Nhà đầu tư sẽ giảm giá cổ phiếu các công ty Trung Quốc bị NYSE hủy niêm yết?
Xu hướng các công ty Trung Quốc rời sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ có thể sẽ tăng nhanh sau khi Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) công bố kế hoạch hủy giao dịch của ba công ty viễn thông Trung Quốc là China Mobile, China Telecom Corp. và China Unicom. Các công ty này đều thuộc sở hữu nhà nước.
Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) – nhà sản xuất vi mạch bán dẫn lớn của Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải – cũng bị buộc phải rời khỏi OTCQX, thị trường chứng khoán phi tập trung của Hoa Kỳ vào đầu tháng 01/2021. SMIC cũng thuộc sở hữu nhà nước [Trung Cộng] một phần.
Việc niêm yết của các công ty Trung Quốc đang đối mặt với một tương lai bấp bênh sau khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua “Đạo luật về trách nhiệm của các công ty nước ngoài” vào cuối năm 2020. Đạo luật yêu cầu các công ty niêm yết trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ phải khai báo nếu họ thuộc sở hữu hoặc được kiểm soát bởi chính phủ nước ngoài. Ngoài ra, các công ty có thể bị hủy niêm yết nếu họ không tuân thủ các cuộc kiểm toán của Ban Giám sát Kế toán Công của Hoa Kỳ trong ba năm liên tiếp.
Sau dự luật, Tổng thống Donald Trump đã ban hành sắc lệnh vào tháng 11/2020 để cấm công dân Hoa Kỳ đầu tư vào danh sách các công ty bị nghi ngờ có liên hệ với quân đội Trung Cộng. Các công ty con của China Mobile, China Telecom và China Unicom đều có tên trong danh sách.
Những biện pháp này khiến các công ty Trung Quốc khó huy động vốn cổ phần tại Hoa Kỳ.
Ba công ty viễn thông và SMIC đã coi nhẹ tác động của việc bị Hoa Kỳ hủy niêm yết, tuyên bố rằng các nhà đầu tư Hoa Kỳ chỉ chiếm phần nhỏ trong số các nhà đầu tư của họ. SMIC cũng được niêm yết trên sàn giao dịch Hồng Kông và STAR của Thượng Hải, việc niêm yết trên STAR là kết quả của một đợt phát hành ra công chúng (IPO) hồi tháng 7/2020.
Khoản đầu tư gần 3 tỷ USD
Mặc dù các công ty Trung Quốc có thể xem nhẹ tỷ trọng vốn của các cổ đông Hoa Kỳ trong tổng số vốn đầu tư, nhưng số tiền các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đổ vào các công ty bị hủy niêm yết không phải là ít.
Dựa trên hồ sơ của SEC được The Epoch Times phân tích, tính vào ngày 30/9/2020, khoản đầu tư từ Hoa Kỳ là vào khoảng 2.6 tỷ USD đối với bốn công ty bị gạch tên khỏi các sàn giao dịch của Hoa Kỳ nói trên. Trong số đó, China Mobile chiếm khoản 2.3 tỷ USD thông qua cổ phiếu niêm yết trên sàn NYSE, mà phần lớn trong số đó – gần 1.7 tỷ USD – đến từ các nhà quản lý đầu tư và cố vấn tài chính thông qua các quỹ mà họ đã bán cho khách hàng của mình. Các quỹ đầu cơ và ngân hàng cũng nắm giữ một lượng cổ phần đáng kể.
China Unicom có số vốn đầu tư từ Hoa Kỳ trị giá 228.6 triệu USD thông qua các chứng khoán niêm yết khác nhau tại Hoa Kỳ. China Telecom đứng thứ ba, với 87.8 triệu USD cổ phiếu niêm yết trên NYSE do các nhà đầu tư nắm giữ. SMIC chỉ có một số lượng cổ phần nhỏ do các nhà đầu tư Hoa Kỳ nắm giữ.
Mặc dù việc hủy niêm yết số cổ phiếu này khỏi các sàn giao dịch của Hoa Kỳ không ngăn cản các nhà đầu tư tổ chức mua cổ phiếu, nhưng đối với các nhà đầu tư cá nhân, việc mua cổ phiếu trực tiếp trong tương lai sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.
Nhà đầu tư có nên thoái vốn?
NYSE ban đầu công bố kế hoạch hủy niêm yết ba đại công ty viễn thông Trung Quốc vào ngày 31/12/2020. Vào ngày 04/01, sàn giao dịch bất ngờ đổi ý, tuyên bố rằng họ sẽ không hủy niêm yết các công ty này. Sau đó hai ngày – sau cuộc thảo luận với Bộ Tài chính Hoa Kỳ – NYSE lại thay đổi quyết định và cho biết sau cùng họ sẽ vẫn tiến hành việc hủy niêm yết.
Cổ phiếu của ba công ty này đã giảm sau thông báo ban đầu và trải qua nhiều biến động trong suốt đầu tháng 01/2021.
Bất kể quyết định cuối cùng của NYSE về việc hủy niêm yết các công ty Trung Quốc có thế nào đi chăng nữa, rõ ràng là trong suốt giai đoạn biến động này, việc nắm giữ cổ phần của các công ty Trung Quốc giao dịch tại Hoa Kỳ là một rủi ro đối với các nhà đầu tư.
Có hơn 200 công ty Trung Quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ. Một số thậm chí còn tổ chức các đợt IPO lớn vào năm 2020. Hầu hết trong số đó không thuộc sở hữu nhà nước, nhưng vẫn đối mặt với nguy cơ rõ ràng về việc bị hủy niêm yết do khả năng lệch với tiêu chuẩn kiểm toán của Hoa Kỳ. Có khả năng các cơ quan quản lý Hoa Kỳ sẽ đạt được thỏa thuận với các cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc để chia sẻ tài liệu kiểm toán, nhưng chưa có thỏa thuận nào sắp đạt được.
Những nhà đầu tư, vốn hy vọng rằng chính phủ ông Joe Biden và Quốc hội do Đảng Dân Chủ lãnh đạo sẽ hủy bỏ luật hạn chế cổ phiếu Trung Quốc gần đây, có thể sẽ bị thất vọng.
“Đạo luật về trách nhiệm của các công ty nước ngoài” nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng và sự đồng thuận cao trong Quốc hội. Bên cạnh đó, không chắc ông Biden sẽ đảo ngược sắc lệnh của TT Trump, vì có sự ủng hộ của lưỡng đảng trong việc buộc Trung Cộng phải có trách nhiệm.