Những lá cờ bay phất phới trên Tòa nhà Capitol Hoa Kỳ để vinh danh Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới
TERRI WU
Hôm 13/05, hai lá cờ Hoa Kỳ đã tung bay trên Tòa nhà Capitol Hoa Kỳ để vinh danh Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới và Ngài Lý Hồng Chí, nhà sáng lập môn tu luyện tinh thần này.
Cũng vào ngày này 31 năm trước, Ngài Lý đã giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp – còn được gọi là Pháp Luân Công – ra công chúng ở vùng đông bắc Trung Quốc. Môn tu luyện tinh thần này, bao gồm các bài tập khoan thai và các bài giảng đạo đức bắt nguồn từ truyền thống Trung Hoa để cải thiện cả tâm lẫn thân, hiện đang được luyện tập tại hơn 100 quốc gia
Văn phòng của Dân biểu Brian Fitzpatrick (Cộng Hòa–Pennsylvania), người đại diện trong Quốc hội của học viên Jennie Sheeks ở Philadelphia, đã bảo trợ cho ngày lễ kỷ niệm này, nhằm công nhận Pháp Luân Đại Pháp vì những giá trị tinh thần của môn này và những gì mà các học viên của môn này đã đóng góp cho cộng đồng.
Những lá cờ này, đã tung bay trên các cột cờ đặc biệt của tòa nhà mà công chúng không thể nhìn thấy do đang xây dựng, đã được ông Fitzpatrick tặng cho Greater Philadelphia Falun Dafa Association.
Thống đốc Pennsylvania Josh Shapiro cũng cho phép treo một lá cờ Hoa Kỳ trên Tòa nhà Capitol tiểu bang ở Harrisburg để công nhận Ngài Lý vì đã truyền dạy Pháp Luân Đại Pháp và các giá trị cốt lõi của môn tu luyện là chân, thiện, và nhẫn cho tiểu bang này và những nơi khác trên thế giới.
Trong khi đó, Thượng viện Tiểu bang Massachusetts đã ban hành một chứng nhận tuyên dương Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới khi lưu ý rằng đây là dịp kỷ niệm 31 năm môn tu luyện tinh thần này được giới thiệu ra công chúng. Thượng nghị sĩ Tiểu bang Michael Moore, một trong những nhà bảo trợ cho chứng nhận tuyên dương này, đã giới thiệu tờ chứng nhận với các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Worcester. Thành phố này, nằm cách Boston khoảng 50 dặm về phía tây, cũng đã treo cờ Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới bên ngoài Tòa thị chính trong buổi lễ hôm 13/05.
Từ Trường Xuân phổ truyền ra thế giới
Vào ngày 13/05/1992, Ngài Lý đã tổ chức buổi giảng dạy đầu tiên cho công chúng tại Trường Xuân, thủ phủ của tỉnh Cát Lâm ở đông bắc Trung Quốc. Cái tên Trường Xuân của thành phố này có nghĩa là “mùa xuân vĩnh cửu” trong tiếng Trung Hoa.
Lớp học trong thính phòng của trường Trung học Cơ sở số 5 của Trường Xuân là nơi đã tổ chức nhóm học viên đầu tiên, với số lượng chưa tới 200 người. Theo Trang web MingHui.org – một cổng thông tin của Pháp Luân Đại Pháp – hầu hết những người đến học đều là những người say mê khí công tại Công viên Thắng Lợi của thành phố Trường Xuân. Khí công là các phương pháp rèn luyện thể chất được phổ biến ở Trung Hoa cổ đại và là một phần của y học Trung Hoa cổ truyền.
Khi Ngài Lý giảng dạy nhiều hơn, thì các học viên bắt đầu hiểu ra rằng Pháp Luân Đại Pháp không chỉ là rèn luyện thân thể, mà còn chú trọng tuân theo nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Theo MingHui.org, từ ngày 13/05/1992 đến ngày 30/12/1994, Ngài Lý đã tổ chức 56 khóa giảng tại hơn 15 tỉnh và thành phố ở Trung Quốc cho hơn 60,000 học viên.
Ông Trương Trạch (Zhang Ze), một nhà thiết kế kiến trúc, đã tham dự các khóa giảng của Ngài Lý ở Trường Xuân hồi tháng 05/1993 và tháng 05/1994, sau khi ông nghe một người thân chia sẻ rằng Pháp Luân Đại Pháp có thể giúp chữa bệnh tim kinh niên của ông. Lúc đó ông 35 tuổi và làm việc trong phòng tuyên truyền của một doanh nghiệp lớn nhà nước, phụ trách chụp ảnh và quay phim.
Ông Trương nói rằng ông thích những lợi ích về sức khỏe của môn tu luyện này. Ông cho hay, phải mất vài năm để ông hiểu ra rằng môn này uyên thâm hơn nhiều so với việc rèn luyện thể chất đơn thuần, và nhờ tuân theo các nguyên tắc cốt lõi, ông đã tu sửa để trở thành một người tốt hơn.
Ông vẫn còn nhớ rằng chỉ tính riêng một công viên ở Trường Xuân thôi đã có đến hàng chục ngàn học viên tập luyện vào buổi sáng.
“Quý vị đã có thể thấy các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở mọi công viên và mọi góc phố,” ông kể với The Epoch Times về sự phổ biến của môn này.
Qua hình thức truyền miệng, môn tu luyện này đã phát triển tới 100 triệu người theo học ở Trung Quốc năm 1999. Năm đó, Trung Cộng, nhận thấy sự phổ biến của môn tập này là mối đe dọa đối với sự kiểm soát quyền lực tuyệt đối của họ, nên đã phát động một chiến dịch bức hại trên toàn quốc bao gồm tra tấn, ngược đãi tinh thần, và sát hại các học viên để lấy nội tạng của họ.
Ông Trương cho biết sau khi cuộc bức hại bắt đầu, ông càng hiểu một cách sâu sắc hơn rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt. Từ kinh nghiệm làm công tác tuyên truyền của mình, ông đã biết các chương trình của Trung Cộng toàn là bịa đặt. Ông đưa ra ví dụ về việc chính quyền dàn dựng một vụ tự thiêu ở Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh nhằm cố gắng bôi nhọ nhóm tu luyện tinh thần này.
Sau khi có sự việc năm người tự thiêu vào đêm giao thừa Tết Nguyên Đán ngày 23/01/2001, Trung Cộng đã nói rằng năm người đó là các học viên Pháp Luân Đại Pháp. Tuy nhiên, ông Trương biết đó là tin giả vì ông có thể nhận ra đoạn phim thời sự đó là một sản phẩm đã được dàn dựng, bao gồm các vai phân cho từng người trong năm người đó và vị trí của những máy quay.
Ông Trương không phải là người duy nhất đặt nghi vấn về tính chân thực của việc sản xuất tin tức về vụ tự thiêu. Bộ phim “Lửa giả” năm 2003, xem xét những điểm đáng ngờ của vụ “tự thiêu” ở Thiên An Môn, đã giành được giải thưởng danh dự tại Liên hoan phim quốc tế Columbia lần thứ 51 nhờ những phân tích phơi bày sự kiện bi thảm này.
Theo ông Trương, giống như những người tự thiêu giả danh học viên Pháp Luân Đại Pháp, hầu hết các anh hùng của Trung Cộng đều không có thật. Ông đưa ra ví dụ về một chiến dịch tuyên truyền nổi tiếng hồi những năm 1960 về một công dân kiểu mẫu tên là Lôi Phong (Lei Feng) – người được cho là một đứa trẻ mồ côi và là một người lính bình thường. Trong khi đó, theo ông Trường, những bức ảnh của ông Lôi Phong cho thấy kỹ năng chiếu sáng chuyên nghiệp và trình độ bậc thầy, và ông đã thắc mắc làm thế nào mà một người lính bình thường có thể học được những khả năng như vậy.
“Vì vậy, tôi biết Pháp Luân Đại Pháp quả thật đối lập với Trung Cộng. Điều Pháp Luân Đại Pháp yêu cầu là lòng tốt thật sự,” ông nói. “Một khi tôi đã so sánh, ai tốt ai xấu là điều đã rõ.”
Thiết kế các xe hoa diễn hành
Ông Trương đã cùng vợ và con gái đến Hoa Kỳ hồi tháng 10/2015 bằng thị thực du lịch và đã được chấp thuận cho tị nạn. Trước khi rời Trung Quốc, ông đã trở thành một nhà thiết kế kiến trúc thành công với các dự án như khách sạn và trường cao đẳng nổi tiếng ở Trường Xuân.
Lúc ông đến Hoa Kỳ, nhiều người bên ngoài Trung Quốc đã biết về cuộc bức hại này cũng như những lợi ích của Pháp Luân Đại Pháp nhờ những hoạt động phơi bày sự thật của các học viên.
Một trong những hoạt động đó là tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới hàng năm ở New York mà ông Trương giúp thiết kế ra chiếc xe hoa mỗi năm.
Ông Trương cho biết vào những năm gần đây, ông muốn giới thiệu vẻ đẹp của môn tu luyện này nhiều hơn nữa. Vì vậy, ông đã chuyển ý tưởng thiết kế những con thuyền – tượng trưng cho ý tưởng truyền thống trong Phật giáo về một chiếc thuyền cứu độ người thiện lương thoát khỏi bể khổ – thành những cảnh thiên đường vào năm 2022 và năm nay.
“Tôi không biết làm thế nào để diễn tả cảm xúc của mình thành lời,” ông Trương nói. “Tôi rất vui khi thấy khán giả xem diễn hành vỗ tay, chụp ảnh, và chào đón chúng tôi. Tôi muốn cho họ thấy vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp và đem lại sự tốt lành cho mọi người.”
Khi Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới đến gần, hôm 01/05, Dân biểu Eleanor Holmes Norton (Dân Chủ–Hoa Thịnh Đốn) của Hoa Kỳ đã gửi một lá thư ủng hộ các học viên ở Hoa Thịnh Đốn và trên toàn thế giới, nói rằng: “Trong hơn hai thập niên, các học viên Pháp Luân Công đã phải chịu đựng các hình thức như giam giữ cưỡng bức, tra tấn, và thu hoạch nội tạng do chính quyền Trung Quốc tiến hành.”
“Lỗi duy nhất của những học viên Pháp Luân Công là được sinh ra trong một xã hội thiếu bao dung. Tôi ủng hộ nhiều học viên Pháp Luân Công đang tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận và thực hành tín ngưỡng mà họ lựa chọn.”