Những kho báu để lại: Thư viện công và tư nhân
Jeff Minick
Dù là một chuyến đi đặc biệt đến Thư viện Quốc hội hay chỉ là 10 phút lái xe đến thư viện địa phương, người yêu sách thực thụ sẽ cảm thấy phấn chấn mỗi khi nghe câu “Hãy cùng đến thư viện nhé,” giống như một đứa trẻ năm tuổi háo hức khi nghe thấy “tiệm kem” vậy. Đối với những người đam mê sách, thì Vương quốc Phép thuật (Magic Kingdom) không nằm ở tiểu bang Florida, và lệ phí vào cửa duy nhất của họ chính là thẻ thư viện.
Tất nhiên, từ “Magic Kingdom” (Vương quốc Phép thuật) là sự mô tả thích hợp đối với một số thư viện. Chẳng hạn, Thư viện Widener của trường đại học Harvard, không chỉ là tòa nhà đẹp đẽ và duyên dáng, mà còn chứa 57 dặm (khoản 91 km) kệ sách và có thể lưu giữ hơn ba triệu cuốn sách. Thư viện Quốc hội ở Hoa Thịnh Đốn có bộ sưu tập sách lớn nhất thế giới, cung cấp vô số các tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc tuyệt vời. Thư viện pháp luật Iowa ở thành phố Des Moines là một tác phẩm nghệ thuật xa hoa, sàn nhà, sân thượng đều được lát gạch cầu kỳ, có cầu thang xoắn và được hơn 100,000 du khách ghé thăm hàng năm. Bên trong Thung lũng Northern Shenandoah của tiểu bang Virginia là Thư viện Handley của thành phố Winchester, cũng là một viên ngọc kiến trúc quý giá khác, nơi Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ cho rằng “có lẽ đây là biểu hiện thuần túy nhất của phong cách kiến trúc cổ điển Beaux Arts vương giả và hoa mỹ.”
Cũng đáng yêu như vậy, những tòa nhà này và các tòa nhà tương tự đều có cùng một mục đích chính giống như bất kỳ thư viện cộng đồng nào: lưu trữ sách và những nguồn tư liệu khác để sẵn sàng phục vụ cho người dân. Theo một ý nghĩa nào đó, chúng giống như giáo đường của chúng ta, là không gian gặp gỡ cho những cho ai tìm kiếm trí huệ và sự giác ngộ.
Lịch sử khái lược về các thư viện công
Thành lập vào năm 1640, thư viện Biblioteca Palafoxiana ở thành phố Puebla, Mexico, được công nhận là thư viện công lâu đời nhất ở khu vực Bắc Mỹ.
Gần 3,000 dặm về phía Bắc, những người Thanh Giáo Massachusetts và những người trồng rừng ở tiểu bang Virginia đã khai hoang vùng đất này và sớm tự hào về các thư viện của họ. Ở thành phố Philadelphia, người đàn ông mê đọc sách Benjamin Franklin đã tích lũy hơn 4,000 đầu sách cho thư viện cá nhân trong suốt cuộc đời của mình. Ông giúp thành lập thư viện có trả lệ phí đầu tiên ở Philadelphia, cũng như tận dụng sức ảnh hưởng của mình để xây dựng các thư viện đại học, y khoa và triết học.
Chỉ đến năm 1790, thư viện công đầu tiên mới được thành lập ở một thị trấn nhỏ thuộc tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ và đằng sau đó là cả một câu chuyện. Trước đó thư viện được gọi là Exeter, và rồi thị trấn đổi tên thành Franklin vào năm 1778, một số cư dân mà giờ đây tên của họ đã biến mất khỏi lịch sử, đã đề nghị ông Franklin đáng kính quyên góp một chiếc chuông cho gác chuông của thị trấn. Ông Franklin đã từ chối, nhưng thay vào đó ông đã tặng sách, đồng thời hồi đáp rằng “cần tri giác hơn âm thanh.” Người dân thị trấn gọi sách ông tặng là Bộ Sưu Tập Franklin, và sau năm 1790 bộ sách này được tham khảo miễn phí.
Vào thế kỷ thứ 19 và 20, các thư viện công trở nên phổ biến ở Hoa Kỳ, là những địa điểm đáng tự hào của nhiều thành phố và thị trấn, và cũng là một động lực phát triển của quốc gia. Nhiều khoản đóng góp đến từ các cá nhân, chính quyền địa phương, cũng như từ những người giàu có – ông Andrew Carnegie đã dùng một phần tài sản của mình để xây dựng 1,679 thư viện công, xây dựng các kho sách, từ đó đã nâng cao trình độ học vấn của hàng triệu người Mỹ.
Những kho báu từ Thời Đại Vàng Son
Trong khi đó, các nhà sưu tập tư nhân đã tạo ra ảnh hưởng của riêng họ lên các thư viện cũng như kiến trúc thư viện, đáng chú ý nhất là giai đoạn từ sau cuộc Nội Chiến, còn được gọi là Thời Đại Vàng Son (Gilded Age). Với số tiền khổng lồ sẵn có, những người mê sách giàu có nuông chiều bản thân bằng việc mua lại những tác phẩm quý hiếm hoặc sưu tập sách về những chủ đề mà họ ưa thích. Một số người trong số họ đã xây dựng các thư viện.
Điển hình như, vào đầu thế kỷ thứ 20, nhà tài phiệt Pierpont Morgan đã cho xây dựng một thư viện liền kề với Dinh thự Madison Avenue của mình ở thành phố New York để lưu giữ bộ sưu tập gồm các tác phẩm văn học, thư tịch cổ, bản vẽ cũng như các ấn phẩm ngày một tăng của mình. Kiến trúc sư Charles McKim đã thiết kế ba căn phòng tráng lệ giống như cung điện thời Phục Hưng. Sau khi cha của mình qua đời, ông J.P Morgan đã mở cửa thư viện cho các nhà nghiên cứu và công chúng “góp phần tạo nên một trong những món quà văn hóa quan trọng nhất của lịch sử Hoa Kỳ,” theo thông tin từ trang web của Thư viện & Bảo tàng Morgan. Những công trình bổ sung sau này gồm có một tòa kiến trúc đã hoàn thành vào năm 2006 và các không gian khác như giảng đường, nhà hàng, và phòng đọc sách cho khu phức hợp, đã giúp cho Thư viện & Bảo tàng Morgan trở thành một biểu tượng của Manhattan.
Những món quà từ Anh em nhà Vanderbilt
Một trong những kiến trúc sư Hoa Kỳ vĩ đại nhất thế kỷ thứ 19 là ông Richard Morris Hunt (1827–1895), người học tại trường mỹ thuật École des Beaux-Arts ở Paris, đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến các tòa thư viện trong suốt sự nghiệp của mình. Vào đầu những năm 1870, ông đã thiết kế thư viện cho một trong những người giàu có nhất ở New York là ông James Lenox. Thư viện Lenox là một trong những thư viện đầu tiên của thành phố mở cửa cho công chúng. Tòa nhà có mái vòm cuốn, nhiều phòng đọc sách cùng những thư tịch và tác phẩm nghệ thuật giá trị. Nơi này tồn tại đến năm 1912, cho đến khi một doanh nhân và nhà sưu tầm nghệ thuật là Henry Frick dỡ bỏ tòa nhà và xây dựng công trình ngày nay gọi là bảo tàng nghệ thuật The Frick Collection.
Hai trong số các thư viện của kiến trúc sư Hunt đã tồn tại vượt qua sự tàn phá của thời gian và là thánh địa của những người mộ sách trên toàn thế giới. Cũng giống như ông Morgan và Frick, nhà kinh doanh Cornelius Vanderbilt đã tích lũy được gia tài khổng lồ trong suốt cuộc đời mình. Một trong những cháu trai của ông là Cornelius Vanderbilt II, đã ủy thác kiến trúc sư Hunt thiết kế dinh thự The Breakers ở thành phố Newport, tiểu bang Rhode Island. Đó là một “căn nhà thôn quê” gồm 70 phòng mà ngày nay được hàng trăm ngàn du khách ghé thăm mỗi năm. Tương tự như vậy, người em trai của ông là George Vanderbilt cũng mời kiến trúc sư Hunt thảo ra các bản vẽ cho Ngôi nhà Biltmore ở thành phố Asheville, North Carolina. Đây là căn nhà riêng lớn nhất từng được xây dựng ở Mỹ quốc và một lần nữa là điểm thu hút rất nhiều du khách.
Cả ông Cornelius và George đều là những độc giả và nhà sưu tập sách lâu năm. Những thư viện xinh đẹp do kiến trúc sư Hunt thiết kế cho cả hai người đã chứng tỏ cho niềm đam mê này. Những căn phòng được trang trí theo phong cách nguy nga, trang hoàng lộng lẫy từ sàn đến trần, nhưng cũng đem đến sự gần gũi thân mật, mời gọi độc giả cầm lấy một cuốn sách và kéo ghế đến trước lò sưởi hoặc ngồi vào một trong những chiếc ghế chần bông rải rác quanh căn phòng. Cả hai thư viện đều thể hiện sự trân trọng của những người giàu có dành cho sách.
Đọc sách tại gia
Hầu hết những người đam mê sách chúng ta, mỗi khi ghé thăm các thư viện tư nhân tráng lệ này cũng như nhiều địa điểm khác tương tự, đều rời đi với nhiều cảm xúc đan xen: hạnh phúc khi thấy sách được trân trọng, choáng ngợp trước không gian bài trí sách và ấn phẩm quý báu này, và có lẽ còn xen lẫn một chút ghen tị nữa. Và rồi, chúng ta trở về ngôi nhà của mình, một căn nhà nhỏ bé đến nỗi sách của chúng ta chất đầy trên bàn hoặc quầy bếp, hay một ngôi nhà có những kệ sách nằm rải rác tùy hứng từ phòng này sang phòng khác. Chúng ta có thể buông tiếng thở dài khao khát, ước ao rằng nếu bản thân sở hữu một thư viện như ở Biltmore, thì chúng ta có thể tận hưởng mỗi phút giây rảnh rỗi trong căn phòng đó mà sẽ không bao giờ cảm thấy buồn chán.
Tuy nhiên theo một ý nghĩa quan trọng nào đó, bộ sưu tập sách của chúng ta là độc nhất vô nhị. Những quyển sách được xếp ngay ngắn trên giá hoặc nằm lặng lẽ trên sàn trong góc phòng ngủ chính là những tấm gương phản chiếu con người chúng ta. Tập thơ “The Best Loved Poems of the American People” (Những Bài Thơ Tình Hay Nhất Của Người Mỹ) có thể chẳng mấy ý nghĩa với những người bạn đến chơi, nhưng khi lật giở từng trang sách, ta sẽ nhớ đến mẹ đang đọc cho ta nghe thuở bé. Tiểu thuyết của nhà văn Mark Helprin là “A Soldier of the Great War” (Người Lính Của Đệ Nhất Thế Chiến) đã bồi đắp thêm sức mạnh quả cảm cho trái tim chúng ta trong lúc tuyệt vọng, để mỗi khi bước ngang qua góc nhỏ kia, chúng ta trân quý và khắc ghi trong tim lời khuyên trong sách. Vài cuốn trong bộ sách Golden Books mà ta đọc cho con cháu của mình đã được chính ông bà chúng ta kể lại từ hàng thập niên trước đó.
Trong cuốn “At Home With Books: How Booklovers Live With and Care for Their Libraries (Ở Nhà Cùng Sách: Những Người Yêu Sách Sống Và Chăm Sóc Thư Viện Của Họ Như Thế Nào)”- rất tiếc là hiện tại không còn xuất bản nữa – tác giả đã tạo nên một bữa tiệc thịnh soạn với vô vàn hình ảnh từ những căn chung cư và ngôi nhà vòng quanh nước Mỹ, là nơi sinh sống của những người yêu sách. Một trong số họ rất giàu có, một số khác là tầng lớp trung lưu. Trong phần giới thiệu chúng tôi đọc được như sau:
“Mọi người tiếp tục xây nhà cho sách bởi vì sách làm nên tổ ấm. Những căn phòng lấy sách làm trung tâm được miêu tả là nơi nuôi dưỡng, nơi thư thái thoải mái, là lối thoát, là chốn lui tới thưởng trà và trò chuyện, để suy ngẫm và để đọc, để hồi tưởng kỷ niệm, tái tạo tinh thần và ý tưởng.”
Bất kể thư viện của gia đình bạn như thế nào – bừa bộn và lộn xộn, hay ngăn nắp và trật tự, một căn phòng thoải mái rộng rãi với tấm thảm Ba Tư và một số tác phẩm mỹ thuật tinh xảo, hay là một chiếc ghế bành duy nhất giữa những hàng kệ và chồng sách – thì xin hãy lưu ý điều này:
Chỉ sách là có giá trị. Tất cả những thứ còn lại chỉ đơn giản là lớp kem tươi phủ lên món tráng miệng mà thôi.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và tiếng Latinh cho các buổi hội thảo dành cho học sinh học tại gia ở Asheville, North Carolina.