Nhà nghiên cứu NASA nhận tội che giấu mối liên hệ với Trung Quốc
Hôm 13/01, Bộ Tư pháp thông báo rằng một nhà khoa học cao cấp của NASA đã nhận tội khai man về mối liên hệ của ông ta với một chương trình do Trung Quốc hậu thuẫn – nhằm thu hút nhân tài từ phương Tây và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho Trung Quốc.
Ông Meyya Meyyappan, 66 tuổi, gia nhập NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ) vào năm 1996. Kể từ năm 2006, ông đã là nhà khoa học chính về công nghệ thăm dò tại Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA ở thung lũng Silicon của California.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, ông Meyyappan bị buộc tội với tội danh khai man và có thể phải đối mặt với án tù tối đa 5 năm và bị phạt tiền lên đến 250,000 USD nếu bị kết án. Phiên tòa xét xử dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 16/06.
Các công tố viên nói rằng ông Meyyappan đã tham gia vào Kế hoạch Ngàn nhân tài (Thousand Talents Program) do Trung Quốc khởi xướng và giữ các vị trí giáo sư tại các trường đại học ở Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật Bản mà NASA không hề hay biết. Theo báo cáo của truyền thông nhà nước Trung Quốc, chương trình Ngàn nhân tài này đã tuyển dụng hàng nghìn chuyên gia trên toàn cầu kể từ khi nó được thành lập vào năm 2008.
NASA cấm “bất kỳ hoạt động làm việc ở bên ngoài nào” mà không có sự chấp thuận, bao gồm cả việc tham gia với tư cách là một diễn giả hoặc giáo viên – công tố viên Hoa Kỳ Audrey Strauss nói trong đơn kiện. Là một nhân viên của NASA, ông Meyyappan cũng được yêu cầu hàng năm phải báo cáo bất kỳ khoản thu nhập bổ sung nào vượt quá 5,000 USD, các quà tặng, và các khoản tiền bồi hoàn cho chi phí đi lại.
Ông Meyyappan đã không tiết lộ những hoạt động này cho NASA. Theo các công tố viên, khoảng năm 2016, ông ta đã ghi danh và được nhận vào Kế hoạch Ngàn nhân tài, mà qua đó ông ta đã đến Trung Quốc và giới thiệu các ứng viên khác cho chương trình này. Đầu năm 2014, ông ta đã làm việc với tư cách là giáo sư thỉnh giảng tại một trường đại học nghiên cứu ở Trung Quốc, giảng bài, viết các bài nghiên cứu, và nhận thù lao cho các chuyến đi của mình. Ông ta cũng bắt đầu tham gia các hoạt động tương tự tại một trường đại học ở Hàn Quốc từ năm 2009, và tại một trường đại học ở Nhật Bản từ năm 2013.
Khi bị các nhà điều tra liên bang thẩm vấn hồi tháng 10/2020, ông Meyyappan đã phủ nhận tư cách thành viên trong Kế hoạch Ngàn Nhân tài và công việc ở Trung Quốc của ông ta.
Trợ lý Giám đốc FBI William Sweeney Jr. cho biết, “Thành viên của các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ bị nghiêm cấm duy trì các mối liên hệ bí mật với các tổ chức nước ngoài, đặc biệt là những tổ chức đang tích cực tìm kiếm tài sản trí tuệ và các tiến bộ công nghệ của chúng ta. Những hành động như những gì mà ông Meyyappan đã được thực hiện có thể có quan hệ mật thiết đến bảo mật, và các tội danh của ông ta nên được coi như một lời cảnh báo cho những ai khác đang nghĩ về việc tham gia vào cùng loại hoạt động đó.”
Mặc dù đơn kiện của tòa án không nêu tên các trường đại học cụ thể, nhưng hồ sơ công khai cho thấy ông Meyyappan đã nhiều lần xuất hiện làm diễn giả ở thành phố Tô Châu, phía đông nam Trung Quốc.
Ông ta đã có một bài phát biểu chuyên đề với tư cách là chuyên gia công nghệ nano tại Hội nghị và Triển lãm CHInano 2016 ở Tô Châu, một sự kiện nhằm mục đích “chia sẻ những thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất, thông tin tiên tiến và các xu hướng phát triển,” theo trang web của sự kiện này.
Ông Meyyappan một lần nữa được vinh danh là “khách mời nổi tiếng” vào năm 2020 trong cùng hội nghị đó – được tổ chức hàng năm theo chỉ thị của các cơ quan do chính phủ Trung Quốc tài trợ.
Ông Meyyappan cũng đã có một bài thuyết trình về các ứng dụng của công nghệ nano vào tháng 05/2014 tại Viện Khoa học và Công nghệ Nano của Đại học Tô Châu. Tên của nhà nghiên cứu này cũng đã xuất hiện trong nhiều bài báo khoa học, trong đó ông ta là đồng tác giả với các học giả thỉnh giảng tại Đại học Tô Châu.
Ông ta cũng được liệt kê là “giáo sư thỉnh giảng xuất sắc” tại bộ phận hội tụ số của Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang, một trường đại học tư nhân hàng đầu ở Hàn Quốc.