Nhiếp ảnh gia phong cảnh Erin Babnik: Sáng tạo thay vì chỉ ghi lại hình ảnh
DEENA C. BOUKNIGHT
Nhà văn Henry David Thoreau đã nói: “Chúng ta quá bé nhỏ trước thiên nhiên,” và nhiếp ảnh gia phong cảnh Erin Babnik đã biểu đạt khái niệm đó thông qua những bức ảnh đầy công phu của cô.
Sinh sống tại California, nhưng cô Babnik và chiếc máy ảnh của mình đã chu du khắp Hoa Kỳ và thế giới với ước mong ghi lại mọi khoảnh khắc và từng chi tiết của thiên nhiên thông qua nhiếp ảnh.
Trên thực tế, những bức ảnh phong cảnh của cô Babnik đặc sắc ở chỗ tạo ra được cảm xúc cho người xem. Một trong những tác phẩm của cô có tựa đề “Feelings” (Cảm nhận). Chúng ta chắc hẳn có thể “cảm nhận” được cái nóng khô khốc trong bức ảnh chụp cận cảnh mặt đất khô cằn, nứt nẻ.
Một trong những pha hình ấn tượng khác trên trang web cá nhân của cô là tác phẩm “Chuyển động” – nước tràn qua những con thác khổng lồ của một khu rừng và đổ về phía người xem một dòng thác mờ ảo.
Mặc dù cô Babnik không thể xác định chính xác bức ảnh nào được yêu thích nhất, nhưng cô thừa nhận rằng mình chưa bao giờ cạn nguồn ý tưởng khi chụp “cảnh núi non hòa mình trong bầu khí quyển. Có điều gì đó về sương mù và những đám mây thấp quyện vào những đỉnh núi cheo leo khiến tôi thật hạnh phúc khi đứng sau camera,” cô bộc bạch qua điện thoại.
Học để trở thành nghệ sĩ mỹ thuật
Cô Babnik tiếp cận nhiếp ảnh từ góc nhìn của một nghệ sĩ. Cô có bằng tiến sĩ về lịch sử nghệ thuật tại Đại học California ở Berkeley, nhưng niềm đam mê nhiếp ảnh của cô bắt nguồn từ mong muốn chụp lại những tàn tích các địa điểm khảo cổ và tác phẩm nghệ thuật trong viện bảo tàng để giảng dạy và nghiên cứu.
Trong lúc mày mò nhiếp ảnh khi còn là sinh viên ở đại học nghệ thuật, cô đã say mê nhiếp ảnh khi chụp mặt trăng trong khoảng thời gian hoàn thành bằng tiến sĩ. Sau đó, cô Babnik đã chuyển sang chụp ảnh phong cảnh và thiên nhiên hoang dã.
Ban đầu cô vẫn chưa hiểu rõ mối liên hệ giữa nhiếp ảnh và sáng tạo nghệ thuật.
“Lần đầu tiên tôi thử nghiệm chức năng phơi sáng lâu, tôi đã có một khoảnh khắc thật sự phấn khích và hiểu rằng nhiếp ảnh có thể là để tạo ra một hình ảnh hơn là ‘chụp lại’ một số cảnh thực tế khách quan. Bỗng nhiên, tôi nhìn thấy tiềm năng của những bức ảnh, đó không chỉ là những hình ảnh dư thừa, những bản lưu trữ không hoàn hảo hoặc những món quà lưu niệm rẻ tiền. Một khi tôi nhận ra rằng máy ảnh là một phương tiện nghệ thuật, tôi không muốn gì hơn ngoài việc tận tâm thể hiện sự sáng tạo.”
Và rồi cô đã có thể biến thiên hướng nghệ thuật và niềm đam mê nhiếp ảnh của mình thành một công việc toàn thời gian. Cô hiện nay là nhiếp ảnh gia của Canon Explorer of Light, một chương trình dành cho các nghệ sĩ sáng tạo xuất sắc.
Được truyền cảm hứng từ nghệ thuật truyền thống
Cô Babnik thường xuyên được truyền cảm hứng từ nền tảng lịch sử nghệ thuật mà cô đã được học. Cô nói,
“Lịch sử nghệ thuật đã giúp tôi khuynh hướng diễn giải, khiến tôi quan sát được những tình tiết và ý nghĩa trong bối cảnh mà tôi chụp, và khuynh hướng đó liên tục giúp tôi đưa ra mọi quyết định từ bố cục đến công việc hậu kỳ.”
Thật vậy, mục “Yêu thích cá nhân”trên trang web của cô kể một câu chuyện: Một thiên đường mùa đông dường như được phủ nhiều lớp với dòng suối trong veo ở tiền cảnh, xung quanh bao bọc bởi những cây linh sam cao chót vót đầy tuyết trắng và phía xa xa là những đỉnh núi cheo leo, trắng xóa. Ngoài ra, còn có những dây leo nở hoa màu tử đinh hương đâm chồi trong một sa mạc lộng gió.
Ngoài các yếu tố ẩn dụ và tường thuật ảnh hưởng đến cô, chủ đề bài luận của cô là điêu khắc theo phong cách Hy Lạp, do đó cô có xu hướng “xem cây cối, núi rừng hoặc hoa cỏ như một số loại tác phẩm điêu khắc trừu tượng đối thoại với môi trường xung quanh chúng.”
Sự tò mò, tự tin và cảm quan nhạy bén của cô Babnik đều góp phần vào khả năng tạo ra những bức ảnh ấn tượng của cô. Và cô sẵn sàng khám phá cũng như dành thời gian để hoàn thiện một cách chỉnh chu nhất.
“Tôi… say mê sự tinh xảo; điều này đôi khi chống lại tôi bằng cách hạn chế năng suất làm việc, nhưng sai lầm về chất lượng thay vì số lượng chắc chắn đã giúp tôi gặt hái được nhiều lợi ích hơn là thiệt hại trong nhiều năm.”
Những thách thức và điều thú vị từ thiên nhiên
Cô Babnik tin rằng dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên đem lại lợi ích về mọi mặt, cả về thể chất và tinh thần. Những điều này đem đến cho cô “mức độ trong sáng trong cảm xúc và tinh thần, là điều khó có thể đạt được bằng bất kỳ hình thức nào khác.”
Trong sự kết hợp đó, nhiếp ảnh “đem lại sự tập trung cao nhất và niềm vui thích cho tôi.” Cô nhận thấy rằng càng đối diện với sự vĩ đại và hùng vĩ, thì tâm hồn càng cảm thấy tự do.
Bởi vì cô thích chụp ảnh các địa điểm hoang vu, đôi khi thường phải bỏ nhiều công sức. Để đến được địa điểm đó, đôi khi cô phải khi phải đi bộ nhiều cây số đường dài hoặc sử dụng ván trượt hay giày trượt tuyết.
“Tôi thường xuyên phải leo dốc với hành lý nặng trong nhiều ngày, đi giày trượt tuyết trong bóng tối hoặc chịu đựng những đoạn đường dường như vô tận và gồ ghề.” Trong một lần ở miền Tây Nam nước Mỹ, tôi đã hoàn thành chặng hành trình 10 dặm trong làn nước lạnh buốt ở con sông trong thung lũng chỉ để chụp cảnh bùn khô trải dài vài mét, men theo tường của hẻm núi.”
Những địa điểm độc nhất vô nhị này có thể đem lại những thách thức khác biệt. Trên thực tế, một cuộc giải cứu không định trước trong chuyến đi chụp ảnh ở núi Dolomites thuộc dãy Alps, nước Ý đã giúp cô nhận được bằng khen là Người giải cứu đầu tiên nơi hoang dã.
Cô kể lại rằng những tiếng kêu cứu khiến cô phải chạy đến; cô nhìn thấy “hai bóng người ở đằng xa đang khập khiễng băng qua khe vực trên núi.”
“Khi tiến đến, rõ ràng một người trong đó đã bị thương nặng, với nhiều vết rách sâu và hai chân bị gãy. Vì trời tối lại mưa bão, lúc đầu không có ai xung quanh nên tôi đã cố gắng cứu chữa cho họ. Khi đó, tôi chưa được đào tạo y tế nên tôi thực sự lo lắng.”
Sau đó, cô xác định rằng mình cần phải “chuẩn bị cả về thực tiễn lẫn tinh thần” trong trường hợp có bất kỳ điều gì xảy ra với cô, bất kỳ ai đi cùng cô hoặc người nào mà cô có thể gặp, khi ở ngoài vùng phủ sóng hoặc dịch vụ y tế khẩn cấp.
Tác động tích cực đến thế giới
Nhiếp ảnh gia Babnik đã vận dụng tài năng giảng dạy học thuật của mình để cung cấp các lớp học nhiếp ảnh chuyên sâu trên khắp thế giới. Với văn phòng ở cả Slovenia và California, cô dành nhiều thời gian để dạy lý thuyết nhiếp ảnh cũng như thực hành.
Việc giảng dạy là công việc rất xứng đáng vì cô hy vọng truyền cảm hứng cho học sinh khám phá ra niềm vui thích của bản thân trong công việc.
“Nghe có vẻ to tát, nhưng tôi cảm nhận được rất nhiều điều, rằng tôi đang tác động tích cực đến thế giới này. Thật hữu ích khi giúp đỡ người khác phát huy hết khả năng sáng tạo tốt nhất của họ, không chỉ vì họ tạo ra những hình ảnh đẹp đẽ mà còn vì họ thể hiện ra sự say mê và cảm hứng với mỗi khám phá hoặc bước đột phá nhỏ.”
Trong một cuộc phỏng vấn với tư cách là Nhiếp ảnh gia của năm 2019 trong chương trình CaptureLandscape, cô Babnik giải thích rằng thời gian cô dành cho lĩnh vực này rất cần thiết cho công việc giảng dạy. Bên cạnh giảng bài theo phong cách truyền thống, soạn bài giảng bằng PowerPoint, cô thường xuyên dẫn các sinh viên hội thảo đến thăm khu vực hoang dã hẻo lánh và dạy về “phong cách phiêu lưu”. Đi bộ đường dài, thuê lều hoặc chòi, lắp đặt thiết bị trước khi mặt trời ló dạng, và thậm chí quan sát thời tiết mưa bão có thể là một phần của bài giảng.
Cô cũng nhận ra rằng việc đưa sinh viên đến những nơi hoang dã nào đó, có thể là lần đầu tiên trong đời của họ, giúp nâng cao sự quan tâm đối với các hoạt động ngoài trời. Dành nhiều thời gian hòa mình vào thiên nhiên chắc chắn đã có tác động lớn đối với cô.