Nhật Bản: thay đổi chính sách hạt nhân, sẽ khởi động lại nhiều lò phản ứng hơn
KATABELLA ROBERTS
Thủ tướng Fumio Kishida cho biết Nhật Bản đang tìm cách khởi động lại một số lò phản ứng hạt nhân không hoạt động và sẽ phát triển các nhà máy mới sử dụng công nghệ thế hệ tiếp theo khi nước này chống chọi với cuộc khủng hoảng năng lượng.
Hành động này đánh dấu sự đảo ngược hẳn chính sách của Nhật Bản về năng lượng hạt nhân một thập niên sau thảm họa Fukushima.
Nhật Bản chỉ cho phép 10 trong số 33 lò phản ứng hạt nhân có thể hoạt động được khởi động lại sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 – do một trận động đất 9.0 độ richter và sóng thần gây ra. Sự kiện này khiến niềm tin của công chúng vào năng lượng hạt nhân giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Tuy nhiên, giá năng lượng tăng và một mùa hè nóng nực, cùng với việc Nga xâm lược Ukraine, đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu điện, khiến chính phủ phải tìm đến hạt nhân làm các giải pháp thay thế. Trong khi đó, ý kiến công chúng về các lò phản ứng hạt nhân đã thay đổi do giá nhiên liệu tăng.
Ông Kishida cho biết tại một cuộc họp của chính phủ về “chuyển đổi xanh” hôm 24/08 rằng ông đã chỉ thị các quan chức đưa ra những biện pháp cụ thể để thay đổi chính sách vào cuối năm nay, bao gồm “thu hút sự hiểu biết của công chúng” về năng lượng bền vững và năng lượng hạt nhân.
Nhật Bản đã cam kết đạt được mức độ trung tính carbon vào năm 2050.
Nước này đã nhập cảng một lượng lớn khí đốt tự nhiên và than đá để cung ứng nhu cầu năng lượng của mình trong những năm gần đây.
Ông Kishida cũng cho biết chính phủ của ông đặt mục tiêu khởi động lại bảy lò phản ứng khác vào mùa hè năm sau, và sẽ tìm cách nâng cao tuổi thọ tối đa hiện nay là 60 năm của các lò phản ứng; ban đầu chỉ có 40 năm.
Ông kêu gọi chính phủ của mình tăng tốc khảo sát “mọi biện pháp có thể” và đi đến quyết định vào cuối năm nay.
Nguồn cung cấp điện là một ‘cuộc khủng hoảng sắp xảy ra’
Ông Kishida nói: “Để vượt qua cuộc khủng hoảng sắp xảy ra về nguồn cung điện, chúng ta phải thực hiện các bước tối đa để huy động tất cả các chính sách khả thi trong những năm tới và chuẩn bị cho bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào.”
Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Yasutoshi Nishimura cũng nói với các phóng viên rằng, “Điều tối quan trọng là phải có tất cả các lựa chọn để thiết kế lại nguồn cung cấp năng lượng ổn định cho đất nước chúng ta. Từ quan điểm đó, chúng tôi cũng sẽ xem xét tất cả các lựa chọn liên quan đến điện hạt nhân.”
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, Nhật Bản có 50 lò phản ứng hoạt động trước thảm họa hạt nhân Fukushima, nhưng 46 lò đã bị đình chỉ sau thảm họa này.
Trước đó, chính phủ đã nói rằng 9 lò phản ứng hạt nhân sẽ hoạt động lại vào mùa đông để đối phó với nhu cầu gia tăng. Những lò phản ứng này dự kiến sẽ cung cấp khoảng 10% tổng số năng lượng tiêu thụ.
Trong số 33 lò phản ứng còn hoạt động, 25 lò đã được Cơ quan An toàn Hạt nhân sàng lọc để kiểm tra độ an toàn và 17 lò trong số đó đã nhận được sự chấp thuận cho đến nay. Tuy nhiên, chỉ có 10 lò đã hoạt động lại sau khi có sự đồng ý của cộng đồng địa phương, 3 lò trong số đó hiện đang không hoạt động để chờ kiểm tra an toàn thường xuyên.
Thông báo hôm 24/08 cho thấy cổ phiếu của Tokyo Electric Power Co. tăng 10%; trong khi Mitsubishi Heavy Industries Ltd, công ty xây dựng lò phản ứng, tăng 6.9%; và Japan Steel Works Ltd. tăng 5.5%.