Những bài học tại bàn ăn
Vào sáng sớm, khi đang bước vào gian bếp, ánh mắt người con rể của chúng tôi bắt gặp một cảnh tượng dễ thương: Đứa cháu gái bé nhỏ của tôi đang chờ tại bàn ăn; bé vừa nói với cha, vừa cười hãnh diện: “Cha à, hôm nay con làm tặng cha một bữa tiệc.”
Con bé tự làm một bữa tiệc cho cha nó! Có cả hoa ở trên bàn; tại chỗ ngồi của mỗi người có một cái đĩa nho nhỏ, có cả khăn ăn, có bánh cookies hiệu Graham, và chén sốt táo. Cô bé đã chọn bàn ăn sáng để tỏ lòng hiếu thảo với cha mình trong bữa tiệc quy mô gia đình này. Ngay ở tuổi lên ba, cháu đã hiểu được rằng bàn ăn gia đình là nơi tổ chức những ngày kỷ niệm, để chúc mừng và để tận hưởng niềm vui cùng những thành viên khác. Nhưng làm sao mà cháu bé cảm nhận được điều đó?
Khi còn là sơ sinh, cháu thường ngủ trong lòng tôi tại bàn ăn trong khi cha mẹ bé, chúng tôi – ông bà của bé – cùng các thành viên khác thì quây quần chơi trò Yahtzee (một trò chơi đổ xí ngầu). Trong những năm tháng đầu đời, con bé luôn tìm cách chộp và giữ lấy chiếc cốc Yahtzee mỗi khi đến lượt tôi lắc. Tôi nghĩ rằng con bé đang hiểu đại khái là chúng tôi đang tuần tự rung một chiếc chuông thay vì đang lắc xí ngầu.
Tại bàn ăn, cháu bé đã chứng kiến chúng tôi, cả gia đình cùng ăn, cùng chơi, cùng trò chuyện, và cùng làm việc. Khi đủ lớn để có được ghế ngồi riêng – trên chiếc ghế cao dành cho trẻ em – và dù vẫn chưa biết nói, cháu bắt đầu nhận ra và làm theo quy tắc chung của gia đình: Khi một thành viên nói chuyện, những thành viên khác sẽ lắng nghe. Rồi cháu bé cũng sớm bập bẹ nói to như những thành viên khác, và cuối cùng học cách chờ tới phiên mình nói. Và thế là, những ký ức ngọt ngào sẽ chứa đầy trong tâm trí trẻ thơ của cháu.
Bà cố ngoại Nancy Campbell chia sẻ: “Khi hỏi những đứa con đã trưởng thành của tôi về điều khiến chúng nhớ nhất lúc sống ở nhà, tất cả chúng, không một chút do dự, đã trả lời rằng: “Đó là những kỷ niệm tại bàn ăn.” Bà là diễn giả về những chủ đề liên quan đến gia đình, đồng thời là nhà sáng lập của một tạp chí có 35 năm tuổi đời chuyên đưa ra những giải pháp dành cho gia đình. “Đối với những gia đình đang thực hành homeschooling – giáo dục trẻ tại nhà, những bữa cơm tối gia đình quây quần đem đến ảnh hưởng lớn lao và dài lâu nhất.”
Cùng sinh trưởng ở New Zealand, bà và chồng, ông Colin, đã làm việc tại Úc; tại đây cả hai ông bà bắt đầu xây dựng truyền thống gia đình của họ. Vì bữa ăn đến trực tiếp từ nông trại của gia đình, cách nhà Campbell chuẩn bị những bữa ăn tương tự như một trận đấu thể thao mang tính đồng đội. Một số “vận động viên” sẽ thu nhặt và rửa sạch rau củ; một số sẽ bày biện rau củ; và một số sẽ sửa soạn bàn ăn. Mỗi thành viên trong gia đình có vị trí cố định tại bàn; họ sẽ dành thời gian ăn uống và cùng phối hợp chuẩn bị bữa ăn, và sau đó cùng nhau dọn dẹp. Đầu thập niên 1990, gia đình này đã di cư đến Hoa Kỳ. Tại đây, họ vẫn thường xuyên tụ họp trong trang trại để cùng dùng bữa với thành viên từ nhiều thế hệ. Và đây là nơi mà tình cảm gia đình được thắt chặt.
The American College of Pediatrics báo cáo rằng thời gian ăn tối cùng gia đình đã giảm hơn 30% trong ba thập niên qua. Đây thực sự là một con số đáng báo động vì thời gian ăn cùng gia đình ảnh hưởng lớn lao đến quá trình phát triển và cảm giác hạnh phúc của con trẻ. Theo báo cáo, 40% trẻ em dùng bữa cùng gia đình từ 5 đến 7 lần mỗi tuần có kết quả học tập tốt hơn. Và số điểm A và B của chúng nhiều hơn trẻ em dùng bữa cùng gia đình từ 3 đến 4 lần mỗi tuần. Thêm vào đó, tỷ lệ lạm dụng chất kích thích thường thấp hơn trong những đứa trẻ thường dùng bữa với gia đình.
Bàn ăn gia đình là một phần quan trọng trong quá trình homeschooling – giáo dục tại gia. Rõ ràng, nơi đó không chỉ đơn thuần là ăn uống, mà còn là nơi giúp các em học được nhiều điều.
“Giáo dục thực sự không nhất thiết phải xoay quanh học vấn từ sách vở,” nhà cố vấn về homeschooling tại Tennessee, cô Holland Kinney, chia sẻ. “Quan trọng là niềm vui. Nếu chúng ta đang ăn món fish and chip [gồm cá và khoai tây chiên trứ danh xuất phát từ Anh quốc], chúng tôi nghe nhạc tiếng Anh hoặc tiếng Ailen; hoặc nếu chúng tôi đang ăn món ăn Ý, chúng tôi nghe nhạc Ý, v.v. Luôn có một ngọn nến trên bàn để tạo ra bầu không khí thơ mộng. Hãy tạo một danh sách phát nhạc cho bữa điểm tâm thứ bảy, gồm tất cả các bài hát ưa thích của cả gia đình. Còn bọn trẻ thì làm ra những trang trí phẩm tùy theo mùa trên chiếc bàn trẻ com của chúng, và vui thích làm những món trang trí lớn.
Khi tìm hiểu về Johnny Appleseed* và đọc tập truyện “Ngôi Nhà Nhỏ Trên Thảo Nguyên”, thì chúng nướng món táo – cloved apple – cũng như những món ăn lâu đời có thành phần là táo. “Điều này làm cho những câu chuyện trở nên vô cùng sinh động, đồng thời đem đến những món tráng miệng chất lượng cho gia đình,” Holland nhận xét.
Thường vào buổi chiều, những đứa trẻ trong gia đình Kinney được thưởng thức trà và thơ, lâu dần sẽ khiến các em ghi nhớ và ngâm nga những bài thơ đó. Và tình yêu với thơ ca sẽ theo những đứa nhóc lớn lên – những đứa sắp vào lớp một, có thể ngâm thơ trong một buổi trình diễn trước công chúng.
Gia đình Kinney cũng nhận thấy thời gian quây quần tại bàn ăn có lợi cho việc thưởng thức nghệ thuật. Các bức tranh nổi tiếng và tiểu sử về cuộc đời của các nghệ sĩ được giới thiệu hàng tuần. Một bản sao của tác phẩm được trưng bày và mỗi đứa trẻ tự vẽ lại tác phẩm bằng các chất liệu họa khác nhau. Việc này đưa đến một thành tựu đáng ngạc nhiên khác.
“Gần đây, chúng tôi cùng bọn nhóc rất thích thú khi cùng viết một quyển sách và vẽ tranh minh họa về Pops, ông của chúng, người ưa chạy đuổi và cù lét bọn nhỏ. Lũ nhóc lên ý tưởng về quyển sách, và người lớn thì đảm nhiệm việc sắp đặt.”
Bác sĩ tâm thần B. Todd Thatcher tại tiểu bang Utah cũng ủng hộ việc trẻ em có càng nhiều những bữa ăn quây quần cùng gia đình. “Những gia đình cùng nhau dùng cơm tối luôn có tỉ lệ khá thấp những điều tiêu cực xảy đến với các em. Đã đến lúc dành thời gian để quan tâm sự phát triển và sự hạnh phúc của con trẻ.”
“Con trẻ cần người lớn dẫn đường đưa lối. Chúng cần được dạy dỗ, được hướng dẫn, được yêu thương, và cần sự công nhận của người lớn.”
Một nghiên cứu của tập đoàn bảo hiểm sức khỏe Cigna được đăng trên Tạp chí Sức khỏe Hoa Kỳ chỉ ra rằng việc sử dụng mạng xã hội là nguy cơ lớn nhất dẫn đến sự cảm thấy cô đơn.
“Thời gian bên gia đình cải thiện sức khỏe tâm thần của trẻ nhỏ… giúp trẻ học tập tốt hơn … và làm giảm nguy cơ gặp các vấn đề về hành vi. Khi các em có thể thoải mái tâm sự về những vấn đề mà chúng đang vướng phải với người lớn, chúng sẽ giải quyết vấn đề tốt hơn, và sẽ ra những quyết định đúng đắn hơn.”
Emily Elliott, cựu giáo viên của Trường Công lập Kentucky hiện đang giáo dục con tại nhà, nói rằng cô lấy cảm hứng từ Sally Clarkson, một tác giả có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ.
Emily thảo luận về tầm ảnh hưởng của Sally Clarkson đối với gia đình cô. “Tôi luôn nghĩ rằng gian bếp là một trong những khu vực quan trọng trong gia đình. Tôi đã làm việc chăm chỉ để trau dồi khả năng sắp xếp nhà bếp một cách hiệu quả. Năm tháng trôi qua và những đứa trẻ ra đời như cây trái đến ngày kết quả ngọt, tôi phải xem xét những cách tiếp cận bàn ăn để có thể tạo nên một không gian và nguồn năng lượng tươi mới.”
Trong tác phẩm: The Life Giving Table” (Cuộc Sống từ Bàn Ăn) của Sally, cô viết, “Bàn ăn là phương tiện để đem đến những ảnh hưởng tinh thần, những lời chỉ dạy tuyệt vời, và sự kết nối đích thực giữa trái tim và tâm trí.”
“Những kế hoạch đã bước đầu dần được thực hiện, và tôi đã lên danh sách những hoạt động sẽ làm cùng con trong bữa ăn sáng và bữa ăn tối. Khởi đầu bằng việc dạy trẻ một bài thánh ca và cách cầu nguyện tại bữa ăn sáng; sau đó, chúng chơi trò pits and cherries [kể lại những điều vui buồn, cherries tương ứng những chuyện vui; pit là hố: tượng trưng cho những chuyện buồn] tại bàn ăn tối cùng cha. Khi con gái nhỏ 6 tuổi chia sẻ những chuyện buồn, chúng tôi sẽ xoa dịu nỗi buồn với những lời an ủi. Thế đấy, Sally Clarkson đã giúp tôi nắm bắt cơ hội ngay từ bàn ăn.”
“Khi tôi nghe đứa con trai ba tuổi của mình ngân nga bài hát My Hope is Built on Nothing Less, với đôi môi dính đầy đường nâu cùng bát yến mạch nóng hổi, tôi cảm thấy rằng thật đáng để thức dậy sớm nấu một bát yến mạch cho con trong lúc mắt nhắm mắt mở nhấp ngụm cà phê sáng.”
Vào thời điểm bữa tối của các gia đình Mỹ – nhờ việc đóng cửa vì đại dịch – lại xuất hiện sau sự xa cách mà công việc bận rộn đem lại, ý tưởng từ cô Sally Clarkson đã gióng lên một hồi chuông của sự thật: “Một trong những điểm mạnh nhất của bữa cơm gia đình đến từ nhận thức rằng: dù bạn làm gì, dù bạn va vấp ra sao, bạn luôn có một nơi để thuộc về, một nơi tâm hồn bạn được an ủi, một nơi mà bạn luôn được yêu thương và chào đón.”
Cô Evelyn Glover là cựu sinh viên ngành Báo chí của Đại học Boston, đã đi khắp thế giới trong 34 năm với người chồng từ thuở đại học. Họ đã cùng theo đuổi chương trình giáo dục tại gia cho hai người con.