‘Nhờ cầu nguyện, không phải chính trị’: Con đường trở thành Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ của ông Mike Johnson
Mark Tapscott
Nhiều người đã tỏ ra ngạc nhiên khi, trong bài diễn văn đầu tiên từ ghế chủ tịch, Chủ tịch Hạ viện vừa mới đắc cử Mike Johnson (Cộng Hòa–Louisiana) đã nói với các dân biểu Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện rằng Thượng Đế đã lựa chọn mỗi người trong số họ vì một mục đích chung.
“Tôi muốn nói với tất cả các đồng nghiệp của mình ở đây điều mà tôi đã nói với các dân biểu Đảng Cộng Hòa trong căn phòng đó tối hôm qua: Tôi không tin có bất kỳ sự ngẫu nhiên nào trong một vấn đề như thế này. Mà tôi tin rằng quyển thánh thư đó, Kinh Thánh, nói rất rõ ràng rằng Thượng Đế là Đấng lựa chọn những người có thẩm quyền. Ngài đã lựa chọn mỗi người trong số quý vị. Tất cả chúng ta. Và tôi tin rằng Thượng Đế đã cho phép và an bài cho mỗi người cũng như tất cả chúng ta có mặt ở đây vào thời điểm cụ thể này,” dân biểu Đảng Cộng Hòa đến từ Louisiana bày tỏ.
“Đây là niềm tin của tôi. Tôi tin rằng ngày nay mỗi người chúng ta đều có một bổn phận lớn lao là dùng những ân điển mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta để phục vụ những con người phi thường của quốc gia vĩ đại này, và họ xứng đáng được như vậy.”
Tuy nhiên, những ai biết ông Johnson, một tín đồ Baptist Nam phương theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống và sùng đạo, đều không ngạc nhiên trước việc ông nhắc đến những đoạn trong Kinh Thánh, chẳng hạn như Daniel 2:21 nói rằng Đấng Tạo Hóa dựng lập và phế bỏ các nhà lãnh đạo chính trị: “Ngài thay đổi thời gian và mùa tiết, truất phế và dựng lập các vì vua; Ngài ban trí tuệ cho người thông thái và kiến thức cho người hiểu biết.”
Ông Johnson, 51 tuổi, cùng vợ là bà Kelly, có bốn người con. Ông là một cựu dân biểu tiểu bang Louisiana và hiện đang phục vụ nhiệm kỳ thứ tư của mình tại Quốc hội Hoa Kỳ. Trước khi trở thành chủ tịch một cách ngoạn mục, ông Johnson từng là chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu của Đảng Cộng Hòa, cơ quan tự mô tả là “kho vũ khí trí tuệ của chủ nghĩa bảo tồn truyền thống tại Hạ viện”. Ngoài ra, hồi tháng 01/2021, trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông được bầu làm phó chủ tịch Hội nghị Đảng Cộng Hòa Hạ viện. Ông cũng là phó chủ tịch dưới thời Chủ tịch Hạ viện đương thời Kevin McCarthy (Cộng Hòa–California).
Trước khi bước vào chính trường, ông Johnson là thành viên đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân quản trị kinh doanh tại Đại học Tiểu bang Louisiana (LSU) vào năm 1995. Sau đó, ông lấy bằng luật tại Trung tâm Luật Paul M. Herbert của LSU năm 1998. Ông được bầu làm chủ tịch Hiệp hội Pháp lý Cơ Đốc Giáo tại LSU và sau đó trở thành luật sư thành công chuyên về tranh tụng luật Hiến Pháp.
Sau khi vị trí chủ tịch Hạ viện đã được định đoạt, ông Kelly Shackelford – chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, và là cố vấn trưởng của Viện Quyền tự do Trước tiên (FLI) có trụ sở ở Plano, Texas – đã nói về cựu luật sư tranh tụng tại FLI của mình rằng, “Ông Mike là một luật sư xuất sắc về Hiến Pháp và là người ủng hộ nhiệt tình cho quyền tự do tôn giáo.” Ông Johnson cũng đã có một khoảng thời gian làm cố vấn cao cấp cho Liên minh Bảo vệ Tự do, giống như FLI, là một công ty luật vì lợi ích công chuyên bảo vệ các quyền tự do tôn giáo theo Tu chính án thứ Nhất.
Người đàn ông ‘không hề rụt rè’
Khi được The Epoch Times hỏi liệu ông có ngạc nhiên khi ông Johnson đề cập đến vai trò của Thượng Đế trong việc lập nên các nhà lãnh đạo chính trị hay không, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Gia đình Tony Perkins cười và nói: “Không đâu – ông Mike là vậy đó. Ông ấy không hề rụt rè.”
Ông Perkins cho biết, chiến dịch giành chức chủ tịch của dân biểu Đảng Cộng Hòa Louisiana này là “nhờ cầu nguyện, chứ không phải chính trị.” Ông đã quen biết ông Johnson được 25 năm từ khi còn là một sinh viên, một đồng sự lập pháp của tiểu bang, và một người ủng hộ giá trị gia đình, ủng hộ sự sống.
Chắc chắn có điều gì đó kỳ diệu về sự xuất hiện đột ngột và bất ngờ của ông Johnson từ khung cảnh hỗn loạn và chia rẽ đang bao trùm Hội nghị Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện sau những thất bại liên tiếp của Lãnh đạo Đa số Steve Scalise (Cộng Hòa–Louisiana), Phó Chủ tịch Tom Emmer (Cộng Hòa–Minnesota), và Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan (Cộng Hòa–Ohio) khi họ cố gắng có đủ phiếu bầu của Đảng Cộng Hòa để trở thành Chủ tịch.
Ông Johnson phản đối việc truất phế cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa–California), rồi đứng cùng hàng ngũ những người ủng hộ trung thành với ông Scalise, ông Jordan, và ông Emmer. Trong một số bản tin, ông được nhắc đến như là một ứng cử viên ít người biết đến, tham gia cuộc họp Hội nghị Đảng Cộng Hòa hôm 23/10 với sự góp mặt của chín ứng cử viên. Lúc đó Dân biểu Byron Donalds (Cộng Hòa–Florida) đã tham gia hội nghị và dường như đã sẵn sàng bước vào vị trí chỉ huy.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin am hiểu về Quốc hội có mặt trong suốt cuộc họp này, chính sự chân thành của ông Johnson, cũng như những câu trả lời thực chất và hợp lý của ông trước những câu hỏi hóc búa mà Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đặt ra cho tất cả các ứng cử viên đã giúp ông giành chiến thắng.
Nguồn tin này nói với The Epoch Times rằng, “Trong khi rất nhiều dân biểu đang đưa ra toàn những câu hỏi công kích – những câu hỏi chính sách, rắc rối – thì ông ấy đưa ra những câu trả lời thực chất một cách đồng nhất so với những ứng cử viên khác, những người chủ yếu trả lời về tính cách hoặc nền tảng cá nhân của họ ngoài vai trò là nhà lập pháp.”
“Ông Johnson liên tục quay lại với câu ‘Đây là thành tích của tôi với tư cách là một nhà lập pháp; để tôi trình bày cho quý vị kế hoạch bảy điểm của tôi; hãy để tôi trình bày cho quý vị lịch trình mà tôi đề nghị nếu tôi trở thành chủ tịch,’ điều đó thực sự rất thuyết phục. Và suy cho cùng, ông Johnson thực sự không có bất kỳ kẻ thù nào, và điều đó một phần là do tính cách của ông ấy và một phần là do thời gian làm việc tại Quốc hội ngắn hơn.”
Nguồn tin này còn lưu ý thêm rằng “có lẽ một phần ba câu trả lời của ông ấy cho các câu hỏi đều liên quan đến việc tham khảo Kinh Thánh.”
Nhưng ông Johnson không phải là một người theo trào lưu chính thống chuyên đi giảng Kinh Thánh một cách khuôn sáo. Khi được hỏi đâu là chìa khóa dẫn đến chiến thắng của ông Johnson, một nguồn tin lâu năm khác của Quốc hội yêu cầu không nêu danh tính đã mô tả điều đó bằng những từ: “Không có kẻ thù.”
Ông Perkins đồng tình: “Ông ấy là một người tài giỏi, rất nhanh trí, đầy nhiệt huyết. Hôm nay quý vị đã thấy ông Mike Johnson cổ điển tại Hạ viện. Là một người hành động theo đạo đức, nhưng ông ấy có các mối quan hệ ở cả hai bên mà không bị chính sách hay chính trị chi phối. Ông ấy quan tâm đến mọi người. Mọi người trò chuyện với ông ấy, ông ấy cầu nguyện với các đồng sự của mình.”
Ngoài đức tin, ông Johnson còn là một người có tư tưởng bảo tồn truyền thống cổ điển giống như cựu Tổng thống Reagan với phong cách dân túy rõ rệt. Trên trang web chính thức của ông có liệt kê “Bảy nguyên tắc cốt lõi của chủ nghĩa bảo tồn truyền thống” của nghị sĩ này: tự do cá nhân, chính phủ có quyền hạn hạn chế, pháp quyền, hòa bình thông qua sức mạnh, trách nhiệm tài khóa, thị trường tự do, và nhân phẩm.
Về nguyên tắc cuối cùng, trang web viết: “Bởi vì tất cả mọi người đều được tạo ra bình đẳng và theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên mỗi sinh mạng đều có phẩm giá và giá trị vô giá, và mỗi người chỉ nên được đo lường bằng tính cách của họ. Một chính phủ công bằng sẽ bảo vệ sự sống, tôn trọng hôn nhân và gia đình như những thể chế cơ bản của một xã hội lành mạnh, đồng thời giữ gìn và khuyến khích những ảnh hưởng văn hóa quan trọng của tôn giáo và đạo đức.”
“Chính sách công cộng phải luôn khuyến khích giáo dục và xem trọng đức làm việc chăm chỉ như một con đường thoát khỏi nghèo khó, trong khi các chương trình trợ giúp công cộng chỉ nên dành riêng cho những người thực sự cần giúp đỡ. Ở Mỹ, tất cả những ai làm theo luật sẽ được hưởng lợi một cách công bằng. Bằng cách bảo tồn những lý tưởng này, chúng ta sẽ duy trì sự tốt đẹp của nước Mỹ vốn là bí quyết cho sự vĩ đại của chúng ta.”
Sự tin tưởng từ cựu chủ tịch
Cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich nói với The Epoch Times: “Khi bỏ phiếu, [ông Johnson] thường hay theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống. Ông ấy gần giống với ông Jordan, nhưng đồng thời, ông ấy là một người rất ôn hòa và dễ chịu; vì vậy ông ấy được nhiều người ôn hòa chấp nhận vì ở các địa hạt của họ, ông ấy không gửi đi một tín hiệu tự động tỏ ra là người có khuynh hướng bảo tồn truyền thống đến mức khiến họ khó được bầu lại.”
Ông Gingrich cũng bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng của vị tân chủ tịch trong việc lãnh đạo khối đa số có chênh lệch sít sao với 221 thành viên của Đảng Cộng Hòa, so với 212 thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện.
“Đồng thời, trong số những người theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống, phần lớn đều đồng thuận rằng ông ấy rất đáng tin cậy, rất thông minh, và bản thân ông ấy có tư tưởng bảo tồn truyền thống sâu sắc. … Ông ấy đã thể hiện khả năng trỗi dậy một cách điềm tĩnh và lặng lẽ trong chính thể này mà không để lại bất kỳ vết nhơ nào cũng như không tạo ra bất kỳ kẻ thù nào,” ông Gingrich nói.
Thành viên Đảng Cộng Hòa Georgia này cho biết ông tin tưởng vị tân chủ tịch sẽ thực hiện các cải tổ về thủ tục của Hạ viện do các thành viên nhóm Freedom Caucus tại Hạ viện yêu cầu mà ông McCarthy chỉ thực hiện một phần, trong đó đặc biệt là việc khôi phục “trình tự thông thường” trong cách Hạ viện quản lý công việc hàng ngày.
“Thật hữu ích khi có ai đó không phải băn khoăn về việc phân quyền, và mức độ thẳng thắn mà người đó nói về vấn đề này, bởi vì việc phân quyền đặt gánh nặng lên các chủ tịch ủy ban thay vì Chủ tịch Hạ viện,” ông Gingrich nói. “Vì vậy, ông ấy có thể nói với mọi người, ‘Hãy đi nói chuyện với chủ tịch của các vị, tôi rất muốn giúp các vị, và nếu các vị có thể thuyết phục được chủ tịch, thì tôi sẽ sẵn lòng giúp các vị.’ Điều đó giúp giải tỏa bớt gánh nặng và lo âu cho ông ấy.”
Dù vậy, con đường phía trước của vị tân chủ tịch này sẽ không hề dễ dàng. Mệnh lệnh đầu tiên của ông sau khi đắc cử là bảo đảm thông qua một nghị quyết lưỡng đảng viện trợ Israel khi nước này đáp trả cuộc tấn công man rợ hôm 07/10 từ Gaza của nhóm khủng bố Hamas khiến hơn 1,400 những người đàn ông, phụ nữ, và trẻ em, trong đó có ít nhất 30 người Mỹ, thiệt mạng. Những kẻ khủng bố này cũng bắt giữ hơn 220 con tin.
Ngoài ra còn có câu hỏi là phải làm gì với yêu cầu “bổ sung khẩn cấp” của Tổng thống Joe Biden về khoản viện trợ quân sự 105 tỷ USD chủ yếu là cho Ukraine, Israel, và các đồng minh khác của Hoa Kỳ trên khắp thế giới. Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện sẽ cố gắng tách 14 tỷ USD dành cho Israel ra thành một cuộc bỏ phiếu riêng, và có thể sẽ xảy ra những tranh cãi lớn về việc nên cung cấp những gì và bao nhiêu cho Ukraine, quốc gia đang sa lầy trong năm thứ hai nhằm đẩy lùi cuộc xâm lược tàn khốc và tang thương của Nga.
Nhưng thách thức lớn nhất trước mắt mà ông Johnson phải đối mặt là làm sao để cho 8 dự luật phân bổ ngân sách lớn còn lại được thông qua, sau đó sẽ giải quyết những bất đồng ở ủy ban hội nghị với Thượng viện do Đảng Dân Chủ lãnh đạo, để cố gắng có được dự luật thỏa hiệp đưa tới bàn làm việc của Tổng thống Biden trước ngày 17/11.
Đó là ngày mà ngân sách của chính phủ cạn kiệt theo nghị quyết chi tiêu tạm thời được thông qua hôm 30/09 do ông McCarthy bảo trợ. Cũng vì điều này mà ông McCarthy đã bị mất chức. Một trong những dự luật chi tiêu nổi bật là Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng đồ sộ trị giá 886 tỷ USD, đã được Hạ viện thông qua hồi đầu năm nay nhưng vẫn yêu cầu phải có một cuộc họp ở Thượng viện.
Ngoài ra còn có một dự luật nông trang trị giá 100 tỷ USD cần thiết để tái tài trợ cho nhiều chương trình, trong đó có Chương trình Trợ giúp Dinh dưỡng Bổ sung, hoặc phiếu thực phẩm, cùng nhiều khoản trợ cấp cho trang trại để mua cây trồng và thiết bị.
“Sớm hay muộn, thì về một số điều trong những vấn đề này, sẽ có sự thỏa hiệp. Ông ấy sẽ không thể có được [sự ủng hộ của] tất cả 221 thành viên Đảng Cộng Hòa, rốt cuộc họ sẽ phải cần một số thành viên Đảng Dân Chủ ủng hộ họ,” ông Gingrich nói. “Khi đó câu hỏi đặt ra sẽ là liệu mọi người có nói, ‘Đúng vậy, đó là một tiến trình hợp lý và đó là kết quả tốt nhất mà chúng tôi có thể đạt được vào thời điểm hiện tại,’ hay họ sẽ nói, ‘Ông ấy đang bán đứng chúng tôi giống như những người khác.’ Đó sẽ là thời điểm quan trọng để xác định vai trò chủ tịch của ông ấy.”
Việc có một vị chủ tịch, nguyên khởi đầu không có kẻ thù, có thể cho thấy là kết quả khả dĩ nhất cho cuộc khủng hoảng ở Hạ viện vốn bắt đầu diễn ra một vài tuần trước đây.