Nhật Bản trở thành vùng đất lành mới cho giới tinh anh trí thức Trung Quốc
Jon Sun
Do môi trường xã hội ngày càng gò bó dưới sự cai trị của Trung Cộng, nhiều người thuộc tầng lớp trí thức tinh anh tìm cách đào thoát khỏi Trung Quốc, đến Nhật Bản tìm nơi nương náu.
Trung Cộng, dưới sự cai trị của ông Tập Cận Bình, hầu như không có chỗ cho tự do tư tưởng. Giới tinh anh trí thức của Trung Quốc – bao gồm các học giả, luật sư nhân quyền, ký giả, nhà làm phim tài liệu, nhà xuất bản, và nghệ sĩ – đã rời Trung Quốc và đổ xô sang Nhật Bản. Ở đó, họ có thể thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động khác nhau, bị cấm đoán dưới sự cai trị của Trung Cộng, chẳng hạn như các buổi diễn thuyết, mở hiệu sách, hay đối thoại về quyền tự do.
Ông Hayato Sato – một nhà bình luận Nhật Bản am tường về [vấn đề] Trung Quốc – nói với The Epoch Times: “Lãnh đạo Trung Cộng đang đi ngược trở về thời đại Mao, và ông ta chỉ quan tâm đến quyền cai trị của [đảng] cộng sản, nghĩa là ông ta muốn nắm giữ quyền lực. Nhưng xét cho cùng, Trung Quốc đã trải qua hơn 40 năm ‘cải cách và mở cửa’, giờ lại muốn đi thụt lùi, giới tinh anh trí thức làm sao có thể chấp nhận được. Vì vậy, giới tinh anh – những người không thấy bất kỳ hy vọng nào [dưới sự cai trị của Trung Cộng] – bắt đầu rời đi.”
Bị kiểm duyệt ở Trung Quốc
Tokyo hiện là nơi tập trung giới tinh anh trí thức Trung Quốc đông đảo nhất. Trong số đó có sử gia Tần Huy (Qin Hui). Sau khi ngừng giảng dạy ở Đại học Thanh Hoa Trung Quốc hồi tháng 08/2018, ông chuyển sang làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Trung văn Hồng Kông. Hiện nay, ông là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Tokyo, tổ chức nhiều hoạt động học thuật và giảng dạy khác nhau.
Trong một buổi diễn giảng tại Đại học Kobe, ban tổ chức đã giới thiệu ông là “nhà sử học nổi tiếng nhất Trung Quốc” và là “một tiếng nói tích cực trong tầng lớp trí thức ủng hộ dân chủ” có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Trung Quốc. Nhiều học giả và nhà văn danh tiếng của Trung Quốc đã tham dự buổi thuyết trình này.
Ông Tần đã có nhiều đóng góp về mặt học thuật, chẳng hạn như “Định luật Hoàng Tông Hy” của ông, đã thu hút sự chú ý của Thủ tướng Ôn Gia Bảo và dẫn đến quyết định bãi bỏ thuế nông nghiệp của Trung Quốc vào năm 2006.
Ông từng nói: “[Nếu] quý vị ủng hộ một chính phủ vừa có trách nhiệm lớn vừa có quyền lực lớn, thì tôi [sẽ] ủng hộ một chính phủ vừa có trách nhiệm nhỏ vừa có quyền lực nhỏ. Chúng tôi muốn một chính phủ bị ràng buộc với quyền hạn và trách nhiệm tương xứng với nhau, chúng tôi không thể chấp nhận một chính phủ có nhiều quyền lực đến mức không thể kiểm soát mà chỉ chịu trách nhiệm ít đến mức không thể nào quy trách nhiệm cho họ được.”
Năm 2015, ông Tần xuất bản quyển “Rời Khỏi Chế Độ Đế Quốc”, gây ra phản ứng mạnh mẽ ở Trung Quốc. Cuốn sách này đã sớm bị Trung Cộng kiểm duyệt sau khi xuất bản và bị rút khỏi các hiệu sách cũng như trên mạng vì cuốn sách này được cho là có nội dung chỉ trích bóng gió lãnh đạo Trung Cộng.
Một nhà văn Trung Quốc khác tinh thông lịch sử hiện đại là ông Phó Quốc Dũng (Fu Guochong) cũng đang sinh sống tại Nhật Bản.
Hôm 10/10/2011, ông Phó đã xuất bản một bài báo về sự sụp đổ của triều đại nhà Thanh ở Trung Quốc và sự thành lập nền cộng hòa vào năm 1911. Bài báo của ông đã thu hút được sự chú ý đáng kể vì nhiều người xem bình luận của ông như những lời chỉ trích khôn khéo nhắm vào giới lãnh đạo Trung Cộng.
Hiện tại, ông đang tổ chức một loạt bài diễn thuyết ở Tokyo với nhan đề “Tái tạo lại Trung Quốc ở Tokyo” – đề cập đến các nhà tư tưởng cận đại của Trung Quốc, những người đã đến Nhật Bản vào cuối triều đại nhà Thanh. Ở Tokyo, giới tinh anh văn hóa và trí thức Trung Quốc thường tổ chức các cuộc thảo luận và diễn đàn như vậy về các chủ đề rất nhanh bị kiểm duyệt ở Trung Quốc.
Vào tháng 11/2022, khi “Phong trào Giấy Trắng” – các cuộc biểu tình phản đối các biện pháp phong tỏa hà khắc của Trung Cộng – nổ ra ở nhiều nơi ở Trung Quốc, hàng trăm Hoa kiều xa xứ đã tập trung tại Tokyo để biểu tình phản đối Trung Cộng. Đây là một cuộc biểu tình công khai hiếm hoi của Hoa kiều tại Nhật Bản, cho thấy sự thay đổi quan điểm trong cộng đồng người Hoa ở ngoại quốc.
Tự do tư tưởng và tự do đối thoại
Trong những năm gần đây, một số hiệu sách Trung Quốc đã được mở tại Tokyo. Trong số đó, “One Way Street Tokyo” (Hiệu sách Đường Một Chiều Tokyo) khai trương hồi tháng 08/2023 tại quận Ginza thượng lưu của Tokyo đã khiến nhiều người thuộc tầng lớp trí thức Trung Quốc cảm thấy phấn chấn bởi vì đó là dấu hiệu cho thấy nơi đây đã trở thành một thành trì mới của tự do tư tưởng và tự do đối thoại.
Hiệu sách “Đường Một Chiều” được thành lập tại Bắc Kinh hồi năm 2006 bởi nhà văn Trung Quốc Hứa Tri Viễn (Xu Zhiyuan) và những người khác. Ngoài việc bán sách, hiệu sách còn tổ chức các buổi hội thảo, cũng như thảo luận về các vấn đề văn hóa, xã hội.
Ông Hứa cho rằng kể từ năm 2000, giới trí thức Trung Quốc đã mất đi sức ảnh hưởng. Trong thập niên vừa qua, Trung Cộng đã kiểm soát ngôn luận chặt chẽ hơn, và không gian cho tự do ngôn luận đang nhanh chóng bị thu hẹp. Chất lượng của các trường đại học Trung Quốc sa sút do sự cứng nhắc của hệ thống giáo dục, và các cuộc thảo luận nghiêm túc về các vấn đề xã hội đã bị loại bỏ dần trong giới học thuật Trung Quốc. Vì vậy, các hiệu sách độc lập ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với giới trí thức.
Một nhà làm phim tài liệu trẻ chuyển từ Bắc Kinh đến Tokyo vào năm 2023 tiết lộ ngành công nghiệp phim tài liệu ở Trung Quốc ngày càng khắt khe hơn kể từ khi ông Tập lên nắm quyền. Đến năm 2020 tất cả các liên hoan phim tài liệu đều bị hủy bỏ. Vì vậy, ông đã mất hết hy vọng vào tương lai của Trung Quốc và quyết định chuyển đến Nhật Bản để bảo vệ những bộ phim mà ông đã sản xuất tại Trung Quốc.
Nhà văn danh tiếng Trung Quốc Giả Gia (Jia Jia) cũng chuyển đến Nhật Bản sống trong thời kỳ diễn ra đại dịch COVID-19. Ông đã không xuất hiện trước công chúng một thời gian sau khi kêu gọi lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình từ chức.
Luật sư nhân quyền nổi tiếng người Trung Quốc Lý Kim Tinh (Li Jinxing) hiện cũng đang cư trú tại Tokyo. Hồi tháng 11/2016, ông bị tước giấy phép hành nghề ở Trung Quốc vì đại diện cho ông Quách Phi Hùng (Gui Feixiong), một luật sư nhân quyền khác bị Trung Cộng đàn áp. Ông Lý nói trên X rằng Nhật Bản là một quốc gia tự do có pháp quyền.
Nhận thức rõ bản chất của Trung Cộng
Trung Quốc và Nhật Bản thường xuyên tiếp xúc qua lại trong suốt lịch sử. Trước cuộc Duy tân Minh Trị năm 1868, đa số người Nhật đến Trung Quốc để học văn hóa Trung Quốc, nhưng sau thời kỳ Minh Trị Duy tân, nhiều người trong giới tinh hoa Trung Quốc đã đến Nhật Bản để học văn hóa Nhật Bản và phương Tây. Minh Trị Duy tân là thời kỳ Tây phương hóa và hiện đại hóa ở Nhật Bản.
Cuối triều Thanh của Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhiều nhà tư tưởng và học giả Trung Quốc đã đến Nhật Bản để nghiên cứu văn hóa và tư tưởng của phương Tây. Tôn Trung Sơn và những người khác đã thành lập “Trung Quốc Đồng Minh Hội” ở Tokyo, nhằm lật đổ nhà Thanh và thành lập một nước cộng hòa Trung Quốc mới.
Ông Sato nhận xét: “Những người từng bị cầm tù sẽ trở thành những người ủng hộ tự do khi họ chuyển đến sống trong một môi trường tự do. Tuy nhiên, nếu những người này không có hiểu biết và suy ngẫm sâu sắc về Trung Cộng, thì điều đó sẽ không có ý nghĩa gì nhiều trong tương lai. Họ không thể phản đối Trung Cộng khi chỉ bò quanh trong cái khung tư tưởng của Trung Cộng. Giới tinh anh trí thức [của Trung Quốc] là lực lượng nòng cốt trong xã hội của họ, và hành vi của họ đương nhiên sẽ giáng một đòn mạnh mẽ vào Trung Cộng.”
“Tôi đã đọc ‘Chín Bài Bình luận về Đảng Cộng sản’,” ông nói thêm, “và tôi biết một chút về lịch sử của Đảng Cộng sản. Tôi hy vọng họ sẽ đọc Chín Bài Bình luận này. Giờ đây, giới tinh anh trí thức Trung Quốc đã đến Nhật Bản, họ nên tìm hiểu nhiều hơn nữa về một xã hội tự do và rũ bỏ văn hóa đảng. Tôi nghĩ đây là điều quan trọng nhất. Nếu không, [họ] sẽ không giúp ích được gì cho Trung Quốc trong tương lai.”