Nhà soạn nhạc nổi tiếng giấu tiền trong bản nhạc để giúp đỡ người cha nghèo
Cha mẹ không đòi hỏi bất kỳ sự đền đáp công ơn dưỡng dục nào – tình yêu của họ là vô điều kiện. Vì vậy, nếu cha mẹ từ chối khoản tiền giúp đỡ từ bạn, bạn có thể tham khảo cách mà nhà soạn nhạc vĩ đại Johannes Brahms đã làm.
Có lẽ cái tên Johannes Brahms rất quen thuộc với chúng ta.
Ông Brahms là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất trong thời kỳ Lãng mạn (cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19). Ông là một trong ba nhà soạn nhạc vĩ đại có tên bắt đầu bằng chữ cái “B”, bao gồm Beethoven và Bach.
Tuy nhiên, trong cuộc hành trình với âm nhạc, sự nổi tiếng không đến với ông trong một sớm một chiều. Ông Johannes Brahms sinh ra tại Hamburg ngày 07/05/1833; cha ông là Johann Jakob Brahms và mẹ ông là Christiane Nissen. Cậu bé Johannes và các anh chị em của mình lớn lên trong gia cảnh nghèo khó.
Cha của ông Brahms là một nhạc sĩ; ông đã dạy con mình cách chơi piano và violin. Ngay từ khi còn nhỏ, ông Brahms đã thể hiện là một nhà soạn nhạc đầy tiềm năng. Năm 6 tuổi, ông bắt đầu sáng tác các bản nhạc theo phong cách của riêng mình.
Vì gia đình gặp khó khăn về tài chính, ông Brahms đã chơi piano tại các nhà hàng và dạy nhạc để kiếm thêm thu nhập. Nhiều năm sau, tài năng của ông mới được công nhận. Lúc đó, cuộc sống của ông bắt đầu dư dả.
Thành công đem đến cho ông sự giàu có, và ông Brahms sớm thấy mình có nhiều tiền để nuôi gia đình. Tuy nhiên, cha Johann Jakob của ông là một người rất tự trọng và kiêu hãnh; ông không muốn nhận bất kỳ khoản viện trợ nào từ con trai.
Điều đó không ngăn cản Brahms gửi tiền cho cha mẹ để chi tiêu; ông luôn hy vọng cha sẽ dùng nó.
Vào tháng 08/1864, ông viết: “Xin đừng tiết kiệm tiền con đã đưa cho cha; con không cần chúng cho tới sang năm.”
Năm sau, mẹ ông qua đời vào ngày 31/01; sự kiện này trở thành yếu tố khiến ông Brahms hoàn thành một trong những kiệt tác vĩ đại nhất của mình, Ein Deutsches Requiem – một sáng tác về “tình yêu, sự mất mát và niềm an ủi”.
Mặc dù lúc bấy giờ ông Brahms đã khá giả về tài chính, ông vẫn sống thanh đạm và không bao giờ ngần ngại giúp đỡ bạn bè và gia đình, đương nhiên là ông duy trì việc gửi tiền cho cha Johann Jakob.
“Thật làm con vui biết mấy nếu cha dùng chúng cho những việc thật sự vô dụng và những thú vui giải trí… Hãy viết thư cho con và kể con nghe chúng hết nhanh thế nào!” ông đã viết cho cha mình vào tháng 03/1867.
Nhưng ông Johann Jakob chưa bao giờ tiêu tiền theo cách mà ông Brahms muốn; tính cách của người cha ông vẫn không thay đổi. Ông Brahms biết mình cần phải khéo léo hơn trong cách giúp đỡ cha mình.
Ông Brahms đã đưa cho cha bản nhạc Saul của George Frideric Handel và dặn ông hãy nghiên cứu nó nếu ông gặp rắc rối. Hóa ra, ông Brahms đã giấu tiền bên trong các bản nhạc. Dù vậy, việc cha ông có sử dụng nó hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.
Không có gì sai trái nếu muốn đền đáp tình yêu và công nuôi dưỡng của cha mẹ, chỉ là một số cha mẹ cảm thấy khó khăn khi nhận sự giúp đỡ từ con vì họ thường cho rằng họ mới là người chăm sóc con. Nếu đúng như vậy, bạn chỉ cần nhớ rằng ông Brahms không bao giờ ngừng nỗ lực để báo hiếu với cha, ngay cả khi cha ông không mong đợi điều đó.