-thể ở Khâm-châu như thế nào không từng chép. Về sau, năm Diên-ninh thứ ba (1456), nhà Minh lấy sắc-lệnh cũ ở “Long-châu” xét lại: như thế thì sử cũ chép “Khâm-châu” sợ nhầm, nay đổi làm “Long-châu”. Còn như Triệu-nhân-Chính, trước nói là thổ quan ở “An-Bình”, sau nói là thổ quan ở “Long-châu”, ý giả An-Bình kiêm Long-châu, hay là đổi tên không rõ.”
Ông “đọc quyển” khoa nhâm tuất (1442) là Hàn-lâm học-sĩ Nguyễn Trãi (1380 – 1442) hiệu là Ức-trai, người Nhị-khê (Thượng-phúc), đỗ tiến-sĩ, cuối đời nhà Trần. Nguyễn-Trãi là con Nguyễn-phi-Khanh và cháu ngoại Trần-nguyên-Đán. Mới hai mươi tuổi đã có tiếng hay chữ: kinh-sử trăm nhà, thao lược binh-thư, không một quyển nào là không làu suốt. Năm hai mươi tuổi đỗ thái-học-sinh khoa canh-thìn (1400) đời nhuận Hồ. Cha con làm quan đồng thời. Nguyễn-Trãi làm đến ngự-sử-đài chánh-chưởng. Hồi quân Minh sang lấn, cha là Phi-Khanh bị bắt, Tổng binh là Trương-Phụ bắt viết thư vời con, Nguyễn-Trãi bất đắc dĩ tới hàng. Trương-Phụ thấy không chịu làm với mình muốn giết, nhưng thượng-thư nhà Minh là Hoàng-Phúc hạ lệnh tha cho. Nguyễn-Trãi giận quân Minh tham-độc, nghĩ cách cứu-vớt sinh-linh, ngầm vào Thanh-hóa (tức là Thanh-hóa bây giờ), đến Lỗi-giang yết-kiến dâng chước bình Ngô. Thái-Tổ (1418-1433) cho làm hàn-lâm viện thừa, chỉ học-sĩ. Mùa xuân năm đinh – mùi (1427) gia cho làm triều-liệt đại-phu, nhập-nội hành –khiển, lại bộ thượng-thư, kiêm hành-khu-mật-sự, soạn bài Bình Ngô đại cáo cùng những tờ hiểu-dụ mọi thành và những văn – thư đi lại với người nhà Minh. Mùa xuân năm Mậu-thân (1428) Thái-Tổ định công hành thưởng, phong cho Nguyễn-Trãi làm quan phục-hầu, cho dự quốc-tính. Mùa xuân năm quí-sửu (1433) vâng mệnh soạn bia Vĩnh lăng. Năm Thiệu-bình (1434) các quan đại-thần cử Nguyễn-Trãi và Trình-thuấn-Du vào kinh-diên (nhà sách) cảnh-cáo vua Thái-Tổn (1433 – 1442). Vua không nghe, Nguyễn-Trãi từ chức, về làm nhà ở Côn-Sơn (Chí-Linh), thỉnh-thoảng vâng mệnh bày mưu-kế giúp triều-đình. Mùa thu năm Đại-bảo thứ ba (1442), sáu mươi ba tuổi bị hại, vì đem vợ lẽ là Nguyễn-thị Lộ vào trầu vua Thái-Tổn, rồi vua ngộ độc băng hà: triều đình xử tru-di tam tộc. Chuyện chép lúc thiếu-thời gặp Thị-Lộ đi bán chiếu ở Võ-lăng Nguyễn-Trãi hỏi thử rằng :
Ả ở đâu mà bán chiếu gon (1) ?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn ?
Xuân thu nay độ bao nhiêu tuổi (2)
Đã có chồng chưa được mấy con ?
Thị Lộ hoạ lại rằng:
Tôi ở Tây – hồ bán chiếu gon.
Cớ chi ông hỏi hết hay còn (3)
Xuân thu phỏng độ trăng tròn bóng (4)
Chồng còn chưa có, hỏi chi con (5)
Thấy người tài sắc. Nguyễn-Trãi hỏi làm vợ. Kịp lúc lên làm quan, đảm-đương việc nước, phàm chiếu, thư, từ, mệnh, không một tờ gì là không cùng nhau nhuận-sắc. Thái-Tổn lên ngôi, nghe tiếng vời vào trầu, phong Thị-Lộ làm Lễ-nghi học sĩ. Lúc bị tội. Nguyễn-Trãi còn có một người vợ lẽ nữa có mang, trốn-thoát sau sinh được một con giai đặt tên là Anh-Vũ. Đến đời vua Thánh-Tôn (1460 – 1497) thương là oan, cho con làm huyện-chức, truy tặng cho Nguyễn-Trãi là Tế-văn-hầu. Nguyễn-Trãi là người văn chương mưu-lược, thật là một bậc công-thần khai-quốc thứ nhất. Lúc già về an-nhàn, không có ý gì tham-luyến, đương thời đều thương tiếc. Vua Thánh-Tôn làm thơ rằng : “Ức trai tâm thượng quang khuê tảo” nghĩa là lòng Ức trai sáng như sao Khuê, như lá tảo. Lại chua thêm rằng: “Ức trai tiên sinh, lúc Thánh-Tổ sáng nghiệp, đến Lỗi-giang qui-phụ, bề trong thì giúp bày mưu-lược ở chốn mùng màn bề ngoài thì thảo những văn thư dụ mọi thành những từ-chương với nước Tàu, tin cậy quí trọng”. Về sau con cháu phồn-thịnh, thành một họ to ở Nhị Khê, cả huyện phụng thờ, từ-vũ hương-hoả đến nay hãy còn (chép theo Đăng khoa lục quyển đầu, tờ 7b và lịch triều hiến chương, quyển 7). Nguyễn-Trãi làm quyển An nam vũ cống, Dư địa chí, Ngọc đường thi tập, v.v… bằng hán-văn, nhiều bài góp thành tập đề là Ức trai tập, Thi văn di tập. Ông làm một quyển Gia huấn ca bằng quốc văn.
(Còn nữa)
Ứng Hòe NGUYỄN VĂN TỐ
(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)
1) Chúng tôi sao bài “Thơ thử cô hàng chiếu” của Nguyễn-Trãi theo quyển Việt tuý tham khảo (bản viết bằng chữ Nôm của Bác cổ, số A B 386, tờ 1 b). Những bản quốc ngữ thường chép câu thứ nhất là: “Ả ở đâu ta bán chiếu gon”.
2) Câu thứ ba chép là “Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi”
3) Bài Thị-Lộ họa lại cũng có hai ba câu khác nhau, bản quốc ngữ chép câu thứ hai là : “Nỗi chi ông hỏi hết hay còn”
4) Câu thứ ba chép là: “Xuân xanh phỏng độ giăng tròn bóng”, “Xuân-thu tuổi mới giăng tròn lẻ”