Nhà hoạt động Hồng Kông Joshua Wong bị kết án 13.5 tháng tù
Các nhà hoạt động Agnes Chow và Ivan Lam cũng bị kết án nhiều tháng tù
*****
Hôm 02/12, nhà hoạt động nổi tiếng người Hồng Kông Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) và hai đồng sự lâu năm đã bị kết án tù vì vai trò của họ trong một cuộc biểu tình diễn ra trước trụ sở cảnh sát của thành phố vào năm 2019.
Anh Wong, 24 tuổi, đã bị tòa tuyên án 13.5 tháng tù sau phiên tòa tại Tòa sơ thẩm Tây Cửu Long. Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Agnes Chow, 23 tuổi và Ivan Lam, 26 tuổi, lần lượt nhận án tù 10 tháng và 7 tháng.
Phán quyết này cũng được đưa ra trong bối cảnh chính quyền do Bắc Kinh hậu thuẫn đang tăng cường đàn áp các nhân vật đối lập ở Hồng Kông. Nhiều nhà lập pháp, nhà hoạt động và nhà báo đã bị bắt giữ.
Sau khi bản án được tuyên bố, anh Wong, trong trang phục áo len đen và đeo khẩu trang y tế, đã hô to lên rằng, “Tôi biết những ngày sắp tới sẽ cam go hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh ở đó.”
Cả ba đều nhận tội “xúi giục người khác tham gia tụ họp trái phép” vào ngày 21/6/2019. Anh Wong cũng phải nhận thêm tội “tổ chức tụ họp trái phép”, trong khi cô Chow nhận tội “tham gia tụ họp trái phép.”
Trong cuộc biểu tình năm 2019, hàng nghìn người biểu tình đã bao vây trụ sở cảnh sát ở quận Wan Chai, chặn các con đường gần đó và lối vào tòa nhà. Họ tụ tập để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa người dân Hồng Kông sang Trung Quốc đại lục để xét xử. Kể từ đó, dự luật dẫn độ đã bị bãi bỏ.
Khi những người biểu tình tụ tập, anh Wong đã dẫn đầu họ trong tiếng hô vang.
Bản án
Với tội danh tổ chức tụ họp trái pháp luật, anh Wong bị tuyên phạt 15 tháng tù giam. Trong khi đó, cô Chow bị kết án 12 tháng vì tham gia biểu tình. Tòa án cuối cùng đã giảm án vì họ đã nhận tội, phán quyết nêu rõ, bổ sung thêm rằng việc đình chỉ bản án của ba bị cáo là “không phù hợp”.
“Vì vụ án hiện tại liên quan đến vi phạm trật tự và an toàn công cộng cũng như đe dọa đến an toàn cá nhân của người dân, nên các bản án có tính chất răn đe là cần thiết để bảo vệ lợi ích công cộng, tính mạng và tài sản của người dân … Hình phạt tù có hiệu lực ngay lập tức là phương án phù hợp nhất,” tòa án phán quyết.
Nhiều người ủng hộ đã có mặt bên ngoài tòa án hôm 02/12 để động viên ba nhà hoạt động. Một số khẩu hiệu được hô vang như “đổ thêm dầu,” có nghĩa là “tiếp tục” bằng tiếng Trung Quốc. Một số người đã giơ những tờ báo có những từ như “Hãy thả tự do cho Agnes Chow.” Nhiều người giơ năm ngón tay trong bàn tay này và một ngón trong bàn tay kia, một cử chỉ ám chỉ khẩu hiệu phổ biến của người biểu tình “năm yêu cầu, ít hơn một điều cũng không được,” nhằm kêu gọi nhiều quyền tự do dân chủ hơn ở [mảnh đất] từng là thuộc địa của Anh.
Nhà hoạt động Alexandra Wong, người thường xuyên vẫy cờ Anh khi xuất hiện tại các cuộc biểu tình quần chúng năm 2019, đã giơ một chiếc ô màu vàng và một biểu ngữ có nội dung “truy tố vô căn cứ, [chính phủ] đang tạo ra khủng bố trắng.”
Bà đã mất tích vào mùa hè năm ngoái và xuất hiện trở lại vào mùa thu năm nay, tiết lộ rằng bà đã bị giam giữ ở Trung Quốc đại lục vì những hoạt động tích cực của mình.
Quốc tế lên án
Các quan chức và các tổ chức nhân quyền trên khắp thế giới đã nhanh chóng lên án phán quyết này.
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đã gọi bản án là “kinh hoàng” và là một “bằng chứng rõ ràng rằng Bắc Kinh sẽ không từ một thủ đoạn nào để dập tắt những người bất đồng chính kiến.”
Trong khi đó, Yamini Mishra, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết trong một tuyên bố: “Bằng cách nhắm vào các nhà hoạt động nổi tiếng trong phong trào biểu tình phần lớn không có người lãnh đạo ở Hồng Kông, các nhà chức trách đang gửi lời cảnh báo tới bất kỳ ai dám công khai chỉ trích chính quyền rằng họ có thể sẽ là người kế tiếp.”
Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (IPAC), một liên minh toàn cầu của các nhà lập pháp, đã kêu gọi hành động khẩn cấp để buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm.
“Các hình phạt được đưa ra là bất hợp pháp và hoàn toàn không tương xứng với các hành động mà chính quyền Hồng Kông cho là phạm tội,” IPAC tuyên bố.
IPAC nói thêm rằng bản án “đã chế giễu chế độ pháp quyền của Hồng Kông” và thể hiện sự xói mòn của Trung Cộng đối với các quyền tự do đã được bảo đảm trong hiến pháp riêng của thành phố, Luật cơ bản Hồng Kông và Tuyên bố chung Trung-Anh.
Trung Cộng và Vương quốc Anh đã ký hiệp ước vào năm 1984 để mở đường cho việc chuyển giao chủ quyền lãnh thổ Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997.
Theo hiệp ước, Trung Cộng cam kết rằng trong ít nhất 50 năm kể từ năm 1997, người dân Hồng Kông sẽ được hưởng quyền tự chủ và tự do mà những người dân Trung Quốc đại lục không có được, theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ.”
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng lên án phán quyết trong một tuyên bố. Ông kêu gọi “chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh chấm dứt chiến dịch trấn áp phe đối lập của họ.”
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Alton của Liverpool, nhà lập pháp và là người bảo trợ cho tổ chức phi chính phủ Hồng Kông Watch của Anh, nói rằng bản án là “một ví dụ về chủ nghĩa độc tài tàn bạo mà Trung Cộng đã áp đặt lên Hồng Kông.”
Reuters và ấn bản Hồng Kông của The Epoch Times đã đóng góp vào bản tin này.