Những Địa Danh Mang Tên Rồng
Huyền Chi
Dẫu biết là huyền thoại, nhưng hầu như người Việt Nam nào cũng cảm thấy ấm lòng khi nghe nhắc đến dòng dõi Rồng Tiên của mình. Có lẽ sợi dây kết nối với cội nguồn vẫn ẩn sâu trong tâm thức nhiều người, và có thể đó là một nhu cầu thiêng liêng mà khoa học chưa thể chứng minh sự hiện hữu. Ông cha ta thuở xưa đi đến đâu cũng lấy chữ “Long” hoặc “Rồng” để đặt cho vùng đất mới, cho sông núi biển hồ, cho những nơi được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp nguyên sơ. Nếu kể ra hết cũng phải đến hàng trăm địa danh từ Bắc chí Nam. Có lẽ cũng là để nhắc hậu bối điều gì đó…
Núi Hàm Rồng (Sapa)
Tại nơi cực bắc nước ta, trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, vùng Sapa tỉnh Lào Cai có núi Hàm Rồng cảnh sắc độc đáo, khí hậu trong lành. Đứng trên đỉnh núi, du khách có thể ngắm toàn cảnh Sapa đồi núi chập chùng. Nhìn từ xa, núi Hàm Rồng có thể được nhận ra ngay với thế đầu Rồng ngẩng lên trời.
Vùng Hạ Long
Từ núi Hàm Rồng đi về hướng đông nam qua tỉnh Quảng Ninh là vùng vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, lại có hòn đảo tên Bạch Long Vỹ. Khu vực này gồm nhiều đảo đá vôi muôn hình muôn vẻ và nhiều hang động nổi tiếng thế giới.
Quần đảo Long Châu
Từ Đồ Sơn nhìn về phía nam của vịnh Bắc phần trong vịnh Lan Hạ có đảo Long Châu; trên đỉnh vẫn sừng sững ngọn hải đăng bằng đá được xây dựng năm 1894. Đến nay vẫn làm nhiệm vụ soi đường dẫn lối cho thuyền bè qua lại.
Thăng Long
Dù chỉ còn là hoài niệm, hầu như con dân Việt ai cũng dành cho địa danh kinh đô một thời này một tình cảm đặc biệt sâu sắc. Nằm trong vùng châu thổ sông Hồng, nơi đây gắn liền với truyền thuyết vua Lý Thái Tổ nằm mơ thấy Rồng bay lên trời từ vùng đất này – khi vua trên đường dời đô từ Hoa Lư về La Thành. Vua bèn đổi tên La Thành sang Thăng Long, cũng hàm ý “bĩ cực thái lai” sau khi thoát được ách đô hộ gần mười thế kỷ của phương Bắc.
Cầu Long Biên
Trước khi cầu Long Biên được xây dựng, cư dân hai bờ sông Hồng chỉ có thể dùng đò ngang vận chuyển hàng hóa qua lại, khá nguy hiểm trong mùa nước lũ. Năm 1898, công ty trúng thầu Daydé & Pillé khởi công xây dựng và gần bốn năm sau, vua Thành Thái cùng Toàn quyền Paul Doumer đã đến khánh thành. Đây là cây cầu thép lớn nhất Đông Dương thời đó, dài gần 2 km, rộng hơn 30 mét; được thiết kế với mục đích kết nối tuyến đường xe lửa từ cảng Hải Phòng với Lào Cai sang Vân Nam. Chính giữa lòng cầu là đường rầy xe lửa, hai bên có làn đường dành cho người đi bộ và xe kéo. Hai mươi năm sau, công ty này lại được mời xây dựng thêm hai làn đường ở hai bên cầu do xe cơ giới bắt đầu có nhiều. Đặc điểm của cây cầu này là luật lưu thông đi theo dòng bên trái.
Núi Long Đọi
Bên dòng sông Châu phụ lưu của sông Hồng, ở xã Đọi Sơn tỉnh Hà Nam, có cánh đồng bát ngàn nằm dưới chân núi Long Đọi. Cảnh thơ mộng này đã được thi sĩ Nguyễn Khuyến tả trong bài Vọng Đọi sơn như sau:
Vô đoan bình địa xuất danh sơn
Lâu các sâm si lạc nhật gian
Thập lý trường đình thanh vị liễu
Bán không phi điểu quyện tri hoàn.
(Đồng bằng mọc núi lạ lùng thay
Lầu gác lô nhô bóng xế tây
Mười dặm đường dài còn vẻ biếc
Lưng trời chim mỏi trở chiều bay.)
Đây cũng là nơi vua Lê Đại Hành đích thân cày cấy lần đầu tiên và được Đại Việt Sử Ký Toàn thư ghi lại trong quyển I phần Đại Hành Hoàng Đế. Hơn trăm năm sau (1054), vua Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan cho xây dựng một ngôi chùa trên đỉnh núi. Năm 1121, vua Lý Nhân Tông lại tiếp tục xây tháp Sùng Thiện Diên Linh.
Núi Long Môn
Trong Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi rằng: “Ở địa phận Đà Bắc, gần châu lị, đằng trước trông ra sông Đà, có núi Long Môn, tên nữa là núi Thác Bờ, đá núi chắn ngang nửa dòng sông, thế nước xoáy mạnh ầm ầm, trông rất dữ dội…” Theo truyền thuyết, sự tích “cá vượt vũ môn hóa rồng” bắt nguồn từ đây vì sông này có nhiều cá miệng đỏ thân màu xanh biếc, vốn là loài cá anh vũ duy nhất được cho là có thể hóa rồng.
Sông Hoàng Long
Là dòng sông nằm trước Mã Yên Sơn ở Ninh Bình. Từ trên đỉnh núi có thể ngắm toàn bộ cố đô Hoa Lư. Đây là nơi có lăng mộ vua Đinh với tấm bia “Đinh Tiên Hoàng đế chi lăng” được vua Minh Mệnh ban chỉ xây dựng năm 1840. Cùng năm đó vua Minh Mệnh còn ban chỉ xây dựng lăng vua Lê Đại Hành nằm gần chân núi.
Núi Rồng – Núi Hàm Rồng – Động Long Quang
Ở Thanh Hóa, hữu ngạn sông Mã có dãy núi Rồng (còn gọi là dãy Đông Phong) gồm nhiều ngọn. Mỗi ngọn có tên gọi tùy theo hình dáng như núi Long, núi Hổ, núi Ngọc, v.v. Ngọn cuối cùng trông giống đầu rồng nên được đặt tên núi Hàm Rồng. Dưới chân núi Rồng có động Long Quang. Sự tích núi Rồng đi đôi với sự tích sông Mã: rằng “rồng thiêng tạo ra núi, ngựa thần hóa thành sông”. Địa danh “Núi Rồng–sông Mã” trong lịch sử đã là thắng cảnh làm nao lòng bao thi sĩ; trên vách đá còn lưu lại bốn dòng thơ của vua Lê Thánh Tông.
Kim Long
Thừa Thiên Huế có vùng đất Kim Long. Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi rằng vào năm 1636 chúa Nguyễn Phúc Lan (tức chúa Thượng) đã dời thủ phủ Đàng Trong về Kim Long. Phong cảnh nơi đây không chỉ thơ mộng trữ tình mà còn được Đại Nam nhất thống chí xếp vào thế “thiên quan địa trục” – trước mặt nhìn ra sông Hương, bên trái là đồi Hà Khê (có chùa Thiên Mụ), bên phải là đồi Long Thọ. Trong địa phận Kim Long còn có dòng sông Kim Long và sông Bạch Yến, tạo ra thế “từ thủy triều quy” rất đắc lợi. Đến năm 1687, chúa Nguyễn Phúc Thái dời thủ phủ về Phú Xuân, nhưng Kim Long vẫn là vùng đất xanh mướt với nhiều nhà vườn rộng rãi, đình chùa, nhà tổ, v.v. Nơi đây còn lưu truyền huyền thoại mối tình của vua Thành Thái dành cho cô con gái út Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ.
“Kim Long gái đẹp mỹ miều
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi.”
Núi Long Đầu
Quảng Ngãi có ngọn Long Đầu nằm cuối dãy Long Sơn. Từ đỉnh núi Thiên Ấn nhìn xuống, dãy Long Sơn nhiều ngọn nhấp nhô uốn lượn từ huyện Bình Sơn băng qua đồng ruộng núi đồi, khi gần đến sông Trà Khúc thì ngọn núi đột nhiên vươn cao tựa như đầu rồng. Sông Trà là con sông lớn nhất Quảng Ngãi dài 150 km, chảy đến đây thì quanh co uốn khúc rồi ào ào xoáy cuộn nơi chân núi, giống như đầu rồng đang đùa giỡn với nước.
Trải qua bao năm tháng bị nước xói mòn, giờ đây nơi này chỉ còn cảnh đá rêu phong, không còn như thời cụ Nguyễn Cư Trinh ngâm vịnh:
Non sông đâu cũng có non sông
Có cảnh Long Ðầu hý thủy không ?
Ngó lại cây xanh năm rẻ rực
Phun ra nước chảy một dòng trong.
Long Hải
Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có thị trấn Long Hải thuộc huyện Long Điền. Thu hút du khách đến đây là vùng biển dài khoảng 3 km, được ví như con rồng biển nằm bên bãi cát vàng trong khung cảnh trời xanh nước trong, hoang sơ yên tĩnh. Phía sau bãi biển băng qua đèo nước ngọt là một rừng cây anh đào Nhật Bản nở rộ hoa mỗi khi Tết đến.
Núi Bửu Long
Ở thành phố Biên Hòa thuộc tỉnh Đồng Nai có khu thắng cảnh Bửu Long rộng gần 84 mẫu, nằm cao hơn mặt nước biển 100 mét. Thành phố Biên Hòa đã từng là một trong Nam Kỳ Lục tỉnh bị cắt nhượng cho Pháp hồi năm 1862. Địa giới khu này cũng trải qua nhiều lần chia rồi nhập với các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa, Thủ Dầu Một gần bên. Nằm bên tả ngạn sông Đồng Nai (còn gọi là sông Phước Long), Bửu Long rất thơ mộng – có hồ Long Ẩn với các vách đá dựng đứng; hồ Long Vân êm đềm; núi Long Ẩn đá xanh đan xen cùng cây cỏ. Từ chân núi leo lên 99 bậc thang là đến chùa Hang được xây cất từ đầu thế kỷ XX.
Cửu Long Giang
Cửu Long Giang là hạ lưu của Sông Mekong – con sông lớn thứ 12 trên thế giới và thứ ba châu Á, dài gần 5000 km, bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng chảy qua Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, và Việt Nam. Vào lãnh thổ Việt Nam, sông Mekong chia làm hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, và cả hai đều đem rất nhiều phù sa bồi đắp giúp cho đồng bằng châu thổ rộng lớn này trở thành vựa lúa của miền Nam. Sau khi chảy qua đoạn đường dài khoảng 220–250 km, hai con sông này đổ ra biển qua 9 cửa. Tên Cửu Long từ đó mà ra.