Nhân danh chống đại dịch, Trung Cộng tăng cường giám sát
Chính quyền Trung Cộng đã lợi dụng đại dịch hiện tại để tăng cường giám sát công dân, đặc biệt là việc chỉ đạo các cơ quan an ninh địa phương, tương tự như sở cảnh sát, làm việc chặt chẽ với các bệnh viện và các cơ sở y tế khác.
Dựa trên một số tài liệu bị rò rỉ mà The Epoch Times thu được và các thông báo của các quan chức Trung Cộng, cảnh sát có thẩm quyền thu thập dữ liệu về sức khỏe và theo dõi sự di chuyển của người dân trong khi thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus Trung Cộng, thường được gọi là virus corona mới.
Thu thập dữ liệu
Trong một tài liệu bị rò rỉ do Ủy ban y tế quận Đại Hưng của thành phố Bắc Kinh ban hành ngày 26/6, các nhà chức trách đã yêu cầu cảnh sát và các nhân viên y tế phối hợp chặt chẽ để “đi vào từng nhà và điều tra”.
Chiến dịch này được gọi là “các cơ quan an ninh kiểm soát và thu thập dữ liệu”, theo đó cảnh sát sẽ ghi âm lại các cuộc phỏng vấn với những người ở nhà. Các nhân viên y tế sau đó sẽ thu thập các mẫu sinh học, bao gồm cả mô cổ họng và máu từ “những người có nguy cơ cao” – những người đã từng đến chợ địa phương Tân Phát Địa (Xinfadi).
Vào giữa tháng 6/2020, thành phố Bắc Kinh trải qua một đợt lây lan dịch bệnh mới. Các nhà chức trách địa phương tuyên bố rằng chợ Tân Phát Địa là điểm bắt đầu bùng phát.
Trong một thông báo ngày 26/6, cơ quan y tế thành phố Bảo Định thuộc tỉnh Hà Bắc đã liệt kê các nhiệm vụ chính của các đội đặc biệt thuộc chính phủ, mới được thành lập để chống lại virus. Thông báo nêu rõ: “Nỗ lực thu thập dữ liệu đầy đủ, không nên lơ là.” Ngoài ra còn thêm rằng các nhà chức trách nên xác định “các đối tượng quan trọng” cần được xét nghiệm virus trong 3 ngày tới.
Việc thu thập dữ liệu lớn cũng liên quan đến việc sử dụng camera nhận diện khuôn mặt. Ví dụ như vào tháng 2/2020, cơ quan an ninh, hoặc cảnh sát, ở huyện Vấn Thượng (Wenshang) – thuộc tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc – đã thông báo trên tài khoản mạng xã hội WeChat rằng họ vừa hoàn thành nhiệm vụ nâng cấp hệ thống camera giám sát trong khu vực trong nỗ lực chống lại virus Trung Cộng.
Theo bài đăng trên WeChat, camera nhận diện khuôn mặt, có độ phân giải cao, đã được lắp đặt tại 3 bệnh viện công, 14 trung tâm y tế, và 30 siêu thị.
Cảnh sát Vấn Thượng đã yêu cầu những địa phương này “tăng cường nỗ lực của họ” để bảo đảm các camera luôn hoạt động có kết nối trực tuyến, vì chúng sẽ được sử dụng cho “các cuộc điều tra dịch tễ”.
Và ở Thượng Hải, theo một thông báo ngày 13/3/2020, cảnh sát đã yêu cầu các cơ sở y tế thành phố lắp đặt camera có khả năng phân biệt khuôn mặt ngay cả khi người dân đang che mặt. Cảnh sát cũng yêu cầu các cơ sở này mua một hệ thống có thể chuyển dữ liệu cho cảnh sát.
Các nhà chức trách Trung Cộng cũng áp dụng rộng rãi các ứng dụng mã sức khỏe để theo dõi sự di chuyển của người dân. Mã vạch chỉ nguy cơ nhiễm virus Trung Cộng của người dân được quét tại các trạm kiểm soát công cộng, hoặc trong một số trường hợp, tại lối vào khu chung cư.
Tại ít nhất một khu vực, ứng dụng mã sức khỏe đã được cảnh sát địa phương phát triển. Theo truyền thông nhà nước Trung Cộng, vào tháng 2/2020, cảnh sát ở Khố Luân Kỳ (Hure Banner), thuộc thành phố Thông Liêu ở Nội Mông, tuyên bố rằng họ đã nâng cấp thành công hệ thống ghi danh hiện dùng cho việc giám sát người dân ra vào khu vực sang hệ thống mã QR, có thể sử dụng tại tất cả các “cơ sở y tế” trong khu vực.
Bà Chou Kuan-ju – một viên chức dự án tại Hiệp hội Nhân quyền Đài Loan, một tổ chức phi chính phủ ở Đài Loan – cho rằng việc theo dõi chuyển động của người dân ở những nơi công cộng như vậy làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư. Bà Chou cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua email: “Phương pháp đó có cân đối, có tương ứng không? Họ có thu thập dữ liệu tối thiểu cần thiết để ngăn chặn đại dịch không…? Một khi các công cụ giám sát được xây dựng, ngăn chặn nó trong tương lai rất khó”.
Hợp tác chặt chẽ
Đại dịch cũng mở đường cho cảnh sát Trung Cộng hiện diện tại các cơ sở y tế.
Vào ngày 18/6/2020, Ủy ban y tế của chính quyền thành phố Bắc Kinh đã ban hành một văn bản yêu cầu mỗi trung tâm phòng chống dịch bệnh địa phương cử một nhân viên đến sở công an thành phố. Những nhân viên này phải ở chế độ chờ đợi thường trực 24 giờ một ngày. Ngoài ra, các trung tâm này phải báo cáo “thông tin cơ bản về tất cả các trường hợp lây nhiễm” cho cơ quan công an ngay lập tức.
Ủy ban y tế tuyên bố rằng các biện pháp này nhằm “tạo điều kiện trao đổi thông tin” cho nỗ lực truy tìm những người đã tiếp xúc với người bị nhiễm virus.
Hai thông báo công khai cũng cho thấy các đơn vị cảnh sát đã được huy động để kiểm soát xã hội chặt chẽ trong thời gian đại dịch.
Bệnh viện đa khoa Vận tải Sông Dương Tử ở Vũ Hán – nơi loại virus này xuất hiện lần đầu tiên – đã đưa ra một lá thư “cảm ơn” công khai cho cảnh sát địa phương hồi tháng 3/2020. Bệnh viện cảm ơn cảnh sát đã bố trí người đến trực tại bệnh viện 24 giờ một ngày, và “làm tốt công việc kiểm soát ổn định tư tưởng của bệnh nhân và gia đình của họ”.
Một tháng trước đó, vào ngày 15/2/2020, cảnh sát huyện Trường Bạch, ở tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc, đã tuyên bố trên tài khoản WeChat của mình rằng họ bố trí các sĩ quan của mình tại các bệnh viện của huyện 24 giờ một ngày, vì mục tiêu “duy trì sự ổn định bền vững”.
Cả hai thuật ngữ “ổn định tư tưởng” và “duy trì ổn định” đều là biệt ngữ của Trung Cộng dùng để chỉ sự kiểm soát người dân địa phương.
Ví dụ, thuật ngữ này được sử dụng trong các thông báo của chính quyền Tân Cương về việc tiêu diệt bất kỳ dấu hiệu phản đối hoặc bất đồng chính kiến nào của công chúng. Trung Cộng đã đàn áp nặng nề người dân địa phương Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác, bao gồm cả việc giam giữ khoảng 1 triệu người trong các trại tập trung.